Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

Nguyễn Ngọc Già - Việc mà các đại biểu Quốc hội cần làm ngay trong tình hình hiện nay.

Nguồn danluan

Nguyễn Ngọc Già

Hiến pháp đang được nghiên cứu để soạn thảo lại và có thể trình ra trong năm 2013. Trong khi đó, các bộ luật như: Luật biểu tình, Luật Thủ đô, Luật tố cáo... vẫn đang trên đà soạn thảo, hoặc chỉnh sửa và trình trong kỳ Quốc hội này. Trang VNN vừa cho biết (1): "Theo dự kiến, sẽ có 96 dự án chính thức và 38 dự án luật dự bị."

Một con số quả là khổng lồ và trở thành gánh nặng to lớn cho các đại biểu QH kỳ này. Con số "134 dự án luật" làm cho người dân liên tưởng đến điều mà xã hội đã và đang chán chê, lên án suốt hàng chục năm qua: chạy theo thành tích, chạy theo số lượng mà không chú trọng phẩm chất, tính khả thi của tất cả các lĩnh vực, không riêng gì lĩnh vực "soạn thảo luật pháp". Căn bệnh thành tích của xã hội Việt Nam vẫn ngạo nghễ và nghễu nghện ngồi trên ghế cao, từ kinh tế, giáo dục, y tế cho đến pháp luật, an ninh quốc phòng, trật tự trị an... Căn bệnh "thích con số cho thiệt đẹp", trong khi các con số ấy bất khả thi, chống lại thực tế, đang gây tác hại khôn lường trên mọi mặt mà từng người dân đang chứng kiến (ví dụ chỉ số GDP cứ đưa ra cho đẹp, không được thì hạ xuống).

Hiến pháp là "Luật mẹ" - điều không có gì bàn cãi. Đó trở thành chuẩn mực, thành chân lý cho mọi quốc gia làm căn cứ để khai triển tất cả các bộ luật cụ thể khác. Trong Hiến pháp, điều cần lưu tâm đó chính là bộ máy Nhà nước, hệ thống chính trị phải được sửa đổi toàn diện theo hướng văn minh và hội nhập. Thiển nghĩ, những nhà lập pháp, các chuyên gia cần lưu tâm soạn thảo Hiến pháp dựa trên tư duy dân chủ với hai nguyên tắc không thể chối bỏ:

- Nguyên tắc thứ nhất: tất cả công dân đều có quyền tiếp cận đến quyền lực một cách bình đẳng thông qua bầu cử tự do, hợp pháp.

- Nguyên tắc thứ hai: tất cả công dân đều được hưởng các quyền tự do được công nhận rộng rãi trên thế giới.

Điều có thể nghĩ là viển vông khi nhìn vào danh sách "Ủy ban sửa đổi hiến pháp" (2) cũng như có tác giả đã đặt câu hỏi "Sửa đổi Hiến pháp để làm gì khi nhà nước không hề làm theo luật?" (3) để phản ánh sự chuyên quyền độc đoán của bộ máy cai trị hiện nay trên nền tảng "Hiến pháp do đảng, của đảng, vì đảng".

* * *

Nghi vấn nữa, nhiều người đã đặt ra, nếu chạy theo soạn thảo, thông qua các bộ luật để rồi khi Hiến pháp (mới) hình thành và được phê chuẩn, liệu một lần nữa mọi xáo trộn trong các luật (vì trái với HP mới) ảnh hưởng đến cuộc sống tiếp tục diễn ra, thế là vòng lẩn quẩn lại tiếp diễn. Câu hỏi cần đặt ra: Sao không tập trung soạn thảo hiến pháp với mọi sự chuẩn bị chu đáo, với tư tưởng, tiền đề minh bạch, cụ thể, đảm bảo chuẩn mực quốc tế cùng thời gian ngắn nhất, rồi từ đó các bộ luật cần soạn mới, cần chỉnh sửa đi theo sau? Điều này khoa học, logic hơn nhiều so với suy nghĩ chắp vá hiện nay. Các quan chức vẫn chỉ chạy theo vụ việc, chạy theo cái cụ thể, giải quyết theo cái cách "sai đâu sửa đó", "giật gấu vá vai", "làm cho mình cái đã"!!! Bằng chứng thì nhiều, nhưng cũng xin dẫn ra vài việc:

Thứ nhất, ông Nguyễn Tấn Dũng giao cho Bộ Công an soạn thảo Luật biểu tình, việc này mang tính xoa dịu dư luận trong nửa năm qua về vấn đề Trung Quốc lấn lướt biển Đông, do vậy tư duy soạn luật (biểu tình) cam đoan (một cách chắc chắn) là để dễ kiểm soát, trấn áp chứ không phải để cho dân tự do biểu lộ bất bình mọi lĩnh vực (không riêng lĩnh vực chủ quyền Quốc gia).

Thứ hai, bà Đặng Thị Hoàng Yến (đại biểu QH) đề xuất cần có "Luật bảo vệ quyền riêng tư"(4). Giá như đề xuất của bà ta được đưa ra với điều kiện không có vụ lùm xùm về đời tư (của bà) thì dân chúng sẽ dễ tin tưởng, song song đó bà cho thấy bản thân là một người đại biểu (có lẽ) vì dân, điều đáng tiếc, tư cách đại biểu QH của bà lại đang được thẩm tra (5). Phải chăng bà đang muốn bảo vệ cái gọi là "quyền riêng tư" của bà đang có vẻ bị đe dọa? Điều đáng chán là dự luật này được QH hưởng ứng để đưa vào xem xét. Dường như cái gọi là "Luật bảo vệ quyền riêng tư" có vẻ nghiêng về bảo vệ lợi ích cục bộ của nhóm người gọi là "đại biểu nhân dân" với tài sản khổng lồ nhưng thiếu minh bạch, chứ không phải bảo vệ quyền riêng tư trên góc độ quyền nhân thân của quảng đại quần chúng???!!!

Thứ ba, với những lời phát biểu, hành động xem ra quyết đoán và "mới mẻ" của ông Đinh La Thăng cũng đang trong vòng lẩn quẩn, nào là cấm các vị quan chức trong Bộ GTVT chơi golf, cho đến cách chức tại chỗ trưởng ban QLDA cảng hàng không Đà Nẵng, đổi giờ học, giờ làm, tự thân đi xe bus... có vẻ thể hiện là một vị "huynh trưởng" trong đại gia đình có họ "GIAO" chứ không phải đang điều hành dựa vào luật pháp và khoa học trên tư cách một Bộ trưởng Bộ GTVT. Nhiều người đã chỉ ra các động thái, hành vi, quyết định của ông Thăng không hề dựa trên một căn cứ luật pháp nào, mặc dù song song có nhiều người khác ủng hộ ông ta. Hầu như những người ủng hộ đều nghiêng về cảm tính và gọi là "sự đổi mới" chứ không dẫn ra được bất kỳ một căn cứ pháp lý hay khoa học khả tín nào cả. Sẵn đây, nhắc ông Thăng hai câu nói "bất hủ":

- Nguyễn Phú Trọng: Không nghĩ đến việc tạo dấu ấn cá nhân (6).

- Nguyễn Tấn Dũng: Hơn ba năm qua chưa kỷ luật bất kỳ một ai (7).

Một ông Tổng bí thư, một ông Thủ tướng mà còn rụt rè và "e lệ" như thế, thì quả các quyết định của ông Thăng cứ như đánh một nước cờ vỗ mặt vào hai vị cao cấp nhất trong chính thể hiện nay. Tuy thế, ông Thăng muốn làm gì thì làm (vì chẳng ai có thể khuyên được) chỉ mong ông đừng làm cái trò rình rập, dòm ngó, theo dõi, quay phim, chụp ảnh những ông quan chức (bộ GTVT) không chịu nghe lời ông mà vẫn đi đánh golf! Vì làm việc này, có thể ông đang tranh "thương hiệu độc quyền" của ông Nhanh, ông Triều, ông Tư, ông Quang đấy!:)

* * *

Lẽ ra, nhiệm vụ của Quốc hội hiện nay nên tập trung vào các vấn đề lớn như sau:

- Tập trung toàn lực cho vấn đề lập Hiến pháp (mới) và trong vòng 6 tháng phải đưa ra trưng cầu dân ý. Trên nền tảng đó hãy nói đến các vấn đề soạn luật mới, sửa các luật không còn phù hợp.

- Ban hành nghị quyết về biển Đông và biển đảo Việt Nam trong tình hình nước sôi lửa bỏng hiện nay. Không thể báo cáo kín như vừa qua và không đưa tin gì cả.

- Yêu cầu Chính phủ phải đưa ra đề án tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế trong thời gian không quá 6 tháng để xem xét và thông qua nhằm triển khai thực hiện.

- Đặt vấn đề tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị ra trước toàn thể đại biểu để bàn thảo thẳng thắn, đặc biệt khi vừa qua Liên Hợp Quốc đã có ý kiến chính thức về trường hợp của TS. Cù Huy Hà Vũ, thư ngỏ của bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cùng hơn 550 người trong và ngoài nước (mới tính đến ngày 2/11/2011), cùng lá thư đòi trả tự do cho tù nhân lương tâm do Bác sĩ Nguyễn Đan Quế cùng nhiều cựu tù nhân chủ xướng.

- Bàn thảo và dứt khoát xóa bỏ tư duy "kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo" không có nghĩa là lĩnh vực nào cũng nhào vô kinh doanh và cạnh tranh với các doanh nghiệp tư nhân mà bằng chứng là Vinashin, EVN, PVN... đầu tư ngoài ngành quá lớn mà không hiệu quả để lại gánh nặng nợ nần quốc gia quá nhiều có thể dẫn đến phá sản toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.

Vai trò của đại biểu Quốc hội cần phải biết làm sao từ sự việc cụ thể phát sinh trong xã hội để khái quát hóa và có giải pháp hữu hiệu cho xã hội hơn là ngồi xét chi tiết từng vụ việc. Đó là điều người dân mong muốn các đại biểu QH thể hiện (ít nhất) trong lúc này.

Nguyễn Ngọc Già

_______________

http://www.vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/46524/se-co-luat-bao-ve-bi-mat-nha-nuoc.html (1)

http://www.baomoi.com/Danh-sach-30-thanh-vien-Uy-ban-sua-doi-Hien-phap/122/6764472.epi (2)

http://danluan.org/node/10348 (3)

http://www.baomoi.com/Ba-Dang-Thi-Hoang-Yen-de-xuat-Luat-Bao-ve-quyen-rieng-tu/121/7069553.epi (4)

http://www.baomoi.com/Quoc-hoi-se-danh-hon-2-ngay-de-chat-van-va-tra-loi-chat-van/121/7196145.epi (5)

http://truongduynhat.vn/?p=3166 (6)

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/348716/Thu-tuong-Nguyen-Tan-Dung-%E2%80%9CHon-3-nam-nay-toi-chua-ky-luat-ai%E2%80%9D.html (7)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét