Nam Nguyên, phóng viên RFA
2011-05-24
Số liệu chính thức của Tổng cục thống kê vừa phổ biến cho thấy Việt Nam đang chịu lạm phát rất cao đẩy mức tăng vật giá gần như nghiêm trọng nhất thế giới.
Nam Nguyên phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế độc lập ở Hà Nội về các hệ lụy của tình trạng này.
Chi tiêu công chưa giảm
Nam Nguyên: Ba tháng sau khi chính phủ triển khai nghị quyết 11 với mục tiêu lớn nhất là đẩy lùi lạm phát, nhưng lạm phát tháng 5 so với cùng thời gian năm ngoái lên tới 20%. Nhìn con số này TS nhận định gì?
TS Lê Đăng Doanh: Việc chỉ số lạm phát tháng 5 của Việt nam đã tăng lên 2,21% và làm cho mức lạm phát so với tháng 5 năm 2010 lên đến mức gần 20% là một dấu hiệu rất đáng lo ngại, tình hình lạm phát vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Đáng lo ngại hơn là chỉ số giá thực phẩm đã tăng 5,53% và chỉ số giá ở TP.HCM, một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Long An cũng như một số tỉnh miền Trung cao hơn mức trung bình của cả nước.
Điều đó cũng đòi hỏi một nỗ lực lớn hơn để giúp đỡ những người nghèo vì giá thực phẩm tăng lên làm cho đời số người nghèo rất là khó khăn. Tôi nghĩ, đây là lúc cần phải có sự đánh giá một cách nghiêm túc, khoa học và tỉnh táo bằng những biện pháp cụ thể nào có thể làm cho lạm phát giảm đi một cách có hiệu quả hơn và những hiệu ứng phụ của những biện pháp đó đối với doanh nghiệp và người dân sẽ được giảm thiểu đến mức thấp nhất.
Đã có không ít cơ quan Nhà nước mua ô tô nhưng ký hợp đồng lùi ngày ký đến trước khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó thấy rằng sự chi tiêu của một số cơ quan Nhà nước có lẽ chưa được hạn chế.
TS Lê Đăng Doanh
Nam Nguyên: Do đâu những biện pháp của nghị quyết 11 chưa mang lại hiệu quả, chính phủ nói áp dụng chính sách tài khoá thắt chặt, điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng, giảm đầu tư công 97.000 tỷ đồng ?
TS Lê Đăng Doanh: Tôi tin là các biện pháp của nghị quyết 11 đã có tác dụng ở mức độ nhất định. Nếu không có các biện pháp đó, cũng như sự kiện chính phủ không chấp nhận nâng giá xăng dầu theo đề nghị của Petrolimex hồi gần đây, thì có lẽ chỉ số lạm phát còn tăng hơn nữa. Cho nên phải nói rằng có một số tác động nhất định nhưng nó chưa phát huy tác dụng đầy đủ như mong muốn.
Về phía các biện pháp của chính phủ, thì thấy rằng biện pháp thắt chặt tiền tệ đã gây ra những hiệu ứng phụ đối với doanh nghiệp. Hiện nay doanh nghiệp rất thiếu vốn và vì thắt chặt tiền tệ thiếu vốn cho nên các ngân hàng đã đẩy lãi suất tiền gởi tiết kiệm lên vượt trần của Ngân hàng Nhà nước là 14% mà hiện nay đã lên tới 18%-19%. Vì vậy đã đẩy lãi suất cho vay lên đến 28%-29% là một mức lãi suất quá sức chịu đựng của doanh nghiệp.
Trong khi đó, bên cạnh việc công bố cắt giảm 97.000 tỷ đồng đầu tư công thì con số của Tổng cục Thống kê cho thấy, sau 4 tháng mức tổng đầu tư công từ ngân sách Nhà nước và tư các doanh nghiệp Nhà nước vẫn tăng lên trên 30%. Có nghĩa là có thể các biện pháp đó đang được dự kiến nhưng chưa phát huy tác dụng và vấn đề là tại sao cắt giảm mà mức đầu tư công vẫn tăng lên đến như vậy. Đây là vấn đề cần được xem xét.
Điều thứ ba tôi muốn nói, các biện pháp thực hiện nghị quyết 11 chủ yếu là những biện pháp nhằm vào những nhiệm vụ trước mắt và chủ yếu là những biện pháp hành chính, cho nên chưa gây ra được một sự thay đổi hành vi và chưa tạo ra được một sự cải cách đồng bộ, một sự chuyển biến mạnh mẽ trong bộ máy nhà nước cũng như các doanh nghiệp Nhà nước.Thí dụ như việc cắt giảm và đình hoãn việc mua ô tô công thì tổng số ô tô nhập về trong nước vẫn tiếp tục tăng lên và những doanh nghiệp bán ô tô nói với tôi là họ vẫn bán rất chạy. Hơn nữa đã có không ít cơ quan Nhà nước mua ô tô nhưng ký hợp đồng lùi ngày ký đến trước khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó thấy rằng sự chi tiêu của một số cơ quan Nhà nước có lẽ chưa được hạn chế.
Điều cuối cùng là phải có những quyết định nhằm vào hành vi, nhằm vào lợi ích; thí dụ như có thể nâng thuế tiêu thụ đặc biệt vào những loại ô tô sang lên mức cao hơn. Điều này cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới hoàn toàn cho phép chúng ta làm, cũng như có thể chuẩn bị sớm những qui định về đầu tư công và ban hành sớm luật về đầu tư công để cho trách nhiệm về đầu tư công, hiệu quả về đầu tư công được nâng cao. Điều đó cũng hạn chế cơn khát đầu tư công đã và đang diễn ra khắp mọi nơi.
Làm sao để khắc phục
Nam Nguyên: Có ý kiến cho rằng bên cạnh những nguyên nhân như giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới tăng và Việt Nam nhập khẩu phần lạm phát này, còn lại là những vấn đề thực tại của nền kinh tế trong nước. Vậy con đường Việt Nam sẽ phải đi sẽ như thế nào để có thể khắc phục tình trạng này?
TS Lê Đăng Doanh: Tác động giá tăng lên của thị trường thế giới là rất rõ ràng, các nền kinh tế khác họ cũng bị tác động như vậy nhưng ảnh hưởng việc nâng giá đến với nền kinh tế thấp hơn chúng ta. Bởi vì nền kinh tế Việt Nam hiệu quả sử dụng về năng lượng, về vật tư đang còn quá thấp. Có nghĩa là Việt nam cần quá nhiều năng lượng, vật tư đầu vào để tạo ra được 1 đồng tổng sản phẩm quốc nội mới. Vì vậy tác động việc nâng giá của thị trường bên ngoài với nền kinh tế Việt Nam mạnh hơn.
Về lâu dài thì chỉ có một cách, tất cả nền kinh tế và doanh nghiệp phải hoạt động có hiệu quả hơn, phải tái cơ cấu lại nền kinh tế, tổ chức lại sản xuất và những điều đó thì Đại hội (Đảng) lần thứ XI đã có quyết định rồi. Nhưng cho đến nay chính phủ chỉ chú trọng việc thực thi nhiệm vụ nghị quyết 11 chú trọng đến các nhiệm vụ trước mắt, chứ không thấy gắn kết và bắt đầu thực thi các biện pháp cơ bản hơn dài hơi hơn có tính chiến lược hơn, như nghị quyết Đại hội lần thứ 11 đã đề ra. Tôi hy vọng các biện pháp đó sẽ được thực thi trong thời gian tới.
Nam Nguyên: Mục đích chung cuộc của nghị quyết 11 là bảo đảm an sinh xã hội. Có lẽ điều này sẽ rất khó khăn trong tình hình vật giá hiện nay?
Về lâu dài thì chỉ có một cách, tất cả nền kinh tế và doanh nghiệp phải hoạt động có hiệu quả hơn, phải tái cơ cấu lại nền kinh tế, tổ chức lại sản xuất và những điều đó thì Đại hội (Đảng) lần thứ XI đã có quyết định rồi.
TS Lê Đăng Doanh
TS Lê Đăng Doanh: Gần đây đã có tin về tình trạng thiếu đói và chính phủ phải xuất gạo để cứu trợ đồng bào bị thiếu đói. Còn người nghèo, công nhân ở các khu công nghiệp, các em sinh viên thì đời sống rất là khó khăn và họ đã phải tiết chế tối đa sự tiêu dùng của họ. Vì vậy có thể nói thị trường tiêu dùng của người nghèo đã thay đổi hẳn, việc mua thịt cá của họ đã bị giảm đi nhiều.
Họ cũng hoàn toàn không còn khả năng để mua các mặt hàng tiêu dùng lâu bền nữa. Tôi hy vọng trước mắt chính phủ sẽ tập trung hỗ trợ cho những người nghèo và những biện pháp thí dụ như bình ổn giá ở TP.HCM rõ ràng là không phát huy tác dụng, vì vậy nên dùng số tiền đó để trợ cấp trực tiếp cho bữa ăn của những người nghèo, bữa ăn của bệnh nhân ở trong các bệnh viện hiện nay đang quá tải và đang nằm nhiều người trên một giường bệnh. Đấy là những tình hình phải giải quyết trong thời gian tới.
Nam Nguyên: Cảm ơn TS Lê Đăng Doanh đã trả lời đài RFA.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét