Ăn mày và ăn mày dĩ vãng, hai khái niệm này tuy hai mà một. Nếu như ăn mày là hành động (mang tính chuyên nghiệp) thời hiện tại, dùng mọi khả năng có được để xin ăn, để nhận lòng thương từ đồng loại thì ăn mày dĩ vãng nghe ra đáng sợ hơn.
Bởi đối tượng, chủ thể của ăn mày dĩ vãng hoàn toàn khác với ăn mày đơn thuần, ăn mày dĩ vãng bao hàm cả loại người/hạng người không hề đói kém hay khó khăn giống như ăn mày nhưng lại có hành tung và mục tiêu đậm chất ăn mày.
Ở một đất nước mà hai chữ ăn mày được xem như bình thường, như một nhóm nghề và đến một lúc nào đó, hai chữ này bị lạm dụng, đẩy lên mức ăn mày dĩ vãng và cũng xem đó là chuyện rất đỗi bình thường thì e rằng khó mà nói được đất nước đó "văn minh" cỡ nào.
Những năm đầu thập niên 1980, tôi còn nhớ nhiều người xách bị xách gậy xuôi vào miền Nam làm ăn mày. Thời gian này, mùa màng thất bát, kinh tế tập thể dựa trên mô thức làm chấm công điểm, dù người nông dân cố gắng cỡ nào đi nữa mà ông đội trưởng đội sản xuất không bắt mắt, không để ý thì một ngày vã mồ hôi cũng chỉ được vài điểm, tương đương với vài lạng lúa. Người nông dân bế tắc, hoặc là thành ăn mày, hoặc là u u minh minh trong cái mớ bòng bong tập thể. Ăn mày thời đó giống như một hành động cách mạng.
Sau này, nhờ vào thói quen ăn mày của nhiều đời nhiều kiếp khó khăn, cộng thêm nội lực ăn mày thời bao cấp xã hội chủ nghĩa, kinh tế tập thể, người dân dần trở nên quen thuộc và bén mòi với việc đi ăn mày. Ngoại trừ một số người gặp hoàn cảnh khó khăn, bế tắc, không còn đường sống phải ra đường ăn mày, số đông những ăn mày thời kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa xem đó là một cái nghề hái ra tiền và có không ít người trong họ khá giả, dùng phương tiện cao cấp, một bữa ăn của họ bằng cả tuần ăn của nhà nông. Thế nhưng họ vẫn không đi làm mà chọn kiếp ăn mày!
Đó là mới nói về nghề ăn mày thời nay. Nghề ăn mày còn giới hạn trong một nhóm người, nhưng máu ăn mày thì lại kinh khủng hơn nhiều. Không hiểu sao, một đất nước mà từ người dân cho đến quan chức trung ương đều bị máu ăn mày chi phối?! Từ việc đa phần người dân chịu ngồi thụ động chờ nhà nước trong mọi lĩnh vực mà chưa bao giờ chịu suy nghĩ để nỗ lực, đấu tranh cho những quyền lợi chính đáng của mình vì sợ bị chiếu tướng cho đến những cán bộ từ cấp địa phương đến cấp trung ương đều một mặt thì ngửa tay cầm bất kì đồng bạc nào của người dân nhét vào tay hoặc chờ cấp trên rót kinh phí cứu trợ theo nhiều kiểu. Nói chung là bằng cách này hay cách khác cũng phơi bày cái khổ (diễn) của mình ra để được chiếu cố.
Và đến nước này, người ta cũng không còn đủ tỉnh táo hay đầu óc để suy nghĩ về lòng tự trọng mà vấn đề là cái mình kiếm được nhiều bao nhiêu. Chuyện này không những phát triển ngoài xã hội, ngoài đời thường, ngay cả trong tôn giáo, cũng không thiếu những kẻ ăn mày như thế. Và đương nhiên, tất cả các nhóm đối tượng chứa máu ăn mày này đều có chung một mẫu số: Đã được nhà nước hóa!
Nếu có một ông sư làm bẩn hình ảnh nhà tu, làm ô uế cửa Phật, ông sư đó phải là sư quốc doanh, chắc chắn là thế, vì từ trước tới nay, hầu như 98% những ông sư, bà ni mang tiếng làm ô uế của Phật đều là những sư quốc doanh, dường như tiền lệ này chưa được phá! Và nếu có một ông thầy giáo nào đó làm hỏng học trò, đương nhiên ông thầy giáo đó đã biên chế nhà nước, điều này cũng chưa bao giờ rớt ra ngoài thông lệ, đương nhiên là những ông cán bộ phải là của nhà nước rồi, chuyện bôi bẩn của họ thì miễn bàn. Nhưng, giới văn nghệ sĩ, trí thức, giới mà ít ai dám nghĩ rằng họ sẽ bị nhiễm máu ăn mày. Thế nhưng (xin lỗi chư vị văn nghệ sĩ trí thức có lòng tự trọng trước!) không hiếm những văn nô, những nghệ sĩ mà ở họ, máu ăn mày còn tàn khốc và trơ trẽn hơn cả người không hiểu biết.
Từ những hội viên hội nhà văn cố gắng mua chuộc cái ghế để được hưởng lộc nhà nước, sẵn sàng cúi gập người trước quan chức (mà xét về tư cách, lẽ ra kẻ quan chức kia phải cúi gập người trước nhà văn mới đúng) để nhận tấm bằng khen, nhận miếng ăn cho đến những nghệ sĩ suốt đời chỉ nghĩ được một chuyện duy nhất là làm sao để thâu tóm tiền bạc và sự nổi tiếng về tay mình, bất chấp danh dự, bất chấp đạo đức… Và kinh tởm nhất là có nghệ sĩ mà tuổi đời đã vào diện "lục tuần tri thiên mệnh" rồi vẫn còn chưa trưởng thành, vẫn bị thói quen ăn mày dẫn đường.
Một nghệ sĩ tuyên bố "sẵn sàng quì xuồng lạy ông đại gia" vì ông ta bỏ ra cho mình một số tiền lớn! Chuyện này nên hiểu như thế nào? Trước tiên, thử phân tích về cuộc đời của anh nghệ sĩ này. Anh là ai? Là một nghệ sĩ thành đạt, nổi danh nhờ thực hiện trọn vẹn vai diễn về một sĩ quan quân đội hai mang, ông sĩ quan này đã bán đứng cái chế độ đã nuôi nấng, đào tạo mình thành người tài để rồi đi một chân bên này, một chân bên kia. Chẳng có gì cao thượng cả, có chăng là nhờ vào kịch bản phim luôn tạo ra những tình huống căng thẳng, kịch tính và giải quyết tình huống bằng thắng lợi của anh sĩ quan này, chính sự thông minh và léo hánh của anh sĩ quan hai mang này làm cho nhân vật trở nên sinh động, và anh diễn viên trở thành nổi tiếng với vẻ điển trai, vào vai rất ăn nhập của mình.
Và, sau phim là hàng loạt chế độ đãi ngộ của nhà cầm quyền dành cho anh diễn viên này, đẩy anh ta lên vị trí "siêu sao", nghệ sĩ ưu tú cùng nhiều chế độ bảo hộ cho sự nổi tiếng của anh ta. Anh ta được nuôi ôm trong vòng tay chế độ. Trong lúc xã hội vẫn còn nhiều người ngủ gầm cầu, không thấy ngày mai, vẫn còn nhiều cô giáo miền núi phải đi bắt nhái về cải thiện bữa ăn, nhiều học sinh chắt chiu từng hột muối, từng lạng gạo để tồn tại qua ngày mà kiếm con chữ. Thậm chí, ngay trong giới văn nghệ sĩ, không thiếu người đói, chết không có đất chôn, bệnh không có tiền chữa…
Thế nhưng, vốn dĩ được sống trong chăn êm nệm ấm, sống trong vòng tay che chở và lăng xê của nhà cầm quyền, anh nghệ sĩ này chỉ biết hưởng thụ và phô bày vẻ đẹp của mình như một thứ tài sản có thể bán cho cộng đồng, và không chừng anh còn nghĩ rằng vẻ đẹp, sự nổi tiếng của mình là tải sản quốc gia!
Chính vì một mặt bị mất hoàn toàn khả năng tự đứng trên đôi chân của mình, trông dựa vào sự nổi tiếng cũng như những thứ ảo giác hào quang để mà sống, mặt khác, anh ảo tưởng về đẳng cấp, đặt mình vào vị trí cao hơn thiên hạ, không cần quan tâm đến nhân tình thế thái, miễn sao là mình ăn sung mặt sướng… Nói chung là mất hoàn toàn khả năng tự đứng trên đôi chân của mình và rơi vào ảo giác!
Kết cục, đến lúc hữu sự, anh ta sẵn sàng kêu gọi, van xin lòng thương của thiên hạ. Điều này thật là ốt dột cho cuộc đời một nghệ sĩ, lòng tự trọng, danh dự, và ngay cả tấm lòng lân mẫn cùng đồng loại hoàn toàn bị đánh mất. Giữa lúc đồng loại, đồng nghiệp không có cái mà ăn, với anh, vài trăm triệu đồng chỉ đủ để cứu đói! Giá như lúc này, giữa nợ nần, anh vui vẻ mang xách ra đi, bàn giao căn nhà và nhận tờ giấy xác nhận đã trả xong nợ, sau đó xé bỏ nó đi và sống một kiếp nghệ sĩ, đàn hát, cống hiến nghệ thuật cho cuộc đời, bất cần thứ gì cả.
Đẹp biết bao nếu anh mang cây đàn và giọng hát của mình ra Trường Sa hát tặng những chiến sĩ, lên núi hát tặng những người nghèo và về thành phố tổ chức những đêm nhạc để quyên góp, giúp đỡ các đồng nghiệp không may, giúp đỡ đồng loại đói khổ. Và, chắc chắn là cuộc đời của anh sẽ thêm một lần ý nghĩa, tài năng của anh lại tỏa sáng trong một chân trời mới, điềm đạm, nhẹ nhàng và giàu suy tư! Không chừng anh lại trở thành thần tượng của nhiều người nghèo để họ đứng lên, là thần tượng của nhiều doanh nhân để họ noi gương!
Đương nhiên, chủ nghĩa thần tượng là một thứ bóng ma không nên tồn tại. Tuy nhiên, nếu chọn làm một thần tượng, nên xem lại tấm lòng và suy tư của mình về đồng loại trước khi bước lên đài vinh quang. Bởi những thứ vinh quang phù phiếm và ngoảnh mặt với đồng loại đói khổ bao giờ cũng là một cái bẫy cho những ai vận nó vào người! Nhất là thứ vinh quang dưới thời Cộng sản, hãy hết sức cẩn thận và suy nghĩ thật chín! Vì đó là vinh quang của kẻ ăn mày.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét