Cuộc biểu tình chống TQ ở Sài Gòn hôm 10/5 đã diễn ra 'bình ổn' theo tác giả.
Nghe lan truyền thông tin 7h30 thứ bảy 10/5 sẽ biểu tình trước Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP Hồ Chí Minh, chống việc Trung Quốc cắm giàn khoan bậy vào biển Việt Nam, tôi quyết định tham gia.
Chưa đến 7h sáng tôi đã ra đường. Khác với mọi ngày, hôm nay đường Hai Bà Trưng đoạn qua Lãnh sự quán Trung Quốc rất thông thoáng, hầu như không có xe bán hàng rong nào. Sáng sớm cuối tuần, người qua lại thưa thớt nhưng tất cả các ngã tư xung quanh Lãnh sự quán, chốt nào cũng có đến ba bốn cảnh sát cùng xe cơ động đứng sẵn, đông hơn gấp ba gấp bốn ngày thường. Lực lượng trật tự đô thị mặc đồng phục màu xanh biển nhạt cũng đứng ngồi rải rác rất đông, suốt từ ngã tư Võ Thị Sáu đến Lê Duẩn cũng khoảng vài chục người. Có khoảng bốn năm chiếc xe nhỏ mang theo bình chữa cháy. Tất cả đều mang theo bộ đàm.
"Tôi bực tức. Nhân dân xuống đường biểu thị tinh thần đoàn kết và cất tiếng nói phản đối việc Trung Quốc xâm phạm trắng trợn lãnh thổ của Việt Nam, tại sao lại ngăn cản?"
Các bài liên quan
Chủ đề liên quan
Trước giờ ấn định nửa tiếng, con đường vẫn vắng ngắt, không có dấu hiệu nào của cuộc xuống đường tuần hành. Chỉ vài người đeo ba lô ngồi uống nước dọc lề đường. Tôi đi dạo suốt con đường Hai Bà Trưng rồi quay lại, cũng chọn một xe giải khát nhỏ phía lề đường xéo góc Lãnh sự quán, ngồi chờ.
Tôi không có liên lạc nào với bất cứ ai trong ban tổ chức nên chỉ đi một mình. Cạnh tôi cũng có một thanh niên đeo tai nghe nhạc và hai người đàn ông trung niên mặc thường phục. Qua câu chuyện của họ, tôi biết hai anh là "người Nhà nước", có nhiệm vụ giữ an ninh cuộc xuống đường này. Chúng tôi cùng ngồi bình tĩnh uống nước. Khoảng nửa tiếng sau, có một nhóm nhỏ đi tới. Tôi nhận ra một số gương mặt quen thuộc trên mạng xã hội- họ là người tổ chức. Chúng tôi nhập bọn. Tuy nhiên cuộc xuống đường chưa thể thực hiện vì người tổ chức nói trước đó biểu ngữ và cờ đã bị tịch thu khi vác đi vào khu vực tuần hành. Tôi bực tức. Nhân dân xuống đường biểu thị tinh thần đoàn kết và cất tiếng nói phản đối việc Trung Quốc xâm phạm trắng trợn lãnh thổ của Việt Nam, tại sao lại ngăn cản?
'Nối vòng tay lớn'
Khoảng 'hai trăm' người tham gia cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc.
Đối diện Lãnh sự quán Trung Quốc là Ngân hàng quân đội có sân rộng, ban đầu chúng tôi đứng đó nhưng có các anh mặc thường phục đi vào nói nhỏ sang bên đường đứng giùm vì đây là sân của ngân hàng, đừng cản trở họ hoạt động. Các anh trật tự đô thị cũng tới đề nghị các nhóm đông đông người tách ra giùm. Vậy là chúng tôi đi sang đường, cách đó vài mét, đứng ở ngã tư Nguyễn Văn Thủ xéo góc với Lãnh sự quán, chờ người đi mua cờ và in lại biểu ngữ. Khoảng trên 100 người, trong đó có những gương mặt quen thuộc trên Face book như nhà báo, doanh nhân, người làm truyền thông, sinh viên, tiểu thương, đủ nghề nghiệp... tụ thành các nhóm nhỏ đứng rải rác gần đó, suốt con đường nhỏ Nguyễn Văn Thủ và vẫn có người đang đến thêm.
"Tôi ước tính khoảng gần 200 người. Trong các nhà báo chụp hình quay phim cảnh tuần hành, tôi nhận ra gương mặt quen thuộc của (phóng viên) báo Nông nghiệp Việt Nam và nhiều báo khác. Máy ảnh chuyên nghiệp và điện thoại các loại thi nhau chụp."
Khoảng 8h30, nhóm chúng tôi bắt đầu vỗ tay thu hút chú ý và hát quốc ca. Nửa tiếng sau, cờ và biểu ngữ các loại đã in xong. Biểu ngữ viết bằng ba thứ tiếng Việt, Hoa và Anh, yêu cầu Trung Quốc kéo dàn khoan khỏi biển Việt Nam, đề nghị sát cánh với Nhà nước chống việc làm này... Chúng tôi bắt đầu giương cờ, biểu ngữ và tuần hành trật tự trên lề đường đối diện Lãnh sự quán. Lúc này tôi không thấy ai ngăn cản. Các nhóm nhập làm một vừa bước đi thong thả vừa hô khẩu hiệu.
Tôi ước tính khoảng gần 200 người. Trong các nhà báo chụp hình quay phim cảnh tuần hành, tôi nhận ra gương mặt quen thuộc của (phóng viên) báo Nông nghiệp Việt Nam và nhiều báo khác. Máy ảnh chuyên nghiệp và điện thoại các loại thi nhau chụp.
Đoàn tuần hành dừng lại trên lề đường đối diện Lãnh sự quán Trung Quốc, hát quốc ca, Nối vòng tay lớn, Lên đàng và hô các khẩu hiệu yêu cầu Trung Quốc rút dàn khoan về nước. Các anh cảnh sát yên lặng giữ trật tự trên đường để dòng người lưu thông trên đường Hai Bà Trưng không bị tắc nghẽn. Trước kia tôi nghe nói đi biểu tình sẽ bị chen lấn, xô đẩy, thậm chí bị bắt. Nhưng bây giờ không có ai chen lấn, xô đẩy. Có một anh cao to mặc áo tím (tôi đoán là nhân viên an ninh do luôn đứng ra liên lạc với những người khác và hướng dẫn đoàn tuần hành không đi xuống lề đường vân vân ) len vào cầm cờ, hát, vỗ tay, hô khẩu hiệu cùng, khi giải tán còn bắt tay ôm hôn. Qua cách xử sự, tôi đoán là nhân viên an ninh khá đông nhưng mọi người đều trật tự, ôn hòa, việc ai nấy làm. Mọi người mỉm cười cùng nhau. Đoàn tuần hành đứng đối diện Lãnh sự quán Trung Quốc khoảng nửa tiếng, rồi di chuyển lên xuống hai bên khoảng gần trăm mét và trở lại đứng đối diện vẫy cờ, hát quốc ca, hô khẩu hiệu, khoảng ba lần như thế.
'Có gì đâu mà sợ?'
'Biểu tình yêu nước' không thuộc 'sở hữu cá nhân' của bất cứ ai, theo tác giả.
Cánh cổng lớn của Lãnh sự quán Trung Quốc vẫn đóng nhưng khi đoàn tuần hành bắt đầu di chuyển, trên lầu có người mở cửa ra và chụp hình xuống đoàn tuần hành. Bình - một cô gái khoảng 30 tuổi, chủ quán hải sản mà tôi mới vừa kịp làm quen, nói hôm qua nghe các anh trật tự đô thị quen biết ngồi uống nước bảo hôm nay sẽ có biểu tình yêu cầu Trung Quốc rút dàn khoan nên dậy từ sáng sớm tham gia. "Mình nói mình phản đối (việc Trung Quốc cắm dàn khoan vào biển Việt Nam, là quyền của mình, có gì đâu mà sợ' -Bình nói.
Đây là lần đầu tiên Bình tham gia xuống đường tuần hành, cũng như tôi. Có một số người đã tham gia xuống đường đến 11 lần, phản đối Trung Quốc lấn chiếm Trường Sa-Hoàng Sa, cắt cáp ở biển Đông.. vân vân, một số người tham gia vài lần. Số tham gia lần đầu đông hơn cả.
Đến khoảng 9h30, ngân hàng đối diện Lãnh sự quán cũng đóng cửa luôn. Đoàn tuần hành đi khá thoải mái.
"Tôi thì không nghĩ vậy. Làm gì có cuộc biểu tình, xuống đường nào là sở hữu của cá nhân? Nếu chỉ để cất lên tiếng nói đúng đắn của mình, thể hiện thái độ đúng đắn của mình trong các vấn đề xã hội thì tại sao người Việt ta lại vẫn nhỏ hẹp trong cách nghĩ như thế? Nếu vậy thì tinh thần đoàn kết- sức mạnh mà chúng ta vẫn kêu gọi hô hào, thực sự là ở đâu?"
Tôi cười và hỏi nhỏ một nhân viên an ninh trung niên, giọng Nam Bộ rặc rất dễ thương (vẫn đoán): "Anh đi với tụi em nha". Anh cười: "Thông cảm, tụi này phải bảo vệ Lãnh sự quán an toàn, cái này là quy định quốc tế rồi. Đứng ở đây đông có chuyện gì thì khó... Mọi người vô công viên đi, ở đó thoải mái hơn, muốn hô thì hô, muốn chửi thì chửi". "Anh chửi hông?". Anh lại cười, quay mặt đi rồi nói nhỏ: "Thì... ai cũng vậy mà!"
Tuy nhiên, khoảng 10h, nhân viên trật tự đô thị bắt đầu dàn hàng ngang đi từ phía cuối đoàn tuần hành lên, không cho đứng đối diện Lãnh sự quán Trung Quốc nữa. Thấy mục đích cuộc xuống đường cũng đã đạt được, đoàn tuần hành chào nhau và giải tán.
Ngày mai, chủ nhật 11/5, theo thông tin sẽ có hai cuộc xuống đường tuần hành nữa, một ở trước trụ sở Uỷ Ban Nhân đân TP. Hồ Chí Minh, một ở trước Nhà văn hóa Thanh Niên. Một vài người cho biết sẽ không tham gia các cuộc "biểu tình quốc doanh" và "biểu tình của ông Tương Lai" (giáo sư Tương Lai, một trí thức có tiếng). Tôi thì không nghĩ vậy. Làm gì có cuộc biểu tình, xuống đường nào là sở hữu của cá nhân? Nếu chỉ để cất lên tiếng nói đúng đắn của mình, thể hiện thái độ đúng đắn của mình trong các vấn đề xã hội thì tại sao người Việt ta lại vẫn nhỏ hẹp trong cách nghĩ như thế? Nếu vậy thì tinh thần đoàn kết- sức mạnh mà chúng ta vẫn kêu gọi hô hào, thực sự là ở đâu?
Tôi đã tham gia một cuộc xuống đường phản đối việc làm phi pháp của Trung Quốc. Tôi sẽ tham gia nữa nếu những cuộc xuống đường ấy diễn ra ôn hòa, trật tự, không quá khích và giúp tôi thể hiện thái độ công dân của mình. Bình thường mà!
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và văn phong của tác giả, một nhà báo tự do, đang sinh sống ở Sài Gòn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét