Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Huỳnh Việt Lang : Chuẩn bị cho một Mùa Xuân Việt Nam

Nguồn danchimviet

Những anh chị em đấu tranh cho Dân Chủ Việt Nam đã nhận giải thưởng Hellman/Hammett tháng 9/2011

Trên tuyến đầu đấu tranh trực diện cùng chế độ độc tài, vượt qua bao gian khổ, bất chấp những tổn thất nghiêm trọng, lực lượng dân chủ chúng ta trụ vững đến ngày hôm nay là một niềm tự hào của những người yêu nước Việt Nam. Trong cuốn sách lịch sử giáo khoa mai ngày chắc chắn sẽ có những trang dành cho những người đã nằm xuống, đã hy sinh những năm tháng tự do, đã nén lại những niềm vui riêng tư nhằm góp chút công sức cho công cuộc dân chủ hóa nước nhà. Các thế hệ hậu sinh có quyền ngẩng cao đầu tự hào cùng bè bạn năm châu, về cha ông của họ – những con người hôm nay đang ngày đêm đem hết khối óc và con tim ra dấn thân vì tương lai tươi sáng dân tộc.

Đảng cộng sản tại Việt Nam là một nhóm lợi ích

Bản chất của chế độ độc tài hiện nay? – Tàn bạo, tham lam và không có năng lực. Biểu hiện dân chủ nghị viện của chế độ đương quyền cứ lấp lóe như ánh sáng một con đom đóm. Những ưu đãi quá mức đối với lãnh vực kinh tế công hiện nay – mà không đòi hỏi những cam kết tương xứng – phản ánh dã tâm của tầng lớp cộng sản chóp bu trong cơ chế điều hành đất nước. Đa số thanh niên trong xã hội Việt Nam đầy bế tắc và thất vọng, dẫu có làm việc chăm chỉ hết mực. Đối với đảng cộng sản, chỉ có đảng cầm quyền, chưa thấy đề cập đến đảng điều hành đất nước. Đảng cộng sản tại Việt Nam hiện nay xây dựng nên một nhóm lợi ích mà quyền lợi của họ nằm chỗ chức vị. Họ đấu tranh và bảo vệ quyền lực/lợi ích của nhóm chớ không phải đấu tranh có tính ý thức hệ. Chủ trương của nhóm lợi ích cộng sản thể hiện qua các chính sách thực dụng hòng đem lại lợi nhuận cho băng đảng cục bộ mà không màng đến quyền lợi quốc gia. Nhóm lợi ích đảng cộng sản sợ mất quyền lực; họ xây dựng cơ chế nhà nước "XHCN Việt Nam" theo kiểu hệ thống quyền lực thẳng đứng, trong đó, ê kíp Bộ Chính trị cộng sản được nắm quyền tuyệt đối. Biểu hiện của hiện tượng này là không sẵn lòng giải quyết triệt để những vấn đề thực tại mà chỉ thích đưa ra những tuyên bố hùng hồn.

Khó có thể thực hiện một chính sách kỹ trị trong bối cảnh thiếu dân chủ vì quyết định cuối cùng lệ thuộc vào một vài cán bộ lãnh đạo cao cấp nhưng bất tài nào đó. Nền kinh tế VN đã lún quá sâu vào chủ nghĩa tư bản thân hữu. Nhà cầm quyền cộng sản không có thiện chí trong cải cách vì chính tình trạng không minh bạch trở nên rất có lợi cho các hành vi mờ ám của họ. Nguyên nhân gây ra tình trạng nền kinh tế Việt Nam yếu kém không chỉ nằm ở cách điều hành mà còn ở mục đích điều hành.

Xét dưới góc độ chính trị học, quyền lực một số cá nhân đảng viên cộng sản cao cấp tập trung thành hệ thống. Sức mạnh của hệ thống quyền lực toàn trị được triển khai qua tập thể các đảng viên cộng sản tại Việt Nam. Trong quá trình tồn tại, sẽ có nhiều nhân tố tác động đến hệ thống này. Sự tác động có thể xem là thuốc thử đối với sức mạnh hệ thống. Hệ thống quyền lực này có thể bị rạn nứt để sau đó hàn gắn lại. Trong tình hình hiện nay, hệ thống quyền lực cộng sản tại Việt Nam hoàn toàn có thể bị tan vỡ, để rồi dẫn đến khủng hoảng một bản chất chính trị. Đồng thời, hệ thống quyền lực cộng sản khi bị những tác động nhất định có khả năng dẫn đến phân cực. Nhưng không nhất thiết nhận định đây là tình trạng trượt dài về kiến trúc trong ý thức hệ. Vì hệ thống quyền lực độc tài hiện nay không hẳn được xây dựng trên ý thức hệ cộng sản; đơn giản hệ thống quyền lực cộng sản tại Việt Nam hiện nay tồn tại với tư cách đại diện cho một nhóm lợi ích trong xã hội.

Vai trò của nhân dân và xã hội công dân

Khi đề cập đến lực lượng đấu tranh dân chủ Việt Nam nói chung, tức là đã nói đến những đóng góp quan trọng của nhân dân trong công cuộc này. Vai trò của nhân dân trong các quyết sách liên quan đất nước ngày càng được nhìn nhận xứng đáng hơn. Chính chế độ độc tài toàn trị đã thản nhiên đem nhân dân ra chơi đùa trong các quyết định về tương lai đất nước. Nếu như ở thể chế độc tài, các chủ trương đều do tầng lớp lãnh đạo chóp bu ngạo mạn ban ra thì trong công cuộc vận động dân chủ hóa nước nhà cần mạnh dạn triển khai sâu sát hơn.

Những khó khăn của thực trạng Việt Nam đòi hỏi sự đối diện can đảm hơn. Chẳng hạn, sự nghèo khó của đa số quần chúng đã thúc đẩy nhu cầu dân chủ mãnh liệt hơn nhưng cũng chính sự nghèo khó kìm hãm rất nhiều khả năng tiếp cận hệ thống thông tin và phương tiện hỗ trợ dân chủ. Hay sau một thời gian dài phải sống dưới chế độ độc tài toàn trị, giáo dục chưa được đề cập đến dưới góc độ là một quyền phải có của công dân, thực tế này dẫn đến tình trạng các khái niệm như: phúc lợi xã hội, sự tiến bộ, lợi ích của truyền thông… vẫn là những tri thức không đơn giản với đa số quần chúng Việt Nam hiện nay. Đồng thời, với tỷ lệ hơn 70% dân số đang sống ở vùng nông thôn cũng là một thực tế nan giải khác của Việt Nam trong công tác vận động dân chủ.

Nhân dân là toàn thể các công dân trong xã hội không phân biệt tầng lớp là một khái niệm đúng đắn – không hề vay mượn từ bất kỳ hệ thống giá trị bên ngoài nào. Nhằm thực hiện âm mưu gây chia rẽ để dễ bề cai trị, nhà nước toàn trị đã thâm độc khi đem tính giai cấp vào định nghĩa về nhân dân.

Do đó việc phát triển xã hội công dân ngày càng trở nên quan trọng, đây là bước chuẩn bị cho thế hệ dân chủ kế thừa bước vào cuộc tranh đấu. Trong bối cảnh hiện tại, những nỗ lực thúc đẩy phát triển một xã hội công dân là cần thiết. Mục tiêu dân chủ hóa chính trị cần cụ thể hơn qua các yêu cầu: về cân bằng xã hội, phát triển dân trí và nâng cao tiện nghi cuộc sống… Không gian dân chủ cần mở rộng hơn nữa để phản ánh mong muốn của giới trẻ Việt Nam. Thúc đẩy phát triển một xã hội công dân tại Việt Nam cần đặt ra như một mục tiêu phấn đấu của phong trào dân chủ. Hình thành được ý thức xã hội công dân trong quần chúng sẽ là một bước phát triển lớn trong công tác củng cố thế và lực của cách mạng dân chủ.

Vai trò truyền thông

Trong tình trạng khủng hoảng kinh tế hiện nay, các lỗi hệ thống sẽ ngày càng bộc lộ rõ nét hơn trong đời sống chính trị Việt Nam. Thái độ của người dân ngày càng trở nên bức xúc hơn trước tình trạng câu giờ của thể chế độc tài. Họ luôn hứa về những cải cách, thay đổi nhưng không bao giờ nêu ra thời điểm hoàn thành cụ thể. Chẳng hạn cái lắc léo nham hiểm của cộng sản Việt Nam nằm chỗ: đề cập đến Bộ Chính trị là nói tới "lãnh đạo", chứ có phải nói là "cao nhất". "Cao nhất" về cơ cấu nhà nước là Quốc hội, nhưng Quốc hội lại không phải là "lãnh đạo". Họ luôn làm ra vẻ bận rộn với các dự án cải cách nhằm hạ nhiệt vài cái đầu nóng về một thay đổi cụ thể nào đó. Song mọi thứ chỉ dừng ở phạm vi tuyên truyền như cái bánh vẽ.

Quyền tự do ngôn luận là một trong các giá trị nền tảng xác định xã hội dân chủ. Không có tự do ngôn luận thì chỉ là xảo biện khi bàn về dân chủ. Vai trò ngày càng quan trọng của các blogger phản ánh nét tiến bộ của việc hình thành xã hội công dân, độ khả tín các thông tin của họ ngày được đem ra đối chiếu với báo chí nhà nước. Hành vi bạch hóa thông tin ra công chúng là một cách thực thi quyền công dân trong xã hội.

Chính quyền độc tài hiện nay thường tỏ ra vô cảm trước sự đau khổ của nhân dân. Đồng thời chính cách định hướng giáo dục có chủ tâm của chế độ cũng làm cho con người trong xã hội trở nên bàng quan trước mọi việc và sợ liên lụy tới bản thân. Công tác nâng cao uy tín truyền thông ngoài mục đích phát triển vai trò của xã hội công dân còn thể hiện trách nhiệm định hướng dư luận xã hội.

Trong một cuộc tranh đấu vì tự do nhân quyền hiện nay, tình trạng thiếu đối xứng thông tin sẽ làm chậm tiến độ của cách mạng dân chủ. Nếu những chủ trương và hoạt động của lực lượng đấu tranh dân chủ không thể đến được quần chúng, tức tự đánh mất nguồn lực ủng hộ mà bất cứ cuộc cách mạng nào cũng cần có: lòng dân. Truyền thông tạo nên các giá trị văn hóa cho một quốc gia, củng cố các giá trị văn hóa là nâng cao quyền lực mềm của lực lượng dân chủ.

Lực lượng đấu tranh dân chủ hiện nay và lựa chọn của nhân dân

Trong lúc chưa thể thực hiện những động thái ở tầm mức cải tổ chính trị toàn cục, lực lượng dân chủ Việt Nam không ngừng tự chuyển hóa để thích ứng với các biến động thời cuộc. Các chủ trương trong phong trào dân chủ tại Việt Nam hiện nay thể hiện nhiều thái độ khác nhau: xu hướng thực dụng, chủ nghĩa dân túy, kỹ trị, kể cả cộng sản cách tân một cách không rõ nét. Tuy nhiên, những tích tụ về lượng của phong trào dân chủ cần có thời gian để chuyển biến về chất, để chuẩn bị bước đột phá lớn trong tương lai. Có tài chánh ắt có người, có người thì kết hợp thành tổ chức. Có tổ chức mà không có người là tổ chức đẻ non. Một tổ chức thiếu sỹ khí thì mất nhân tâm. Mất nhân tâm tất vỡ tổ chức. Cảnh binh vỡ như núi từ đây mà ra.

Bên cạnh xu hướng đi tìm một gương mặt lãnh đạo cho toàn phong trào cũng có xu hướng phong trào không cần lãnh tụ, tự trong quá trình đấu tranh sẽ xuất hiện nhà lãnh đạo. Rốt cuộc trong bất cứ giải pháp nào, căn cứ trên các tiêu chí dân chủ thì quyền quyết định cuối cùng đều hoàn toàn tùy thuộc vào sự lựa chọn của nhân dân. Trên nền tảng tư tưởng chính trị tự do, bảo vệ các quyền con người; việc không ngừng đưa ra các sáng kiến cũng là một cách đẩy mạnh sự hợp tác, liên kết trong xã hội. Lực lượng dân chủ luôn cần sự phối hợp làm việc của rất nhiều người, nhưng không phải dễ. Trong tình hình hiện nay, nếu tự mỗi con người đấu tranh dân chủ không thể hiện một năng lực và quyết tâm nhất định thì họ đừng hòng đối đầu triệt để được với chế độ độc tài. Lý tưởng lùi một bước là mộng tưởng; không cố gắng phấn đấu, kiên trì hành động sát thực tế tất thành những kẻ theo đuổi mộng tưởng.

Các bước đi của lực lượng đấu tranh dân chủ Việt Nam cho thấy cần tiếp cận thực tiễn hơn nữa. Mặc dù đa phần các nhân sự dân chủ Việt Nam đều lên đường vì một niềm tin vào ngày mai của quốc gia, trong đất và nước của quê hương có trộn lẫn tình yêu của họ.

Kết luận

Nhà cầm quyền cộng sản đang khước từ tính chính danh của mình trong khi đàn áp những người biểu tình chống ngoại xâm. Được tôn trọng là một yêu cầu tối thiểu trong quan hệ xã hội nhưng trong một chế độ toàn trị cần được xem xét như một thứ quyền: quyền được xem như một CON NGƯỜI. Nhân dân Việt Nam hiện nay đang bị chế độ cộng sản toàn trị hoàn toàn nhìn nhận như một thứ heo chó, muốn quăng ném đi đâu tùy ý. Hầu như trong cách cư xử của chế độ toàn trị ấy không hề có chỗ đứng của khái niệm đạo đức trong chính trị. Ý đồ muốn tách con đường phát triển của quốc gia ra ngoài định hướng chung cả nhân loại chắc chắn sẽ phá sản.

Với những biến động đang diễn ra ở Trung Đông, Bắc Phi và Miến Điện, lực lượng dân chủ Việt Nam đã được tiếp trợ những nguồn cảm hứng to lớn; giúp tiến trình dân chủ hóa Việt Nam có những bước đi linh hoạt và sáng tạo trong tương lai. Dĩ nhiên, câu chuyện của một quốc gia 6 triệu người như Libya sẽ khác với diễn biến của một đất nước có hơn 80 triệu như Việt Nam, mặc dù khát vọng về tự do, nhân quyền và dân chủ là những giá trị chung của cả nhân loại.

Để cộng đồng quốc tế nhìn thấy tính chất trầm trọng và khẩn cấp của thực trạng mất dân chủ ở Việt Nam đang đòi hỏi những nỗ lực to lớn hơn nữa. Từng bước, các thắng lợi của phong trào dân chủ Việt Nam đã đi từ những giá trị biểu tượng đã thấm sâu hơn vào thực tiễn xã hội. Bên cạnh nét bình dân vốn có, nhu cầu thực tiễn đang cần những biểu hiện cởi mở và đa dạng hơn từ các chủ trương đấu tranh của phong trào dân chủ Việt Nam. Những hình thức triển khai đấu tranh có tính cách mạng, sẽ khiến cho cách thức suy nghĩ về công cuộc dân chủ hóa sẽ có những thay đổi mang tính cách mạng.

Vận mệnh những người dấn thân trong công cuộc đấu tranh tự do, nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam đã gắn liền cùng quê hương của họ. Họ đang cùng chìm nổi, họ đang cùng giãy dụa với hơn 80 triệu đồng bào của mình, không ai có quyền phủ nhận điều đó.

© Huỳnh Việt Lang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét