Quan hệ Việt Nam và Trung Quốc đang căng thẳng vì vụ giàn khoan
Không phải ngẫu nhiên và cũng chưa có gì chứng tỏ thiện ý khi An Ninh Thủ Đô vừa có bài "Các nghị sĩ hối thúc chính quyền Mỹ cứng rắn trước hành động nguy hiểm của Trung Quốc".
Trang báo thường chiếm một vị trí xứng đáng trong danh mục bán chỉ định của báo đảng và luôn công kích phong trào dân chủ nhân quyền trong nước cùng "sự can thiệp thô bạo và trắng trợn của Mỹ vào Việt Nam" gần đây đã bộc lộ nỗi âu lo lẫn sốt ruột không thể che giấu: hơn bao giờ hết, giới lãnh đạo Việt Nam lại cần đến "bà con xa" hơn là "láng giềng gần".
Lo âu và rối loạn
Công tâm mà xét, phép thử Bắc Kinh mang tên giàn khoan Haiyang Shiyou 981 ở biển Đông chỉ trong hai tuần lễ đã mang lại một hiệu nghiệm chưa từng có: toàn bộ đời sống chính trị và cả tâm thế xã hội Việt Nam bị rối loạn.
"Kỳ án" biểu tình bạo loạn ở Bình Dương có lẽ đã làm cho phần lớn giới chính khách Hà Nội, vốn còn so đo tính toán trong trò chơi đu dây giữa Bắc Kinh và Washington, phải giật mình.
Lần đầu tiên từ sau cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 đến nay, những người làm công tác tình báo của Việt Nam chắc hẳn phải quá nặng lòng với câu hỏi: làm thế nào và sẽ ra sao khi những dấu hiệu của lực lượng "thân Trung" đã và sẽ nổi lên quyết liệt đến mức sống mái trên mảnh đất thường được xem là "ao làng" của Bắc Kinh?
Phép thử Bắc Kinh cũng đã chứng tỏ được xung lực ứng nghiệm của nó: ngay khi nội trị Việt Nam rối loạn, lời cầu cứu của Hà Nội đã không còn được cộng đồng quốc tế đáp từ như trước đây.
Nếu quả đúng với thâm ý của Trung Nam Hải và đòn nhúng tay hiểm ác của họ, cuộc bạo loạn đốt phá lan rộng dữ dội ở Bình Dương và hàng loạt cái chết của công nhân Trung Quốc ở Hà Tĩnh đã làm cho hình ảnh một Việt Nam "ổn định chính trị và xã hội" trở nên phai tàn rất nhanh trong cảm nhận của thế giới.
Hệ quả kéo theo không tránh khỏi là làn sóng đầu tư nước ngoài vào quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thực tế có thể lên đến 20% này đang có nguy cơ bị chựng lại.
Cùng lúc, làn sóng thoái vốn của nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan và vài nước khác lại có chiều hướng xung kích.
Rồi như một hiệu lệnh đồng loạt, nhiều dấu hiệu cho thấy quân đội Trung Quốc đang thầm lặng di chuyển áp sát biên giới phía Bắc. Vài ngày gần đây đã thổi nhẹ loạt đồn đoán về một cuộc chiến tranh có thể nổ ra vào bất cứ thời điểm nào…
Cầu cứu
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường
Phản ứng của phương Tây ra sao? Vào đúng thời điểm kỷ niệm bốn chục năm quan hệ Việt - Pháp, giới ngoại giao Paris vẫn giữ đúng chuẩn mực văn hóa, và vấn đề mà họ có vẻ quan tâm nhất cũng chính là chủ đề "xây dựng văn hóa" mà Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Việt Nam miên man bàn thảo trong hội nghị trung ương 9, cho dù ngay cạnh hội nghị này là mối hiểm họa bất cần văn minh của người anh em "núi liền núi, sông liền sông".
Trong khi đó, với tính khí lạnh lẽo sương mù vốn có, người Anh càng khó mặn mà với một khu vực mà họ chẳng có ích lợi gì ngoài cú vồ hụt Nam Kỳ vào năm 1946.
Chưa có bất cứ tín hiệu cứu sinh nào từ Tây Âu, Hà Nội chỉ còn trông chờ vào chính sách "xoay trục" sang châu Á - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.
Thế nhưng điều lạ lùng là sau thành công kéo tỷ lệ thất nghiệp từ 9,9% năm 2009 xuống chỉ còn 6,3% vào đầu năm nay, chính quyền Obama lại dường như chọn hướng tiếp tục phát huy thắng lợi này, cũng là để tạo dựng uy tín cho ứng cử viên đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vài năm tới, thay vì dành mối chú tâm cho một địa chỉ vẫn bị đánh giá "độ tin cậy giữa hai quốc gia là rất thấp".
Thực tế, chỉ vài tiếng nói của vài nghị sĩ Mỹ không đủ làm cho gió lặng trên biển Đông bạc sóng bởi vòi rồng Trung quốc. Thậm chí đến lúc này, một nghị sĩ Mỹ còn nói thẳng: "Việt Nam không hẳn là bạn của Hoa Kỳ".
Có lẽ nhiều năm sau, câu nói đó sẽ đi vào lịch sử, nếu so đo với chính sách "Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước" và gần 10 "đối tác chiến lược toàn diện" trên danh mục của Hà Nội tới nay, trong đó Bắc Kinh luôn tiến chiếm vị trí số 1.
Tình thế nan nguy chưa từng có như thế chắc chắn đã khiến cho đảng cầm quyền, chính phủ và quốc hội Việt Nam không còn thể thờ ơ với vận mệnh dân tộc và sinh mạng chính trị của họ.
Như một hiệu lệnh đồng loạt, trong khi Quốc hội khai mạc kỳ họp giữa năm bằng một tuyên bố có từ "Trung Quốc" và do đó khác về bản chất với cả hai bài diễn văn khơi mào và kết thúc hội nghị trương ương 9 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ít ngày trước đó, Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hiệp quốc cũng bắt đầu ban bố một tuyên cáo về "Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng hòa bình".
Nhưng đáng kể nhất là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chính khách cao cấp tỏ ra có tiếng nói "thoát Trung" mạnh mẽ nhất trong hàng ngũ lãnh đạo đảng cho đến giờ.
Nhân chuyến dự Diễn đàn kinh tế thế giới Đông Á ở Philippines, Thủ tướng Dũng đã có vẻ khiến Bắc Kinh phải đôi chút lo ngại về một liên minh quân sự giữa hai quốc gia - nạn nhân của chính sách bành trướng biển khơi và "vùng chủ quyền lãnh thổ di động".
Dường như là lần đầu tiên, ông Dũng tuyên bố công khai ở nước ngoài về "mối đe dọa của Trung Quốc".
Nhưng có một chi tiết rất đáng chú ý: nước ngoài đó lại là Philippines - quốc gia vừa đạt được hiệp ước tương trợ quốc phòng với Mỹ trong chuyến công du Manila của ông Barak Obama cuối tháng 4/2014.
Điều an ủi có lẽ là duy nhất cho sự thất vọng của Hà Nội là dù sao cú ra tay đầy tính toán của Trung Quốc tại Biển Đông cũng bắt buộc những người bảo thủ ở Việt Nam phải nhìn lại một quy luật kinh điển: trong hai cái xấu, hãy lựa chọn cái nào đỡ xấu hơn.
'Độ tin cậy rất thấp'
EU cho rằng Việt Nam chưa thật sự tiến bộ về nhân quyền
Vốn thường bị lên án là 'sen đầm quốc tế" cùng chính sách "diễn biến hòa bình", nhưng ít nhất người Mỹ đã chưa từng biểu lộ ý chí xâm lăng bằng mọi giá như Trung Quốc tại ít nhất khu vực biển Đông.
Thậm chí ngược lại, Mỹ và phương Tây lại đang có trong tay cái bánh mà Việt Nam quá thèm muốn để xử lý khủng hoảng kinh tế - xã hội: Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) - điều mà Trung Quốc không hề có; hoặc chỉ là cán cân xuất siêu của Đại Hán vào Việt Nam tăng chẵn 100 lần trong hơn 10 năm qua.
Tâm lý người Việt "ngả vào vòng tay phương Tây" cũng bởi thế đang có chiều hướng đột biến so với mối nghi kỵ đậm chất "thù địch" như trước đây.
Rất nhiều khả năng là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và một phần lớn còn lại, nếu không muốn nói là tất cả, giới lãnh đạo Hà Nội đang rất mong đợi giữa họ với Washington sẽ thiết lập được một bản hiệp ước quân sự nào đó, nhằm ngay lập tức tạo thành "lá chắn biển Đông" trước cơn thủy triều đỏ rực thèm khát của Bắc Kinh.
Philippines lại chính là một bài học quá cận kề đối với Việt Nam. Chỉ ba năm trước, vùng lãnh hải của quốc gia nhỏ bé này còn liên tục bị Trung Quốc đe dọa xâm lấn và chiếm đảo.
Thế nhưng cùng với mối quan hệ khắng khít với Washington và hạm đội 7, lần đầu tiên người Phi đã dám kiện gã khổng lồ Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Cũng cho đến nay, hải quân Trung Quốc hoàn toàn chưa dám động binh - hành động chẳng tương xứng chút nào với tuyên bố "nhổ nước bọt" của họ trước đây.
Bài học quốc tế đã sẵn có và kinh nghiệm cũng không thiếu. Nhưng câu hỏi hóc búa đối với Hà Nội là làm thế nào họ chinh phục được "bà con xa" vào lúc này, khi "độ tin cậy giữa hai quốc gia là rất thấp"?
Không chỉ "thấp" về mối quan hệ "đối tác toàn diện" mà chưa hề mang hơi hướng "chiến lược" nào, những gì mà một chính quyền thường hứa hẹn "luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người" lại chẳng thể cảm hóa được Quốc hội và do đó là chính phủ Mỹ.
Ngược hẳn với tuyên bố "Việt Nam đã thực hiện hơn 80% khuyến nghị về nhân quyền của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc" của một trong những nhân vật được coi là ứng viên cho chức vụ thủ tướng Việt Nam trong tương lai không xa - Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh, giới chính khách Liên minh châu Âu lại mát mẻ rằng có đến 85% khuyến nghị của các quốc gia đã chưa hề được Hà Nội đụng chạm đến.
Lời trần tình chua cay này được nêu ra trong một cuộc hội thảo về Kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền Việt Nam diễn ra mới đây tại Hà Nội.
Bà con xa?
Minh chứng hùng hồn và gần gũi nhất cho chủ đề nhân quyền Việt Nam lại vừa xảy đến vào ngày Chủ nhật 18/5/2014, khi cuộc biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc can thiệp vào biển Đông của người dân Hà Nội, Sài Gòn và Vinh đã bị chính quyền các nơi đàn áp thô bạo.
Các hãng tin quốc tế lập tức loan tin "Bắt bớ diễn ra khắp nơi, những người biểu thị lòng yêu nước bị đánh đập dã man…"
Rất tương đồng với ý nghĩa của gần hai chục cuộc đàn áp biểu tình ôn hòa chống Trung Quốc từ giữa năm 2011 đến nay, cuộc đàn áp gần nhất ở Việt Nam đã bộc lộ một sai lầm chính trị đủ lớn của chính quyền: không còn phân biệt nổi đâu là biểu tình quá khích và đâu là biểu tình ôn hòa.
Một sai lầm bị đại đa số nhân dân cho là vong quốc và sẽ góp thêm lòng nhiệt tình vào tình thế mất nước.
Chính sai lầm mang tính hệ thống trên đang và sẽ dồn đẩy giới cầm quyền Việt Nam vào ngõ cụt: Làm thế nào để nếu chiến tranh Trung - Việt nổ ra, mà tương lai này trở nên khá dễ đoán trong 2-3 năm tới, chính quyền Việt Nam có thể ít nhất huy động được dân chúng xuống đường biểu thị "chính nghĩa", trước khi nói đến một cuộc tổng động viên nào đó, mà không bị người dân quay lưng bởi quá khứ trấn áp biểu tình không khoan nhượng?
Làm thế nào để Hà Nội vớt vát chút niềm tin quốc tế trong bối cảnh họa xâm lăng đang cận kề và mối họa mất nước hoàn toàn không xa xôi?
Và thực tế hơn rất nhiều lần là làm thế nào để Việt Nam có được "lá chắn biển Đông", nếu chính quyền bảo thủ của quốc gia này vẫn không thể chấp nhận những khái niệm cơ bản nhất về giá trị nhân quyền, như một bài học rất giá trị khác - Miến Điện - đã tích lũy từ ba năm qua và thật ứng với câu tục ngữ Việt Nam "Bà con xa hơn láng giềng gần"?
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà báo tự do Phạm Chí Dũng từ TP. HCM.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét