Mấy ngày vừa qua, tin "Chui vào túi nilông để... qua suối" mùa lũ ở bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên trên báo Tuổi trẻ đã một lần nữa gây xôn xao trong dư luận. Bài báo cho biết về mùa lũ, khi nước suối dâng cao thì các cô giáo ở đây phải chui vào những bao nilông và ngồi lọt thỏm trong bao cho miệng bao trùm kín quá đầu. Những thanh niên trai bản biết bơi sẽ túm gọn miệng bao "đựng" cô giáo và kéo các cô bơi vượt qua suối.
Đây là chuyện xảy ra ở một vùng sâu ở tỉnh biên giới Điện biên, còn nhớ trước đây nhiều năm cũng có một câu chuyện tương tự như thế. Đó là chuyện hàng chục hộ dân trú bên kia sông thuộc làng Nông Nội, xã Đăk Nông và nhân dân thuộc tiểu khu 154 xã Đăk Ang khi qua sông PôKô phải đu mình trên dây thép để qua sông cũng đã từng gây sốc trong dư luận. Rồi người ta cũng quên đi vì đấy là những chuyện nhỏ trong câu chuyện dài mang tên "Chuyện thường ngày ở Huyện". Song trong trường hợp ngồi trong túi ni lông để nhờ người khác mang theo khi bơi qua suối là chuyện đối mặt với tử thần, vì tính nguy hiểm cao hơn và điều gì sẽ xảy ra khi người ta tuột tay bỏ rơi chiến túi ni lông trên dòng lũ chảy xiết cuồn cuộn trong mùa mưa lũ ấy? Những ai từng sống ở miền núi mùa mưa lũ đều biết, do địa hình dốc nên các cơn lũ về rất nhanh và nước chảy xiết, chỉ một sơ ý nhỏ cũng có thể gây thảm họa cho người qua suối trong trường hợp này. Vây mà những vụ việc như thế đã diễn ra từ rất lâu và chắc chắn đây không phải là trường hợp duy nhất. Có lẽ sẽ còn có nhiều địa phương đã và đang diễn ra các tình trạng tương tự. Và người ta còn vượt sông, suối bằng các hình thức khác có lẽ sẽ còn "ngoạn mục" hơn.
Trong vụ việc nóng đang thu hút dư luận này có một sự kiện đáng chú ý, đó là chỉ sau vài tiếng đồng hồ sau khi báo Tuổi Trẻ đưa tin vụ "chui vào túi nilông để... qua suối" thì chiều 17-3, dù đang công tác ở Nhật Bản nhưng Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vẫn điện thoại trực tiếp về chỉ đạo Sở GTVTĐiện biên phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ GTVT để, khẩn trương khảo sát để nhanh chóng xây dựng một cây cầu treo tại địa điểm này. Thông tin ban đầu cho biết Bộ GTVT quyết định sẽ giao việc xây cầu cho một đơn vị của bộ là Xí nghiệp cơ khí Quang Trung. Phương án sẽ là cầu treo dân sinh, thiết kế khung thép, ván thép và việc xây dựng phải hoàn tất, đưa vào sử dụng trước mùa mưa lũ năm nay với giá ước tính khoảng 3,5 tỷ đồng. Tuy nhiên cũng có ý kiến phê phán cung cách làm ăn theo kiểu lệnh miệng của ông Bộ trưởng Bộ GTVT. Người ta không hiểu ông Bộ trưởng dựa vào đâu hay căn cứ vào cái gì để quyết định xây một cây cầu treo dân sinh trị giá khoảng 3,5 tỷ ở địa điểm đó. Điều mà đáng lẽ phải dùng các kỹ sư để tiến hành khảo sát trực tiếp tại hiện trường trước khi đi đến một quyết định như thế. Đòi hỏi này hoàn toàn không liên quan đến việc có người không đồng tình với việc ông Bộ trưởng nhắn tin nhắn tới cô giáo qua suối bằng túi ni lông có nội dung "Cảm ơn em, anh sẽ cho anh em nghiên cứu để làm sớm 1 cây cầu treo". Đây là những việc cũng cần rút kinh nghiệm của một vị Bộ trưởng, song việc "Có hành động nhanh, dứt khoát ở tư cách một vị đứng đầu ngành giao thông có phải là việc làm đáng hoan nghênh hay không?" thì còn là vấn đề phải bàn.
Chỉ một cái lệnh miệng của ông Bộ trưởng Bộ GTVT ban xuống thì lập tức các cơ quan liên quan cấp dưới hối hả thực hiện và (có lẽ) cũng sẽ bất chấp các quy định, các thủ tục điều tra, thiết kế và xét duyệt v.v... cần phải có cho các hạng mục xây dựng cơ bản. Chỉ biết rằng một chiếc cầu treo trị giá 3,5 tỷ sẽ được gấp rút hoàn thành trong thời hạn khoảng 2 tháng trước mùa mưa (giữa tháng 5 là mùa mưa). Trong việc này có người đặt câu hỏi về cái nhu cầu cần một cây cầu bắc qua khúc suối rộng khoảng 5m dòng chảy về mùa mưa lũ đã ai dám chắc cái đó không mang sự cảm tính? Và ai cũng biết cái khoảng thời gian ngắn ngủi để có được cái cầu đó không phải vì để bà con được qua suối bằng chiếc cầu mới, hay là để chứng tỏ sự chấp hành vô điều kiện của các cơ quan, ban ngành cấp dưới trước lệnh của Bộ trưởng theo kiểu "Tiền hô hậu ủng". Để tiếp theo đó là hàng loạt các lý do để vin vào trong quá trình lập các luận chứng kinh tế kỹ thuật, khảo sát thiết kế, xét duyệt dự toán thiết kế, tổ chức đấu thầu và thi công công trình v.v.... Nếu xem xét kỹ thì thấy, cung cách làm ăn tùy tiện bất chấp quy định phải chăng cũng là kết quả của một vài câu chuyện mà người ta thường thấy của ngành GTVT. Đó là chính là sự lãng phí và vô nguyên tắc trong quản lý cần phải chấn chỉnh.
Một vài ngày gần đây, cũng liên quan đến Bộ GTVT của ông Bộ trưởng Đinh La Thăng mà báo chí nhắc đến tương đối nhiều. Đó là việc chuyện ăn xén, ăn bớt khiến cho đường cao tốc trở thành đường thấp chất lượng, đường sụt lún, hư hỏng ngay khi mới đưa vào sử dụng với bằng chứng cụ thể. Đó là dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 1) đã được kiểm toán và kết quả là có bớt xén từ khâu khảo sát thiết kế đến bớt luôn cả cao độ mặt đường. Các nhà "ảo thuật" đã phối hợp để biến con đường từ 3.734 tỉ đồng thành 8.974 tỉ đồng. Nâng chi phí đầu tư thêm 5.000 tỉ đồng, "đội giá" công trình lên hàng trăm tỉ đồng. Cũng cần phải nhắc thêm, hiện nay một sự vô lý là giá xây dựng 1km đường cao tốc Việt Nam cao gấp 3 lần so với Mỹ và điều này đã được các quan chức nhà nước và các vị ở Bộ GTVT công nhận là đúng. Đây là một vụ việc tham nhũng trong hàng nghìn, hàng vạn các vụ tham nhũng lớn nhỏ trong đầu tư xây dựng của Bộ GTVT. Từ câu chuyện tham nhũng trong thi công đoạn đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với chiều dài 54 km đã đội giá thêm 5.000 tỷ đồng, cho dù chất lượng quá thấp và chuyện một cây cầu treo ở bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên với giá ước chừng 3,5 tỷ đồng. Có người cho rằng chỉ trong một phần công việc rất nhỏ của Bộ GTVT nếu người ta thực hiện một cách nghiêm ngặt các quy trình của nhà nước quy định thì sẽ tiết kiệm được số tiền lớn, mà nó có thể làm được 150 cây cầu treo cho các bản làng vùng sâu, vùng xã trên khắp mọi miền của đất nước.
Song vấn đề không phải chỉ đơn giản là như vậy, đây là vấn đề của nhà quản lý trong việc giải quyết tổng thể vấn đề giao thông miền núi trên toàn quốc chứ không phải là chỉ ở một điểm nóng là bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Vấn đề là người đứng đầu Bộ GTVT và các cơ quan liên quan bây giờ có biết chính xác trên toàn quốc có bao nhiêu điểm tương tự như ở bản Sam lang và họ đã có những giải pháp cụ thể gì để giải quyết? Người đứng đầu ngành GTVT không thể giải quyết công việc theo lối giải quyết mang tính tình thế như vậy. Việc đảm bảo giao thông thuận lợi cho các làng bản ở vùng sâu, vùng xa không thể giải quyết bằng cách chỉ thị lệnh bằng miệng làm chỗ nọ chỗ kia. Mà cần có một sự quy hoạch giải quyết vấn đề mang tính chiều sâu nhằm giải quyết triệt để vấn đề còn tồn tại.
Một mảng kéo bằng cáp qua suối, rất đơn giản và chi phí cũng không cao? |
Khi báo Tuổi trẻ đưa tin về việc "Chui vào túi nilông để... qua suối", thì cũng có một số người thay vì lên đồng cùng với dư luận, họ đã âm thầm tìm hiểu và mổ xẻ đoạn video clip của cô giáo Tòng Thị Minh, giáo viên mẫu giáo đang dạy ở điểm trường Sam Lang tặng cho báo Tuổi trẻ. Qua đoạn video clip đó họ muốn chứng minh rằng khúc suối đó về mùa mưa lũ chỉ rộng chừng 5m, sâu không quá 1,45-1,50 m và người ta lội vượt khúc suối đó cùng với cái túi ni lông chứa người chỉ mất vẻn vẹn 24'' (giây). Quan trọng hơn, những người này đã đề xuất vấn để giải quyết việc vượt con suối đó vào mùa mưa lũ, mà theo họ chỉ cần dùng các giải pháp đơn giản mà từ xưa đến nay ở miền núi người ta vẫn làm, ở đây đó là dùng mảng vượt suối. Theo mô tả đó chỉ là một cái mảng ghép to rộng (hoặc nhỏ) vừa vài người, vài chiếc xe, tùy cỡ. Họ buộc một sợi dây thép lớn ngang qua sông hoặc suối, người chở mảng bám dọc sợi dây đó lần qua sông. Ít người hoặc sông êm thì một người kéo. Đông người, nước xiết thì hai người kéo, hành khách cũng kéo giùm. Mảng nhỏ, suối cạn thì dùng sào chống hoặc chèo. Thế là ổn, chứ đâu cần một mệnh lệnh từ ông Bộ trưởng với số vốn 3,5 tỷ đồng để gấp rút vừa thiết kế vừa thi công một chiếc cầu treo với những sự ưu đãi đặc biệt dưới danh nghĩa công trình theo lệnh Bộ trưởng. Hẳn việc này cũng làm người ta nhớ tới công trình cầu treo Chu va 6 vừa bị sập cũng vì do "thi công không đúng thiết kế, khâu giám sát và nghiệm thu công trình không đảm bảo".
Thực ra vấn đề "Chui vào túi nilông để... qua suối" chỉ là vấn đề nhỏ, hết sức đơn giản không đáng bị thổi phồng và bị ai đó lợi dụng để tạo thành một dư luận xã hội ghê gớm không đáng có. Hơn nữa đây là vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của phòng giao thông huyện Nậm Pồ, đáng lẽ họ phải chủ động lên phương án vượt suối mùa lũ theo cách nhà nước và nhân dân cùng làm. Trên cơ sở nhà nước hỗ trợ tiền hoặc một số hạng mục vật tư có giá trị lớn và đóng vai trò chính, còn người dân và các đơn vị trên địa bàn sẽ hỗ trợ một phần nào đó. Nếu làm được như vậy thì sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí xây dựng của nhà nước, chi phí làm một hệ thống mảng vượt suối có độ rộng lòng chảy khoảng 5m thì chỉ bằng vài chiếc thùng phuy, một số sắt thép gỗ ván v.v.. giá trị một vài chục triệu đồng khi so với tổng kinh phí 3,5 tỷ đồng theo dự kiến ban đầu (chưa kể phát sinh). Trong việc này, một vấn đề cần phải nhắc tới đó là vai trò của các cấp chính quyền địa phương ở những khu vực này như thế nào? Nếu như trong trường hợp ở bản Sam Lang không được báo chí nêu lên thì các cấp chính quyền xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ và tỉnh Điện Biên cũng hầu như không quan tâm đến việc tính mạng của người dân bị đe dọa khi vượt suối vào mùa lũ. Một cau hỏi lớn đặt ra là đại biểu nhân dân của khu vực này trong Hội đồng Nhân dân xã, huyện, tỉnh Điện biên và trong Quốc hội là ai? Họ có biết được những vấn đề này hay không và trách nhiệm giải quyết của họ đến đâu?
Về mặt quản lý nhà nước, Bộ GTVT cần tiến hành tổng điều tra vấn đề giao thông miền núi để tập hợp các vấn đề nhu cầu phát triển giao thông nông thôn cỡ vừa và nhỏ để có kế hoạch tập trung giải quyết xóa bỏ các điểm giao thông mang tính nguy hiểm như việc chui vào túi ni lông để qua suối còn đang tồn tại ở các địa phương vùng sâu vùng xa trên phạm vi toàn quốc. Tránh hiện tượng ra lệnh miệng cho ra vẻ của các quan chức lãnh đạo, hình như trong trường hợp này ông Bộ trưởng GTVT đã quá sốt sắng khi ra lệnh làm ngay một chiếc cầu treo là việc chỉ nhằm chạy theo trào lưu dư luận xã hội để tạo ấn tượng cho hình ảnh một vị Bộ trưởng năng động (!)?. Làm quản lý thì phải biết tiết kiệm và sử dụng đồng tiền cho hiệu quả, và cái tư tưởng nước sông công lính là thứ suy nghĩ hủ lậu cần phải bãi bỏ.
Cái quan trọng là phải có một tầm nhìn đủ xa để giải quyết vấn đề phục vụ cho cuộc sống của người dân.
Ngày 21 tháng 03 năm 2014
© Kami
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét