Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011

TẠ DUY ANH : Đọc lại “Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông”

Nguồn nguyentrongtao


Trong bản giám định biên tập trình Tổng biên tập, tôi cho rằng tác phẩm của Nguyễn Vĩnh Nguyên còn nặng về tính đánh đố người đọc và đó bị coi là điểm yếu của tác phẩm này. Giờ đây, khi có ý kiến của sở Thông Tin Truyền Thông TPHCM, yêu cầu thu hồi cuốn sách (không hiểu cơ quan cấp sở có cái quyền này không, bởi vì Sở Thông Tin Truyền Thông TPHCM không phải là nơi cấp phép cho in cuốn sách?) tôi đã đọc lại tập truyện bằng con mắt "săm soi", vừa của một biên tập viên (phát hiện những chỗ phải cắt bỏ theo thẩm quyền, thực tế khi đưa duyệt, tôi đã bỏ đi hẳn một truyện ngắn liên quan đến xác chết vì ngại bị suy diễn, thói quen còn nặng trong đọc thẩm định ở ta) vừa bằng cách đọc không bị chi phối trước bất cứ điều gì của một độc giả có rất nhiều quyền tự do được nhà nước bảo hộ. Và tôi cần phải đính chính là nhận xét trên kia của tôi có phần hơi vội vàng.

 Tôi đọc một mạch gần 300 trang sách, (trên thực tế lại rất hấp dẫn chứ không nặng nề như lần đọc đầu tiên) với số thời gian chỉ bằng một phần năm khi đọc biên tập. Phải nói ngay là Nguyễn Vĩnh Nguyên có hơi phô kiến thức, còn cầu kỳ khi thể hiện, đành rằng nó có dụng ý thẩm mỹ nhưng hơi lạm dụng, đặc biệt khi liệt kê kiến thức về triết học, tôn giáo, hay đôi chỗ còn lắt léo trong hành văn… nhưng không đến mức đánh đố như tôi từng cảm thấy.

Nguyễn Vĩnh Nguyên là thế hệ cầm bút trưởng thành khi đất nước chuyển sang thời kỳ đổi mới với thành tựu nhiều mặt về kinh tế, văn hoá, nhất là sự dân chủ, đa dạng khi tiếp cận kiến thức, tiếp cậoàthong tin cũng như các xu hướng tư tưởng và chúng thể hiện rất rõ trong nhiều cây bút thế hệ của Nguyên, cho thấy cả mặt tích cực và tiêu cực. Mặt mạnh của nó so với các thế hệ trước là họ không còn bị bó hẹp trong quan niệm về nghệ thuật là phải phục vụ các mục tiêu chính trị cụ thể mà mọi người thường gọi là văn học minh hoạ. Nghệ thuật với họ có đời sống riêng, với mục đích cao nhất là thượng tôn cái đẹp, cái thiện và cái thật, đề cao những giá trị của con người, làm đẹp con người như tự do, tình yêu…Do được tiếp cận đa dạng hơn với nhiều lĩnh vực kiến thức, họ có nền tảng học vấn tốt hơn, chắc chắn hơn. Thời của họ cũng phản ánh đời sống phong phú hơn, cả cái tích cực và tiêu cực. Mặt trái của kinh tế thị trường mà biểu hiện rõ nhất là tôn sùng tiền bạc, tôn sùng lối sống chỉ biết lợi ích của mình, những tệ nạn tham nhũng, bạo lực, lối sống và yêu hiện đại…đã khiến không ít người cầm bút cảm thấy bị tổn thương về mặt tinh thần. Và họ đã đưa tâm trạng đó vào trong sáng tác văn học khiến tạo ra nhiều trang viết cho cảm giác nặng nề, mang tính tố cáo… Nó phản ánh một hiện thực không còn thô sơ, đơn giản như vẫn quan niệm phải là những gì xảy ra trong đời sống và đã được sàng lọc, được coi là phổ biến. Đời sống hàng ngày, với họ, chỉ là một phần của hiện thực. Những ý nghĩ, những giấc mơ, những dự định, những đổ vỡ, sự thất vọng, nỗi lo âu…đều là hiện thực. Ngoài ra còn có hiện thực tâm linh, hiện thực vị lai, hiện thực hoang tưởng…Với họ, việc mô tả thế giới không quan trọng bằng việc chăm chú tạo ra một thế giới theo cách của họ. Ở đó con người (và rộng hơn là xã hội) có thể chiêm ngưỡng mình từ nhiều chiều hơn là chỉ thấy cái bóng mình đổ dài xuống lịch sử. Ở đó cái thiêng liêng và cái bị biếm hoạ không còn bị một đường vạch thô thiển đẩy sang hai phía giới tuyến theo kiểu trắng và đen. Trong cái tốt có cái xấu và ngược lại. Một chính khách nghiêm trang và một gã hề hoàn toàn có thể cùng tồn tại trong một con người. Đó là điều bình thường của đời sống văn học trong nhiều năm qua. Nó góp phần tạo ra những tác phẩm văn học có tư tưởng sâu sắc và một văn đàn dân chủ, phong phú hơn rất nhiều so với trước đây. Thành tựu này chính là thành quả của đổi mới dù ai có nói gì đi nữa.

Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên

Nguyễn Vĩnh Nguyên là người thừa hưởng thành quả đó một cách tự nhiên. Ngòi bút của anh có tự do hơn khi thám thính vào những lĩnh vực khác nhau của đời sống, không bị mặc cảm kị huý ngăn trở những nỗ lực tìm ra chân lý nghệ thuật. Tuy nhiên phải nói ngay rằng, con đường anh tự vạch ra còn rất dài nếu anh mong tới được đích. Để tiếp cận những tác giả này, phải có cách đọc khác cách thông thường. Cách đọc quen thuộc là tìm xem tác phẩm nói điều gì, ám chỉ ai, tiêu cực hay tích cực theo quan niệm chủ quan của mình? Cách đọc đó không còn phù hợp với hàng loạt tác giả mới, trong đó có Nguyễn Vĩnh Nguyên. Đọc họ là tìm một sự giải mã, không chỉ trên văn bản mà cả những thứ phi văn bản. Điều mà Nguyễn Vĩnh Nguyên làm rất tốt là anh khiến người đọc luôn phải động não suy nghĩ. Chỉ cần người đọc phải suy nghĩ, phải liên tục cật vấn mình, không yên tâm với những gì mình vẫn đinh ninh, tác phẩm đó đã có thể coi là thành công phần nào, nếu không muốn nói là thành công quan trọng nhất. Nhưng Nguyễn Vĩnh Nguyên còn làm được nhiều hơn thế. Điều dễ nhận thấy nhất là anh có lối viết rất ám gợi, kích thích trí tưởng tượng để có thể song hành sáng tác tiếp sau khi văn bản chấm dứt. Nguyễn Vĩnh Nguyên cũng chủ động đề xuất sự dân chủ trong ngôn ngữ, trong chi tiết đời sống. Mọi vùng ngôn ngữ như chính trị, tôn giáo, chợ búa đều bị xoá nhoà trong một tinh thần bình đẳng và không kiêng kỵ. Chỉ nói riêng về vấn đề tình dục. Nó là một phần quan trọng của đời sống, tạo nên phần hấp dẫn nhất của hiện thực. Nó đương nhiên phải có mặt ở mọi nơi, tham gia vào mọi hoạt động, tạo nên mọi sắc thái của đời sống vật chất và tinh thần trừ nơi nào đời sống bị tiêu diệt! Tình dục đã đang và sẽ còn vĩnh viễn ám ảnh mỗi con người, cần thiết với mỗi con người, chi phối mỗi con người, làm cho mỗi con người hạnh phúc hay đau khổ, khiến họ thanh cao tuyệt với hay tầm thường hàn mạt. Cá nhân hay toàn xã hội, dù có muốn chối bỏ cũng không được. Vấn đề tình dục là vấn đề nhạy cảm vì nó chi phối hành vi ở khía cạnh đạo đức và gắn với nhân phẩm của con người. Khiêu dâm, kích thích một đời sống tình dục thác loạn, đề cao sự nhầy nhụa trong quan hệ nam nữ luôn bị coi là vô luân, là đồi bại về văn hoá, thậm chí bị pháp luật nghiêm cấm, nhất là với một xã hội phương Đông.

Nguyễn Vĩnh Nguyên đưa đời sống tình dục vào tác phẩm như đưa một phần hiện thực tạo nên tính cách nhân vật. Ngoại trừ truyện ngắn Bản tường trình kèm theo những tra cứu khác nhau xoay quanh một sự cố không khớp số trang mô tả những chuyện có thể gợi đến tình dục khá nhiều nhưng đọc kỹ thì hoá ra đây lại là truyện ngắn mang hơi hướng mô phỏng triết học về tính Mẹ-Một-Duy Nhất, một quan niệm phổ biến về khởi nguyên của vũ trụ, còn lại tỉ lệ hiện thực tình dục trong hầu hết những truyện khác rất thấp, thậm chí là không đáng kể. Nó tuyệt nhiên không mang hơi hướng kích dục bởi nó chỉ là phương tiện để tác giả đạt đến mục đích khác, mục đích tư tưởng, tức là tinh thần. Phần nhiều những hành động dục tính của nhân vật trong cuốn sách là cách thức bộc lộ tâm trạng, là một trải nghiệm đời sống ở cấp thấp khi họ bế tắc hoặc phô diễn sự đểu cáng, chuẩn bị làm điều chả ra gì. Nó nhằm tới sự tố cáo, lột trần chứ không hề coi đó là mục tiêu tất yếu của hành động thẩm mỹ. Điều này rất rõ ở truyện Trò chơi biển-có thể coi như tuyên ngôn của tác giả về tình dục, rằng, tình dục phải xuất phát từ tình yêu mới có giá trị đạo đức và nhân tính.

 Một tác phẩm chỉ bị coi là khiêu dâm khi nó nhằm đến mục đích kích dục đơn thuần.

Những ý kiến cho rằng tác giả mượn chuyện tình dục, mô tả hiện thực một cách đen tối là để miệt thị xã hội, bôi xấu chế độ…là quá chủ quan. (Nếu định kết tội tác giả vi phạm luật theo hướng đó thì phải đưa ra được bằng chứng chứ không thể nói chơi). Những hiện thực được mô tả trong cuốn sách kém xa về độ nhếch nhác so với những gì đang diễn ra hàng ngày mà báo chí nêu trực tiếp mà mạnh mẽ hơn nhiều. Chỉ cần ngày nào cũng đọc Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, báo Công an, báo Thanh niên…cũng thấy rõ điều đó. Với tư cách là một nhà văn và một biên tập, tôi đánh giá tập truyện của Nguyễn Vĩnh Nguyên là một tác phẩm văn học đáng chú ý, đáng biểu dương, trước hết ở nỗ lực tìm kiếm một hình thức thể hiện khác, một ngôn ngữ khác. Điều dễ thấy nhất là nó là sản phẩm của sự nghiêm túc cao độ, với một lối hành văn chính xác và ngôn ngữ hàm súc, đầy chất thơ. Thực cũng đáng coi là thứ của hiếm của văn chương thời gian qua.

.


Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM quyết định tịch thu toàn bộ tập truyện ngắn 'Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông' của Nguyễn Vĩnh Nguyên, vì cho rằng sách 'truyền bá lối sống dâm ô đồi trụy'.

Ngày 2/11, công ty sách Phương Nam, đơn vị liên kết với NXB Hội Nhà văn thực hiện tập truyện ngắn Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên, nhận được quyết định từ Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM xử phạt hành chính Phương Nam 7,5 triệu đồng. Ngoài ra, Sở yêu cầu thu hồi cuốn sách Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông trong vòng 10 ngày tới. Quyết định do Bà Trần Thị Ngọc Hương, Chánh thanh tra Sở, ký.

Theo Sở này, cuốn sách trên "Truyền bá lối sống dâm ô đồi trụy, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, vi phạm điều 2, khoản 10 Luật xuất bản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xuất bản".

Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM muốn tịch thu toàn bộ ấn bản tập truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Nguyên lưu hành trên thị trường hiện nay.

Văn bản này nêu rõ, nếu quá thời hạn 10 ngày, Phương Nam không "tự nguyện chấp hành quyết định" thì "sẽ bị cưỡng chế và phải chịu chi phí cho việc cưỡng chế theo điều 66 pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính". Văn bản cho biết, công ty sách Phương Nam có quyền khiếu nại quyết định trên của Sở trong vòng 90 ngày, nhưng lại nhấn mạnh "việc khiếu nại không làm đình chỉ quyết định xử phạt".

Đại diện công ty Phương Nam cho biết, đơn vị này đang chuẩn bị văn bản trả lời những yêu cầu của Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM.

Tập Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông của Nguyễn Vĩnh Nguyên gồm 13 truyện ngắn, được phát hành hồi tháng 4. Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên chia sẻ với VnExpress.net: "Với tư cách là một người viết, tôi xem họ (Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM) cũng là một nhóm bạn đọc có quyền nhận định về tác phẩm của mình. Tôi tôn trọng mọi nhận định, dù có vài nhận định vượt quá dụng ý của tôi trên trang viết, cũng như vượt quá tầm tác phẩm của tôi".

Anh nói thêm: "Nhưng ở góc độ người vừa làm nghề viết văn và viết báo, tôi thấy rằng, trước khi cơ quan chức năng đưa ra một quyết định với một tác phẩm văn học thì cần có một hội đồng thẩm định đầy đủ uy tín về chuyên môn để đánh giá tác phẩm đó. Như thế mới gọi là bảo vệ đời sống văn hóa lành mạnh".

Theo Nguyễn Vĩnh Nguyên, nếu không có hội đồng thẩm định uy tín thì sẽ còn rất nhiều tác phẩm bị rơi vào tình trạng "chết" oan ức.

Còn nhà văn Tạ Duy Anh, người biên tập cuốn truyện ngắn, bức xúc: "Theo tôi, đây là một cuốn sách lành mạnh, thậm chí là rất đáng trân trọng khi tác giả có chủ ý đưa ra những sáng tạo mới. Nội dung cuốn sách không có vấn đề gì cả. Việc nói sách kích dục là hoàn toàn vô căn cứ và do đọc không kỹ. Tôi còn cho rằng cuốn sách này xứng đáng nhận giải của Hội nhà văn năm 2012."

Nhà văn Tạ Duy Anh cho biết, dự kiến, vào tuần tới, NXB Hội nhà văn tổ chức một cuộc hội thảo giữa một số nhà văn, biên tập viên và nhà phê bình để đánh giá ở góc độ chuyên môn về cuốn sách trước khi có phản hồi chính thức. "Phải làm cho nó rõ ra, chứ kiểu như thế này thì ai dám in hay xuất bản cái gì nữa", Tạ Duy Anh nói.

Mới đây, sau khi vừa xuất hiện trên thị trường sách, cuốn Sát thủ đầu mưng mủ – Thành ngữ sành điệu bằng tranh (NXB Mỹ Thuật và Nhã Nam liên kết phát hành) bị Cục xuất bản ban hành công văn yêu cầu thẩm định lại nội dung khi dư luận lên tiếng tranh cãi về việc liệu cuốn sách có làm phá hỏng sự trong sáng của tiếng Việt hay không. Sau văn bản của Cục, NXB đã yêu cầu thu hồi lại sách để thẩm định. Đây là một việc làm hết sức khó khăn, vì sách đã đến nhiều bạn đọc và không thể thu hồi.

"Những vụ việc thế này chỉ càng làm cho độc giả tò mò đổ xô đi tìm sách để đọc, cũng như là cơ hội cho giới sách lậu thu lợi", anh Minh Chung, một độc giả ở quận Gò Vấp, TP HCM, nhận định. (Theo Vnexpress)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét