Mấy ngày vừa qua, hộp thư riêng của tôi, trên email cũng như trên facebook, ngập đầy những tin nhắn từ bạn bè trong nước. Tất cả đều tập trung vào một câu hỏi: Nên hay không nên tham gia vào các cuộc biểu tình chống Trung Quốc do nhà nước (ngấm ngầm) tổ chức vào cuối tuần này?
Trừ với vài người bạn thật thân, tôi không trả lời ai cả. Một phần vì bận, nhưng phần khác, quan trọng hơn, tôi không muốn vượt qua khỏi giới hạn mình tự đặt ra cho chính mình: với chính trị, chỉ làm một người phân tích, kẻ chỉ làm việc với sự kiện và lý thuyết. Từ các sự phân tích ấy, nên hành động thế nào là vấn đề khác, thuộc phạm trù khác, nằm trong nhiệm vụ của những người khác: các nhà hoạt động (activist).
Ở đây, tôi chỉ xin góp ý từ góc độ lý thuyết chung.
Câu hỏi trên, thật ra, bao gồm hai phần:
Thứ nhất, nên tham gia biểu tình chống Trung Quốc hay không?
Thứ hai, nên tham gia biểu tình chống Trung Quốc do nhà nước tổ chức hay giật dây hay không?
Với câu hỏi thứ nhất, câu trả lời rất dễ, hầu như ai cũng thấy và cũng đồng ý: NÊN.
Có bốn lý do chính:
Một, đó là cơ hội tốt nhất để người dân thể hiện quan điểm chính trị của mình, tự thực hành những cái quyền căn bản mà mình có, và được thế giới, ít nhất là thế giới văn minh, công nhận: quyền phát biểu.
Hai, đó cũng là cơ hội tốt nhất để tập hợp lực lượng của những người có cùng một quan điểm, từ đó, dần dần hình thành nên các phong trào liên quan đến xã hội dân sự (civil society), điều Việt Nam đang rất thiếu và cũng rất cần để làm tiền đề cho một nền dân chủ thực sự về sau.
Ba, bằng các cuộc biểu tình, đánh động dư luận trong cũng như ngoài nước về sự có mặt của những người tha thiết với dân chủ và độc lập, cũng như góp phần thức tỉnh đồng bào về những hiểm họa đến từ Trung Quốc.
Bốn, gửi một thông điệp đến chính phủ là họ không đồng ý với các chính sách ve vuốt hay nhịn nhục Trung Quốc một cách thái quá.
Với câu hỏi thứ hai, việc tham gia các cuộc biểu tình do nhà nước tổ chức (hoặc giật dây), trên nguyên tắc, không thành vấn đề, nếu nhà nước ấy không phải là những kẻ:
Một, đã từng đàn áp dã man những người biểu tình chống Trung Quốc trước đây. Nhiều người, cho đến nay, vẫn còn bị cầm tù vì lý do ấy.
Hai, đã từng bôi nhọ những người biểu tình chống Trung Quốc là tay sai của ngoại bang trong những âm mưu chính trị chống chế độ, hơn nữa, chống tổ quốc.
Ba, luôn luôn ra rả tuyên truyền cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc, xem Trung Quốc như một người bạn tốt, một đồng chí tốt, hơn nữa, như một bậc thầy trong việc thiết kế các mô hình chính trị, kinh tế và xã hội mà Việt Nam tự nguyện đóng vai trò một người học trò nhỏ, cắm cúi học tập và bắt chước một cách mù quáng.
Chính ba sự kiện trên làm cho nhiều người phân vân.
Tham gia biểu tình do một nhà nước như thế tổ chức hoặc dây dễ gợi lên cảm giác: Một, mình bị lừa phỉnh; hai, mình công nhận tính chính đảng của chế độ; và ba, phản bội lại những người bạn đã từng bị đánh đập hoặc hiện vẫn còn nằm trong nhà tù; hơn nữa, còn phản bội lý tưởng kép mình tự đặt cho mình: vừa chống Trung Quốc vừa đòi hỏi dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.
Ở đây, từ quan điểm thực tế luận (realism), có một điểm cần lưu ý: Giữa nhà nướcViệt Nam hiện đang tổ chức hoặc giật dây các cuộc biểu tình chống Trung Quốc vào cuối tuần này, có một số sự khác biệt khá lớn:
Một, khác với trước, họ mặc nhiên thừa nhận là họ không thể bất cần dân chúng được nữa. Họ cần sự lên tiếng của quần chúng. Sự lên tiếng ấy được xem là một sự hậu thuẫn để họ mạnh mẽ hơn khi đối thoại với Trung Quốc.
Hai, họ mặc nhiên thừa nhận, việc bày tỏ thái độ của quần chúng trước các âm mưu xâm lấn của Trung Quốc là chính đáng.
Ba, họ cũng mặc nhiên thừa nhận Trung Quốc không phải là một người bạn tốt. Không những vậy, đó còn là một kẻ thù nguy hiểm nhất hiện nay.
Bốn, họ cũng mặc nhiên thừa nhận là các chính sách của họ đối với Trung Quốc cũng như đối với các phong trào chống Trung Quốc lâu nay là sai.
Năm, họ đã vượt qua, có lẽ chỉ tạm thời, nỗi sợ hãi mà mọi tên độc tài đều bị ám ảnh: sợ sự tập hợp đông đảo của quần chúng; vì với họ, từ việc biểu tình chống Trung Quốc đến việc biểu tình chống độc tài rất gần nhau. Bây giờ, khi cho phép (hoặc cổ vũ âm thầm) các cuộc biểu tình, họ thấy cái lợi lớn hơn những cái hại mà họ lo lắng.
Tất cả các sự thừa nhận nêu trên đều MẶC NHIÊN. Ai thấy thì thấy, ai không thì thôi. Điều ấy khiến cho nhiều người bất mãn. Họ đòi hỏi sự công khai hóa những sự thừa nhận ấy. Hơn nữa, còn biến thành hành động cụ thể, trong đó, quan trọng nhất là, thả tất cả những người hiện vẫn còn bị giam cầm chỉ vì xuống đường biểu tình chống lại Trung Quốc.
Tuy nhiên, ở đây lại có hai vấn đề:
Một, từ quan điểm thực tế luận, có một nguyên tắc chung là: Trong lãnh vực chính trị, nếu chúng ta đòi hỏi tất cả cùng một lần thì chúng ta sẽ không có được điều gì cả, thậm chí, chúng ta sẽ không làm gì cả.
Hai, chính trị, như nhiều người đã nói, là "nghệ thuật của những cái có thể". Người có tầm nhìn chiến lược có thể biến mọi thứ thành cơ hội để chuyển đổi một số sự kiện nào đó theo chiều hướng mình mong đợi.
Đó là những nguyên tắc chung, còn các bạn muốn làm gì thì đó là sự lựa chọn của các bạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét