VRNs (24.03.2014) - Cách đây đúng một năm, ngày 24/3/2013 DCCT Sài Gòn ra mắt Văn phòng Công lý-Hòa bình (ngày chính thức hoạt động là 8/4/2013). Một năm trôi qua với biết bao khó khăn và thuận lợi, vui và buồn với những cảnh ngộ oan khiên của người dân Việt Nam. Gần 600 hồ sơ cá nhân cũng như tập thể chưa phải là con số chính xác diễn tả tình trạng pháp luật tệ hại của đất nước qua các chính sách và luật lệ nhắm phục vụ cho một nhóm lợi ích cầm quyền chứ không phục vụ người dân, tệ nạn lạm quyền của cán bộ nhà nước, tình trạng bao che giữa cán bộ với nhau,… Cuối cùng chỉ những người dân nghèo là gánh chịu hậu quả.
Có nhiều người dân nghĩ rằng VP CLHB là nơi giải quyết những oan khiên của họ. Chúng tôi đã phải nhiều lần giải thích rõ cho họ biết VP chỉ có chức năng hướng dẫn pháp luật và có thể giúp soạn đơn cho họ mà thôi. Nhiều trường hợp rơi vào tình trạng "dậm chân tại chỗ" do sự cố chấp và chây lì, không chịu giải quyết của các cấp cầm quyền. Nhiều trường hợp bị công an địa phương đến tận nhà đe dọa bắt bớ nếu tiếp tục đến với VP CLHB, thậm chí công an còn đe dọa lên tận Sài Gòn đóng cửa VP!
Bên cạnh những khó khăn cũng có một số tín hiệu vui cho người dân oan. Một số trường hợp đã được chính quyền địa phương gọi lên giải quyết sau khi biết tin người dân nộp hồ sơ cho VP CLHB. Một số trường hợp đã ngăn chặn được việc làm sai trái của chính quyền địa phương. Đặc biệt là dân oan được có cơ hội nghe giải thích pháp luật để biết họ phải làm gì, không cần "chạy dịch vụ" hay đến nhầm địa chỉ của những luật sư thiếu đạo đức nghề nghiệp…
Sự đa dạng của các vụ việc trong suốt 1 năm qua cho thấy bộ mặt "nhơ nhớp" của hệ thống công quyền. Hầu như ngóc ngách nào của Việt Nam cũng có cán bộ tham nhũng, lạm quyền, nổi bật nhất là tình trạng "cướp" đất của dân bằng Luật Đất đai và những Nghị định sai trái. Một thực tế khác tại VN là cán bộ không quen và thậm chí không hiểu biết pháp luật nên thường xuyên ban hành những văn bản sai cả hình thức lẫn thủ tục…
Nhân dịp tròn 1 tuổi, VP CLHB chân thành cám ơn quý cha Bề trên nhà Dòng Chúa Cứu Thế tại Sài Gòn, các cộng tác viên công khai cũng như âm thầm và tất cả mọi người trong cũng như ngoài nước đã nâng đỡ chúng tôi bằng tinh thần cũng như vật chất để VP có thể chia sẻ lại cho dân oan.
Tuần thứ 50 (từ ngày 17/3 đến ngày 21/3/2014), Văn phòng nhận được hồ sơ của Dân oan các Tỉnh, Thành phố: Bình Dương, Sài Gòn, và Bà Rịa- Vũng Tàu. Tuy nhiên, vụ việc ở Bình Dương gia đình xin không đưa lên truyền thông.
1) Sài Gòn:
Ông Trần Văn Vân, ở phường 5, Q.Bình Thạnh: Ông trình bày và cung cấp chứng cứ, gia đình Ông sử dụng 2.388 m2 đất trồng mía tọa lạc tại Quận 12 suốt từ năm 1943 đến năm 1975 với đầy đủ giấy tờ hợp pháp. Sau 1975, đất buộc phải vào Hợp tác xã. HTX làm ăn thất bại, giải thể, gia đình Ông yêu cầu được nhận lại đất, UB không cho mà đem cấp cho các hộ dân khác; một phần làm ao nuôi cá cải thiện "đời sống dân quân"; phần khác cấp cho Công ty Lan Hảo… Sau khi xem hồ sơ, chứng cứ Ông cung vấp, Văn phòng thấy, đây chính là một trong các trường hợp oan sai điển hình, mà sau đó, những người có trách nhiệm đã "vô trách nhiệm", mập mờ, dối trá, mâu thuẫn … hòng nói lấy được, bao che, hợp pháp hóa cho hành vi sai trái của cán bộ… bằng chính "luật pháp" do họ tùy tiện cắt nghĩa. Cụ thể:
a) UBND TP. Xác nhận "trước 1975, diện tích đất 2.388m2 tọa lạc tại phường Thới An, quận 12 có nguồn gốc do Ông Trần Văn Lân (Ông nội Ông Trần Văn Vân) đứng bộ từ năm 1943" (Văn bản số 413/UB-PC ngày 22/8/2003). Và "trước năm 1975, đất này do Gia đình Ông Lân quản lý " (Quyết định 586/QĐ-UB ngày 6/2/2002).
b) "Sau 1975, phần đất 2.388m2 được đưa vào Tập đoàn 10…" (Quyết định số 586?QĐ-UB). Như vậy thì ai đưa? Chắc chắn phải là "gia đình Ông Lân, người đang quản lý sử dụng".
c) Nhưng lại kết luận: "Phần đất 2.388m2 từ sau 1975- do Tập đoàn 10… quản lý… quá trình sử dụng là liên tục và phù hợp pháp luật…". Còn "…thực tế, gia đình Ông Vân đã không còn quản lý sử dụng phần đất 2.388m2 này từ sau 1975 đến nay… nên không có cơ sở pháp lý để xem xét giải quyết (trả lại đất)". Gia đình Ông Vân đã đưa đất vào Tập đoàn từ 1975, và từ sau 1975, Tập đoàn đã quản lý, sử dụng… thì "thực tế, làm sao gia đình Ông Vân còn quản lý sử dụng từ sau 1975" nữa. Dựa vào cơ sở "gia đình Ông Vân không sử dụng từ 1975" này để "không xem xét giải quyết" thì đúng là "đánh đố" người dân.
d) Vấn đề quan trọng là, Gia đình Ông Vân, có nguồn gốc sử dụng – với giấy tờ hợp pháp – từ 1943. Gần 30 năm sau, phải "đưa vào Tập đoàn". Sau đó, Tập đoàn nhập vào Hợp tác xã, Hợp tác xã làm ăn không hiệu quả, không còn hoạt động, cơ sở xuống cấp… Gia đình Ông Vân làm đơn đề nghị được nhận lại đất thì không giải quyết , mà "HTX đã cấp đất cho hai hộ dân Đỗ Văn Nghĩa và Hồ Thị Rự; phần thì "san lấp đất ao làm trụ sở dân phòng"; phần thì "làm ao cá cải thiện đời sống dân quân" ; và cấp "675m2 cho Công ty Lan Huệ"… Như vậy, làm sao không có "Dân oan" và làm sao không có "người dân đi khiếu kiện"?…Và cách trả lời dân theo kiểu "Đất đã đưa vào Tập đoàn sử dụng"… "Thực tế, gia đình Ông không sử dụng…" nên căn cứ Điều 2 Luật Đất đai không giải quyết… rồi đem đất của gia đình cấp cho người khác, thì chẳng cần "thế lực thù địch" nào xúi giục, người dân cũng phải "khiếu kiện" mà thôi!
2) Bà Rịa- Vũng Tàu:
Ông Phạm Văn Tuyên, H. Tân Thành: Vụ việc tranh chấp đất giữa Ông và Ông Nguyễn Tiến Dũng, Ông Đỗ Văn Hậu, Công ty Đạ Hoàn Cầu đã có Văn bản số 64/CV-UBND-TP của UBND Xã Tóc Tiên- đề ngày 10/6/2013 với nhiều nội dung cụ thể. Văn phòng đề nghị trao đổi trực tiếp với Ông vào sáng thứ bảy ngày 29/3/2014 tại Văn Phòng Công Lý và Hòa Bình để thống nhất cách giải quyết vụ việc…
Văn phòng Công lý & Hòa bình
Dòng Chúa Cứu Thế- Sài Gòn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét