Việt Nam đứng trước áp lực cải cách toàn diện để đáp ứng nhu cầu hội nhập của nền kinh tế
Kinh tế gia Phạm Chi Lan nói nhu cầu hội nhập của nền kinh tế giữa lúc căng thẳng gia tăng với Trung Quốc sẽ khiến Hà Nội không thể không cải cách thể chế.
Bà có nhận định trên trong cuộc phỏng vấn với BBC ngày 27/6, ngay sau khi Tổng cục Thống kê (GSO) công bố chỉ số tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm.
Báo cáo mới nhất của GSO cho biết trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, kinh tế của Việt Nam đã tăng trưởng 5,18%, cao hơn so với mức 4,9% cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, theo bà Lan, con số này có thể chưa phản ánh hết tác động của tình hình bất ổn vừa qua.
"Có thể những tác động của giàn khoan đối với Việt Nam chưa được tính hết vào vì thống kê tăng trưởng của Việt Nam thường có độ trễ nhất định," bà nói.
"Nhưng tôi nghĩ ảnh hưởng cũng không nhiều, vì thời gian xảy ra các sự kiện đó cũng ngắn và phần đóng góp của các doanh nghiệp đó vào toàn bộ sản lượng công nghiệp và xuất khẩu cũng không lớn lắm."
Đẩy mạnh cải cách thể chế
Nhận xét về chỉ tiêu tăng trưởng 5,8% trong năm nay và 6% cho năm sau của chính phủ, bà Lan cho rằng mức này là "cao so với khả năng".
"Thực tế là những vấn đề như giàn khoan và quan hệ kinh tế với Trung Quốc có thể có những diễn biến phức tạp hơn và do đó có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, cho nên tôi nghĩ là cần đặt ở mức khiêm tốn hơn", bà nói.
Bà Lan nhận định kinh tế Việt Nam trong năm 2015 và những năm tới sẽ phụ thuộc vào việc chính quyền Việt Nam ứng phó ra sao trước căng thẳng trên biển và những thay đổi trong quan hệ với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, bà cũng cho rằng chính phủ cần 'đẩy mạnh các chương trình tái cơ cấu kinh tế, cải cách thể chế để tạo động lực mạnh hơn, môi trường thuận lợi hơn cho khu vực tư nhân phát triển".
"Chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cũng phải được thúc đẩy mạnh hơn để hướng nguồn lực hiếm hoi của Việt Nam vào khu vực hiệu quả hơn", bà nói.
Trả lời câu hỏi của BBC về việc liệu nỗ lực cải cách thể chế của Việt Nam sẽ có biên độ lớn đến đâu, bà nói:
"Càng ngày Việt Nam càng thấy rõ hơn sức ép về việc cải cách thể chế và cảm thấy cần làm nhanh hơn nữa".
"Những phát triển trong thời gian qua không được như mong muốn và nhiều chương trình tái cơ cấu chưa được đẩy mạnh lên do việc cải cách thể chế chưa tiến hành được bao nhiêu."
"Mặt khác, sức ép từ những cuộc hội nhập mà Việt Nam sắp tham gia từ 2015 trở đi cũng như từ các hoạt động đối ngoại sẽ khiến chính quyền không cải cách không được."
"Tôi nghĩ thực sự trong thời gian tới Việt Nam sẽ phải thúc đẩy cải cách thể chế mặc dù trong nước còn ngần ngại."
"Đến lúc không thể không làm được nữa rồi."
Giảm lệ thuộc
Ngành xuất khẩu của Việt Nam sử dụng một lượng lớn nguyên vật liệu nhập từ Trung Quốc
Thống kê tăng trưởng được GSO công bố một tuần sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định điều chỉnh tỷ giá đôla/VNĐ trong nỗ lực nhằm thúc đẩy xuất khẩu.
Mặc dù vậy, bà Lan cho rằng quyết định này "không có tác động lớn" về ngắn hạn.
"Nhiều ngành xuất khẩu của Việt Nam vẫn dựa rất nhiều vào hàng nhập khẩu từ bên ngoài, nhất là sản phẩm trung gian," bà nói.
"Vì vậy tác động đối với xuất khẩu được cải thiện một chút thì lại bị phần nhập khẩu vào với giá cao hơn bù lại".
Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam đang có nỗ lực để khắc phục điều này, bà cho biết.
"Ngành xuất khẩu đang cố gắng phát triển những khâu có thể làm được ở Việt Nam để giảm bớt sự lệ thuộc từ bên ngoài, nhất là các sản phẩm trung gian."
"Kinh tế Việt Nam đã đủ phát triển để có thể sản xuất ra các sản phẩm trung gian ở trong nước."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét