Hè vừa rồi mình về Huế chơi, tìm về góc phố có quán rượu chị Phước, góc đường TrươngĐịnh, cạnh quán xôi thịt hoong. Quán xôi thịt hoong vẫn còn, vẫn y chang như ngày nào, lụp xụp nhếch nhác nhưng rất đông khách. Quán rượu chị Phước không còn nữa, hình như người ta đã dẹp các quán vỉa hè, dẹp luôn quán chị. Mình đứng tựa gốc cây hồi lâu, tự nhiên thấy bồi hồi. Bao nhiêu bạn bè của mình đã từng ngồi đây giờ đâu hết rồi?
Một cái quán che bằng tấm áo mưa cũ, chống ba bốn cọc tre nhỏ, cái thùng gỗ đựng rượu nem thuốc lá, chỉ ba thứ ấy thôi, không có hề có thêm thứ khác, năm sáu cái đòn ngồi cái méo xệch, cái gãy chân… Thế mà không khi nào vắng các nhân vật nổi tiếng, từ Trịnh Công Sơn đến Nguyễn Khoa Điềm, từ Xuân Đàm, Kim Quý, Lê Anh… đến Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Minh, Nguyễn Trọng Tạo….Từ đó anh tài khắp nước lần lượt vào quán này, đủ hết không sót một ai.
Những năm 80 thế kỷ trước, anh em văn nghệ Huế mỗi khi rủ nhau đi uống rượu thường chỉ đến hai nơi, một là quán chị Hiếu, hai là quán chị Phước. Quán chị Hiếu rượu ngon, chị tự nấu lấy, rượu gạo trăm phần trăm, đối với anh em văn nghệ chị bán giá gốc rất rẻ. Nhưng quán chị Hiếu hơi xa, ở tận dốc Phú Cam, hơi trái đường nên anh em vẫn tụ bạ ở quán chị Phước, sát ngay 26 Lê Lợi là trụ sở Hội văn nghệ. Nhà mình gần ngay đấy, ở 24 Lê Lợi, thành thử mình thường trú nửa phần đời tại quán chị Phước.
Chẳng biết chị Phước mấy tuổi, ở đâu. Nghe nói chị vốn dân Quảng Nam ra đây làm ăn, người bảo có chồng con, người bảo không. Lại có người nói chị là vợ ông Đại úy cộng hòa. Năm 1980, ông này vượt biên sang Mỹ, chị không đi, ở lại nuôi con. Chẳng biết thế nào nhưng nhìn tướng chị mình biết chị có học hành tử tế, con nhà dòng dõi, thế cuộc đổi thay chị mới chịu ra vỉa hè bán rượu mà thôi.
Rượu chị Phước thua rượu chị Hiếu nhưng chị cho nợ thoải mái, chẳng ghi sổ, chẳng hỏi nợ, ai nhớ thì trả, không thì thôi, chẳng bao giờ chị càm ràm. Ngồi ở quán chị nói năng thoải mái, không sợ chị nghe được đi kể lại với người khác. Anh em cãi nhau, chửi nhau, nói xấu nhau… chị đều bỏ ngoài tai hết, không hề để bụng. Ngồi ở quán chị như ngồi nhà mình, chỉ có ba thứ: rượu, thuốc lá và nem, ai muốn lấy gì thì lấy. Nhiều lần bận việc chị thả quán cho khách tự tung tự tác. Uống xong, có tiền nhét tiền dưới cục gạch chị đã làm dấu, không tiền thì cứ thế phủi đít về, chẳng sao.
Ngồi nhiều nhất, lâu nhất vẫn là đám nhà thơ. Buổi sáng đến công sở, uống trà nói phét chừng một tiếng, vờ vào bàn làm việc chừng một tiếng, đến 10 giờ chẳng ai bảo ai đều viện cớ đi chỗ này chỗ nọ, gặp người này người nọ, rồi vọt ra quán chị Phước cả lũ.
Vài ba chén đầu còn tâm sự hỏi han, đến chén thứ tư bắt đầu màn đọc thơ. Nếu thơ được khen tất nhiên còn đọc nữa, tranh nhau đọc cho tới chiều. Nhưng nếu ai đó chê thơ ai đó thì thể nào cũng có cãi nhau, có rượu vào chuyện bé xé ra to, văng đủ thứ, thề độc không bao giờ nhìn mặt nhau, tóm lại sáng sau lại có mặt cả lũ, không sót một ai, hi hi.
Một hôm mình ngồi với anh Tạo ( Nguyễn Trọng Tạo), anh Ngô Minh. Anh Tạo nói tình hình nghiện đọc thơ đã trở thành quốc nạn. Khéo không chị Phước nghe đọc thơ nhiều quá, điên lên chị nhổ quán bỏ đi thì bỏ mẹ. Từ nay thằng nào đọc thơ phải " nôn" tiền ra gọi là nhuận nghe. Không ai tốn rượu mất thời giờ nghe thơ chúng mày. Vừa nói xong thì Lý Hoài Xuân lò dò tới, nói tôi mới có bài thơ, đọc cho anh em nghe. Anh Tạo nói vừa ra nghị quyết rồi, thằng nào muốn đọc thơ phải bỏ tiền ra, mỗi bài ba ngàn. Lý Hoài Xuân lẳng lặng móc túi bỏ ra ba ngàn. Đọc xong, ai cũng khen, Lý Hoài Xuân lại lẳng lặng móc túi bỏ ra sáu ngàn. Nói tôi đọc thêm hai bài nữa. Hi hi.
Anh Phùng Quán vào Huế ngày trước ngày sau đã biến quán chị Phước thành " cơ quan thường trú" của anh. Anh Quán ngồi đâu ở đó có thơ. Anh đọc thơ không tiếc tiền, mỗi bài ba ngàn, anh đọc cả trăm bài trong mấy tháng anh ở lại Huế. Thực ra anh lấy cớ để ủng hộ chị Phước. Anh nói tụi mình uống chịu nhiều rứa, cụt vốn chị Phước, tội nghiệp. Bày ra cái luật nhuận nghe rất chi là hay, tụi mình có rượu uống mà chị Phước không bị cụt vốn. Có hôm xong cuộc uống rượu đọc thơ, cộng lại được 90 ngàn, còn thiếu của chị Phước 6 ngàn, anh Quán xung phong đọc thêm hai bài. Phải cái bài Trăng hoàng cung của anh dài quá, mọi người nhao nhao, nói bài ni dài bằng 6 bài. Anh vuốt râu cười kha kha kha, nói sáu bài thì sáu bài, rồi bỏ ra đúng 30 chục ngàn. Lại thừa tiền, lại uống, rất vui.
Chị Phước ít nói đến nỗi ai không quen cứ tưởng chị bị câm. Ai cũng như ai, hễ vào quán chị là mắt chị ánh lên một nụ cười. Chỉ cười vậy thôi chứ chẳng nói gì, cũng không vồn vã chào mời. Khách tự kéo đòn ngồi, gọi rượu gọi nem, chị lẳng lặng đưa. Có lần mình đưa vợ chồng Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ vào quán thấy chị suốt buổi không nói một tiếng nào, gọi gì đưa nấy chứ tuyệt chị không một lần lên tiếng. Hai người ngạc nhiên lắm, kéo tay mình thì thầm, nói bà này câm sao tai thính thế nhỉ? Hi hi. Lúc đầu mình tưởng tụi con nít vô danh như tụi mình chị mới không thèm nói. Chẳng ngờ Trịnh Công Sơn, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường vào quán chị cũng thế, Lưu Quang Vũ hồi này khét tiếng ba miền chị cũng thế, chị chỉ có cười bằng mắt. Mãi rồi mới biết chị coi anh em văn nghệ Huế như người nhà, chẳng cần phải chào hỏi xã giao gì, vào quán tự kiếm lấy chỗ ngồi, muốn uống rượu thì tự rót, thế thôi.
Duy nhất có Văn Cao là khác. Thấy Văn Cao chống gậy đi tới, chị hơi sững lại. Hình như chị không ngờ có ngày Văn Cao vào quán chị, thật quá hạnh phúc, mặt chị tái đi. Chị lật đật sang quán xôi hoong cạnh đấy mượn cái ghế nhựa nhỏ, cái mâm gỗ về bày ra, lật đật đỡ tay anh Văn Cao, nói mời chú ngồi đây. Anh Văn Cao nói gì, hỏi gì chị đều dạ rất to. Đôi câu anh nói chị không nghe, chị sợ không dám hỏi lại, đưa mắt cầu cứu mình, nhờ mình nhắc lại. Mình cười chỉ Văn Cao, nói chị biết ông ni là ai, răng sợ rứa. Mắt chị cười tươi, nói thuở nhỏ đến chừ chỉ mơ được gặp Văn Cao, đúng là trời thương, mơ được ước thấy. Đó là câu nói duy nhất mình nghe chị Phước nói trong vòng 6 năm ngày nào cũng ngồi quán chị.
Trước Văn Cao nhiều danh sĩ Nam Bắc cũng đã tới quán chị rồi, Trần Dần, Hữu Loan, Lê Đạt, Hoàng Cầm thì quá quen thuộc quán chị, cứ về Huế là tìm về quán chị, coi đây là một địa chỉ văn hóa của làng văn. Hôm anh Văn Cao vào Huế bị ôm phải đưa viện. Ngày ra viện anh đi một mạch từ viện Trung ướng Huế tới quán rượu chị Phước, chị Băng ( vợ anh) bảo anh đi đâu anh cũng không đi, cứ ngồi vậy cho đến lúc say.
Sau này mỗi lần mình ra Hà Nội gặp Văn Cao, lần nào anh cũng hỏi đúng có hai câu: anh Tường khỏe không và quán chị Phước có còn không? Anh Trịnh Công Sơn cũng vậy, anh rời Huế từ năm 1983, năm lần mình gặp anh ở Sài Gòn thì cả 5 lần anh chỉ hỏi đúng một câu, nói anh em có còn ngồi quán chị Phước không?
Sau chia tỉnh anh em văn nghệ tản mát chín phương trời, quán chị Phước cũng không còn. Hình như vì vậy mà văn nghệ Huế dạo này nhạt hẳn, không còn đằm thắm sôi nổi như xưa nữa.
Mình ngồi tựa gốc cây nhớ những người đã từng say ở đây, mỗi người mỗi nét rất vui. Phùng Quán say thì nhúng râu vào rượu, Trần Dần say thì ngồi thổi chén rượu phù phù như thổi cháo nóng, Mai Văn Hoan say thì khóc, Ngô Minh say thì chạy đi đóng cửa sổ, Nguyễn trọng Tạo say thì đập chén,Trần Vàng Sao say thì hát, Trịnh Công Sơn say thì đọc thơ… trong số đó quá nửa đã về trời, nửa còn lại đã sức tàn lực kiệt, tim đập chân run, hồn xiêu phách lạc…
Nghĩ vậy mà rưng rưng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét