Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011

Chuyện xứ Lừa: 'Mần thơ cũng cần có Luật.' (tranhung09 tổng hợp)

Nguồn tranhung09

Luật cần không có, lại thò ra luật nhà thơ
 
Đại biểu không thể hiểu nổi tại sao lại đưa Luật Nhà thơ vào dự kiến chương trình xây dựng pháp luật của QH khóa XIII!
Ngày 2-11, thảo luận tổ về Dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội (QH) nhiệm kỳ khóa XIII, nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng chương trình này còn nhiều vấn đề bất hợp lý cần phải điều chỉnh. Chẳng hạn, dự thảo chương trình đưa vào những dự án luật chưa cần thiết (như Luật Nhà thơ, Luật Thư viện) nhưng lại thiếu vắng những luật để điều chỉnh những vấn đề cấp bách hiện nay. Những dự án luật liên quan đến những quyền cơ bản của công dân lại bị bỏ ra ngoài.
Hành xử theo luật rừng giữa một rừng luật
Theo ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM), cử tri kiến nghị rằng mấy năm gần đây Nhà nước ban hành một rừng pháp luật nhưng rất nhiều cá nhân, tổ chức lại hành xử theo luật rừng. Thậm chí, một số người còn khinh nhờn, ngang nhiên không thực hiện những quy định đã đặt ra do pháp luật không chặt chẽ, không phù hợp với thực tế. Nguyên nhân là do luật thì nhiều nhưng chất lượng xây dựng lại quá thấp. Trưởng ban soạn thảo các dự án luật đa phần là người đứng đầu các bộ ngành nên không đủ thời gian để nghiên cứu, các chuyên viên giúp việc thì thiếu chuyên môn và kinh nghiệm.
ĐB Nguyễn Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng hiện nay còn có tình trạng tách nhỏ các  lĩnh vực ra để xây dựng các dự án luật. "Luật Khiếu nại thông qua trong kỳ này đã có một chương quy định về việc tiếp công dân nhưng trong chương trình khóa XIII lại đề nghị xây dựng Luật Tiếp công dân. Điều này khiến việc thực hiện pháp luật sau này sẽ rất chồng chéo và không hiệu quả" - ông Hà nói.
ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) phát biểu tại phiên thảo luận tổ ngày 2-11. Ảnh: THANH LƯU
Tương tự, ĐB Nguyễn Thị Kim Tiến (TP.HCM), ĐB Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) và một số ĐB khác đều cho rằng một số dự án luật hiện nay có chất lượng rất thấp, chỉ ban hành 1-2 năm, thậm chí vừa có hiệu lực đã phải sửa. Cạnh đó, các ĐBQH được tiếp cận các tài liệu quá sát nên không thể nghiên cứu kịp. "Hai tuần vừa qua chúng tôi nhận được khoảng 20 kg tài liệu. Với thời gian và số lượng tài liệu như thế này thì làm sao các ĐB đóng góp ý kiến một cách hiệu quả được. Theo tôi, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định nên cung cấp thông tin công khai về các tài liệu liên quan đến dự án luật để các ĐB có thể tham gia góp ý ngay từ đầu" - ông Chung kiến nghị.
"Đưa Luật Nhà thơ vào làm gì?"
"Tôi không hiểu dự án Luật Nhà thơ nó chế định cái gì mà lại được đưa vào chương trình. Chẳng nhẽ lại bắt ông kia phải làm thơ, ông này không được làm. Trong khi những cái rất cần như Luật Quản lý vốn kinh doanh nhà nước, đã được đề nghị đưa vào từ khóa trước đến nay nhưng đến bây giờ chúng ta vẫn còn nợ cử tri" - ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) bức xúc.
Đồng tình, ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) nói thời buổi này chẳng có mấy người vào thư viện thì xây dựng Luật Thư viện liệu có cần thiết? Trong khi đó, những luật liên quan đến quyền cơ bản của công dân, phát huy quyền làm chủ của người dân như Luật Trưng cầu dân ý lại chưa được xem xét. "Đề nghị đưa Luật Trưng cầu dân ý vào chương trình chính thức và đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng. Đồng thời nên xây dựng dự án Luật Đạo đức cán bộ, công chức vì đây là vấn đề rất bức xúc hiện nay" - bà Dung kiến nghị.
Bổ sung, ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) nói tại nhiệm kỳ trước, nhiều dự án luật đưa vào rồi đưa ra đều dễ dàng như nhau. Nguyên nhân do khâu chuẩn bị quá dễ dãi. "Đưa vào cũng không phân tích rõ, tới lúc thấy khó một chút thì xin rút, trong đó có nhiều dự án luật rất quan trọng như Luật Đầu tư công, Luật Đất đai sửa đổi… Rồi Luật Xuất bản, QH khóa XI đã sửa, khóa XII cũng sửa rồi đến khóa XIII làm lại thì tôi cũng không hiểu nổi" - ông Thảo băn khoăn.
Luật Biển vẫn chờ
Về Luật Biển, suốt từ năm 1994 tới giờ, lúc thì nói cho ý kiến tại một kỳ, lúc thì nói cho ý kiến tại hai kỳ, rốt cuộc đến bây giờ vẫn chưa thông qua được. Cạnh đó, UBTVQH cần báo cáo rõ các đạo luật đã được QH khóa XII thông qua và có hiệu lực thì bao nhiêu luật có đầy đủ các văn bản hướng dẫn. Thực tế có những luật sau năm năm vẫn chưa có văn bản hướng dẫn.
ĐB NGUYỄN SƠN HÀ (Hà Nội)
QH nên lập cơ quan xây dựng luật độc lập
Nếu lật lại tờ trình của khóa XII thì thấy các giải pháp cũng không khác mấy so với khóa này. UBTVQH cũng như QH cần có sự đổi mới trong việc xây dựng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. QH cần quy định rõ ràng hơn trách nhiệm của cơ quan thẩm định dự án luật. UBTVQH cũng nên tính đến giải pháp lập một cơ quan xây dựng luật độc lập của QH. Điều này để tránh việc mang lợi ích nhóm (của các bộ, ngành) trong việc xây dựng các đạo luật.
ĐB NGUYỄN THỊ HỒNG HÀ(Hà Nội)
Soạn luật cũng mắc bệnh thành tích
Việc xây dựng pháp luật gặp rất nhiều khó khăn vì nhiều người cứ giữ khư khư cái cũ, cản trở cái mới. Bệnh thành tích trong việc xây dựng pháp luật còn rất phổ biến. Khi có một luật mới lại kéo theo một bộ máy ra đời như khi có Luật Nuôi con nuôi thì thành lập thêm Vụ Nuôi con nuôi, có Luật Giám định tư pháp thì thành lập thêm Trung tâm Giám định tư pháp Quốc gia… Nếu chúng ta không thay đổi mạnh mẽ thì không thể khắc phục được những vấn đề này.
ĐB ĐỖ VĂN ĐƯƠNG (TP.HCM)
THANH LƯU - ĐỨC MINH

Cu Làng Cát:

Quốc hội bàn Luật Nhà thơ 

Đọc báo, thấy lần này Quốc hội bàn về Luật Nhà thơ. Nếu luật này thông qua, chắc chắn nhà thơ sẽ bị bó chặt thơ trong mồm, khó để xuất khẩu thành thơ, và dân gian cũng khó mà làm thơ trào phúng, thơ kiểu bút tre.
Luật Nhà thơ mà hiệu lực, e những vần thơ tầm này sẽ khó thăng hoa 

          Nếu luật đưa ra các quy định về niêm vần, bằng trắc cho các thể thơ tứ tuyệt, lục bát, song thất lục bát, thơ tự do, quy định số câu trong một bài thơ…thì chắc chắn chẳng ai nghe điều luật tệ hại này. Bởi đây là điều mà thơ cà và nhà thơ ai cũng hiểu, và hiểu hơn các nhà làm luật bởi đó là nghệ thuật ngôn từ, nhà thơ thông thái hơn những vị vẽ luật này.
          Nếu luật đưa ra các định chế về việc thơ là phải chính xác, không suy diễn, không ẩn dụ, phải theo luật thì đó không thể là thơ được.
          Nếu luật quy định thời gian sáng tác một bài thơ, một trường ca thì triệt tiêu cảm hứng.
          Nếu luật quy định các nhà thơ của chúng ta phải sáng tác trong các điều luật của Luật Nhà thơ, chắc chắn đất nước Việt Nam e không còn ai dám làm thơ, hay nói đúng hơn là nhà thơ mất hết.
          Không biết các nhà làm luật lấy cơm từ thuế dân có hiểu về địa hạt thơ ca hay không mà dám đưa ra một bộ Luật nhà thơ để bàn trước quốc dân?
          Từ lúc có con người, thơ ca cũng xuất hiện một cách tự nhiên và thăng hoa cho đến hôm nay và con người sở hữu những kiệt tác vĩ đại được truyền nối qua nhiều thế hệ bằng nhiều cách.
          Không triều đại nào của thời phong kiến dại dột soạn luật cho nhà thơ làm thơ, cũng không nhà vua nào dám luật hoá các nghệ thuật ẩn dụ, chơi chữ trong thơ ca cả.
          Không biết Luật nhà thơ làm được gì cho quốc kế dân sinh mà đưa vào bàn trong khi các luật Trưng cầu dân ý, Luật biển, Luật quản lý vốn kinh doanh nhà nước thì chưa thấy đã động.
          Ôi thôi, một đời lọ thơ
 

Motgocnhinkhac 

Đại họa thơ

page 3Dự kiến chương trình xây dựng pháp luật của quốc hội khóa XIII có luật nhà thơ. Nếu không đọc bản tin này trên báo Pháp Luật TP HCM, tôi sẽ mắng ngay bất kỳ ai nói chuyện "luật nhà thơ" là thằng điên!
          Trước khi nói chuyện quốc hội bàn luật nhà thơ, xin kể chuyện vì sao tôi ly dị thơ:
          Hồi học khoa văn Tổng hợp Huế, tôi cũng có tập tềnh mần thơ. Thậm chí còn là gã khởi xướng cho các phong trào in thơ và làm MC cho các đêm thơ cư xá. Là thấy đứa nào cũng thơ hết nên chả nhẽ mình không? Nhưng được bài nào thì… xé bài đó! Nhưng tôi đã ly dị thơ hơn 24 năm rồi. Chuyện xảy ra từ một tờ giấy trong nhà vệ sinh.
          Một hôm, thằng bạn cùng lớp xồng xộc chạy từ khu nhà xí cư xá về phòng:
          - Nhất ơi Nhất ơi, bài thơ hay quá, tuyệt vời quá, thần quá mày ơi!
          Hắn cầm cái tờ giấy… gớm giếc trên tay mà nhảy cỡn lên, như thể Ạc-si-mét trần truồng lao lên giữa biển nước khi phát hiện ra lực đẩy kỳ bí.
          Tôi tái mặt khi biết tờ giấy có bài thơ mình đã… dùng hôm qua.
          Kể từ hôm đó tôi quyết định… ly dị thơ! Còn nó có thói quen vào nhà xí luôn xách theo gàu nước, không bao giờ dám chùi bằng giấy.
          Chuyện xảy ra đúng thời nhà thơ Phó Thủ tướng Tố Hữu đang làm giá lương tiền. 24 năm rồi, lại nhớ chuyện tờ giấy chùi đít và thơ này khi nghe quốc hội đang bàn luật nhà thơ.
          Dự kiến chương trình xây dựng pháp luật của quốc hội khóa XIII sẽ có luật nhà thơ. Nếu không đọc bản tin này trên báo Pháp Luật TP HCM, tôi sẽ mắng ngay bất kỳ ai nói chuyện "luật nhà thơ" là thằng điên!
          Vậy mà chuyện điên khùng đó đã được đưa vào nghị trình quốc hội. Bao nhiêu luật về quốc kế dân sinh không được bàn đến, lại đi bàn chuyện luật nhà thơ. Chẳng lẽ thơ lại là thứ cần kíp và bức xúc đến vậy? Hay việc phải ban hành luật thơ vì cái nước Việt này là "nước thơ", bởi đất nước này ai ai cũng là nhà thơ, từ người mù chữ, từ bác hưu trí, gã thợ giầy đến ngài Tổng bí thư cũng làm thơ.
          Đã có hẳn một ngày riêng dành cho thơ, gọi là "ngày thơ". Rồi còn có cả "đại lễ thơ", và mô Phật có cả... cờ thơ! Không biết trên thế gian này có đất nước nào, dân tộc nào mà ai ai cũng làm thơ, toàn dân làm thơ, toàn dân thành nhà thơ và quốc hội soạn bàn cả luật nhà thơ như cái nước Việt này? Hay đây chính là một biểu hiện bất thường trong tâm sinh lý và tư duy của người Việt?
          Nói thật, nếu là một nhà tổ chức, khi làm công tác nhân sự có hai loại tôi cương quyết lắc đầu, đó là cán bộ đoàn và nhà thơ. Tư duy phong trào kiểu đoàn hội "sáng thể dục chiều thể thao tối cất cao lời ca tiếng hát" mà đưa làm kinh tế thì chỉ có... thủ dâm tinh thần mà thôi! Còn tư duy thơ, nhà thơ đem làm kinh tế thì... hãy nhìn vào tấm gương Tố Hữu.
          Thơ là loại tư duy mộng mị, siêu thực và hoang tưởng. Nhiều sinh viên văn khoa nuôi ước vọng trở thành nhà thơ hay hỏi tôi câu vầy: nhà thơ là gì và làm thế nào để thành nhà thơ? Tôi hay cười trêu rằng: phải bân bẩn một tí, không quá sạch, tư duy thì phải khờ khạo, dài dại một tí, mộng mị một tí, bay bổng một tí và... tâm thần một tí!
          Tôi nhớ lâu rồi, có lần trên tờ Văn nghệ Trẻ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo có nói rằng: nhà thơ là phải biết uống rượu, biết say. Nếu nhà thơ nào không biết uống rượu, không biết say thì phải xem lại cái thứ anh ta viết ra ấy có phải là thơ không?
          Tôi tin lời anh Tạo như tin chính thơ anh vậy!
          Vì thế, khi nghe quan chức nào làm thơ là tôi hoảng. Không hiểu vì sao một nhà thơ như ông Tố Hữu lại được giao làm Phó Thủ tướng (hồi đó gọi là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng). Suốt đời tôi không bao giờ quên được cảnh nhai sắn lát và bo bo đến trẹo quai hàm khi ông Tố Hữu làm giá lương tiền. Đem áp tư duy thơ để điều hành kinh tế thì cái kết cuộc sắn lát bo bo là hệ quả đương nhiên, làm sao ra gạo mà ăn?
          Cứ tưởng bài học Tố Hữu đã qua. Ai dè đến ông Nguyễn Phú Trọng cũng hứng khởi lẩy Kiều từ diễn đàn quốc hội đến bài tuyên thệ nhậm chức Tổng Bí thư. Rồi đến hôm nay quốc hội cũng bàn chuyện ra luật... nhà thơ!
          Tôi rất dị ứng thơ, và không tin cái loại tư duy thơ lại có thể điều hành đất nước. Quốc hội bàn luật thơ- không phải tin mừng, mà là mối hiểm nguy, không chỉ nguy cho chính các nhà thơ, mà nguy cho đất nước, cho dân tộc. Hay có phải cái nước này không ngửa mặt lên được vì thơ? Phải chăng thơ chính là một biểu hiện bất thường trong tâm sinh lý và tư duy của người Việt, và nó chính là cái họa của người Việt?
          Sẽ có người bảo: Ồ thôi kệ, ai thích thì cứ mần, thơ thẩn cho vui chứ chết chóc ai. Và trong hàng triệu triệu những nhà thơ từ các câu lạc bộ thơ làng- xóm- thôn- xã đến hội... nhà thơ Việt Nam kia cũng sẽ như cái làng Vũ Đại ấy, ai cũng tự nhủ rằng "thằng Nhất nói vậy nhưng chắc nó chừa mình ra". Xã hội Việt sẽ ra sao, đất nước và dân tộc Việt sẽ bơi ngóc thế nào trong một khung cảnh làng Vũ Đại làm thơ như thế? 

Tranh thủ trước khi có Luật nhà thơ

Đỗ Trung Quân
Không biết đã có luật cấm nhà thơ được " dị bổn " chính thơ mình hay không ? Ở xứ mình cái gì không cấm là cho – Cái gì không cho là cấm. Chiếu theo nhận định ấy, nay tôi – Đỗ Trung Quân  sau 25 năm trình làng bài thơ " Bài học đầu cho con " khi phổ nhạc có tên " Quê hương " xin cho ra, mắt tiếp ' Quê hương bis " trước khi bị tịch thu dị bản.
Tác giả kính báo.

Quê hương làm gì có luật
Nên ta luồn lách mỗi ngày
Quê hương mình thường lách luật
Huề tiền lắm vụ hay hay

Quê hương là  cầu tre nhỏ
Cầu tre là đỡ lắm rồi
Còn hơn trẻ con chỗ nọ
Học về – nước – lũ – nó – trôi

Quê hương là con diều biếc
Dán diều bằng giấy xanh xanh
Ta bay lên tầng chót vót
Nhìn – dân – bầy – kiến – chạy – quanh

Quê hương là vàng bốn chín
Là hồng sổ đỏ vi la
Là oách như xuân tóc đỏ
Chỗ nào biệt thự cũng ta

Quê hương mỗi người chỉ một
Chỉ ngu mới một mà thôi
Nước trong hôm nào lộn xộn
Nước ngoài lại gặp ta thôi

[ làm tại cái vi la to bằng cái va li - Phú Nhuận - 3- 11-2011]
Tác giả gửi cho Quê choa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét