- Thật dễ dàng để nói 'có' khi được hỏi 'bạn có yêu đất nước không?', nhưng sẽ khó khăn hơn nhiều để trả lời như vậy, nếu câu hỏi là 'điều gì để bạn tự hào về đất nước của bạn'.
Học sinh Trường THPT Hà Nội - Amsterdam trong giờ chào cờ. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Công việc hằng ngày cho phép tôi, một người Việt Nam trẻ tuổi được đến khá nhiều nơi trên thế giới, từ châu Á, châu Âu, và tới Mỹ.
Đi nhiều, gặp gỡ nhiều với đối tác, đồng nghiệp từ các nước khác, được nghe người bạn Trung Quốc kiêu hãnh về đất nước rộng lớn của họ, mà 'cả đời một người không đi hết', đến bạn người Hà Lan tự hào về họ- những con người sinh ra để làm thương mại, từ những người bạn Nhật khiêm nhường nhưng chỉ dùng sản phẩm 'made in Japan', đến những người bạn Mỹ hào hiệp, nhưng chỉ biết thế giới là 'nước Mỹ và phần còn lại'.
Khi đó, chúng tôi, những người Việt không khỏi thoáng chạnh lòng tự hỏi, vậy đâu là điều để chúng tôi tự hào về đất nước của mình.
Sẽ chẳng hợp thời nếu chúng tôi cố gắng khoe với bạn bè về Việt Nam anh hùng đã thắng 2 đế quốc lớn. Chiến tranh đã lùi xa, hơn 30 năm đã là một thời gian đủ dài để một bản hùng ca mất đi sức hấp dẫn vốn có của nó.
30 năm cũng là thời gian đủ dài để Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Đài Loan vươn mình đứng dạy từ đống hoang tàn, đổ nát.
Sau 30 năm, ước mơ 'sau 1 đêm ngủ dậy trở thành người Việt Nam' của ai đó đã thành câu chuyện dĩ vãng, và để con người hướng tới một chân giá trị mới.
Chúng tôi cũng chẳng thể nào tự hào về một Việt Nam rừng vàng biển bạc. Lời nguyền tài nguyên còn đó, từ quá khứ tới hiện tại, đã có quá nhiều đất nước khánh kiệt trên chính đống tài nguyên dồi dào của mình. Và ngược lại, những nước phát triển đâu cần dựa vào những của trời cho này.
Thụy Sĩ là một ví dụ, đất nước công nghiệp phát triển này chỉ có hơn 4,000 km² đất trồng trọt (tương đương với diện tích Hà Nội), và chẳng có lấy 1 cây café, nhưng mỗi giây trôi qua, có 4,500 tách Nestcafe của họ được bán ra trên toàn thế giới. Khô hạn, lũ lụt, hay mọi thiên tai tàn khốc có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới hàng triệu, hàng trăm triệu nông dân trồng café tại các quốc gia đang phát triển, nhưng có vẻ chẳng tác động nhiều tới lợi nhuận hằng năm của Nestle.
Chúng tôi cũng khó có thể tự hào để tự huyễn hoặc cá nhân mình, theo kiểu 'người Việt Nam thông minh, sáng tạo'. Chưa có một nghiên cứu chính thức nào, hoặc ít nhất, có những bằng chứng đáng tin cậy nào xác thực về việc đó.
Có thể ai đó sẽ viện cớ vào thứ hạng của chúng ta trong các kỳ thi olympic quốc tế, hoặc sự kiện Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Field cao quý, nhưng điều đó dường như chưa đủ.
Trong khi lại có quá nhiều sự thật chứng minh điều ngược lại. Vài năm trước đây, đại học khoa học và công nghệ Hongkong (The Hongkong University of Science and Technology) thực hiện một sát hạch về môn toán tại 1 số nước châu Á, trong đó tập trung vào kỹ năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, thay vì cách giải toán theo mẫu sẵn, kết quả của học sinh chúng ta đứng ở nhóm trung bình thấp. Những 'thợ giải toán' của chúng ta đã bị đo ván trên sân chơi yêu cầu sự sáng tạo!
Khi nêu lên những thực trạng này không có nghĩa là giới trẻ chúng tôi không thể tìm ra những lý do để tự hào về đất nước của mình.
Điều đó chỉ có nghĩa, thế hệ của chúng tôi ngày càng độc lập hơn, lý tính hơn trong nhận thức. Và xa hơn nữa, sống trong trong 'thế giới phẳng', tuổi trẻ chúng tôi luôn có những điều khác, những giá trị khác gần gũi hơn, thiết thực hơn, và mang tính toàn cầu hơn để yêu, và để tự hào.
Ba năm trước đây, khi dạo quanh thành phố Auckland, tôi thú nhận chưa từng biết về nền văn hóa lâu đời của thổ dân Mouri, bạn đồng hành của tôi- một người thổ dân chính gốc đã kiêu hãnh hỏi lại: 'Có thể bạn không biết về Mouri, nhưng chắc hẳn bạn đã từng dùng sữa Anlene của chúng tôi chứ?'.
Tôi hiểu ý của bạn. Hãy hàm ơn quá khứ, hàm ơn những di sản mà ông cha để lại, nhưng chỉ nên tự hào về những gì do chính bàn tay của chúng ta xây dựng nên ngày hôm nay.
Và cũng như bạn, tôi đã thật hạnh phúc khi nhìn thấy cây dứa giống mang tên Saigon ngay tại nông trại Dole nổi tiếng tại Hawaii, hay hãnh diện khi nhìn thấy hộp Vinacafe đứng cạnh các nhãn hiệu nổi tiếng Nestcafe, hay Maxwell tại một số siêu thị (tuy không nhiều) ở Mỹ.
Quán café Trung Nguyên tại đảo quốc Singapore luôn là điểm hẹn của tôi với các đối tác kinh doanh trong mỗi lần gặp gỡ. Với tôi, mỗi giọt café Trung Nguyên khi đó không chỉ đậm đà hơn, thân thương hơn, mang đậm hồn Việt hơn, mà hình như còn làm cho tôi 'có giá' hơn trong ánh mắt đối tác.
Khi nhìn thấy những túi gạo có xuất xứ từ Thailand, từ Mỹ, từ Nhật trong Wal- Mart, với giá đắt gấp nhiều lần giá gạo xuất khẩu của chúng ta, tôi cũng hơn một lần tự hỏi, đến bao giờ sẽ có những túi gạo mang thương hiệu Việt ở đó.
Chúng ta có thể phấn khởi khi trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng chỉ nên tự hào khi những hạt gạo đó được đóng nhãn, và được người tiêu dùng lựa chọn vì tên tuổi của mình..
Cuối năm trước, khi cùng các cộng sự bắt đầu xây dựng VietMac- chuỗi thức ăn nhanh kiểu Việt, chuyên gia kỹ thuật nước ngoài đã khuyên chúng tôi nên mua nhượng quyền thương hiệu từ nước ngoài.
Có thể, điều này sẽ làm cho việc kinh doanh của chúng tôi bớt rủi ro, và rút ngắn con đường đi đến thành công. Tuy nhiên, khi đó chúng tôi phải hoàn toàn sử dụng nguyên liệu của nhà cung cấp nước ngoài.
Từ chối lời khuyên của chuyên gia, chúng tôi đã cùng nhau tự tìm một con đường riêng của mình. Có thể sẽ vất vả hơn, rủi ro hơn, nhưng chúng tôi có cơ hội để sử dụng những nông sản của người Việt: gạo Việt, rau sạch Việt, thịt sạch Việt, gia vị thuần Việt. Bằng cách đó, chúng tôi có thể góp một phần dù rất nhỏ trong việc nâng cao giá trị gia tăng của nông sản của chúng ta, để mỗi giọt mồ hôi của người nông dân trở nên đỡ mặn mòi, để cánh cò trong lời ru của mẹ bớt phần lặn lội canh thâu.
- Nguyễn Thành Dương - Giám đốc điều hành công ty VietMac, Hà Nội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét