Tôi viết bài này sau khi đọc bài "Sao chỉ mình Bộ trưởng Thăng lên tiếng!" trên báo mạng VNN ngày 01/11/2011.
Theo thiển ý của tôi, đâu phải "Sao chỉ mình Bộ trưởng Thăng lên tiếng!" như tác giả bài báo đã viết!
Mở màn có Bộ trưởng Bộ tài chính Vương Đình Huệ, rồi kế đến có Tổng Thanh tra nhà nước Huỳnh Phong Tranh cũng đã lên tiếng theo cách của mình về những việc thuộc lĩnh vực của họ rồi đấy chứ! Quan trọng hơn là cuộc sống đã lên tiếng "đều trời"(tiếng dùng dân gian Nam Bộ) rồi mà có ai chịu nghe cho đâu?
Có thể những người khác không nói, vì họ đang đắn đo có nên nói hay không, nói ở đâu và nói như thế nào, chứ nói như thế này thì cũng bằng không mà lại đầy dẫy cạm bẫy đón chờ. Cạm bẫy bởi vạ miệng, cạm bẫy bởi há mồm mắc quai, cạm bẫy vì không có thực quyền (đôi khi đối tượng cần đấu tranh dẹp bỏ lại có thực quyền hơn chính người đang nói), cạm bẫy vì nói thì dễ mà làm thì khó…
Làm thì khó ở chỗ: vì người nói không có thực quyền, vì âm binh có pháp thuật quyền năng hơn phù thủy và vì chưa biết nói rồi thì phải làm thế nào để thực hiện đây, lộ trình thực hiện sẽ ra sao, ai sẽ là người thực hiện từng khâu, từng việc, nhất là khi thực hiện phải bắt đầu từ đâu?
Chả thế mà ông Vương Đình Huệ và ông Huỳnh Phong Tranh đều đã rút lui ý kiến của mình ngay sau khi nói "chưa ráo nước bọt" đó thôi!
Họ chưa nói và họ rút lời là vì họ "biết người biết ta" đấy mà!
- Họ biết rằng nếu cái ghế họ ngồi là ghế đã "mua" thì lời nói của họ chỉ là một màn trình diễn khoa trương, là một điều thiếu trung thực, nói cũng chẳng ai nghe nên tốt hơn là không nói.
- Nếu họ biết rằng trình độ thạo việc và sở học của họ không tương xứng với cái ghế đang ngồi thì nên "dựa cột mà nghe", điều tốt nhất là không nói.
- Nếu họ biết rằng họ chỉ là quân cờ được xếp trên bàn cờ, mọi nước đi và chỗ đứng của quân cờ đều do ý muốn của người chơi cờ thì có nói cũng bằng không, nên khi chưa biết ý chủ nhân, hay biết đó là trái ý của chủ nhân thì tốt nhất là chưa nên nói.
Cái thế bí của các "ông nghị" và các chính khách đủ mọi "kích cỡ" của chúng ta hiện đang nằm ở các lý do trên, nếu dỡ bỏ được chúng thì sẽ có nhiều người nói!
Nhược bằng chưa dỡ bỏ được những điều ấy thì chưa nên nói, vì nói ra trong điều kiện đó là "chưa biết người biết ta"vậy!
Tôi sẽ ngàn lần xin lỗi độc giả và bản thân cá nhân ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, nếu ông là một "Đan-cô trong văn học Nga" đang xuất hiện trong đời sống chính trị của Việt Nam, người anh hùng đã moi trái tim mình ra khỏi lồng ngực để soi sáng đưa đường cho đồng bào khốn khổ của mình vượt qua đêm tối mịt mùng…
Tôi cũng sẽ ngàn lần xin lỗi độc giả và bản thân cá nhân các ông Vương Đình Huệ, ông Huỳnh Phong Tranh và ông Đinh La Thăng, nếu 3 ông là "3 chàng ngự lâm pháo thủ" trong văn học Pháp – 3 hiệp sĩ dũng cảm và yêu công lý, luôn quyết thấy chuyện bất bình không tha – lại đang xuất hiện trong đời sống chính trị của Việt Nam.
Tuy rằng mơ ước trong truyện và sự thật ngoài đời bao giờ cũng là một khoảng cách rất xa;
Tuy rằng mơ ước bao giờ cũng mang vẻ đẹp lung linh huyền ảo và sự thật thường thì thô thiển và trần trụi hơn;
Nhưng mơ ước đem lại niềm tin và hy vọng nên người đời vẫn mơ ước để có được niềm tin và hy vọng mà tiếp tục sống.
Bởi vì ai mà mất niềm tin và hy vọng là sẽ mất tất cả!
Bởi vì Đảng và Chính phủ ta mà đánh mất niềm tin và hy vọng của công chúng là sẽ "mất tất cả"! (Mượn lời của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có lần phát biểu trước phóng viên báo chí)
H.Dz.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét