Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2011

Trần Trung Quân: “ÔNG CỐ VẤN” VŨ NGỌC NHẠ-HỒ SƠ LẬP TỪ PHÍA BÊN KIA ( Phần 2 )

Nguồn PVĐ
Ảnh: Tướng Vũ Ngọc Nhạ thứ 2 bên trái sang; Tướng Phạm Xuân Ẩn ngoài cùng bên phải...

Cuộc gặp mặt giữa "cố vấn" Vũ Ngọc Nhạ với linh mục Hoàng Quỳnh tại Củ Chi tháng 11-1974

Buổi sáng, sắp đến giờ làm việc ở những công sở. Thành phố Sài Gòn vẫn còn ngái ngủ với nhiều cửa hàng còn đóng kín, dòng người thức sớm là những nhân viên công chức, thợ thuyền lao động đi bộ, xe đạp, xe gắn máy tới sở làm. Thành thói quen, họ đã tỉnh táo sau bữa điểm tâm, kèm ly cà phê ở những quán cốc bên vỉa hè.
Mặt trời chưa lên hẳn. Sài Gòn một buổi sáng tháng 10 năm 1958. Không khí mát mẻ, có hơi lạnh. Thấp thoáng một vài bà đứng tuổi khoác áo len dài tay. Người Sài Gòn có một buổi sáng mát lạnh hiếm hoi thế này, để dùng chiếc áo len cất giữ suốt năm.
Hai chiếc mô-bi-lết cũ, mỗi xe chở hai người, tiếng máy nổ giòn tan, phóng nhanh qua cầu Thị Nghè rồi dừng lại ở chân dốc cầu. Họ chận đường một người đàn ông khoảng 30 tuổi; thoạt nhìn, có dáng dấp một nhà giáo, hay một công chức nghạch thấp, cần cù với bổn phận đi làm đúng giờ. Hắn nhướng cặp mắt "vẻ hiền lành" nhìn người đang cản đường mình, bỗng hắn giật mình, có ý bỏ chạy.
Một người mặc áo sơ-mi trắng, giơ tay trái ngăn lại:
- Phải anh Long, hỉ ,
- Dạ…
Khi được hỏi, hắn lộ vẻ ngạc nhiên. Phía sau hắn, một người mặc áo blouson màu xanh đậm cũng đứng vây sát người hắn.
Cặp mắt nghiêm nghị của hai người chận đường, báo hiệu hắn biết chuyện chẳng lành sẽ xảy ra. Người mặc áo sơ-mi trắng lên tiếng tiếp:
- Tình cờ gặp nhau, hay quá! Mời anh vô quán cà phê bên kia đường, mình cần trao đổi với anh một chút tâm sự.
Thay vì đẩy hắn vô quán cà phê theo lời mời, hai người chận đường, vẫn tiếp tục cử chỉ thân mật, xô hắn vô một chiếc tắc-xi vừa chạy tới.
Phút chốc hắn đã bị ngồi kẹp giữa hai người chận đường. Hắn thấy có một người thứ ba đeo kính mát, chắc là đồng nghiệp của họ, đứng ở cột đén bên kia đường nhìn sang. Khách bộ hành vẫn mãi miết đi, không ai chú ý tới việc vừa xảy ra. Hơn nữa, tâm lý chung, không ai muốn dây vào. Phần khác, cũng có thể do sự việc diễn ra lẹ quá.Chiếc tắc-xi lao nhanh trên đường phố.

Linh mục Lê Hữu Từ...

Hắn ngơ ngác hỏi:
- Sao… Các ông định đưa tôi đi đâu ?
Đáp lại câu hỏi của hắn là sự im lặng.
Hắn hỏi nữa:
- Các ông là ai ?
- Là ai, trước sau rồi bạn cũng sẽ rõ.
Hắn liếc mắt nhìn đường phố xem họ đưa mình đi đâu. Hy vọng người quen không nhận ra hắn. Xe vùn vụt phóng nhanh.

Tới khu phố bên Vân Đồn, xe chạy chậm lại. Người tài xế nhấn hai tiếng còi nhỏ. Cánh cổng sắt một ngôi nhà bên trái bỗng mở ra. Chiếc xe bò lên hè, lao qua.
Hai cánh cổng sắt đã khép lại sau lưng, như vừa nuốt chửng chiếc xe.
Bên trong là một ngôi nhà kiến trúc theo kiểu Pháp đã cũ. Những cánh cửa chớp quay ra đường, sơn màu xanh lá cây, đều đóng kín.
Người mặc áo sơ-mi trắng dẫn hắn vào một căn buồng nhỏ ở ngay sát bậc thềm ra vào. Hắn lần lượt bị thu tấm căn cước, chùm chìa khóa, dây nịt lưng của hắn. Những thủ tục này được hoàn tất một cách nhanh chóng trước sự giám sát của người mặc áo sơ-mi trắng.
- Mời bạn bước sang phòng khách! Người mặc áo sơ-mi trắng ra lệnh.
Buồng khác ở liền căn phòng nhỏ. Chiếc tủ chè và cỗ xa-lông gỗ mun đen bóng, chạm trổ tinh vi. Một bức tranh thủy mạc lớn, lồng khung kính treo trên tường. Những chiếc đôn sứ… Tất cả nói lên đây là tư thất của một gia đình khá giả, chủ nhân phải là một người lớn tuổi.
- Anh ngồi một lát chờ ông Đoàn.
Mọi người đều quay đi ra, để lại hắn một mình trong căn buồng.
Cặp mắt hắn bị thu hút về những ô kính vào phía trong ngôi nhà. Trước mắt hắn là một cái sân rộng dẫn đến dãy nhà ngang nằm giáp tường phía sau khu biệt thự. Tường khá cao, bên trên lại được gia cố thêm một tấm lưới thép cao không kém một bức tường. Cửa ra vào những phòng ở trên dãy nhà ngang đều khép kín. Người mặc áo sơ-mi trắng ngồi trên chiếc ghế đẩu đặt ở dãy hành lang. Hắn nhận ra ngay ở dãy nhà này là khu tạm giữ những người bị tình nghi như hắn, và người mặc áo sơ-mi trắng đang làm nhiệm vụ canh gác.
"Ông Đoàn… ?" Hắn bấn loạn tinh thần khi nhớ tới người mang tên Đoàn.
Một người đàn ông trọng tuổi bước vào, lẳng lặng kéo ghế ngồi.
Người ông ta khá cao, nước da ngâm đen, răng thưa và nhỏ. Mái tóc cắt ngắn, cái nhìn quan sát dè dặt, cách ăn mặc giản dị của người đã quen với sinh hoạt kháng chiến chống Pháp, có tinh thần yêu nước. Đối với hắn, người đàn ông này thuộc hạng "đầu thú" chính quyền Quốc Gia trong chính sách chiêu hồi của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Một kẻ "phản đảng". Hắn suy nghĩ và có cảm giác bị lật tẩy tất cả bí mật về cuộc đời của hắn. Với hắn, trong hoàn cảnh bị sa lưới hiện giờ, cuộc chiến đấu "chống Mỹ-Diệm", đối phó với kẻ thù bên kia trận tuyến bao giờ cũng dễ hơn với những người đã từng đứng chung hàng ngũ.
Sau cái liếc mắt "chạm trán" tư tưởng, người đàn ông thong thả rót nước, bóc bao thuốc đã để trên bàn, lịch sự đặt chén nước trà trước mặt hắn, mời hắn hút thuốc lá.
Hắn rút một điếu, và nói:
- Cám ơn ông.
Người đàn ông nói: "anh cứ tự nhiên". Cũng rút thuốc, đánh diêm hút thuốc, rồi mới đẩy bao diêm về phía hắn. Những cử chỉ xã giao kiểu "đồng chí" khiến cho người đối thoại hiểu rằng: "mình đã đi guốc trong tim đen" lẫn nhau, thì cuộc gặp gỡ này sẽ diễn ra chiều hướng "nên khai thật" hết đi.
Người đàn ông lên tiếng:
- Tôi ở Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung của ông Cố vấn Ngô Đình Cẩn…
- Dạ…
Chuyện nên biết. Cộng sản bất luận hoạt động ở cấp độ nào cũng phải cảm thấy hiểm nghèo khi bị Đoàn Công Tác Miền Trung thẩm vấn. Nuôi mối thù bất cộng đái thiên, ông Ngô Đình Cẩn ít khi có thái độ hòa dịu với cộng sản. Ông Cẩn là người ít học hơn trong gia đình họ Ngô. Bù lại, ông vượt các ông anh về lòng hiếu thảo và cứng rắn diệt trừ cộng sản.
Hắn vẫn thu hai tay ngồi im lặng, nhìn ông Đoàn bằng ánh mắt lo âu. Ông Đoàn hiểu ý hắn, bèn quay mặt về phía cửa kính chuyển sang giọng tâm sự:
- Chúng mình… trước kia là người kháng chiến chống Pháp cả, ta sẽ nói chuyện thẳng thắn với nhau. Tôi không cần giấu anh, tôi là Dương Văn Hiếu, Trưởng ty công an thừa Thiên (Huế), trước đây là Ủy viên Ban Tư Pháp của Khu ba.
- Dạ…
- Chắc anh đã hiểu vì sao tôi mời anh đến ?
Hắn giả vờ ngây thơ:
- Tôi đang đi ở Thị Nghè thì có người kêu lên xe đưa về đây.
- Đúng vậy. Tôi đã cho người đi rước anh. Nếu anh cố tình muốn hiểu thì tôi đi thẳng vào ngay vấn đề. Ông Cố vấn Ngô Đình Cẩn đánh giá rất cao những người kháng chiến cũ. Ông tin rằng, nếu có sự hợp tác giữa người kháng chiến cũ với người Quốc Gia, thì sẽ tiêu diệt cộng sản và sẽ thống nhất được đất nước. Trong hàng ngũ Quốc Gia, tôi xác nhận với các anh, không có kỳ thị. Tôi cũng là Việt Minh, rồi bị cộng sản lừa, tôi trở về hàng ngũ Quốc Gia và được giao trọng trách. Anh có ý kiến gì không ?
- Nhưng thưa ông, tôi đâu phải là người phía bên kia!
Dương Văn Hiếu cười khinh bỉ:
- Tôi muốn kêu gọi thiện chí của anh, nhưng ít nhất là lúc này, anh đã làm tôi thất vọng. Anh chỉ có hai sự lựa chọn: một là chân thành hợp tác với chúng tôi để trở về, hai là cứ trung thành với lý tưởng cộng sản. Cỡ hạng người như anh và tôi, chúng ta quá hiểu nhau, nên không ai có thể lừa gạt được ai. Thưa anh, hai năm, 1956-1957, tôi đã đập tan toàn bộ mạng lưới tình báo quân sự Việt cộng ở Miền trung, và tôi đang làm tiếp tại Sài Gòn.
- Dạ tôi tin, nhưng ở trường hợp của tôi, tôi e có sự lầm lẫn.
- Anh đừng ngây thơ tưởng rằng chúng tôi biết về anh quá ít. Tôi đã có vài năm để theo dõi anh. Tôi dành cho anh một thời gian để suy nghĩ…
Trưởng ty công an miền Trung vụt đứng dậy bỏ ra ngoài.
Hai nhân viên dẫn hắn đi qua một khu vườn. Lá rụng đầy. Những chậu cây cảnh, hoa quý lâu ngày không dược chăm bón. Trong những năm hoạt động nội thành thời gian 1950-1952, hắn có dịp đi ngang bến Vân Đồn. Một người bạn kể với hắn, nhà Bảy Viễn ở quãng này. Nay tình cờ bước vô nhà cũ của Bãy Viễn. Bãy Viễn là người cầm đầu lực lượng võ trang Bình Xuyên, đã được Bảo Đại phong cấp "thiếu tướng". Sau khi truất phế Bảo Đại, Thủ tướng Ngô Đình Diệm thống nhất Quân Đội Quốc Gia, bảy Viễn chống cự và cuối cùng lực lượng bị đánh tan rã ở khu Rừng Sát.
Dẫn hắn tới dãy nhà ngang, hai nhân viên đưa cho hắn một cái mền và cái mùng chiếc, rồi nói buông thỏng:
- Vô đây!
Hắn lấy tay đập bụi trên mặt nệm, đẩy chiếc giường vào sát tường rồi nằm lên, vắt tay lên trán lo lắng: "Mấy ngày nay không có gì báo hiệu tai biến sắp tới. bọn nó đã bắt mình. "Trung tâm" đã chuận bị rất chu đáo. Một lý lịch với đầy đủ "nguyên gốc". Một trình tự làm việc thật sự với chính phủ Quốc Gia. Hắn đã đi xa nửa vòng trái đất trước khi trở về Sài Gòn. Ở đây hắn cũng có một "bình phong" qua chức vụ Bí thư của Đức Cha Lê Hữu Từ. Và nhất là, hắn được lệnh ẩn nhẫn đợi thời. Hắn đã cố gắng tránh mọi khinh xuất, luôn luôn lưu tâm đến mọi dấu hiệu dù nhỏ, có thể đe dọa sự an toàn của hắn. Mọi nguyên tắc hoạt động bí mật đều được giữ kín.
Hắn nhớ lại từng lời của Dương Văn Hiếu. Hắn bỏ qua những câu thiện chí "chiêu hồi". Hiếu vẫn úp lá bài, chưa hề hé cho biết đã bắt hắn vì chuyện gì. Nhân viên tình báo chiến lược ? Phải có bằng chứng! Và câu nói đã làm hắn chột dạ: "anh đừng tưởng rằng chúng tôi biết quá ít về anh, chúng tôi có vài năm để theo dõi anh". Hắn nghĩ chắc chưa có ai biết gì về hắn.

Nhưng trong cuộc đời vẫn thường xảy ra nhiều trường hợp, một người không hề quen biết, lại biết rất rõ về mình…

Bỗng hắn nghe tiếng gõ cạch cạch nho nhỏ ở phía bên kia tường. Từng ba tiếng một đều đều. Một người nào đó muốn ra ám hiệu cho hắn. Người đó là ai ? Người quen ? Một người cùng chung phe với hắn ? Cuối cùng, hắn đập hai bàn tay hai lần vào tường. Tùy người đó muốn hiểu đây là sự hưởng ứng tiếng gọi tìm bạn, hay một cách khước từ.
Một giọng Bắc vừa đủ nghe, từ buồng bên vọng sang:
- Mới tới phải không ?
- Mới tới.
Mỗi căn phòng dãy nhà ngang chỉ cách nhau một bức tường lửng, không có trần, nên những người ở gần nhau vẫn có thể trò chuyện trao đổi.
- Gặp ông Đoàn chưa ?
- Rồi.
- Hai Long phải không ?
Sao người này gọi đúng bí danh mình ?
- Ai đó ?
- Cũng bị bắt như anh thôi! Sáng nay nghe các "anh em" nhắc tên anh. Một lát thì anh tới.
Giọng nói tự nhiên. Hắn linh cảm đây là một người tốt. Lời thăm hỏi của người cùng cảnh ngộ, cùng chí hướng ? Hắn cảm thấy được an ủi. Mình không biến biệt tích, biệt tăm. Ít nhất ngoài mật vụ VNCH, cũng còn có một người nữa biết mình bị bắt vô đây.
Hắn đã rơi vào tình huống xấu nhất của những người hoạt động "trong lòng địch". Một tình huống hiểm nghèo mà cấp trên của hắn phải nghiên cứu cẩn thận để đối phó, khi nó chẳng may xảy ra. Đây là một cuộc chiến đấu sinh tử. Một bên là quyết lật đổ chính quyền và nhuộm đỏ chủ nghĩa cộng sản ở miền Nam. Một bên tận lực phòng thủ và bảo vệ mảnh đất tự do còn lại của đất nước. Hắn được "đào tạo" trong mọi tình huống là bảo vệ đến cùng sự ngụy trang, giữ vững thế hợp pháp để tiếp tục đánh phá miền Nam.
Nhân viên nhà bếp vào thu bát ăn, cả phần cơm với thịt còn nguyên. Người nhà bếp hỏi:
- Răng mà không ăn ?
- Tôi có đạo.
- Thứ Sáu kiêng thịt hỉ ? Chiều lấy rau thôi hè.
Nhân viên an ninh từ phía đầu nhà đi lại:
- Xin ông chuẩn bị chiều nay gặp ông Đoàn.
Dương Văn Hiếu ngồi chờ hắn trong một căn buồng xép. Cửa sổ đóng kín. Giữa ban ngày, ngọn đèn và hai cái ghế tựa xoàng xĩnh.
- Chắc anh đã có đủ thời giờ suy nghĩ về những điều tôi đã nói bữa trước ?
Dương Văn Hiếu mở đầu với giọng ôn tồn, dụng tâm tìm cách chiêu hồi, kéo hắn về phía người quốc Gia.
Dạ… Tôi nóng lòng được gặp ông, vì thấy bị giữ lâu quá.
Hiếu rút từ trong ngăn kéo ra một xấp giấy, đặt lên bàn:
- Anh ngồi đây viết bản tường trình lý lịch và những hoạt động của anh theo những mục đã ghi. Từ chiều nay, mỗi ngày hai buổi, anh lên đây viết cho xong. Anh cần nhiều thời gian không ?
- Chắc cũng không lâu.
- Tôi dành cho anh một cơ hội để biểu lộ thiện chí.
Hiếu nói xong, rồi bước quay ra.
Hắn lập lên một bản lý lịch tưởng tượng có tính cách chuyên môn của một tên gián điệp. Hắn xuất thân từ một gia đình Công giáo, có ít nhiều ruộng ở miền Bắc, quê nội ở Thái Bình, quê ngoại ở Phát Diệm. Thời thanh niên, học tại Hà Nội, kháng chiến chống Pháp, vào bộ đội Việt Minh, bị kỳ thị vì gia đình là địa chủ và Công giáo, hắn bỏ bộ đội về Phát Diệm, sống với bên ngoại một thời gian, rồi lên Hà Nội tiếp tục đi học. Khi được tin gia đình ở vùng Việt Minh bị đấu tố trong Cải Cách Ruộng Đất, hắn xin vào quân đội Pháp với ý định chiến đấu trả thù. Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ và rút quân về nước; hắn chán nản, quyết định đi theo quân đội, và sang Pháp kiếm được một công việc làm độ nhật tại một trang trại trồng nho. Vợ con hắn sống ở Sài Gòn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, yêu cầu hắn trở về. Từ đó tới nay, gia đình hắn sống cuộc đời như những người giáo dân di cư lương thiện, chăm lo làm ăn kiếm sống, không đóng góp được gì nhiều, nhưng không hề làm điều gì phương hại cho quốc Gia. Hắn không hiểu vì đâu mình bị bắt. Hắn nói chắc đây là một sự lầm lẫn, yêu cầu phải trả tự do, và thông báo cho gia đình biết hắn đang bị cầm giữ.
Ba ngày sau khi hắn nộp bản tường trình, Dương Văn Hiếu gọi hắn lên. Hiếu ngồi đợi ở bàn, vẻ mặt không hài lòng:
- Tôi đã nói: không phải vì vô cớ mà tôi cho bắt anh.
- Dạ… tôi không nói là như vây.
- Nhưng với lời khai báo hoàn toàn chuyên nghiệp như thế này, thì có nghĩa là anh bị bắt oan ?
- Những điều tôi khai là sự thật, tôi sẽ nộp đủ giấy tờ để các ông sưu tra.
- Chính những lời khai này, anh đã tự tố cáo anh là một tên Việt cộng nằm vùng. Anh nên hiểu, chúng ta ở một trình độ quân báo và tình báo, khó có ai mà lừa được ai. Thà nói thật, để cuộc đấu trí giữa anh và tôi khỏi mất thời gian. Anh sang Pháp với tư cách đại diện tình báo cộng sản, hợp tác với phòng nhì Pháp, chỉ điểm bắt những thành phần Quốc Gia kháng chiến chống Pháp. Lời khai làm mướn trong một trang trại trồng nho ở Pháp là sự tưởng tượng ấu trĩ.
- Tôi chưa hiểu ý của ông Đoàn.
Hiếu quay ra cửa gọi to:
- Mời ông Tá sang!
Một người xuất hiện trước cửa. Hắn nhận ra ngay người này là kẻ đã theo dõi hắn hôm trước gần cầu Thị Nghè.
Hiếu nhả vài hơi thuốc rồi ôn tồn nói với hắn:
- Anh đã để lỡ một cơ hội chứng tỏ thiện chí của mình.
- Dạ…
- Chúng tôi biết anh là ai. Biết từ nhiều năm qua. Đã nói trước là chúng tôi không bao giờ bắt lầm, những anh vẫn cố tình giấu cái gốc cộng sản.
- Thưa đó, là chuyện quá khứ…
Hiếu ngắt lời hắn:
- Để cho tôi nói hết, xin phép anh. Nội vụ của anh rất phức tạp. Chúng tôi đã nắm được cả. Tôi dành cho anh một cơ hội cuối cùng. Nếu anh không thú nhận hết, thì chính anh tự làm hại mình. Tôi đề nghị anh nên làm lại bản tường trình. Và anh Tá cứ làm bổn phận.
Một thói quen nhà binh lâu năm. Ông Tá đưa tay chào, rồi kéo ghế ngồi.
Hiếu hỏi hắn:
- Anh có biết ông Tá là ai không ?
Hắn cố bình tĩnh:
- Tôi chưa hân hạnh được biết ông đây.
Ông Tá cười nhẹ:
- Nhưng tôi lại biết quý anh rất rõ. Biết cả tính danh và chức vụ Đảng của anh khi ở miền Bắc. Anh là Vũ Ngọc Nhạ.
Hắn giựt bắn người lên. Hơi biến sắc. Nhưng đã qua kinh nghiệm trước những trường hợp hỏi cung như thế này, hắn khiêm tốn trả lời:
- Dạ…
Ông Tá cướp lời hắn:
- Tôi là Tá, Tá đen, quân báo của Trung đoàn 6, đại đoàn 325 bí danh của sư đoàn này năm 1951 là Đồng Bằng. Tôi đã được cùng làm việc với anh không phải chỉ một lần, trong trận càn quét Mercure…
Hắn biết mình đã rơi vào trường hợp không may của những tên hoạt động bí mật cho cộng sản, tình cờ gặp phải một hồi chánh viên hiểu rõ nguồn gốc của mình! Cần "khắc phục" lại chủ động, hắn thản nhiên đóng kịch tiếp:
- Vậy mà tôi không nhận ra ông! Trí nhớ của tôi gần đây tệ quá. Hồi đó, tôi là Tỉnh ủy Thái Bình, tôi mang bí danh để hoạt động cho Việt Minh ở vùng Pháp chiếm đóng. Tôi vẫn thường đến liên lạc công tác với anh Sinh và anh Hằng ở ban quân báo trung ương.
- Anh là cấp ủy Đảng cao, thì chú ý đến thủ trưởng, chứ ngó gì đến lính tráng như chúng tôi. Tôi nhớ hồi đó thường làm việc ban đêm, đèn dầu tù mù, đâu có điện sáng choang như bây giờ. Nhưng tôi đã nhận ra anh rồi, dạo ấy ta gặp nhau ở làng Cọi, Vũ Tiên phải không ?
Hắn vờ lãng trí:
- Làng Cọi !
- Tôi gặp anh luôn mà anh không biết đấy thôi, tiếp quản thị xã Thái Bình tôi còn gặp anh.
- Điều này thì chắc chắn ông lầm! Sau trận càn quét Mercure, tôi về Khu chính huấn cách mạng Việt Nam, biết mình không thể sống với Việt Minh, tôi trở về Phát Diệm luôn, và sau đó vào thành. Từ năm 1953, tôi đã ở trong quân đội Pháp. Và xin lỗi nếu tôi lỡ lời. Ông có trí nhớ rất tốt về người. Tôi lại có trí nhớ rất tốt về thời gian. Trận càn quét Mercure diễn ra ngày 26 tháng 3 năm 1953 với Đức giám Mục Lê Hữu Từ và các sĩ quan Pháp.
Dương Văn Hiếu nhận thấy màn kịch chạy tội do hắn diễn đã quá đủ, khoác tay ra lệnh ông Tá:
- Chừng đó đủ rồi! Cám ơn anh Tá. Anh trở về làm việc, để tôi nói chuyện tiếp với anh đây.

Hiếu quay sang hỏi hắn:
- Anh nghĩ sao ?
- Dạ tôi bị lầm lẫn.
Hiếu ra khỏi phòng. Hắn cố nén một tiếng thở dài nhẹ nhõm.
Hắn đã viết xong bản tường trình lần thứ hai.
Hắn nằm thêm một tháng ở trại giam Vân Đồn, không ai hỏi han tới.
Ông bạn nói chuyện bên buồng đã chuyển đi nơi khác. Nhiều người khác có đủ bằng chứng hoạt động cộng sản đã được đưa ra tòa xét xử. Một số khác nữa, chịu quay trở về hàng ngũ Quốc Gia đều được trả tự do, hoặc về làm ăn, hoặc gia nhập cơ quan chính quyền VNCH.
Hắn lo ngại phần mình sẽ diễn tiến tới đâu! Ngôi nhà cũ của Bảy Viễn rõ ràng là nơi giữ tạm thời. Và nơi đây, Dương Văn Hiếu, Trưởng ty công an Thừa Thiên chỉ làm công tác sơ thẩm.
Thời gian bị giam tới tuần lễ thứ sáu. Hiếu mới cho gọi hắn. Vẫn một mực giữ thái độ hòa nhã:
- Tôi không thỏa mãn với những điều anh đã viết. Một người gián điệp giỏi như anh, sao đóng kịch một cách quá ngây thơ ?
- Dạ…
- Tôi không có cách nào khác và ngoài thẩm quyền quyết định của tôi, nên đành phải gửi anh ra miền Trung để cứu xét thêm.
- Thưa ông, chẳng lẽ những vấn đề của tôi lại không thể giải quyết ngay ở đây ?
- Không thể được. Vì toàn bộ hồ sơ về anh, những nhân chứng đều nằm cả ngoài đó.
Hắn hiểu, đúng như hắn dự đoán, mọi việc không kết thúc ở đây. Dương Văn Hiếu chỉ làm một số việc phúc trình theo thủ tục, rồi đưa hắn đi.

Trần Trung Quân
(còn tiếp)
Paris, 2/11/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét