Post lại từ diendantheky
SATURDAY, MAY 28, 2011
Tiêu Dao Bảo Cự
Trong lịch sử Việt Nam, nhiều người đánh giá trí thức chưa được hình thành như một tầng lớp có ảnh hưởng quyết định đến bước tiến của xã hội. Thời phong kiến cũng như các chế độ sau này, sĩ phu ngày xưa và trí thức ngày nay chỉ là tầng lớp thừa hành cho vua chúa và những người cầm quyền. Họ không có tiếng nói quyết định và chỉ đóng vai trò mờ nhạt. Thậm chí còn có người chê bai, dè bỉu là trí thức luôn hèn nhát và chỉ có thân phận tôi đòi, con hát cho các chế độ. Đây là một vấn đề lớn cần phân tích và bình luận thấu đáo.
Tuy nhiên điều có lẽ nhiều người thừa nhận là trong lịch sử, một số cá nhân trí thức xuất chúng đã vượt lên, bằng trí tuệ và nhân cách, tác động vào lịch sử đương thời và mai sau, trở thành tấm gương sáng cho nhiều thế hệ.
Chu Văn An với "Thất trảm sớ" đòi chém đầu 7 kẻ nịnh thần không được liền cáo quan lui về ở ẩn, dạy học, được đời sau xưng tụng là "vạn thế sư biểu".
Nguyễn Trãi làm quân sư cho Lê Lợi, với chủ trương "đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo", dùng sách lược "tâm công" để đánh địch. Ngòi bút của ông trong những bức thư dụ hàng gởi kẻ địch có hiệu lực không thua kém những đoàn quân xung trận. "Bình ngô đại cáo" là một bản "thiên cổ hùng văn" dấy lên niềm tự hào và sức mạnh dân tộc xuyên suốt dòng lịch sử Việt Nam mà thời nào cũng phải đương đầu với bọn xâm lược nước ngoài. Dù sau đó với cái họa "tru di tam tộc" do bọn vua chúa và quyền thần sa đọa gây nên, tên tuổi Nguyễn Trãi vẫn luôn là ngôi sao bắc đẩu trong lịch sử soi đường cho trí thức Việt Nam.
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ hướng cho các Chúa Nguyễn vào nam với câu "hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân" không những giúp mở đầu cho một triều đại mà còn mở cõi cho đất nước về phương nam.
Một anh hùng trên ngựa như Tây Sơn Nguyễn Huệ cũng đã bái La Sơn Phu tử làm quốc sư lúc đi chinh chiến cũng như lúc trị vì.
Thời nhà Nguyễn, Nguyễn Trường Tộ khi có dịp đi ra nước ngoài, mở mắt nhìn văn minh thiên hạ, thấy sự lạc hậu của đất nước đã viết điều trần tỉnh thức vua quan về con đường canh tân đất nước.
Cao Bá Quát, con người học rộng chí cao, nhà thơ tài hoa, "một đời chỉ biết cúi lạy trước hoa mai", khinh miệt trò "nhai văn nhá chữ", không chịu đựng nổi triều đình lạc hậu, áp bức đã đi vào con đường "làm phản" dù cuối cùng chịu rơi đầu trên pháp trường.
Với một số kẻ sĩ như thế (chưa kể hết), nếu có ai bảo sĩ phu thời phong kiến toàn là một lũ tôi đòi, con hát thì đúng là không công bình, "vơ đũa cả nắm".
Thời hiện đại, trí thức có môi trường rộng hơn các bậc tiền bối của mình ngoài quan trường và nơi dạy học.
Giai đoạn Pháp thuộc, nhóm Nam Phong tạp chí với Phạm Quỳnh, nhóm Đông Dương tạp chí với Nguyễn Văn Vĩnh, các nhà văn Tự Lực Văn Đoàn và nhiều nhà văn tài năng khác đã dùng ngòi bút để nâng cao dân trí, đề cao văn hóa, tạo ra ảnh hưởng xã hội không nhỏ.
Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh, Lý Đông A cùng nhiều trí thức yêu nước tân, cựu học đã vạch ra đường lối cứu nước và đi vào hành động, gây men cho lòng ái quốc dưới thời kỳ đô hộ của thực dân Pháp.
Sau 1954, phong trào "Nhân văn – Giai phẩm" ở miền Bắc đã làm xuất hiện những trí thức, những nhà văn mà trí tuệ, tài năng và nhân cách, dù bị vùi dập trong thời gian dài nhưng cũng đến lúc họ được chiêu tuyết, tôn vinh và là niềm hứng khởi cho các thế hệ mai sau.
Ở miền Nam cũng không thiếu những trí thức dám phản kháng những người cầm quyền mà tiêu biểu là Nhất Linh với câu nói "Đời tôi để lịch sử xử" khi tự sát, không chấp nhận cho chế độ Ngô Đình Diệm đưa ra tòa xét xử. Về sau này, Nguyễn Ngọc Lan (cùng với Chân Tín) chủ trương tạp chí Đối Diện, công khai thách thức nhà cầm quyền với phương châm "sống thẳng, nói thật", "cúi ngửa theo người quyết chẳng theo" (kể cả sau 1975, cho đến khi ông mất).
Sau 1975, những trí thức có tinh thần phản kháng không phải ít. Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn và nguy hiểm, những trí thức Miền Nam dám lên tiếng phê phán chế độ để rồi phải nhận nhiều năm tháng tù đày như bác sĩ Nguyễn Đan quế, giáo sư Đoàn Viết Hoạt, cho thấy họ không hề hèn nhát.
Cuối thập niên 80, đầu 90 của thế kỷ trước, giới văn nghệ sĩ "đổi mới" trước đảng hay cùng với đảng đã có những suy nghĩ, tiếng nói, tác phẩm khác với quan điểm lập trường của đảng và nhà nước. Có thể kể: Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến, Trần Văn Thủy, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương, Trần Huy Quang, Trần Mạnh Hảo, Phùng Gia Lộc, Hoàng Hưng, Đào Hiếu, Nguyễn Viện, Trần Vàng Sao, kể cả Lê Lựu, Bảo Ninh… , tiếp theo sau đó là các nhà văn trẻ hơn như Nguyễn Quốc Chánh, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Danh Lam…
Cũng thời gian này, đề cập trực tiếp đến những vấn đề chính trị, không ít trí thức đã công khai đối lập với chế độ. Miền Nam có Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Lữ Phương, Nguyễn Văn Trấn, nhóm "Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ" với Nguyễn Hộ, Hồ Hiếu, Đỗ Trung Hiếu…, "nhóm thân hữu Đà Lạt" với Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Mai Thái Lĩnh, Trần Minh Thảo… Miền Bắc có Hoàng Minh Chính (tiếp tục phản kháng từ những năm trước), Trần Độ, Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Tiến, Lê Hồng Hà, Nguyễn Kiến Giang, Trần Lâm, Trần Khuê, Phạm Quế Dương, Vũ Cao Quận, Trần Dũng Tiến…
Bước sang thế kỷ 21, số lượng trí thức lên tiếng phản đối chế độ ngày càng đông và càng trẻ hơn (bên cạnh những người lớn tuổi đã xuất hiện từ trước), có quan điểm, thái độ và hành động ngày càng triệt để mạnh dạn hơn và thuộc nhiều giới trí thức.
Bác sĩ như Phạm Hồng Sơn, Lê Nguyên Sang.
Nhà báo chính thống và sau này là nhà báo tự do kiểu blogger như Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Khắc Toàn, Huỳnh Văn Đạo, Trang Hạ, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Trần Huỳnh Duy Thức, Người buôn gió, Đoan Trang, Mẹ Nấm, Huỳnh Thục Vy…
Luật sư với Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định, Lê Quốc Quân, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải, Lê Hiếu Đằng, Cù Huy Hà Vũ.
Văn nghệ sĩ như Bùi Ngọc Tấn, Tô Hải, Phạm Đình Trọng, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Quang Lập, Võ Thị Hảo, Song Chi, Trần Khải Thanh Thủy, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư, Bùi Chát - Lý Đợi với nhóm Mở Miệng và nhà xuất bản Giấy Vụn…
Nhà giáo với Nguyễn Thượng Long, Vũ Hùng.
Những người kể cả cán bộ đảng viên còn trong bộ máy nhà nước như Vy Đức Hồi, nhóm IDS, nhóm khởi xướng trang Bauxite Việt Nam.
Các trí thức học ở nước ngoài trở về như Đỗ Nam Hải, Nguyễn Tiến Trung, Phạm Minh Hoàng, hoặc đang làm việc ở nước ngoài như Ngô Bảo Châu.
Những trí thức trên đây, có một số ít người ở trong các tổ chức chính trị mà nhà cầm quyền đánh giá là bất hảo, nhưng phần lớn là những tiếng nói độc lập, tiếng nói của lương tri. Tiếng nói của họ thể hiện tinh thần phản kháng trước cái xấu, cái ác, những sai lầm của chế độ, vang lên khát vọng tự do dân chủ và quyền được sống như con người hạnh phúc của một dân tộc đã trải qua nhiều đọa đày.
Trong số những hoạt động dồn dập gần đây, chịu sự trù dập thô bạo, nhận những bản án nặng nề, có mấy hiện tượng đáng chú ý:
Giới luật sư có số lượng đông đảo nhất. Họ là những người thành đạt trong xã hội, am hiểu luật pháp và bất bình trước việc nhà nước thường sử dụng luật rừng trong khi có cả một rừng luật. Đây là những người có kiến thức, trí tuệ, tâm huyết và cả lòng dũng cảm để trở thành lực lượng xung kích trong cuộc vận động đấu tranh dân chủ hóa đất nước.
Trong phong trào đấu tranh ở đô thị Miền Nam thời chiến tranh, sinh viên học sinh là lực lượng xung kích nhưng dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, họ bị nhồi sọ và kềm kẹp từ thuở bé nên không có được sức bật của tuổi trẻ. Tuy nhiên sự trong sáng và nhiệt tình họ vẫn còn giữ được và chỉ chờ cơ hội là bùng lên. Việc sinh viên khởi phát biểu tình chống Trung Quốc xâm lược ngày 9 tháng 12 năm 2007 làm nhà cầm quyền hốt hoảng và phải dùng nhiều biện pháp để kềm chế. (Đây là "cơ hội vàng" bị bỏ lỡ vì chính là một dịp để đoàn kết toàn dân nâng cao tinh thần cảnh giác chống xâm lược và giúp nhà cầm quyền có chiến lược ngoại giao độc lập tự chủ dựa vào sức mạnh của nhân dân). Vụ việc mới nhất với sinh viên Nguyễn Anh Tuấn thách thức nhà cầm quyền truy tố, bỏ tù anh vì anh công khai ủng hộ cho Cù Huy Hà Vũ là một biểu tượng cho niềm hi vọng vào giới trí thức trẻ.
Cùng với sự phát triển của Internet và công nghệ thông tin, sự xuất hiện của các blog với những blogger như những nhà báo không chuyên, nhanh nhạy với các vấn đề thời sự, có sức quảng bá rộng, tính tương tác cao, ảnh hưởng nhiều đến giới trẻ và trí thức là một yếu tố mới mà nhà cầm quyền rất khó ngăn chặn.
Nhóm Mở Miệng và nhà xuất Bản Giấy Vụn gồm những nhà văn trẻ không tuyên ngôn rùm beng, đao to búa lớn nhưng họ sáng tác để cách tân văn học và tỏ thái độ đối với những vấn đề xã hội, tự làm những gì mà hiến pháp không cấm, bất chấp những ràng buộc, quy định của nhà nước. Họ tự cho mình có quyền tự do tư tưởng, tự do sáng tác, tự do xuất bản là những quyền căn bản của quyền làm người, đặc biệt quan trọng đối với trí thức.
Gần đây, đảng và nhà nước, báo chí hay dùng từ "phản biện" để chỉ những ý kiến khác biệt với đường lối chính sách của nhà cầm quyền. Thường trí thức mới phản biện vì họ có kiến thức và lý lẽ, hay suy tư và thích tranh luận. Dĩ nhiên cũng có "phản biện xã hội" vì bất cứ người dân nào cũng có những suy nghĩ về những gì tác động đến cuộc sống của họ. Tuy nhiên rõ ràng việc phản biện tập trung vào tầng lớp trí thức.
Phản biện có ích gì không? Nhất định là có ích vì nó soi sáng nhiều mặt, nhiều góc cạnh của một vấn đề. Phản biện giúp cho nhà nước có cơ sở điều chỉnh đường lối chính sách và giúp cho người dân hiểu đầy đủ vấn đề, đặc biệt là những vấn đề lớn liên quan đến quốc kế dân sinh.
Tình hình hiện nay cho thấy những phản biện của trí thức có tác động phần nào lên cách suy nghĩ của nhân dân (một bộ phận không lớn được tiếp cận thông tin) nhưng đối với nhà cầm quyền chỉ là một trò chơi dân chủ vì họ hầu như rất ít khi lắng nghe và tiếp thu, sửa chữa. Những vụ lớn, nổi bật như khai thác bauxite, Vinashin, cho thuê rừng đầu nguồn, vấn đề biên giới, đường xe lửa cao tốc… và đặc biệt quan trọng là việc góp ý cho cương lĩnh đại hội của đảng. Việc tổ chức hay cho phép, làm ngơ trước sự xuất hiện của những ý kiến phản biện chỉ để làm cảnh, trang trí dân chủ giả hiệu. Tiếng nói phản biện của trí thức trong trường hợp này, đối với nhà cầm quyền, chỉ là "chim hót trong lồng" không hơn không kém.
Vì không chịu chỉ hót trong lồng, từ phản biện, nhiều trí thức đã chuyển sang phản kháng, bằng tư tưởng và cả hành động. Có người chỉ dừng lại trong việc phản biện nhưng có người đã chuyển sang phản kháng dù phải trả giá đắt hơn. Những điều này dần dần đưa người cầm quyền vào chỗ mất tính chính danh, bị cô lập và mất lòng tin của quần chúng khi quần chúng dần được thức tỉnh. Những khẩu hiệu sáo rỗng về vai trò của trí thức trong các cương lĩnh, nghị quyết của đảng không còn chút giá trị thuyết phục nào khi thực tiễn hoàn toàn ngược lại.
Trí thức nên phản kháng hay chỉ phản biện? Điều này tùy thuộc nhận thức, hoàn cảnh, lòng dũng cảm, sự khôn ngoan và cách thế chọn lựa của từng người. Không nên phê phán hay cưỡng ép. Vụ Ngô Bảo Châu lên tiếng về Cù Huy Hà Vũ dấy lên nhiều dư luận trái chiều, đặc biệt có những phê phán nặng nề, cho thấy không phải chỉ nhà cầm quyền mới độc quyền chân lý mà ngay những kẻ tự cho mình là trí thức, đấu tranh cho dân chủ cũng không muốn ai nói khác mình.
Năm 2005, khi thăm Tháp Bút ở hồ Hoàn Kiếm Hà Nội, tôi có cảm hứng để viết bài "Tả thanh thiên" (đăng ở diễn đàn talawas) cũng nói về vai trò của trí thức trong việc "tả thanh thiên" – viết lên trời xanh. Ngòi bút viết lên trời xanh chỉ có thể là viết về nỗi thống khổ của con người, về sự hà khắc tàn bạo của thế lực cầm quyền. Viết lên trời xanh là để kêu gào. Viết lên trời xanh là để gởi tới con người và gởi tới mai sau khi ngòi bút, những người cầm bút bị kềm hãm, phong tỏa. Viết lên trời xanh là hành động can đảm của người cầm bút chống lại chế độ độc tài thống trị.
Sau đây là đoạn kết của bài đó:
"Sứ mệnh của người cầm bút không phải chỉ là "Tả thanh thiên". Còn biết bao nhiêu điều để kẻ sĩ - trí thức - văn nghệ sĩ theo đuổi và hiến dâng trên con đường suy ngẫm, nghiên cứu và sáng tạo của mình: ngợi ca tình yêu và cái đẹp, đi tìm chân lý cho cuộc sống, soi rọi những trang lịch sử u ám hay bị bỏ quên hay bóp méo, lang thang trên những nẻo tâm linh muôn thuở…
Tất cả đều mang lại giá trị tinh thần cho con người. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh mà con người bị chà đạp, tước mất quyền sống như con người, ngọn bút "Tả thanh thiên" là cần thiết. Dù tình hình bi đát đến đâu, kể cả khi tưởng như tuyệt vọng, nhưng nếu vẫn còn những ngọn bút "Tả thanh thiên", dân tộc hãy còn có hy vọng.
Nhưng để hoàn thành một cuộc đổi đời, cách mạng cho đất nước, những ngọn bút "Tả thanh thiên" không đủ. (Và cũng không thể đòi hỏi ở các ngọn bút nhiều hơn). Điều này đòi hỏi một sự nghiệp khác, lớn lao hơn, với sự huy động toàn diện sức mạnh và tiềm năng của cả dân tộc."
Ở đây tôi muốn nói thêm: Giá trị của trí thức là ở tư tưởng, tiếng nói, ngòi bút tự do. Nếu trí thức chỉ im lặng như bầy cừu, chỉ đi dọc "lề bên phải" theo chiếc gậy của người chăn, lúc đó trí thức đáng bị xem như hạng tôi đòi. Nhà cầm quyền nếu không biết tôn trọng, lắng nghe tiếng nói của trí thức (thực sự là "nguyên khí quốc gia" chứ không phải chỉ là khẩu hiệu suông và lời nói giả dối), trong thời đại toàn cầu hóa và kinh tế tri thức này, sẽ chỉ đưa đất nước và dân tộc đến chỗ lạc hậu, tù hãm và đau khổ kéo dài.
Cuối tháng 5/2011
Tiêu Dao Bảo Cự
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét