Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

Viết ngắn của TS. Nguyễn Hưng Quốc : NGHỆ THUẬT CAI TRỊ

Nguồn facebook Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc


NGHỆ THUẬT CAI TRỊ

Trong chính trị, về phía nhà cầm quyền, lý tưởng nhất là được dân chúng vừa yêu vừa tin vừa phục lại vừa sợ. Nếu phải chọn một, chỉ có một, dưới các chế độ dân chủ, người ta chọn sự tin tưởng; dưới các chế độ độc tài, người ta chọn sự sợ hãi. Để nuôi dưỡng sự tin tưởng, người ta đẩy mạnh biện pháp đối thoại để dân chúng biết họ nghĩ gì và làm gì; để duy trì sự sợ hãi, người ta vừa gia tăng khủng bố vừa giấu giếm thông tin để tạo tâm lý bất an.

HOÀ GIẢI

Hầu như cả thế giới đều ngưỡng mộ Nelson Mandela (1918-2013), đặc biệt sự bất khuất và lòng bao dung của ông: Với cả hai, ông trở thành biểu tượng của sự hoà giải. Liên quan đến tinh thần hoà giải ấy, có một câu nói của ông, theo tôi, đặc biệt hữu ích cho người Việt Nam và chúng ta cần nghiền ngẫm: "Một trong những điều tôi học được trong quá trình thương thảo [hay đàm phán] là tôi không bao giờ thay đổi được người khác nếu chính tôi không tự thay đổi" (One of the things I learnt when I was negotiating was that until I changed myself I could not change others).

NÃO TRẠNG NỘI CHIẾN

Chiến tranh giữa hai miền Nam và Bắc Việt Nam đã chấm dứt từ năm 1975, nhưng tiếc, tâm lý nội chiến dường như vẫn kéo dài âm ỉ trong tâm hồn của rất nhiều người, với những sự phân biệt giữa Nam và Bắc, giữa ta và địch, giữa giải phóng và nguỵ quyền. Khi não trạng nội chiến ấy còn tiếp tục, triển vọng đoàn kết để xây dựng đất nước hoặc để chống lại ngoại xâm trở thành cực kỳ khó khăn. Nhưng ai là kẻ có thể chủ động xoá bỏ cái não trạng đáng tiếc ấy? – Chỉ có chính quyền. Đòi hỏi sự hoà giải từ các nạn nhân là một sự lừa dối. Sự hoà giải đích thực bao giờ cũng bắt đầu với người thắng cuộc.

VĂN HỌC VÀ CHÍNH TRỊ

Tôi thích văn học hơn chính trị vì trong văn học, đặc biệt trong thơ, tôi chỉ gặp những cái tốt; trong chính trị, ngược lại, tôi chỉ thấy những cái xấu, thậm chí, những cái đáng ghê tởm nhất của con người. Nhưng tôi biết, trong đời sống, có hai lãnh vực không ai có thể thoát được: đạo đức và chính trị. Tránh đạo đức, người ta trở thành vô luân; nhưng tránh chính trị, người ta không trở thành phi-chính trị mà là nạn nhân bất lực của chính trị.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét