Posted by adminbasam on 07/06/2014
05-06-2014
1- Những gì Trung Quốc đã và đang làm với Việt Nam trên biển Đông về bản chất và cung cách cũng không khác mấy với những gì nhà cầm quyền Việt Nam làm với dân chúng của mình ở trong đất liền lâu nay. Cùng ngỗ ngược luôn cho mình là cha thiên hạ, coi trời bằng vung, một mình một chợ, ức hiếp người ngay, chà đạp kẻ yếu… Trung Quốc nổ súng chiếm, đảo, biển Việt Nam, đánh đập ngư dân Việt, cắt cáp tàu thăm dò Việt, đe nẹt các công ty nước ngoài muốn kết hợp với công ty Việt, kéo dàn khoan, đâm hỏng nhiều tàu, gây thương tích cho các lực lượng bám biển… của Việt Nam.
Dân oan Việt Nam đang bị ai bịt mồm, cướp đất phải hàng hàng lớp lớp kêu cầu khiếu kiện, bị đánh đập, tù tội, triệt đường sống vì chỉ lên tiếng đòi quyền làm người cho ra con người. Mượn lời ông Thủ tướng "Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói" mọi người Việt có nhận thức và trải nghiệm đều thấy rằng những gì mà ĐCSVN làm cũng thật khác rất xa những gì mà đảng nói.
2- Nhà cầm quyền Việt Nam hôm nay đang thể hiện sự kém cỏi và bất lực của họ trước kẻ thù. Không cảnh tỉnh, sớm nắm bắt được ý đồ chiến lược của địch. Ngay cả khi giặc lù lù trong sân nhà cũng không dám ra tay diệt giặc. Đâu rồi cái tinh thần "còn cái lai quần cũng đánh"? Kẻ cướp vẫn ngày càng nghêng ngang đi lại và thao túng. Về mặt chiến lược TQ lại tạm thắng. Nhà cầm quyền VN hôm nay hành xử không khác gì một anh chồng hèn và bạc nhược, lăng quăng, xin xỏ lòng tốt của chính kẻ tình địch cắm sừng lên đầu mình.
3- Việt Nam cùng với giàn lãnh đạo yếu kém hiện nay đang tự mình làm mình mất giá. Với vị thế của mình, trong cả hơn tháng qua đáng phải có những động tác mạnh mẽ hơn. Chỉ có kiện hay không mà còn thập thò mãi nói gì đến đánh đấm. Nói gì đến ra tối hậu thư buộc TQ phải rút. Việt Nam nếu không tác động nổi Ấn Độ để chặn các tầu dầu của Trung Quốc từ Trung Đông về qua ngả Ấn Độ Dương hay tác động Philippines cùng khoá biển Đông thì ít nhất cũng phải cố tạo được căng thẳng quốc tế ở vùng biển Việt Nam có thực lực. Với cuộc xâm lược bằng các lực lượng quân sự trá hình của TQ khi TQ "quyết tâm cướp nước ta một lần nữa" Việt Nam cần tính cả tới đòn quân sự phủ đầu. Cái giàn khoan này không quá một vài quả tên lửa tầm gần. TQ sẽ phải lưỡng lự và ở vào thế cùng gây chiến với hàng loạt nước khác khi TQ trả đũa vào các công ty liên doanh dầu khí của Việt Nam. Ít nhất khi tình hình chớm căng lên sẽ rung lắc toàn bộ các thị trường tài chính, dầu hoả, bảo hiểm, bất động sản, đầu tư… của TQ. Ai cũng biết rằng trong cuộc chiến này sẽ không có kẻ chiến thắng. Nhưng kẻ mất nhiều hơn sẽ là TQ. Chỉ riêng cuộc chiến tâm lý thị trường thôi sẽ khiến nền kinh tế nhiều ngàn tỷ $ vì rúng động sẽ thiệt hại gấp nhiều lần nền kinh tế hơn $100 tỷ. Sự đổ nát của Hà Nội, Sài Gòn là không ai muốn, nhưng nếu là nước cờ cuối thì tổng thiệt hại cũng không thể so với sự tan nát của Hồng Kong, Macau, Quảng Đông, Thượng Hải…Và đó là điều có thể khiến những cái đầu nóng nhất ở Trung Nam Hải phải nguội lạnh lại.
4- Đại trà trong người Việt Nam hôm nay lưu thông một tư duy dễ dãi. Một ông thủ tướng có thành tích làm cho quốc gia ngày càng lún sâu, phụ thuộc nặng nề vào TQ, kinh tế be bét, tham nhũng vô độ nhưng chỉ cần nói một câu có dũng khí là được gần như cả nước tung hô và ủng hộ. Thành tích của ông thủ tướng cho đến giờ là nói được rất nhiều cái hay, đáng lưu ý, nhưng làm thì còn thật nhiều cái dở. Không ai có thể phủ nhận rằng ông cũng có thể thay đổi để thành một lãnh đạo tầm vóc hơn nhưng cái quan trọng hơn là chính mỗi người Việt cũng cần tự thay đổi để nhận chân các vấn đề, đừng hi vọng một cách dễ dãi để rồi lại sớm gánh thất vọng ê chề. Tính cách nào thì có số phận ấy. Một lần nữa người Việt cần hỏi chính mình là sao chúng ta có một số phận nghiệt ngã như vậy. Một dân tộc mạnh là phải gồm một tổng thể những công dân mạnh mẽ chứ không phải chỉ trông chờ vào một lãnh tụ lớn.
5- Lớp người theo đuổi lý tưởng cộng sản như Hồ Chí Minh, Trần Phú, Lê Hồng Phong, …để giải phóng đất nước và phát triển dân tộc có thể được lịch sử biện minh là do tầm nhìn chiến lược hạn chế nên đã chọn sai đường đi và đặt cược số phận dân tộc vào nhầm bên thua cuộc. Tuy nhiên từ năm 1986 một người giáo điều như Trường Chinh cũng đã choàng tỉnh và bước chân vào con đường đổi mới. Ngày nay không ai còn hồ nghi gì về sự hung bạo của chủ nghĩa đại Hán hay sự bế tắc của chủ nghĩa cộng sản mà ĐCSVN còn bám vào đó thì họ, bằng một cách không thể rõ ràng hơn, đã tự chứng minh là những kẻ phản bội lại quyền lợi dân tộc với đầy đủ ý thức và chủ đích.
6- Nhìn ông tổng "lú" ngậm hột thị về chuyện TQ cả hơn tháng nay, hay sự im lìm qua cả một hội nghị trung ương đảng mới thấy sinh khí trong thượng tầng của đảng hôm nay thảm hại chừng nào. Chỉ có thể hiểu rằng TQ đang nắm chắc gáy các vị. Các vị đấu đá nhau ra sao, bài vở các vị thế nào, long thể các vị "trong sạch" dường nào, của chìm của nổi các vị đang chôn cất những đâu đều không lọt qua cặp mắt cú Trung Nam Hải. TQ quá hiểu rằng mấy ai trong quí vị hôm nay vì quyền lợi bản thân, gia đình và phe nhóm đủ dung khí dám nói "KHÔNG" với món lợi mang tên Trung Hoa. TQ quá hiểu rằng dưới sự thao túng của quí vị sau 39 năm dân tộc này vẫn chưa giải xong nổi bài toán hoà giải và sa lầy trong bài toán phát triển. Cả mấy năm nay các vị giăng lưới lẫn nhau qua nghị quyết 4 mà quyền lực ngày càng tan nát, mất tập trung. Học mãi theo tư tưởng Hồ Chí Minh mà nhìn quanh chỉ thấy quan… tạng Dương Chí Dũng. Một lần nữa, muốn có sự phát triển là phải biết nhìn về phía trước. Không kẻ nào muốn tiến mà đầu luôn ngoái về phía sau. Chỉ các triều đại phong kiến mới luôn xiển dương công đức các tiên đế mà thôi. Nếu nước Mỹ cứ phát động học theo tư tưởng và đạo đức Washington thì xã hội Mỹ hôm nay không chắc khá hơn so với ngày họ lập quốc.
7- Nhân loại luôn khao khát hướng tới một nền chính trị quảng đại và chính nghĩa nhưng thực tế là nền chính trị thực dụng đang tràn lan. Trong nền chính trị thực tiễn và thực dụng này thì chân lý luôn thuộc về kẻ mạnh. Kẻ yếu sức nhưng chính nghĩa, theo hy vọng cuối cùng sẽ thắng, nhưng nhất thời kẻ mạnh dù phi nghĩa vẫn luôn ở thế chủ động. Nhà cầm quyền Việt nam luôn tuyên bố rằng Việt Nam yêu hoà bình, luôn kiềm chế, không gây chiến, nổ súng trước. Những người đấu tranh cho dân chủ Việt Nam cũng tuyên bố là họ đang theo đuổi con đường bất bạo động. Tuy nhiên chuyện Việt Nam và Trung Quốc cả hàng ngàn năm nay vẫn chuyện gươm đao và súng đạn quyết định hơn thua là chủ yếu. Khi các quốc gia trên toàn thế giới chuyển đổi từ độc tài sang dân chủ cũng luôn thấy đổ máu, chỉ có đổ nhiều hay đổ ít mà thôi. Qua mấy vụ biểu tình bạo động vừa qua đủ thấy rằng sẽ còn nhiều tang thương đang trực chờ sẵn nơi ngưỡng cửa Việt Nam nếu không sớm chuyển hoá từ đảng trị sang pháp trị.
8- Năm 1979 sau khi VN đưa quân vào Cambodia, TQ tấn công VN và VN chịu sức ép nặng nề ở hai đầu đã không dẫn đến một thay đổi nào về nhân sự hay thể chế. Năm 1989 khi cả phe XHCN tan rã VN vẫn kiên định con đường XHCN. Năm 2011 khi cả thế giới Ả Rập rung chuyển, VN kiên trì độc tài đảng trị. Và 2014… Không thấy có gì để hi vọng VN sẽ sớm thay đổi. Và người Việt, đa phần, như thường lệ, luôn trông chờ và nuôi hi vọng vào sự thay đổi của chính ĐCS. Cũng ấu trĩ và vô vọng như như lãnh đạo ĐCSVN hi vọng và trông chờ vào sự tử tế của chủ nghĩa đại Hán. Trong chuyện quyền lực, chưa có ĐCS nắm quyền nào trên thế giới biết cách hoá thân và lột xác cả. Không sớm có một đảng chính trị đủ sức cạnh tranh quyền lực với ĐCS, chuyện Việt Nam vẫn chỉ vậy mà thôi.
9- Nếu các yếu tố từ đất liền vẫn như hôm nay thì Việt Nam chẳng hi vọng gì để thay đổi cục diện trên biển. Kinh tế TQ đã qua giai đoạn phát triển bùng nổ và sắp tới nhiều khả năng là sẽ không bị đổ vỡ lớn mà đi vào điều chỉnh, cân đối và phát triển chiều sâu. Kinh tế VN khẩn kíp cần những cải cách thể chế quyết liệt để tăng trưởng. Cùng là hai kẻ độc tài mà chất trí tuệ của Trung cộng xem ra thật khác xa Việt cộng. Một lần nữa Việt Nam lại lỡ tàu.
10- Liệu có con cháu Ủy viên TW hay Bộ chính trị nào trong các lực lượng canh giữ đảo, cảnh sát biển, kiểm ngư hay ngư dân? Những lực lượng mà nếu chiến sự xảy ra sẽ nhanh chóng bị đối phương xoá sổ trong những giây phút đầu tiên. Sau bao nhiêu năm đảng tận tình tẩy não và nhồi nhét binh sỹ ngộ nhận rằng Đảng và Nước là một. Tướng quân đội làm kinh tế giàu như thế, lính tráng nghèo như thế làm sao "sỹ tướng một lòng phụ tử" nuôi chí chống Tàu được. Hơn nữa thử hỏi trên đất nước này có cửa nào mà tiền Trung Quốc không bôi trơn được. Các vụ lộ hàng hối lộ với các đối tác như Úc, Thuỵ Điển, Đan Mạch, Nhật… làm bọn tham quan càng bám chặt vào các đối tác Tàu chịu chi và kín tiếng. Một quân đội chủ yếu là gồm những con em của các gia đình không lo lót nổi cho ở chỗ nào khác ngoài đời thì những cái gì đang được chứng kiến trên biển Đông đã là quá may mắn cho một thể chế mà tương lai đã mất màu sinh khí.
11- Không có các khoa học gia hàng đầu nước Nga với một dân số có hơn 142 triệu không thể xưng bá địa cầu. Năm 1947 giữa núi rừng Việt Bắc trong những năm đầu gian khổ toàn quốc kháng chiến kỹ sư Pháp đào tạo Trần Đại Nghĩa đã chế tạo thành công bazooka đánh Pháp. Sau ngần ấy năm thử hỏi mái trường XHCNVN đã đào tạo ra những tinh hoa gì cho đất nước? Hãy thử nhìn chặng đời của một công dân trong vườn ươm tài tình sáng suốt và tuyệt đối của đảng: vừa chào đời có thể chết vì đủ loại đại dịch (sởi…), lớn tí nữa thì không chết cũng dễ thương tật vì tai nạn giao thông, vào đến trường đại học thì bội thực vì quá nhiều món vô dụng như Chủ nghĩa cộng sản khoa học, Duy vật lịch sử, Duy vật biện chứng, Lịch sử đảng, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Ra trường thì nhiều phần không đủ sống nếu không lọt vào dây của các nhóm lợi ích chuyên giành giật và vơ vét tài sản và cơ hội quốc gia. Chịu làm lụng lương thiện thì đến già hưu bổng, y tế vẫn chật vật mới đủ tồn tại. Tìm đâu đủ sinh khí và nội lực để khắc tinh kẻ láng giềng mạnh thừa tham tàn và hung bạo?
12- Bảng phong thần Việt Nam từ cổ đến nay chủ yếu gồm các anh hùng chống Tàu. Nếu Việt Nam không sớm nói "KHÔNG" với chủ nghĩa cộng sản thì chắc chóng tới ngày những kẻ rắp tâm đổi sang họ Tập ở Việt Nam kịp chốt sổ danh sách này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét