Phiếm đàm
Kể cũng vui, trong khi những luật cấp thiết cho xã hội như Luật trưng cầu dân ý, Luật biển, Luật quản lý vốn kinh doanh, Luật biểu tình, Luật về sự lãnh đạo của Đảng đang còn gác lại thì người ta lại đưa vào dự thảo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa 13 Luật … nhà thơ.
Hay là do tình trạng thơ ca hiện nay phát triển như nấm sau mưa nên cần phải có luật để chế định. Ừ, mà có tình trạng như thế thật. Vị nào làm khỏe thì vài ba chục tập, ít thì dăm ba tập, cứ đề là thơ đã rồi nó có phải là thơ hay không thì tính sau. Vị nào không có tiền thì in thủ công vài chục cuốn tặng bạn bè mang về xếp vào tủ sách. Vị nào nghèo quá thì viết lên giấy ô ly học trò rồi dán lên cột, lên tường. Rồi thơ hay, thơ dở nhiều khi không biết đâu mà lần. Ông này bốc thơm ông kia, khen lấy khen để, ông khác nóng mắt chửi thứ ấy đếch phải là thơ mà nó là vè. Rồi còn danh hiệu nhà thơ nữa chứ. Có vị được đồng nghiệp hay độc giả suy tôn là nhà thơ, có vị tự xưng, in trên danh thiếp, thôi thì cứ loạn xì ngầu.
Nói như vậy để thấy rằng việc đưa vô chương trình xây dựng Luật nhà thơ không phải là hoàn toàn không cần thiết.
Mình chả phải đại biểu quốc hội, cũng chả phải luật sư nhưng vì đầu óc nhàn rỗi thành ra hay tưởng tượng nên cứ thử hình dung cái Luật nhà thơ sắp tới đây nó có hình thù như thế nào.
Đã gọi là Luật nhà thơ thì phải xác định thơ là gì đã. Việc này thì từ điển đã định nghĩa rồi: "Nhà thơ là người chuyên sáng tạo văn có vần để biểu thị hoặc gợi mở tình cảm bằng âm thanh, nhịp điệu, hình tượng". Thế nhưng nhiều bài thơ tuy không có vần nhưng cũng hay đáo để. Vậy chắc quốc hội phải định nghĩa lại.
Giải quyết vấn đề thơ là gì xong, lại phải xác định ai được làm thơ. Điều này suy ra cũng đơn giản: nếu bác sĩ mới được chữa bệnh thì nhà thơ mới được làm thơ chứ không phải cứ cao hứng lên là làm bừa. Vậy lại phải đặt ra tiêu chuẩn thế nào là nhà thơ. Việc này khá rắc rối vì xưa nay chưa có chuyện cấp chứng chỉ nhà thơ cho ai cả. Vì thế phải sinh ra việc thi nhà thơ, chắc cũng na ná như thi lấy học vị thạc sĩ hay tiến sĩ vậy.
Sẽ có những khoa Nhà thơ, có hệ tại chức, chuyên tu thơ trong các trường đại học, sẽ lại có bằng nhà thơ giả, sẽ có việc mua bằng, sẽ có việc nhân viên đi thi thơ hộ sếp …
Vậy nội dung thi cái gì? Chắc ngoài yêu cầu hay thì thơ phải có định hướng XHCN. Lâu nay, nhiều người không dám nói thẳng ý nghĩ của mình nên dùng thơ móc máy, ví như làm thơ về con mọt để chỉ các quan tham nhũng, thơ viết về Gò Đống Đa để ám chỉ cụ Sầm Nghi Đống, nhắc đến ống đồng nhất định là nói về cái tư thế trốn chạy không mấy đẹp mắt của cụ Thoát Hoan. Mà mấy cụ ấy là cụ tổ ai thì người Việt nào cũng biết, trong khi ta cần giữ hòa khí với anh láng giềng 16/4. Vì thế nên cần có điều khoản thơ phải nói thẳng, cấm ẩn dụ, không để người đọc có thể suy diễn lung tung.
Thi nhà thơ xong rồi thì chỉ nhà thơ mới được làm thơ. Nhưng khổ nỗi những người trượt nhà thơ vẫn có cảm hứng thơ thì sao? Cảm xúc không thể hiện ra được thành thơ thì bí bách, khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng công tác hoặc hạnh phúc gia đình. Vậy sẽ có điều khoản là không phải nhà thơ có thể làm thơ nhưng vẫn phải giữ định hướng và chỉ được chép trong sổ tay để đọc một mình (nếu thuộc luôn trong đầu thì càng tốt) không được in hay đăng lên mạng, không được phổ biến cho con cháu.
Cần có thêm qui định ai là người được phê bình thơ chứ không phải cứ có cặp mắt xanh là có thể phán. Lại phải thi để cấp chứng chỉ cho nhà phê bình thơ. Mọi chuyện kèm theo việc thi phê bình cũng diễn ra giống như thi thơ vậy.
Đã qui định về nhà thơ và làm thơ thì phải có chế tài. Sẽ có qui định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thơ, ví dụ công bố thơ khi không phải nhà thơ thì phạt bao nhiêu tiền. Trong Bộ luật hình sự có thêm tội danh "làm thơ ám chỉ". Người nào làm thơ ám chỉ, nội dung không rõ ràng thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, đi tù mấy năm đến mấy năm. Tình tiết tăng nặng như ám chỉ nhiều lần, ám chỉ có tổ chức thì tội nặng hơn.
Khi Luật nhà thơ ra đời sẽ có thêm vụ mới: Vụ nhà thơ. Những nhà thơ nghiêm túc sẽ được đưa vào ngồi ở vụ này để canh các nhà thơ khác.
Cuối cùng thì kết quả của việc ra Luật nhà thơ là số người tự xưng nhà thơ sẽ không còn. Nhà thơ, nhà phê bình thơ thật, có tài dần dần biến mất. Trên các giá sách là những tập thơ định hướng kèm theo những bài bình bốc thơm. Giấy dùng in thơ tùm lum trước đó được đem ủng hộ học sinh hoàn cảnh khó khăn. Sẽ không còn chuyện trai làng dùng thơ để chim gái. Các diễn đàn thơ ngừng hoạt động hoặc rút vào bí mật. Các trại giam có thêm loại tù nhân mới là tù nhân thơ.
3/11/2011
TƯỜNG THỤY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét