Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

VIỆT NAM - 60 NĂM XÂY DỰNG và HỦY DIỆT

Post lại từ lotus-revolution
 

 

VIỆT NAM - 60 NĂM XÂY DỰNG và HỦY DIỆT

Nguyễn Đại Việt

Thế hệ mới - thế hệ của tinh thần trách nhiệm.


Trong tương lai, nếu có bất kỳ biến động lớn nào xảy ra trên thế giới, nếu có một khuynh hướng thống trị mới nào xuất hiện trên địa cầu, thì các quốc gia nhược tiểu và các quốc gia có tinh thần dân tộc yếu kém như Việt Nam hiện nay sẽ có nguy cơ bị mất nước. Vì thế, người ta cần phải có một giải pháp ngay từ bây giờ, trước khi đất nước bị xô đẩy đi sâu vào băng hoại, khó phục hồi, và đó là dấu hiệu, là tấm bảng chỉ đường đi đến chỗ diệt vong.


Cách đây 36 năm, thế giới đã ngoảnh mặt đứng nhìn miền Nam Việt Nam bị bao vây, thản nhiên nhìn họ đơn độc chống trả lại sự tấn công toàn lực của hệ thống Cộng sản quốc tế. Sự thiếu thốn đạn dược của quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), sự chênh lệch về hoả lực của hai bên trong mấy năm sau cùng, khiến tiền đồn chống Cộng của khối tự do ở Đông Nam Á bị thất thủ vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Đồng minh của miền Nam lặng lẽ di tản trong tiếng reo mừng chiến thắng của người bộ đội Cộng sản Bắc Việt. Trong tiếng reo ấy, người ta cũng nghe những tiếng súng lục ngắn gọn, những tiếng nổ rải rác của lựu đạn, âm thanh của kinh ngạc và uất hận, thể hiện tinh thần tự do và trách nhiệm cao độ nhất của người lính VNCH, đồng thời những tiếng súng và tiếng lựu đạn ấy cũng báo hiệu sự kết thúc của nền tự do dân chủ ở phía nam con sông Bến Hải. Cũng từ ngày Sài Gòn bị đổi tên, người dân miền Nam phải ngày đêm đi xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội (CNXH) để bắt kịp miền Bắc, vốn đã bắt đầu từ những năm 1945.

"Giang sơn từ đây mở mặt, Xã tắc từ nay vững nền."

Quá trình xây dựng CNXH trong 60 năm của hai miền Nam Bắc đã tàn phá phần lớn tiềm lực và tiềm năng quốc gia. Tinh thần dân tộc được bồi đắp trong suốt mấy ngàn năm bị huỷ diệt và thay bằng tinh thần XHCN. Nền văn hoá lâu đời cũng bị phế bỏ và thay bằng nền văn hoá Cộng sản quốc tế. Đối với các thế hệ XHCN, lịch sử Việt Nam dường như chỉ mới bắt đầu cách đây 6 thập niên.

Sự huỷ diệt tinh thần dân tộc là điều căn bản để xây dựng chủ nghĩa Cộng sản. Nghĩa là phải xoá bỏ những gì đang hiện hữu, những gì dính líu đến quá khứ, kể cả tư duy của con người, kể cả lịch sử hàng ngàn năm của một quốc gia, kể cả phong tục tập quán và nền văn hoá lâu đời của dân tộc ấy. Xoá bỏ có nghĩa là huỷ diệt hoặc tàn sát. Cộng sản Khmer Đỏ chọn phương pháp tàn sát tập thể để xoá bỏ. Những cánh đồng tràn ngập xác người, nơi hàng vạn người Khmer bi tàn sát, được chọn làm nơi đặt nền tảng cho chủ nghĩa Cộng sản ở Kampuchia. Tuy không sử dụng phương thức tàn sát tập thể như Khmer Đỏ, người Cộng sản Việt Nam đã chọn những phương pháp không kém dã man và tàn bạo khác, những phương pháp thiếu tính nhân bản để huỷ diệt tinh thần dân tộc của quốc gia cuả chính mình.

Chủ trương huỷ diệt tinh thần dân tộc Việt Nam qua quá trình xây dựng CNXH được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất được thực hiện ở miền Bắc từ 1945 đến năm 1975. Giai đoạn thứ hai được tiến hành ở miền Nam từ 1975 đến 1985. Quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa trong hai thời kỳ này, không những đã tiêu diệt nền văn hoá và tinh thần dân tộc lâu đời, mà còn đào tạo hai thế hệ XHCN. Thế hệ thứ nhất gồm những người cuồng tín và giáo điều, chịu ảnh hưởng nặng nề tinh thần vị kỷ, tinh thần vô trách nhiệm và tinh thần phi nhân bản. Thế hệ này hiện đang lãnh đạo đảng CSVN, điều khiển guồng máy quốc gia và chi phối mọi hoạt động trong xã hội. Trong khi đó, nhờ sự xụp đổ của Cộng sản quốc tế và chính sách đổi mới, nên thế hệ thứ hai, may mắn hơn, không bị ảnh hưởng nghiêm trọng giống như thế hệ đầu tiên. Dẫu vậy, trong 20 năm qua, từ năm 1986 đến năm 2005, xã hội Việt Nam bị biến dạng một cách đáng ngại so với thời kỳ bao cấp, bị xô đẩy đi sâu vào sự băng hoại và hỗn loạn. Trong đó, sức mạnh vật chất đang khống chế con người và giá trị đạo đức của xã hội này.

Người Cộng sản bắt đầu chính sách huỷ diệt tinh thần dân tộc qua cuộc cải cách điền địa, đi đôi với phong trào đấu tố được phát động trên toàn miền Bắc từ năm 1949. Người dân của mọi thành phần, từ nông dân đến địa chủ, từ công nhân đến trí thức, từ nghèo đến giầu, từ già đến trẻ, bất kể nam nữ, tất cả đã phải chịu đựng biết bao thống khổ, dày vò vì phong trào đấu tố. Người dân miền Bắc phải chịu tủi nhục, cắn răng, ngậm miệng, khi buộc phải vất bỏ tính người và khoác lên mình một sự tàn ác, một tinh thần phi nhân bản, để sống và đối xử với nhau.

Từ 1949 đến 1956, phong trào đấu tố đã khiến mọi người phải đấu tố lẫn nhau để giành quyền sống. Người làm công đấu tố chủ của mình, con cái đấu tố cha mẹ, vợ đấu tố chồng, em đấu tố anh, bạn bè người thân đấu tố lẫn nhau. Suốt 8 năm đấu tố liên tục, người Cộng sản đã khuất phục được mọi tầng lớp trong xã hôi. Đấu tố là hình thức khủng bố thể xác và tinh thần một cách phi nhân bản, là phương pháp rất hữu hiệu trong việc đánh quỵ mọi tư tưởng phản kháng và chống đối tự nhiên của con người. Kết quả là con người sẽ dễ dàng bị uốn nắn và dễ dạy bảo hơn. Để hoàn thành việc xoá bỏ nền văn hoá, phong tục tập quán, và tính nhân bản của người dân miền Bắc, song song với phong trào đấu tố, người Cộng sản đã bao vây, cô lập, và huỷ diệt tinh thần của họ tân gốc rễ qua chính sách bần cùng hoá nhân dân. Bị cô lập nghĩa là không có cơ hội so sánh và cầu cứu, làm giảm sự bất mãn và phản kháng, tạo thêm sự dễ dàng và thuận lợi cho chính sách bần cùng hoá của người Cộng sản.

Các kế sách của chủ trương bần cùng hoá nhân dân là chính sách bao cấp và chế độ hộ khẩu. Trong đó, mọi sinh hoạt hàng ngày của người dân đều được chỉ đạo và kiểm soát bằng khủng bố và bạo lực. Từ việc đi đứng đến cách ăn uống, nhất cử nhất động đều do đảng Cộng sản kiểm soát và ban phát. Dưới chính sách bao cấp, nhân phẩm của người dân miền Bắc bị chà đạp đến tân cùng. Họ phải tố cáo nhau để được hưởng ân huệ của đảng, phải giành giật nhau từ những cái tầm thường và nhỏ nhặt nhất để bù đắp vào sự suy nhược tinh thần lẫn vật chất trong quá trình xây dựng CNXH. Cái cảnh mà người ta phải buôn trộm bán lén phân bắc, đủ diễn tả hết cái đói khổ cùng cực, cái thiếu thốn và sự bần cùng, mà người dân miền Bắc phải gánh chịu trong giai đoạn này. Hãy lưu ý rằng, sự thiếu thốn ấy là do chính sách bần cùng hoá người dân của chủ nghĩa Cộng sản, chứ không phải miền Bắc không có tiềm lực và khả năng về kinh tế.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngoài việc áp dụng chế độ bao cấp và chế độ hộ khẩu ở miền Nam, chính sách tiêu diệt văn hoá và huỷ diệt tinh thần dân tộc được tiếp tục với chính sách học tập cải tạo và chương trình kinh tế mới.Để tiến hành giai đoạn hai trong việc huỷ diệt tinh thần dân tộc của cả nước, nhà tù và trại cải tạo được xây dựng khắp nơi trên toàn quốc, nghĩa là nơi nào có con người thì nơi ấy có nhà tù hoặc trại cải tạo. Thật vậy, một mặt vì e rằng việc sử dụng chính sách diệt chủng và tàn sát tập thể có thể gây bất lợi cho đảng CSVN đối với quốc tế. Mặt khác, cũng vì e ngại rằng việc tàn sát tập thể có thể tạo nên một cuộc nổi dậy của người dân miền Nam vốn đã sống dưới chế dộ tự do dân chủ trong một thời gian khá lâu; nhà tù, trại cải tạo, vùng kinh tế mới, cộng thêm các nhãn hiệu "phản động" và "tư sản mại bản", tất cả những thứ ấy, được xem là phương pháp hữu hiệu, đã được dùng đầy đoạ thể xác và huỷ diệt tinh thần dân tộc của người dân miền Nam. 

Miền Bắc bất hạnh hơn miền Nam. Vừa thoát khỏi chế độ phong kiến và thực dân, chưa được hưởng một giây phút không khí tự do dân chủ nào, người dân miền Bắc bị buộc đi xây dựng CNXH. Do vậy, chủ nghĩa Cộng sản dễ dàng thâm nhập vào xã hội miền Bắc vì sự vắng bóng của một nền tảng dân chủ. Miền Nam, trái lại, may mắn hơn, có cơ hội sống và tiếp xúc với thế giới tự do, nên những nghịch lý của chủ nghĩa Cộng sản khó lòng được tuyên truyền và thâm nhập một cách nhanh chóng. Tuy vậy, sau 10 năm xây dựng CNXH và 20 năm "đổi mới", tinh thần dân tộc ở phía nam vĩ tuyến 17 đã lung lay.

Sự sụp đổ giây chuyền của chế độ Cộng sản ở các nước Đông Âu và Liên Bang Xô Viết khiến công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của đảng Cộng sản Việt Nam bị khựng lai. Sự sụp đổ này giúp họ nhận ra những sai lầm nghiêm trọng trong chủ nghĩa Cộng sản, những sai lầm trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, và những sai lầm trong chính sách cai trị đất nước của họ trong sáu thập niên qua.

Sau khi nhận ra những sai lầm này, người Cộng sản tiên đoán chế độ có nguy cơ sụp đổ nếu vẫn còn tiếp tục theo đuổi công cuộc xây dựng CNXH. Để xoay chuyển tình thế, bắt chước đảng Cộng sản Trung quốc, đảng Cộng sản Việt Nam cũng chuyển hoá hòng kéo dài chế độ và sự tồn tại của đảng. Sự chuyển hoá của đảng Cộng sản trong 20 năm qua đã giải toả phần nào gánh nặng xây dựng CNXH cho người dân, nhưng một lần nữa, đã làm biến dạng xã hội Việt Nam theo một chiều hướng phức tạp và hỗn loạn hơn. 

Ngoài việc nhắc lại cái hào quang của trận Điện Biên Phủ năm xưa, đảng Cộng sản làm ngơ không nhắc gì đến những sai lầm và tai hại nghiêm trọng do họ gây ra từ năm 1985 trở về trước. Người Cộng sản giờ này chỉ tuyên truyền và xưng tụng những kết qủa từ năm 1986 trở đi, những gặt hái trong 20 năm qua, được cho là tốt đẹp và thành công nhất, kể từ khi họ mang chủ nghĩa Cộng sản vào Việt Nam. Những thu hoạch của người Cộng sản trong hai thập niên qua là được tiếp xúc với thế giới tự do, làm ăn với Tây phương, xây dựng một số cơ sở vật chất, làm sở hữu chủ cơ sở thương mại, đất đai, nhà lầu, xe hơi, xe gắn máy, không còn phải lo âu về nỗi đói mỗi ngày, không còn phải xếp hàng mỗi ngày để mua nhu yếu phẩm, không còn phải lo sợ, lén lút khi ăn một bữa ăn ngon, đặc biệt là không còn phải đấu tố lẫn nhau nữa.

Thế nhưng, khi xưng tụng và hãnh diện về những thành quả đó, có lẽ người Cộng sản đã vội quên rằng, những thứ ấy, người dân miền Nam đã từng có trước ngày 30 tháng 4 năm 1975. Dẫu nền kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây quả có phát triển hơn so với thời kỳ bao cấp, tuy nhiên, nếu nhìn kỹ lại những kết qủa mà người Cộng sản đang hãnh diện, người ta vẫn nhận thấy hình như các kết quả ấy không phải là do công lao của họ. Công lao của người Cộng sản, nếu có, chỉ là việc hé mở bức màn sắt đã nhốt và cô lập người dân với thế giới bên ngoài suốt bốn thập niên. Thật vậy, tất cả những xưng tụng đó, nghĩa là làm cho nền kinh tế quốc gia có vẻ khá lên trong 20 năm qua, chỉ do sức bật, do bản năng sinh tồn, do sức sống tự nhiên của người dân khi bức màn sắt được hé mở.

Thay vì ca tụng những thành quả vật chất trong 20 năm qua, người Cộng sản có thể hãnh diện về hành động đã trả một phần quyền tư hữu lại cho người dân mà họ đã tước đoạt trong suốt 40 năm. Quyền tư hữu đã chuyển hoá tinh thần thụ động và lệ thuộc của người dân, làm sống lại bản năng kinh tế tự nhiên đã bị kềm hãm, giam cầm suốt bốn thập niên. Với quyền tư hữu này, chính người dân, không phải những người Cộng sản, đã vực dậy nền kinh tế bao cấp thoi thóp ấy.

Tựu trung, những gì thu lượm được trong hai thập niên vừa qua là một phần dựa vào các nguồn tài chánh từ bên ngoài, và phần kia là nhờ vào sự kỳ diệu của quyền tư hữu. Thật thế, sự góp mặt của quyền tư hữu trong 20 năm qua khẳng định các quyền căn bản của con người có ảnh hưởng và liên hệ mật thiết đến sự phát triển nền kinh tế của một quốc gia. Do vậy, nếu người Cộng sản can đảm trả lại tất cả các quyền căn bản cho người dân, nền kinh tế Việt Nam ắt hẳn sẽ khả quan hơn, và người Cộng sản sẽ có cơ hội hãnh diện về những kết quả kinh tế thực sư trong tương lai, so với những gặt hái tạm bợ trong 20 năm qua. Trái lại, nếu tiếp tục phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chắc chắn họ sẽ mất cơ hội để xưng tụng vì nó hoàn toàn không một cơ sở lý luận kinh tế vững chắc nào cả.

Nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN không thể tồn tại lâu dài vì lý thuyết kinh tế này chỉ là một lý thuyết góp nhặt, một sự kết hợp miễn cưỡng và không hợp lý giữa chủ nghĩa Cộng sản và lý thuyết kinh tế Tư bản. Một lý thuyết kinh tế không hề được giảng dạy ở bất kỳ đại học nào trên thế giới. Nơi duy nhất giảng dạy lý thuyết kinh tế thị trường theo định hướng XHCN ấy chính là Bộ chính trị của đảng Cộng sản Trung quốc.

Sự phát triển không hợp lý của nền kinh tế Việt Nam đã tạo ra một khoảng cách đột ngột giữa mức độ giầu và nghèo trong xã hôi. Con số người giầu và người nghèo còn quá chênh lệch, lợi tức của đại đa số người dân vẫn còn thấp dưới mức trung bình. Do đó, chính sách đổi mới và những nhu cầu phát sinh sau này của thành phần giầu có và quyền lực, đã thúc đẩy xã hội vào một sự hỗn loạn về kinh tế và làm đảo ngược giá trị đạo đức. Trong sự hỗn loạn ấy, người ta đặt nặng giá trị của kinh tế và vật chất, xem nhẹ giá trị đạo đức con người. Thành quả của nền kinh tế trong 20 năm qua giá trị đạo đức đang bị hủy diệt, tinh thần dân tộc trở nên thụ động và bạc nhược.

Thật vậy, hầu như hàng ngày, qua báo chí trong nước, người ta đều thấy loan tin về giám đốc của công ty này bị truy tố, cán bộ của huyện kia bị cách chức. Điều đáng chú ý là đa số các vụ cách chức và truy tố đều liên quan đến tội tham ô và hối lộ. Hoặc nếu có dịp đi một vòng thăm viếng đất nước này, từ Nam ra Bắc, người ta cũng không khỏi ngạc nhiên khi thấy tầng lớp khả kính nhất của một quốc gia, thành phần giáo chức, cũng ra sức khai thác bóc lột người khác. Người khác, nghĩa là đối tượng của sự khai thác bóc lột, lại chính là học trò của thành phần khả kính kia.

Nguy hiểm hơn nữa, dường như mọi tầng lớp của thế hệ xã hội chủ nghĩa, từ cấp nhỏ đến cấp lớn, trong mọi lãnh vực, trong mọi công ty, trong mọi nghành nghề, ngày và đêm, đầu óc họ có lẽ luôn bận rộn, suy nghĩ, tìm tòi những phương thức nào đó để đục khoét xã hội một cách hiệu quả và nhanh chóng nhất. Nói tóm lại, những hiện tượng tiêu cực xảy ra trong xã hội Việt Nam có tính cách thường xuyên, hằng ngày, hằng giờ, và bất kỳ ở đâu, trong nhà, ngoài đường, trong trường học, bệnh viện, văn phòng làm việc, quán cà phê, quán nhậu, khách sạn, vũ trường, v.v..., khiến người ta có cái cảm giác các hiện tượng ấy là một trong những phong tục tập quán của nền văn hoá ở xứ sở này.

Một cách đáng chú ý là, nền văn hoá Cộng sản quốc tế và tinh thần Xã Hội Chủ Nghĩa có thể được quan sát và tìm hiểu qua thái độ, hành vi và phong thái làm việc của một số cán bộ cao cấp, cấp thứ trưởng hoặc tương đương, của chế độ Cộng sản, qua những sự kiện và các vụ án không thể ém nhẹm hoặc không còn cách để che dấu. Điển hình là từ thái độ hằn học, thiếu trách nhiệm và thiếu giáo dục của một cán bộ cao cấp ngành hàng không khi trả lời phỏng vấn của một phóng viên thuộc một cơ quan truyền thông hải ngoại trong năm 2005, đến việc một cán bộ cao cấp ngành thể dục thể thao cưỡng hiếp một bé gái cũng vào năm ấy, và mới đây, vụ cá độ lên đến hàng triệu đô la của một cán bộ cao cấp khác của ngành giao thông vận tải trong đầu năm 2006.

Hãy lưu ý rằng, các cán bộ cao cấp ấy là tiêu biểu của thành phần lãnh đạo, là đại diện của thế hệ XHCN. Dù cách chức, bỏ tù, hoặc thay thế họ bằng những người khác, người ta cũng sẽ không giải quyết được vấn nạn này, bởi lẽ, tất cả những con người ấy đều giống nhau, tất cả đều là sản phẩm khuôn mẫu của người Cộng sản, và đó là kết quả tất yếu của quá trình xây dựng CNXH.

Tinh thần XHCN thiếu tính nhân bản, nhưng dân tộc Việt Nam là một dân tộc của tinh thần nhân bản. Trong suốt mấy ngàn năm lich sử của dân tộc này, trong suốt một ngàn một trăm năm bị Tầu và Pháp đô hộ, trong bất kỳ triều đại hoặc chế độ nào, và trong những giai đoạn nguy kịch, khó khăn nhất của đất nước, chưa bao giờ người ta thấy người phụ nữ Việt Nam bị dân tộc họ đầy ải và gả bán cho ngoại quốc làm nô lệ cả. Thế nhưng, với nền văn minh nhân loại trong thế kỷ 21, người ta khó mà tưởng tượng, cũng như khó lòng mà giải thích được khi khám phá ra rằng, có những bé gái và những thiếu nữ, những bà mẹ Việt Nam tương lai, đang bị thế hệ XHCN này, những người cùng chủng tộc với các cô gái khốn khổ ấy, đang dồn họ vào đường cùng, xua đuổi, và gả bán họ để làm nô lệ, dưới mọi hình thức, ở một số quốc gia lân cận trong hai thập niên qua. 

Sự kiện này là một điều đáng buồn cho truyền thống và thân phận của người phụ nữ, là niềm tủi hổ cho tuổi trẻ, và là một sỉ nhục cho quốc gia. Việc xua đuổi và gả bán người con gái Việt Nam đi làm nô lệ ở xứ người, một lần nữa, khẳng định tinh thần vị kỷ, tinh thần vô trách nhiệm, và đặc biệt là tinh thần phi nhân bản của thế hệ XHCN ấy. Hãy lưu ý rằng, tinh thần phi nhân bản đó không phải là bản chất của dân tộc này, mà nó chỉ là sản phẩm của chính sách tiêu diệt nền văn hoá và huỷ diệt tinh thần dân tộc của quốc gia đó, khởi đầu bằng cuộc cải cách điền địa và phong trào đấu tố, trong quá trình xây dựng CNXH của người Cộng sản Việt Nam.

Theo một nghiên cứu mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ông IL Houng Lee, đại diện của tổ chức này ở Việt Nam, nhận định rằng, nền kinh tế của quốc gia ấy phải mất một thời gian dài mới mong bắt kịp được nền kinh tế của một số quốc gia khác trong vùng. Trong cuộc nghiên cứu, nền kinh tế của xứ sở này chỉ được so sánh với một số nước nhược tiểu, và cuộc nghiên cứu được dừng lại ở Singapore, một nước nhỏ, theo thể chế dân chủ, trong vùng Đông Nam Á.

Tuy Singapore chỉ là một nước nhỏ, nhưng theo ông IL Houng Lee, Việt Nam cũng phải cần đến 197 năm, nghĩa là cần đến 8 thế hệ, mới mong bắt kịp nền kinh tế của quốc gia này Sự nghiên cứu ấy được dừng lại ở Singapore, vì con số đó sẽ lớn hơn nhiều, nếu phải so sánh với Đài Loan, Nhật Bản, hoặc một số cường quốc tây phương. Những con số này không cần thiết cho cuộc nghiên cứu, cũng như không mấy hữu ích cho việc nghiên cứu sự phát triễn kinh tế Việt Nam. Thật vậy, 197 năm là một giới hạn, một tầm nhìn khá rộng rãi của một công trinh nghiên cứu phát triển kinh tế cho bất kỳ quốc gia nào. Nói một cách khác, ông IL Houng Lee ngụ ý rằng, Việt Nam khó lòng trở thành một cường quốc kinh tế. Tệ hơn nữa, quốc gia này còn phải tiếp tục đóng vai trò một nước nhược tiểu trong nhiều thập niên tới. Vì lẽ đó, một cách tế nhị, những nhà nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã tránh so sánh nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế của các quốc gia dân chủ tiến bộ khác trên thế giới.

Cuộc nghiên cứu của IL Houng Lee hàm ý rằng Việt Nam cần phải xây dựng một lớp người mới, phải thay đổi chế độ hiện tại bằng chế độ tự do và dân chủ.

Sự di hại của thế hệ XHCN không chỉ giới hạn trong lãnh vực kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến nền an ninh và sự tồn vong của đất nước. Thật vậy, trong quá trình lịch sử nhân loại, các nước nhược tiểu hoặc các quốc gia có tinh thần dân tộc bạc nhược thường là mục tiêu chính của các thế lực mạnh hơn. Người ta không thể bảo đảm rằng loài người sẽ được sống mãi trong hoà bình. Cũng như người ta cần phải nhớ lại bài học diệt vong của vương quốc Chiêm Thành, bài học một ngàn năm làm nô lệ dưới chủ nghĩa đại Hán, bài học một trăm năm làm nô lệ dưới chế độ thuộc địa, bài học cải cách điền địa, bài học cải tạo tập trung, và mới đây là bài học bỏ nước ra đi sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 của người dân miền Nam. Ngoài ra, người ta cũng nên noi gương sự vươn lên với những thành quả có tầm vóc quốc tế, đáng được ca tụng của dân tộc và giới lãnh đạo Nam Hàn trong 30 năm qua.

Trong tương lai, nếu có bất kỳ biến động lớn nào xảy ra trên thế giới, nếu có một khuynh hướng thống trị mới nào xuất hiện trên địa cầu thì các quốc gia nhược tiểu và các quốc gia có tinh thần dân tộc yếu kém như Việt Nam hiện nay sẽ có nguy cơ bị mất nước. Vì thế, người ta cần phải có một giải pháp ngay từ bây giờ, trước khi đất nước bị xô đẩy đi sâu vào băng hoại, khó phục hồi, và đó là dấu hiệu, là tấm bảng chỉ đường đi đến chỗ diệt vong.

Hai giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và miền Nam trong bốn thập niên, bắt đầu từ năm 1945, cộng thêm 20 năm đổi mới trong lúng túng, không những đã tiêu diệt nền văn hoá và huỷ diệt tinh thần dân tộc được bồi đắp suốt mấy ngàn năm, mà còn để lại một di hại và hiểm hoạ không nhỏ đối với việc phát triển một Việt Nam đang tụt hậu trong nhiều thập niên tới. Thế hệ XHCN chính là sư di hại và mối hiểm hoạ ấy. Họ là kết quả của 40 năm xây dựng CNXH và 20 năm chuyển hóa, là nguy cơ của quốc gia và xã hội, và đang là trở lực chính trong mọi nổ lực phát triển đất nước. 

Nguyên lý căn bản để phát triển một Việt Nam vững mạnh là phải xây dựng lại nền tảng quốc gia. Nền tảng quốc gia chính là những lớp người mới mang tinh thần trách nhiệm, vì ngoài họ sẽ không còn ai khác có khả năng vực dậy và xây dựng lại một đất nước đang bị hủy diệt về mọi phương diện sau 60 năm xây dựng CNXH.


Nguyễn Đại Việt
30 tháng 4 năm 2011
Nguyễn Thái Học Foundation

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét