Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Ngọc Thế Phương : Ông Phan Diễn đã đồng ý với TS Nguyễn Thanh Giang

Nguồn danchimviet

Ông Phan Diễn

Dưới đây là trích đoạn bài viết "Ông Phan Diễn, Nguyên thường trực Ban Bí Thư Đảng: Nhận thức của tôi về vị trí của kinh tế Nhà nước đã khác!" của tác giả Hoàng Phương Loan đăng trên nhiều trang web:

"Theo Tuần Việt Nam, bàn về đổi mới tư duy để có thể tái cấu trúc nền kinh tế, nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn cho hay, nhận thức của chính ông về kinh tế nhà nước đã khác so với hơn 1 năm trước.

Ông cho hay, đầu năm 2010, thảo luận về vị trí của kinh tế Nhà nước, ông cho rằng, nói kinh tế nhà nước là chủ đạo vẫn đúng. Bởi lẽ chúng ta cần một lực lượng trong tay nhà nước, giúp nhà nước thực hiện các ý đồ, định hướng nền kinh tế, làm những việc mà các thành phần kinh tế khác không làm được.

Thế nhưng, qua những chuyến đi khảo sát ở các nước, "nhận thức của tôi (Phan Diễn – pv) về vị trí của kinh tế Nhà nước đã khác".

"Vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế rất quan trọng nhưng kinh tế Nhà nước thì chưa chắc", nguyên Thường trực Ban Bí thư nói.

Hàn Quốc là bài học thực tế tạo nên bước chuyển nhận thức ấy.

Đánh giá cao vài trò của Chính phủ trong việc định hướng phát triển kinh tế, đề ra nhiều chủ trương, chính sách, nhưng Hàn Quốc thực hiện được những ý định không phải dựa vào lực lượng kinh tế quốc doanh mà chính là vào lực lượng tư nhân.

Ngay cả tư nhân, nhà nước cũng không quá o bế đối với lĩnh vực cần ưu đãi, và cũng không nên nuông chiều, ưu đãi quá lâu. Hàn Quốc đã từng trả giá khi o bế các cheabol.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng "Gốc gác của vấn đề là nhiều tư duy không ổn mà ta ít nhắc tới.

Tư duy của vị trí nhà nước trong nền kinh tế thị trường của ta còn khác nhau và chưa rõ, kể cả nhà nước trung ương và nhà nước địa phương. Ở các nước, chính quyền chủ yếu lo quản lý hành chính nhà nước, không ai đi làm kinh tế cả.

……Thực tế, nền kinh tế VN đang phải trả giá cho những bất cập trong phân vai giữa nhà nước và tư nhân trong kinh tế.

Theo Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp, khu vực này hiện đang sở hữu 70% tổng tài sản cố định của nền kinh tế, chi phối 20% vốn đầu tư của toàn xã hội, 60% tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại, 50% vốn đầu tư nhà nước và 70% nguồn vốn ODA.

Được bảo hộ lớn và ưu đãi nhiều, thế nhưng, khu vực này chỉ tạo ra 25% doanh thu, 37% lợi nhuận trước thuế và 20% giá trị sản xuất công nghiệp".

*

Cách đây 15 năm, trong bài "Thế nào là định hướng đúng" ghi ngày 1 tháng 5 năm 1996, tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang đã viết:

"Nhiều doanh nghiệp nhà nước đang là các bầu sữa tong teo của của nhân dân bị vắt ra đau đớn để nuôi béo một bọn người vừa bất tài, vừa vô trách nhiệm, vừa phi nhân bản.

……Vậy mà, sao Văn kiện Đại hội Đảng vẫn chỉ thị phải "tập trung các nguồn lực để phát triển kinh tế nhà nước" và gán ghép cho nó cái chỉ tiêu chiếm tỷ trọng 60% GDP?

Liệu có làm thế nào trong dăm năm tới đạt được chỉ tiêu đó không? Hay là, nó chỉ đạt được tỷ trọng đó khi GDP phải teo lại?

Liệu có ai thích cái cơ chế đó chỉ vì còn muốn lợi dụng nó để biến một số phần tử trong "giai cấp mình" thành những tên tư bản đỏ – những tên tư bản được đề bạt, được chỉ định, được bao cấp, được bảo vệ bằng chuyên chính vô sản? Chính những tên này không chỉ bóc lột dã man hơn mà còn đục ruỗng nền kinh tế tàn tệ hơn bất cứ loại tư sản nào!

Phải chăng chính vì vậy mà người ta ngụy tạo ra đủ thứ: kinh tế dân sự, kinh tế đoàn thể, kinh tế đảng, kinh tế lực lượng vũ trang… nhằm khuấy đục cả xã hội lên để nuôi béo những con cò?"

*

Bốn năm sau, trong bài "Về vấn đề vai trò của doanh nghiệp nhà nước" ghi ngày 20 tháng 4 năm 2000, ông lại phân tích chi tiết thêm:

"Toàn bộ số DNNN hiện sử dụng 80% lượng vốn xã hộị. Hầu hết các khoản viện trợ phát triển, giải ngân qua các bộ, đều được phân bổ cho các DNNN do trung ương quản lý. Tuy nhiên, một tỷ lệ lớn các DNNN có quy mô lớn và trung bình đến nay vẫn tiếp tục làm ăn thua lỗ. Ngay cả trước khi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng khu vực tác động đến Việt Nam, ước tính chỉ không đầy 40% số DNNN làm ăn có lãị. Hai trăm doanh nghiệp lớn nhất được ưu tiên chiếm dụng tới 60% tổng số vốn nhà nước thì cũng đồng thời "ưu tiên" gánh 40% tổng số nợ. Dùng phương pháp phân loại qua tỷ số giữa lợi nhuận và nợ thì các doanh nghiệp loại "yếu kém nhất" đang ôm món nợ 20 nghìn tỷ đồng, đối với các doanh nghiệp loại "hoạt động không hiệu quả" con số nghiệt ngã đó là 43 nghìn tỷ đồng, tính đến cuối năm 1997. Nhóm các DNNN "yếu kém nhất", trong quá trình kinh doanh và phát triển đã tạo ra được cho mình số nợ trung bình cao gấp hai lần giá trị vốn nhà nước đã chu cấp. Trong đó, 50 doanh nghiệp đặc biệt có số nợ cao gấp nhiều lần giá trị vốn nhà nước. Do hầu hết các doanh nghiệp đều bị thua lỗ triền miên nên khả năng trả được nợ hết sức mờ mịt, nếu không muốn nói trắng ra là: không thể có!

……Món nợ do các DNNN tạo ra khủng khiếp đến nỗi làm cho báo cáo của Chính phủ trước kỳ họp thứ sáu của Quốc hội phải nghẹn ngào thốt lên: "Không thể tiếp tục dùng ngân sách nhà nước, tiền đóng thuế của dân để nuôi dưỡng các DNNN đã trở thành gánh nặng của nền kinh tế!". Cách đây dăm năm, trong một bản góp ý vào Báo cáo Chính trị của Ðại hội VIII, tôi không nén nổi lòng mình, cũng đã từng thẳng thắn cảnh báo: "Nhiều doanh nghiệp nhà nước đang là các bầu sữa tong teo của nhân dân bị vắt ra đau đớn để nuôi béo một bọn người vừa bất tài, vừa vô trách nhiệm, vừa phi nhân bản".

Lẽ ra tôi phải viết "hầu hết DNNN", nhưng lúc ấy lòng dũng cảm của tôi chỉ dừng ở mức dám dùng một tính từ chỉ số lượng hoàn toàn bất định: "nhiều". Bây giờ thì bên cạnh câu ấy, tôi còn muốn minh hoạ thêm bằng một biếm hoạ chua xót mà ở giữa là một cái bồ sứt cạp thủng đáy; phía trên là mồ hôi, nước mắt, xương máu nhân dân đang được mạnh tay đổ vào; phía dưới, ngoác ra hàng loạt cái mồm khốn nạn chen nhau nhồm nhoàm nhai nuốt.

Cũng như chủ trương ưu tiên phát triển công nghiệp nặng trước đây, chủ trương ưu tiên củng cố, xây dựng các doanh nghiệp nhà nước hiện nay đang tạo ra nhiều nghịch lý, nhiều phản giá trị cả trong kinh tế lẫn xã hội.

Thật vậy, DNNN không chỉ là những cái bồ thủng đáy để người ta rót của cải, tiền bạc của nhân dân, của nhà nước vào những cái mồm tham nhũng đủ mọi cấp, đủ mọi loại, mà còn là những cái bồ sứt cạp để người ta đổ tung toé một cách vô tội vạ những khoản "tiền chùa" to lớn, tạo nên tình trạng lãng phí rất đau lòng. Con số nợ tổng cộng của các DNNN năm 1999 là 200.000 tỷ đồng chắc còn nhỏ hơn nhiều so với các khoản lãng phí gây ra từ cái cớ xây dựng sự nghiệp vai trò chủ đạo cho DNNN.

Giải thích thế nào về tình trạng đất nước thì nhỏ, giao thương quốc tế chưa phát triển mấy mà phải quy hoạch xây dựng tới 114 cảng lớn? Chỉ riêng từ Sài Gòn đến Cần Giờ có mấy km đường sông thôi mà bầy ra đến 20 cảng! Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế) đến Quảng Ngãi, cách nhau chưa đầy 150 km mà nào Chân Mây, Tiên Sa, Dung Quất. Lại còn đang tính thêm Kỳ Hà! Lại toan cái nào cũng cần vươn lên tầm quốc tế!

Trên cái chấm nhỏ tý ty ở bản đồ, trong phạm vi 10 km2 của huyện Kiên Lương- Hà Tiên người ta đếm được 4 nhà máy xi-măng. Tiềm năng đá vôi Hà Tiên không lớn lắm. Riêng đối với Nhà máy Xi- măng Hà Tiên 2 thôi, đá vôi ở đây cũng chỉ đủ cung cấp trong vòng 30 năm nữạ Trước mắt, do có tới 4 nhà máy nên xi-măng sản xuất ra ế ẩm vì cung đã vượt cầu nhiều lần.

Việc xây dựng tràn lan nhà máy xi-măng lò đứng rất lạc hậu của Trung Quốc đang và sẽ còn để lại không biết bao nhiêu hậu quả khôn lường về nợ tài chính và tác hại ô nhiễm môi trường! Nguồn nguyên liệu đá vôi trong nước, đặc biệt là ở miền Bắc, khá đồi dào, nhưng người ta lại đi nhập quá nhiều clanh-ke về nghiền thành xi-măng, trong khi các loại xi- măng sản xuất bằng nguyên liệu trong nước đang bị ứ đọng!

"Sự nghiệp bách hoa tề phóng" của hàng loạt nhà máy đường ở các tỉnh cũng gây nên tấn bi hài kịch khóc dở mếu dở. Có nhà máy xây xong mà không ra đời được. Có nhà máy chỉ sống thoi thóp một thời gian rất ngắn. Nông dân nhiều nơi được tuyên truyền, khích lệ để hôm trước phá rừng trồng mía, hôm sau chặt mía bỏ thối ngoài đồng. Tổng số vốn đầu tư cho 44 nhà máy đường lên tới gần 10.000 tỷ đồng. Trong đó, già hai phần ba vay của nước ngoàị Niên vụ 1998-1999, 41 nhà máy đường trong cả nước chỉ chạy 64% công suất thiết kế đã sản xuất được 552.500 tấn đường. Niên vụ 1999-2000, cả 44 nhà máy vào cuộc, với tổng công suất 78 200 tấn mía cây sẽ có nguy cơ sản xuất 950.000 tấn đường. Như vậy sẽ có ít nhất 200.000 tấn đường dư thừạ Trong nước tiêu dùng không hết thì xuất khẩụ Vậy là tốt quá rồi còn gì! Khốn nỗi, giá thành sản phẩm của các DNNN của ta hầu như bao giờ cũng rất cao, cho nên, nếu đem xuất khẩu hết lượng đường dư thừa ấy thì nhà nước phải bù lỗ 20 – 50 triệu ! Dẫn chứng này nhỏ nhưng biểu hiện khá sinh động tính "ưu việt" và tính vô chính phủ của DNNN.

……Cần xác định lại thế nào là vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước? Ðâu phải muốn đóng được vai trò chủ đạo thì phải và chỉ cần chiếm tỷ trọng lớn cả trong sản xuất và lưu thông đồng thời chi phối cưỡng bức các thành phần kinh tế khác thông qua việc tăng cường quyền lực tài chính và chính trị.

Muốn đóng vai trò chủ đạo, muốn chỉ đạo được, muốn chi phối được về thực chất thì không thể lạm dụng mệnh lệnh hành chính mà phải thông qua sự thuyết phục bởi tính hiệu quả. Hiệu quả của các hoạt động sản xuất và kinh doanh của các thành phần kinh tế nhà nước phải đủ sức cạnh tranh và cạnh tranh thắng cuộc đối với các thành phần kinh tế khác. Chừng nào kinh tế nhà nước tạo ra những hiệu quả cao hơn các thành phần kinh tế khác, thì khi đó nó mới chi phối được nền kinh tế quốc gia và mới xứng đáng vai trò chủ đạo"

*

Tháng 3 năm 2008, khi phân tích nguyên nhân lạm phát ở Việt Nam, tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang lại viết:

"Nét đặc sắc của nguyên nhân lạm phát ở Việt Nam là do Nhà nước đã đổ những khoản đầu tư bất hợp lý vào các tập đoàn kinh tế, xí nghiệp quốc doanh … khổng lồ đến mức … bại hoại cả nền kinh tế.

Kinh tế ngoài quốc doanh ngày càng tỏ rõ nhiều ưu thế vượt trội. Trong năm 2005 tỷ lệ vốn / lao động của các doanh nghiệp nhà nước cao gấp 3 lần so với các doanh nghiệp dân doanh, nhưng doanh số trung bình do một công nhân tạo ra ở DNNN lại chỉ đạt cỡ 44% so với khu vưc dân doanh. Tỷ trọng sản xuất công nghiệp của khu vực nhà nước liên tục sụt giảm so với khu vực dân doanh và FDI.. Khu vực nhà nước hầu như không tạo thêm được việc làm mới. Bên cạnh dó, trừ một số ngoại lệ, các DNNN hầu như không xuất khẩu các sản phẩm chế tạo. Đến nay, kinh tế ngoài quốc doanh đang tạo ra 90% việc làm trong khu vực công nghiệp và gần 70% sản lượng công nghiệp.

Vậy mà, tài sản nhà nước của nhân dân vẫn cứ được đổ vô tội vạ vào các DNNN kém hiệu năng để không chỉ gây nên những khoản nợ không trả được đến hàng trăm nghìn tỷ đồng mà còn tạo điều kiện để họ chi thả cửa, rất hào phóng cho những dự án nhảm nhí. Nhờ tham nhũng bôi trơn, hàng loạt dự án hoành tráng được rầm rộ thông qua từ xã lên huyện, qua tỉnh đến trung ương ngay cả khi chưa đủ hồ sơ kỹ thuật. Nói chung có lập hội đồng chuẩn định đấy, nhưng tất cả đều được phù phép thành các hội đồng chuột".

*

Ngày 15 tháng 11 năm 2009, nhân bàn về vụ Vinashin, trong bài "Doanh nghiệp nhà nước – đại họa", thêm một lần nữa ông lại nói rõ nguồn cơn:

"Nguồn gốc tội lỗi không phải chỉ ở chỗ tổng giám đốc Phạm Thanh Bình đã lạm dụng quyền chức, không phải chỉ ở chỗ thủ tường Nguyễn Tấn Dũng thấy Tập đoàn làm ăn thua lỗ mà vẫn ra sức đổ của vào mà là do đường lối chủ trương của Đảng: Sống chết cũng phải " Định hướng XHCN ", đói khổ kiệt quệ cũng phải cho kinh tế quốc doanh làm chủ đạo!".

*

Vậy là sau 15 năm gian nan thuyết phục một cách rất kiên trì, ngày nay những ý kiến sáng suốt, đầy tâm huyết của tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang mới được một số cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng như nguyên "Phó TBT" Phan Diễn công khai biểu đồng tình.

Không biết rồi đây lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ có công khai thừa nhận sai lầm khi đã đối xử quá tệ hại với ông (gần chục lần bắt bớ tra vấn, gần chục lần khám nhà, đưa ra phường đấu tố, bỏ tù …) và bồi thường danh dự thỏa đáng cho những người hết sức đáng nể trọng như tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang.

Hà Nội 6 tháng 11 năm 2011

Ngọc Thế Phương (Thanh Xuân- Hà Nội)

Mobi: 0986 051 950

(Bài do tác giả gửi tới)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét