11/06/2014
Để xảy ra cuộc bạo loạn kéo dài suốt hai ngày, trên phạm vi rộng từ Bắc vào Nam, gây thiệt hại lớn về chính trị, kinh tế, xã hội nhưng những địa chỉ có trách nhiệm đã hồn nhiên đứng ngoài cuộc, không mảy may chịu trách nhiệm, không nghiêm túc nhìn vào thực chất vụ việc. Để rồi người dân phải gánh hậu quả là những cuộc biểu tình chính đáng, ôn hòa của người dân yêu nước càng bị đàn áp phi pháp, tàn bạo. Rồi ông tướng công an Hoàng Kông Tư quen mặt lại nói trong cuộc họp báo của Chính phủ rằng: Cuộc bạo loạn xảy ra là do tổ chức phản động có tên Việt Tân kích động, xúi giục thì dư luận đã bị dẫn dắt đi quá xa sự thật. Bản chất vụ việc càng bị che khuất. Trách nhiệm của công an trong vụ bạo loạn không những càng lu mờ mà vai trò của công an càng được đề cao, dùi cui của công an càng được vung lên trước nguy cơ "tổ chức phản động có tên Việt Tân". Và người dân yêu nước càng bị đặt trong vòng ngắm của công an, càng được công an "chăm sóc" kỹ càng, chặt chẽ hơn. Quyền con người, quyền công dân của người dân càng bị ngang nhiên xâm phạm!
I. Thực chất cuộc bạo loạn
Những gì diễn ra trong cuộc bạo loạn của đám đông hung hãn mặc sức đập phá các doanh nghiệp nước ngoài diễn ra suốt hai ngày 13 và 14 tháng Năm, năm 2014 ở khu tam giác kinh tế Bình Dương – Đồng Nai – Sài Gòn, nơi tập trung các doanh nghiệp nước ngoài đông nhất, lớn nhất, làm ăn hiệu quả nhất trong các khu công nghiệp ở Việt Nam, có thể nhận rõ hai điều quan trọng:
(1) Đó là cuộc bạo loạn chính trị
Cuộc bạo loạn có tổ chức, có chỉ huy, có mục đích rõ ràng. Mượn cớ biểu tình chống Trung Quốc, kích động đám đông đi đập phá các doanh nghiệp có chủ Trung Quốc đầu tư nhưng đã đập phá tất cả doanh nghiệp nước ngoài. Trong 460 doanh nghiệp nước ngoài ở Bình Dương bị đập phá chỉ có 2 doanh nghiệp Trung Quốc và vài doanh nghiệp liên doanh với Trung Quốc.
Có mặt trong đám đông đập phá đương nhiên phần lớn đều là thành phần bất hảo. Hôi của diễn ra là đương nhiên, là hệ quả. Trong đám đông bạo loạn, hôi của chỉ là mượn bão bẻ măng, theo đóm ăn tàn, ăn theo bạo loạn chính trị. Còn những kẻ núp trong bóng tối phát động cuộc bạo loạn có mục đích chính trị rất rõ ràng:
- Đánh phá kinh tế. Gây bất ổn xã hội. Làm xấu môi trường đầu tư, gây bất an và thiệt hại lớn cho nhà đầu tư nước ngoài. Xua đuổi nhà đầu tư đã vào Việt Nam phải rời bỏ Việt Nam và đe dọa để không có nhà đầu tư mới nào dám đến Việt Nam nữa.
- Tạo cho chính quyền vốn đã mất lòng dân, đang lo đối phó với sức mạnh nhân dân có cớ lập lờ đánh lận con đen, đánh đồng biểu tình yêu nước với bạo loạn phá phách để ngăn cản và thẳng tay đàn áp những cuộc biểu tình yêu nước chính đáng, lành mạnh và vô cùng cần thiết của người dân.
- Điều quan trọng nữa là, bạo loạn là dịp thử việc, đo mức độ tin cậy đối với những kẻ đã bán linh hồn cho thế lực nước ngoài muốn khuất phục, nô dịch Việt Nam, là cuộc tập dượt của lực lượng tại chỗ trong mưu đồ đánh phá, thôn tính Việt Nam.
Chưa thực sự xâm lược Việt Nam bằng sức mạnh quân sự, mới xâm lược bằng đưa giàn khoan vào lãnh thổ Việt Nam ngoài Biển Đông, họ đã huy động được lực lượng hung hãn, mạnh mẽ như vậy. Sau này, khi có sự biến lớn hơn như Trung Quốc phát động chiến tranh, kéo đại quân tràn vào nước ta thì đội quân được mua bằng tiền bạc này cùng với đội quân người Hoa hùng hậu, những tráng đinh Trung Quốc đã được huấn luyện quân sự, đã được nạp tư tưởng bành trướng Đại Hán, đang mang danh người lao động tại những công trình do Trung Quốc thi công, đang là công dân tại những làng Trung Quốc rải khắp trên đất nước Việt Nam được phát động nổi loạn đánh phá từ phía sau, từ trong lòng xã hội Việt Nam phối hợp với đại quân đánh phá từ ngoài vào sẽ là sự bảo đảm chắc thắng cho họ.
(2) Công an bỏ trống địa bàn cho đám đông bạo loạn
Người dân yêu nước trong tay chỉ có tờ giấy viết hàng chữ đậm "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam" đi biểu tình ôn hòa chống Trung Quốc xâm lược thì bị công an đến chặn cửa ngăn không cho ra khỏi nhà từ tối hôm trước. Ở nơi diễn ra biểu tình ôn hòa của lòng yêu nước thì công an chìm nổi cùng các lực lượng ngăn chặn, chống phá biểu tình do công an chỉ huy đông gấp nhiều lần người biểu tình. Công an hành xử như xã hội đen, không cần biết đến pháp luật và quyền con người, quyền công dân, hành hung, bắt cóc người biểu tình ôn hòa ngang nhiên giữa ban ngày, giữa đám đông. Công an huy động sức mạnh bạo lực nhà nước cùng bạo lực xã hội đen đã dập tắt nhiều cuộc biểu tình yêu nước từ khi biểu tình chưa kịp nổ ra.
Cuộc biểu tình hiếm hoi diễn ra được thì người biểu tình bị công an kiểm soát chặt chẽ, bị bao vây, chia cắt thành những nhóm nhỏ bé, lẻ loi, lọt thỏm giữa vòng vây đông đặc của công an chìm nổi và những tổ chức công cụ của công an. Quy mô cuộc biểu tình vì thế đều nhỏ bé đến thảm hại. Lòng yêu nước và khí phách Việt Nam bị đàn áp, bị lăng nhục. Sức mạnh Việt Nam bị vùi dập, bị thủ tiêu. Cuộc biểu tình không đạt được mục đích, không còn giá trị tinh thần và sức mạnh chính trị.
Nhưng cuộc bạo loạn của những kẻ miệng gào thét, tay vung gậy gỗ, côn sắt đập phá doanh nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, Sài Gòn diễn ra suốt hai ngày như ở nơi không có chính quyền, không gặp bất cứ sự ngăn chặn nào của chính quyền, của công an. Như có sự chỉ huy thống nhất, ở tất cả những nơi bạo loạn xảy ra, công an đã bỏ trống địa bàn, nhường địa bàn cho lực lượng bạo loạn.
Điều quá bất thường là ngày thường đủ sắc áo công an, dân phòng rải đầy đường. Chỉ một người dân đi xe máy không đội mũ bảo hộ vừa xuất hiện ở bất kỳ đoạn đường nào, lập tức có dùi cui của công an vung lên. Người dân nghèo bán hàng rong kiếm sống vừa đẩy xe trái cây vào phố liền bị đám dân phòng xúm vào bắt xe, đánh người. Nay hàng trăm người bạo loạn, ầm ầm kéo đi trên đường lớn, tràn từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác mà không thấy một bóng công an, dân phòng. Sức mạnh bạo loạn được phát huy hết công suất. Chỉ riêng ở Bình Dương, trong tổng số 700 doanh nghiệp nước ngoài có tới 460 doanh nghiệp bị đập phá tan hoang đã cho thấy sức mạnh bạo loạn lan nhanh và cường độ lớn như thế nào. Không một nhà đầu tư nào, dù không phải người Trung Quốc cũng không dám xuất hiện đối thoại với đám đông bạo loạn hung hãn không được kiểm soát. Nhiều người vội bỏ doanh nghiệp, bỏ cơ ngơi trốn ra sân bay về nước cho thấy cuộc bạo loạn gây hoảng loạn cho nhà đầu tư nước ngoài như thế nào.
II. Mặt trận thứ hai đánh phá trong nội địa phối hợp với mặt trận thứ nhất xâm lược ngoài Biển Đông
Bạo loạn xảy ra là do công an sơ hở, non kém nghiệp vụ ư? Chắc chắn là không phải. Do công an bị bất ngờ, đối phó không kịp ư? Càng không phải. Một đất nước chưa đến trăm triệu dân mà có bộ máy công an mật vụ khổng lồ, với vài trăm tướng lĩnh, vài triệu công an được biệt đãi, được quyền đứng trên pháp luật đã trở thành đội kiêu binh gây biết bao bất an, gây biết bao án mạng và án oan cho người dân. Bộ máy công an khổng lồ được trang bị kỹ thuật hiện đại nhất, có nghiệp vụ tài giỏi, có kinh nghiệm và thành tích đầy mình đã đánh sập từ trong trứng nước tất cả những ý đồ phủ nhận nhà nước cộng sản dù nhỏ nhất. Với mật độ công an dày đặc trong cuộc sống, giám sát đến từng người dân, giám sát từng phương tiện thông tin liên lạc cá nhân mà để xảy ra vụ Bình Dương ngày 13 và 14 tháng Năm, 2014 là điều vô cùng bất thường.
Tôi lại nhớ đến những chuyến thăm viếng con thoi khi công khai, khi bí mật, công khai thì ít, bí mật thì nhiều, từ Bộ trưởng cho đến các quan chức Bộ Công an hai nước Việt Nam, Trung Quốc.
Tôi lại nhớ đến bản Tuyên bố chung tám điểm do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ký với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào ngày 15.10.2011 tại Bắc Kinh. Điểm thứ tư của Tuyên bố chung có sáu việc thì việc thứ năm là: "Đi sâu hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thi hành pháp luật và an ninh;... Tăng cường giao lưu và hợp tác giữa các cơ quan như tòa án, viện kiểm sát, công an, hành chính tư pháp;... tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong việc giữ gìn ổn định trong nước của mình".
Một đất nước độc lập, có chủ quyền, thi hành pháp luật và an ninh, hoạt động của công an, tòa án hoàn toàn là công việc nội bộ của mỗi nước, là bí mật quốc gia mà lại "đi sâu hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thi hành pháp luật và an ninh" là đã giao việc cơ mật của quốc gia, giao an ninh của đất nước cho nước ngoài can thiệp rồi, là nước nhỏ đã tự nguyện nhận là phiên thuộc của nước lớn trong việc an ninh, nội trị rồi!
Văn bản ký kết chia sẻ việc an ninh nội trị của đất nước với một nước đang quyết liệt chống phá, thâu tóm đất nước mình trắng trợn, độc ác trên tất cả các mặt đời sống xã hội từ chính trị, kinh tế, văn hóa đến đất đai, lãnh thổ thì văn bản ký kết đó thực sự là bản hợp đồng mang lợi ích đất nước ra đánh đổi lấy lợi ích của đảng cầm quyền rồi. Ở phạm vi quốc gia đã có bản hợp đồng bất lợi cho đất nước như vậy thì ở phạm vi cá nhân làm sao tránh được những bản hợp đồng không thành văn của những quan tham mang lợi ích ích đất nước đánh đổi lấy lợi ích riêng của quan tham.
Từ những cuộc bạo loạn vừa qua có thể thấy rằng thế lực đang chống phá, khuất phục Việt Nam đã thực hiện rất thành công trong việc mở mặt trận thứ hai ngay trong lòng xã hội Việt Nam đánh phá làm suy yếu, cô lập Việt Nam, phối hợp với mặt trận thứ nhất do giàn khoan HD981 mở ra ngoài Biển Đông. Mở mặt trận thứ nhất ngoài Biển Đông hoàn toàn do thế lực bên ngoài. Nhưng chỉ có thế lực bên ngoài thì không thể mở được mặt trận thứ hai trong nội địa.
III. Bạo loạn tạo cớ để bạo lực nhà nước càng hướng vào nhân dân
Làm suy yếu Việt Nam để Việt Nam trở thành chư hầu của Trung Quốc, suốt hơn nửa thế kỷ qua Trung Quốc bền bỉ thực hiện hai việc cổ điển nhưng đầy hiệu quả là đánh phá kinh tế Việt Nam và đánh phá đội ngũ quan chức nhà nước Việt Nam, những người quyết định sự thành bại của đất nước Việt Nam.
Trung Quốc đánh phá kinh tế Việt Nam đã được nhiều bài viết, nhiều người chỉ ra, mọi người đầu thấy rõ. Từ đánh phá nhỏ nhen, ti tiện, hạ đẳng như lùng mua móng trâu giá cao, diệt nguồn sức kéo trong nông nghiệp. Mua rắn, kích thích người dân tận diệt rắn để chuột sinh sản tàn phá mùa màng. Đến đánh phá lớn rất công nghiệp, rất hiện đại như bỏ thầu giá thấp, trúng thầu những công trình xây dựng công nghiệp lớn để nhà thầu Trung Quốc xuất khẩu vật tư, thiết bị chất lượng kém và xuất khẩu lao động phổ thông, xuất khẩu cả tội phạm hình sự sang Việt Nam. Rồi thi công dây dưa, cầm chừng đòi trượt giá, đội giá vừa đẩy giá thầu lên cao vừa kéo dài như vô tận thời gian thi công, kìm hãm tiến độ phát triển cả nền công nghiệp Việt Nam. Điện khí hóa là tiêu chí đầu tiên của công nghiệp hóa. Điện lực phải đi đầu trong công nghiệp hóa và nguồn điện quyết định sự phát triển kinh tế và xã hội nhưng đời sống kinh tế và đời sống xã hội Việt Nam suốt mấy chục năm qua luôn thiếu điện vì hầu hết các công trình xây dựng nhà máy phát điện đều bị các quan tham Việt Nam giao cho các nhà thầu Trung Quốc thâu tóm.
Nhiều người đã chỉ ra ngón đòn độc ác, thâm hiểm của Trung Quốc đánh vào kinh tế Việt Nam. Nhưng ngón đòn đánh vào con người, đánh vào quan chức Việt Nam chưa được chỉ ra đúng mức độ nguy hại của nó. Trung Quốc đánh vào con người, đánh vào đội ngũ quan chức Việt Nam đầu tiên bằng ý thức hệ xã hội chủ nghĩa lừa bịp. Đã vất bỏ chủ nghĩa xã hội từ lâu nhưng Trung Quốc vẫn duy trì Đảng Cộng sản, vẫn núp dưới tên xã hội chủ nghĩa bịp bợm để thực hiện chủ nghĩa tư bản hoang dã dưới sự chuyên chính của Đảng Cộng sản, tước đoạt mọi quyền con người, quyền công dân, quyền tư hữu đất đai của người dân nhằm hiện đại hóa nhanh nhất và quan chức của Đảng có đặc quyền, đặc lợi cướp đoạt tài nguyên đất nước, bóc lột nhân dân, vơ vét bổng lộc, làm giàu nhanh nhất. Núp dưới cái tên cộng sản, cái tên xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc cũng giăng ra cái bẫy ý thức hệ để nô dịch các nước cộng sản đàn em. Và tháng Chín năm 1990 ở Thành Đô, cái bẫy đó đã sập xuống Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một nhóm nhỏ những người có quyền lực trong Đảng Cộng sản Việt Nam vì đặc quyền đặc lợi do thể chế độc tài đảng trị dành cho họ, họ cố chống lại xu thế dân chủ hóa tất yếu của thời đại, của dòng chảy lịch sử, cố duy trì sự độc tài đảng trị. Nhưng trước sự sụp đổ của cả hệ thống cộng sản thế giới, họ trở nên nhỏ bé, bơ vơ, lạc lõng, trống trải, mong manh và nguy khốn vội len lén sang Thành Đô, ký kết những văn bản liên minh với Trung Quốc thực chất là chấp nhận phụ thuộc vào Trung Quốc để duy trì sự tồn tại của Đảng Cộng sản, duy trì chủ nghĩa xã hội phản con người, phản tự nhiên, tự chui vào cái bẫy ý thức hệ của Trung Quốc.
Từ đó, mỗi cam kết, mỗi thỏa thuận, mỗi tuyên bố chung, mỗi hiệp định, mỗi hợp đồng kinh tế mà quan chức của Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam ký với Trung Quốc là thêm một thiệt thòi, mất mát của đất nước Việt Nam, là thêm một lần quan chức Việt Nam gục ngã trước những đòn đánh phá hiểm độc của Trung Quốc, là sợi dây trói buộc Việt Nam với Trung Quốc càng thít chặt hơn, Việt Nam càng phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn. Chỉ nêu vài dẫn chứng:
Năm 1999, ký hiệp định biên giới Việt - Trung, Việt Nam phải cắt cho Trung Quốc hàng ngàn kilomet vuông đất đai thiêng liêng của tổ tiên.
Năm 2001, Tuyên bố chung do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh ký với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân, Việt Nam phải giao mảnh đất chiến lược Tây Nguyên cho Trung Quốc vào lập lãnh địa riêng khai thác bô xít, rước về cho dân tộc Việt Nam cái họa vô cùng nguy hại về an ninh, môi trường, gây cho kinh tế Việt Nam bệnh chảy máu mất nguồn vốn lớn của nền kinh tế đất nước từ năm này qua năm khác để nhận lấy thua lỗ kéo dài, gây mất lòng tin của người dân với chính quyền, gây chia rẽ, ly tán trong nội bộ dân tộc Việt Nam. Hàng loạt quan chức vì lợi ích cá nhân cố sống cố chết bảo vệ dự án bô xít Tây Nguyên chỉ mang lợi lộc cho Trung Quốc mà gây đại họa cho dân tộc Việt Nam.
Những hợp đồng cho Trung Quốc thuê hơn ba trăm ngàn hecta rừng đầu nguồn trong nửa thế kỷ với giá rẻ như cho không thực sự là những hợp đồng quan chức Việt Nam bán mình cho Trung Quốc. Rồi 90 phần trăm công trình xây dựng công nghiệp đều lọt vào tay nhà thầu Trung Quốc để các nhà thầu Trung Quốc dùng chính các công trình trúng thầu đó đánh phá kinh tế, chống phá tiến trình công nghiệp hóa của Việt Nam. Mục tiêu Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra đến năm 2020, Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa không thể thực hiện được là do sự chống phá hiểm độc này.
Các đòn Trung Quốc đánh phá kinh tế Việt Nam cũng là đòn đánh phá con người quan chức Việt Nam. Các quan chức có gục ngã thì các đòn kinh tế mới được thực hiện. Dự án bô xít Tây Nguyên là đòn kinh tế nặng nề gây thiệt hại rộng lớn, kéo dài cũng là đòn đánh vào đội ngũ quan chức rộng lớn từ cấp cao nhất. Vụ bạo loạn đánh phá các doanh nghiệp nước ngoài tuy chỉ diễn ra trong hai ngày giữa tháng Năm 2014 cũng gây thiệt hại kinh tế không kém gì vụ bô xít.
Đã chui vào bẫy ý thức hệ của Trung Quốc thì đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Đến nay dự án bô xít đã thất bại thảm hại, càng thực hiện, càng thua lỗ, càng nguy khốn nhưng vẫn không thể bỏ. Thất bại, thua lỗ thảm hại nhưng các cơ quan nhà nước có trách nhiệm đều không dám chỉ ra cội nguồn đại họa của dự án bô xít Tây Nguyên. Cũng như cơ quan công an không thể tìm ra thủ phạm đích thực của vụ bạo loạn. Không lôi ra được thủ phạm đích thực của bạo loạn thì đành lôi Việt Tân ra thế mạng! Ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang không hề giết bà Hoan mà công an còn làm ra được bản án ông Chấn tự nhận đã giết bà Hoan thì mấy người không phải Việt Tân phải tự nhận Việt Tân chỉ là chuyện nhỏ.
Trong cuộc họp báo tổ chức ở Hà Nội sau cuộc bạo loạn Hà Tĩnh, Bình Dương nửa tháng, tôi lại thấy ông tướng Hoàng Kông Tư quen mặt. Lại thấy và quen mặt vì đầu tháng 11 năm 2010, chỉ sau hai ngày công an xông vào khách sạn ở Sài Gòn bắt tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ với tang chứng tởm lợm là hai bao cao su tanh tưởi trong sọt rác phòng tiến sĩ Vũ thuê thì ông trung tướng, thủ trưởng cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an Hoàng Kông Tư cùng ông trung tướng thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm liền chủ trì cuộc họp báo ở Hà Nội để ông trung tướng Hoàng Kông Tư với vẻ mặt nghiêm trọng, với cách nói tự tin thông báo rằng: Ông Cù Huy Hà Vũ tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý đòi lật đổ chế độ, thực hiện đa nguyên đa đảng! Trong cuộc họp báo về vụ bạo loạn, ông tướng Hoàng Kông Tư vẫn với vẻ mặt đầy nghiêm trọng nhưng trong cách nói tôi nhận ra có chút lượn lờ, vòng vo, chung chung và không còn nhiều tự tin khi ông nói rằng: Có sự kích động, xúi giục của kẻ địch mà công an đã phát hiện, bắt giữ để điều tra làm rõ theo qui định của pháp luật. Tổ chức phản động có tên Việt Tân đã kích động, xúi giục!
Vì cái bẫy ý thức hệ, các quan chức của Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đều không dám đả động đến những hành động thù địch, những tội ác của Trung Quốc đối với Việt Nam. Suốt mấy chục năm nay, Trung Quốc quyết liệt đánh phá Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực. Lấn chiếm đất ở biên giới. Xua quân tràn vào Việt Nam, gài thuốc nổ phá sập từ cái giếng nước, bắn giết hàng vạn người dân Việt Nam. Đánh cướp quần đảo Hoàng Sa, bãi đá Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bắn giết dân Việt Nam đánh cá trên biển Việt Nam. Cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam. Trắng trợn xâm lược Việt Nam bằng đưa giàn khoan 981 và hơn trăm tàu hộ tống, cả tàu dân sự và tàu quân sự vào biển Việt Nam. Nhưng ông Tổng Bí thư Đảng Cộng sản thì nín thở, không dám ho he. Còn ông tướng đứng đầu lực lượng giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam vẫn nhắm mắt ngợi ca kẻ đang cướp đất cướp biển Việt Nam, đang giết dân Việt Nam: Quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng thể các mặt đang phát triển tốt đẹp!
Ông Tổng Bí thư Đảng, ông Đại tướng ủy viên Bộ Chính trị còn không dám đả động đến ông bạn vàng ý thức hệ của Đảng thì mấy ông tướng công an làm sao dám chỉ ra kẻ giấu mặt chỉ huy cuộc bạo loạn vừa rồi là tình báo Hoa Nam. Thôi, cứ buộc Việt Tân tội kích động bạo loạn là tiện nhất, vẹn cả đôi đường. Vừa tránh không động chạm đến ông bạn Thành Đô bốn tốt, mười sáu chữ vàng của Đảng. Vừa đẹp ý Đảng, lại có cớ mang công cụ bạo lực nhà nước ra ứng xử với biểu tình yêu nước như ứng xử với Việt Tân, cứ thẳng tay đàn áp như đàn áp cuộc biểu tình chính đáng của người dân Hà Nội, Sài Gòn ngày 18 tháng 5, năm 2014. Và những cuộc biểu tình của khí phách, của ý chí bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của người dân Việt Nam đã bị bạo lực nhà nước cộng sản Việt Nam đàn áp quyết liệt, tàn bạo!
P. Đ. T.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét