Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

Diễn Đàn Thế Kỷ - Ghé thăm các blogs: 1/4/2013

Nguồn diendantheky




BLOG TRẦN KINH NGHỊ

Tối qua đáng lẽ tắt TV đi ngủ, mình lại tình cờ chạm tay vào một nút trên bản điều khiển máy thu hình và nhìn thấy Bộ trưởng Vũ  Đức Đam đang trả lời phỏng vấn báo chí. Ok, ai chứ ông Đam thì nên nán lại xem. Thú thật mình vẫn ngưỡng mộ ông Đam  không chỉ vì ông là một trong số ít ỏi gương mặt bộ trưởng trẻ nhất của đất nước mà còn vì một cảm nhận có từ vài lần tiếp xúc trong quá trình công tác trước đây. Và không hiểu sao từ đó mình cứ hay dõi theo nhân vật này (?).

Chủ đề cuộc họp báo đó xem ra khá thiết thực. Và ông Đam một lần nữa lại "ghi điểm" đối với mình. Phải nói là ông ấy đã không phạm một lỗi nào, kể cả về nội dung và tác phong lẫn văn phong.  Tuy nhiên, điều mình sắp nói dưới đây là một việc hoàn toàn  khác. Đó là một cảm nhận  khó diễn đạt; khó theo cả hai nghĩa đen và nghĩa bóng, tức là nhận diện nó là gì, và có dám nói ra không. Dù sao mình cứ thử mạo muội trình bày như dưới đây.

Trong phần trả lời về việc tăng giá xăng và việc đấu thầu vàng miếng- vốn là vấn đề thời sự nóng bỏng hiện nay, ông Đam đã nhã nhặn và từ tốn giải thích có đầu có đuôi mọi nhẽ, phải nói là rất có tình có lý. Ông  nhắc lại rằng Chính phủ đã định tăng tăng giá xăng từ năm ngoái nhưng chưa tăng..., lần này tăng "vì đã hết tiền bình ổn"....Ông cũng cho biết, Chính phủ cân nhắc chủ trương, nhưng việc tăng hay không và tăng bao nhiêu là phải dựa vào số liệu và đề nghị của ngành chủ quản .... Theo ông, giá xăng thế giới tuy đang giảm nhưng không nhiều và nói chung giá xăng ở VN vẫn thấp hơn thế giới (?). Khi  một phóng viên có ý hỏi tại sao không minh bạch về "Quỹ bình ổn xăng dầu" mặc dù nó đã được tiêu sắp hết rồi (?), ông Đam bảo: "Xin ghi nhận rút kinh nghiệm".   

Về chuyện đấu thầu vàng miếng, ông Đam không nói gì nhiều mà để một bà chuyên gia (tôi quên tên, và cũng không hoàn toàn chắc chắn bà này trả lời trực tiếp tại cuộc họp báo hay đã ghi hình trước đó?, ai biết bổ sung giúp). Dĩ nhiên bà này đã nói, tuy có phần kém thuyết phục hơn ông Đam, nhưng tinh thần vẫn là Nhà nước làm như vậy là đúng cả. Bà chẳng thêm giải thích tại sao giá đấu thầu lại cao hơn cả giá thị trường, và điều đó sẽ lại dẫn đến một đợt tăng giá vàng nữa hay không.

Nhìn chung mọi câu hỏi dù khá sắc sảo của giới phóng viên cùng những nỗi băn khoăn bức xúc ngoài nhân dân đều có vẻ "không vấn đề" trước sự giải thích của người Đại diện Chính phủ và các quan chức hữu trách. Đúng sai chỉ có thể tự rút ra sau khi mọi việc đã được thực hiện. Nhưng đến lúc đó không còn biết đâu là đâu nữa, thậm chí một lời  xin lỗi cũng không có, như  đã xảy với Vinashine, hay ngay cả với dự án  khai thác bauxit Tây Nguyên hiện nay.  Hôm qua Bộ trưởng Vũ Đức Đam và bà chuyên gia vàng miếng đều đã hoàn thành xuất sắc phần trả lời báo chí với cương vị của mỗi người. Nhưng vấn đề ở đây là liệu họ đã nói thực lòng với sự hiểu biết của họ về lợi ích của người dân và của nền kinh tế đất nước, hay nọ chỉ nói vì nhiệm vụ được giao? Ngoài ra, Chính phủ với tư cách là cơ quan điều hành tại sao chỉ dựa vào báo cáo của đương sự (lúc nào cũng muốn tăng giá), mà không dựa vào các tiêu chí quản lý kinh tế và nguyện vọng của người dân để ra quyết định?  Chẳng lẽ Chính phủ với đầy đủ tai mắt trong và ngoài nước cùng các cơ quan tư vấn quốc tế  lại không biết giá xăng trên thế giới dù tăng giảm thất thường, nhưng bao giờ cũng phải giữ ở một tỷ lệ chấp nhận được so với mức thu nhập của người dân? Không thể có chuyện bắt nhà nghèo tiêu tiền như nhà giàu. Không thể thấy 1 lít xăng bán ở Bắc Âu  bằng 1 đô-la chẳng hạn để bắt người Việt Nam cũng phải mua xăng bằng giá ấy. Nếu làm vậy thì nhiều người Việt Nam đi làm cả ngày chỉ đủ để mua xăng à? Chuyện giá vàng lại còn ngược đời hơn. Trong nhiều năm nay giá vàng ở Việt nam liên tục cao hơn thế giới với biên độ ngày càng giản rộng (hiện tại trên dưới 5 triệu động/lượng). Chẳng lẽ dân Việt Nam giàu nhất thế giới hay nước Việt nam định "cỏng" cả gánh lạm phát của đồng đô-la Mĩ ? Nếu không thì nền kinh tế Việt Nam nằm ở một hành tinh khác? 

Từ những phân vân trên, tôi có cảm nhận rằng các cơ quan Nhà  nước Việt Nam ta chưa hề có phong cách điều hành minh bạch. Chính phủ luôn cho mình làm đúng và có lý có tình, nhất là sau khi đã tham khảo các bộ/ngành và các cấp ... Và lãnh đạo vẫn cho rằng đối với nhân dân chỉ cần  làm tốt công tác giải thích tuyên truyền là đươc! Còn  minh bạch ư?, phải từ từ từng bước rút kinh nghiệm...,chứ đâu có dẽ với một đất nước đang chuyển đổi như Việt Nam (!). Ngay cả những yêu cầu minh bạch tối thiểu như thông tin hàng ngày cũng không đủ. Có lẽ vì chưa thấy đúng mức tiêu chí minh bạch, nên lâu nay giới Lãnh đạo vẫn chưa thực sự coi trong tiêu chí minh bạch, biểu hiện cụ thể là chưa thể hiện bằng thể chế hóa và luật hóa cơ chế bộ máy Nhà nước cũng như đảng cầm quyền nhằm tránh sự lạm dụng của cá nhân hoặc nhóm quyền lực. Chừng nào chưa có đầy đủ những điều kiện như vậy, thì sự minh bạch vẫn chỉ là một khẩu hiệu. Sự minh bạch thiếu vắng ở mọi cấp độ và mọi lĩnh vực, từ khâu làm giấy khai sinh cho đến khi khai tử, và cả trong đời  sống kinh tế-xã hội cũng như trong tư tưởng và chính trị. Quần chúng nhân dân đã quá quen với việc lắng nghe và làm theo sự chỉ đạo của cấp trên, hoặc theo gương của lãnh đạo, v.v...Quen đến mức quên cả bản thân mình thực sự nghĩ gì và muốn gì. Tai hại hơn là, nếu có ai không làm như thế sẽ bị coi là sai lầm, là diễn biến..., thậm chí là phản động, chống đối... Phải chăng đây chính là một thói quen cố hửu đang ràng buộc xã hội ta trên con đường tiến tới tự do, ấm no, hạnh phúc? Đó là trường hợp gần đây, Đảng và Nhà nước khẩn thiết yêu cầu nhân dân góp ý bổ sung sửa đổi Hiến pháp 1992, nhưng khi có những ý kiến mạnh mẽ, thậm chí trái ngược, thì một số vị lãnh đạo và cả bộ máy tuyên truyền lại vội quy chụp họ "suy thoái và diễn biến...". Cách làm chủ quan  như vậy vô hình trung đã tạo ra những thế lực thù địch trong nội bộ nhân dân và  giữa nhân dân và chính quyền. Chẳng lẽ không còn cách tiếp cận nào hơn thế? 

Trần Kinh Nghị


BLOG PHƯƠNG BÍCH

Từ ngữ trong xã hội bây giờ thay đổi nhiều quá. Bây giờ Hiến pháp biến thành "hiếp pháp" rồi đấy. Bảo thằng đánh máy ở báo này lỗi còn tạm nghe được, đằng này ba bốn thằng đánh máy ở mấy báo khác nhau, lại cùng phạm một lỗi đánh máy thì tài thật Hay là từ điển tiếng Việt thay đổi thật, mà chả bố cáo cho thiên hạ biết?

Dân mạng bảo chả phải lỗi đâu, mà là chuyện bấy lâu nay, Hiến pháp nước ta bị "hiếp" đâu có lạ gì? Không thể gọi đây là lỗi thằng đánh máy được.

Lại nữa, lâu rồi người ta thắc mắc, không biết cái cụm từ : "Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân ...." hóa phép thành "trung với đảng" từ bao giờ? Dân mình quả là vô tư  và ngây thơ quá, bị "hiếp" từ lúc nào mà không biết.
Tết đến, đơn giản là cả nước mừng xuân. Đảng viên mừng đảng thì cứ mừng, sao lại bắt cả thiên hạ mừng theo là thế nào? Không muốn mà cứ phải theo, thì rõ là bị "hiếp" chứ còn gì?

Một anh bảo: nếu quân đội phải trung với đảng, vậy đổi tên là quân đội của đảng, bỏ chữ nhân dân đi.
Ừ! Quả là nghe thế thấy điêu thật. Quân đội nhân dân thì trung với đảng. Báo Nhân dân nhưng lại là cơ quan ngôn luận của đảng. Ủy ban nhân dân thì  "thằng" dân vào đó cứ rón ra rón rén như thằng đầy tớ.
EM đề nghị lần sửa đổi Hiếp pháp này, nên thay một loạt danh từ, bỏ tất cả chữ nhân dân đi ạ, giả béng lại cho "chúng nó".



BLOG NGUYỄN TƯỜNG THỤY
        .
Cách đây ba, bốn năm, khi ông mới về nhậm chức quan đầu tỉnh của Hà nội tôi đã viết cho ông một lá thư ngỏ đăng trên báo và trên mạng nhưng rồi cũng như bao nhiêu thư ngỏ của những trí thức, học giả, văn nghệ sĩ gửi tới ông đều rơi vào im lặng. Tôi chợt nghĩ đến một vị Giáo hoàng quyền lực tót vời còn trả lời thư của một cháu bé thì từ sự im lặng, phớt lờ của ông tôi hiểu trình độ văn hoá, phép đối nhân xử thế của ông đến đâu. Nên hôm nay tôi chỉ viết những dòng bộc bạch như một bài báo về sự bất bình của ngưòi Hà nội gốc trước sự quản lý của một vị đang đứng đầu Hà nội nhưng lại đang phá nát thành phố thân yêu của chúng tôi. Vừa rồi ông tỏ vẻ đau lòng vì năng lực cạnh tranh của Hà nội bị giảm so với thành phố địa phương khác.        Cách đây vài tháng ông Nghị bí thư thành uỷ Hà Nội lại tuyên bố đại ý "quan chức Hà nội trong đợt bỏ phiếu tín nhiệm không ai bị kém quá". Những lời tuyên bố hùng hồn của ông Nghị chỉ là sự khẳng định một sự bao che, bỏ phiếu tín nhiệm một cách vô trách nhiệm, sợ bị mất ghế và vô cảm đối với dân nên mới có kết quả đỏ loè lên thế. Ông Nghị thử một lần xuống khu vực Kim Ngưu xem dòng sông đen kịt, thối um giữa lòng Hà nội. Thử một lần vi hành như ngưòi dân thường sẽ nghe thấy dân nói gì về các vị quan Hà Nội. "Tham như…, ngu như …". Xem các vị quan phường cho thuê vỉa hè, hống hách, nạt nộ dân nghèo, các bà mẹ trẻ khổ sở chạy học cho con ngay từ mẫu giáo, xem người bệnh Thủ đô khốn khổ ra sao giữa các bệnh viện nổi tiếng Bạch Mai (ngày xưa người Hà nội chúng tôi gọi là nhà thương Cống Vọng), Bệnh viện 108 (tên cũ là nhà thương Đồn Thuỷ). Xem nạn tắc đường mỗi khi giờ đi làm, tan tầm vì sự xây cất khách sạn, trung tâm thương mại bừa bãi ra sao, xem rác thải ngập ngụa giữa phố phường, xem người mà có hộ khẩu Hà Nội ăn nói, đối xử theo kiểu thiếu thanh lịch chẳng  Tràng An chút nào. Rồi ngay cả ông với tư cách là một thị trưởng mà có những đợt mưa to, gió lớn làm chết ba, bốn người giữa Hà Nội, ông cũng không có một lời chia buồn nào cho phải đạo …   Còn sự đau buồn vì sự kém năng lực cạnh tranh của Hà nội của ông Thảo chung qui xuất phát từ sự quản lý kém cỏi của hai ông đứng đầu cùng bộ máy quản lý năng lực quá yếu kém, thiếu bản lĩnh, vô cảm trước nguyện vọng của dân nên Hà nội giờ đây mới loạn xạ với đủ thứ tệ nạn, từ ăn cắp, ăn trộm, trấn lột, đến giá cả chặt chém, vứt rác, bẻ hoa, xâm phạm di tích mỗi khi có lễ hội đến bám đuổi khách du lịch …khiến khách du lịch nứơc ngoài cũng ngạc nhiên sợ hãi vì thủ đô mà dường như  đang sống trong khu rừng thiếu luật pháp, rồi các công sở gần đây lại chạy theo mốt đặt trước cửa những con vật chả hiểu vật gì chỉ biết rập lại y xì thứ vật của Tàu. Thật buồn. Tôi nghe đồn ông Thảo là Kiến trúc sư, vậy mà hình như tôi nhớ không nhầm trong vòng hơn bốn, năm qua ông không những làm cho Hà Nội tươi đẹp, thành phố hơn mà còn nhốn nháo, bụi bặm, bừa bãi hơn với những công trình được xây cất một cách tuỳ tiện, bát nháo, thiếu mỹ quan. Trong đợt kỉ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long đáng ra là một dịp làm cho Hà Nội đẹp hơn, hiện đại, và Hà nội hơn nhưng đáng buồn thay hàng nghìn tỉ đồng tiền của dân đóng thuế dưới sự chỉ đạo của ông chỉ làm cho cảnh quan Hà nội đáng buồn, đáng xấu hổ hơn với hàng loạt công trình lai căng, kém chất lượng, lãng phí kiểu như Bảo tàng Hà Nội, công viên Hoà Bình, Đại Lộ Thăng Long …Hình như ông không có lòng tự ái khi thấy Đà nẵng – một thành phố do một vị lãnh đạo xêm xêm tuổi ông, cũng trong giai đoạn ông cầm quyền đã biến thành một thành phố đẹp, đáng sống, nghiêm chỉnh như thế nào. Chưa hết, tôi cũng như bao nhiêu trí thức, văn nghệ sĩ cảnh báo ông về sự thu hẹp, băm nát hồ Tây bằng những dự án, những công trình thô lậu làm mất vẻ đẹp của Hồ Dâm đàm, biến chiếc hồ nổi tiếng hàng nghìn năm, lá phổi của Hà nội dần thành cái ao bị bao quanh những công trình trọc phú và phi kiến trúc. Bài học Hồ Tây giờ bị bê tông hoá bao quanh với những nhà cao tầng đang thành ao như thế chưa đủ hay sao mà không hiểu vì quyền lợi gì, hay vì sự không am hiểu cảnh quan, kiến trúc của Hà nội, quen lôi quản lý ở một tỉnh nhỏ mà ông Thảo lại kí quyết định cho xây một khách sạn 16 tầng ( ngày 29/3/2013 bộ máy quản lý a dua của ông trên mạng lại thanh minh là chỉ có 12 tầng) cách thắng cảnh Hồ Gươm 200 mét. Thưa kiến trúc sư Nguyễn Thế Thảo, không hiểu ông học trường nào mà ông lại xem thường cảnh quan, khoảng không gian dành cho một thắng cảnh như vậy. Thật đáng buồn và cũng thật đáng trách cho ông với tư cách là một vị thị trưởng nhưng suốt trong quá trình mấy năm ông ngồi ở chiếc ghế đó ông chỉ làm Hà nội thêm xấu đi, mất dần sự thanh cảnh, thanh lịch của Hà thành. Tôi không tính đến chuyện ông và ông Nghị vì lợi ích vật chất nào đấy không tính toán đến mỗi chữ kí quyền lực của các ông mang lại cho các ông cái gì mà tôi chỉ nghĩ  hai ông là những người ở tỉnh khác đến cai trị Hà nội. Do từ những tỉnh khác đến nên không hiểu đặc trưng của vùng đất đế đô, thiếu hẳn tình yêu máu thịt với thành phố quê hương chúng tôi nên các ông đã liên tiếp làm những việc mà những người Hà Nội chân chính hôm nay và mai sau sẽ đau xót, luyến tiếc và lên án.

Nhân danh một ngưòi Hà Nội tôi mong ông và những ngưòi lãnh đạo Hà nội khác tỉnh đến thành phố này trứơc khi làm việc gì hãy suy nghĩ thận trọng hơn để tránh thêm một lần làm hỏng Hà Nội bằng những chữ kí tàn phá của các ông kiểu như phá vườn đào Nhật Tân, cho xây nhà bê tông cao tầng quanh Hồ Tây, cho xây khách sạn, xây ga tàu điện ngầm quanh khu đất thiêng Hồ Gươm, cho xây bãi đậu xe trong Công viên Thống nhất…
 .
Hà Nội ngày 28/3/2013
Nhà Văn Nguyễn Hiếu  



FACEBOOK NGƯỜI BUÔN GIÓ

Chuyện ngụ ngôn nói rằng, bọn khỉ rất sợ máu. Cho nên người ta mang con gà đến gốc cây cắt tiết cho dẫy dụa loạn xạ, máu phun phe phé. Bọn khỉ trên cây sợ hãi ôm mặt run lẩy bẩy, người ta trèo lên cây ung dung mà tóm. Thậm chí có con sợ còn rơi lộp bộp xuống đất.

Bọn đầu gấu trong tù cũng vậy, thường nó nuôi mấy thằng đệ tử làm đàn em ''chim chích'' '' lái xe '' điếu đóm''... thỉnh thoảng muốn dằn mặt những nhóm khác, nó lôi đàn em ra đánh đập rất tàn bạo. Bọn đàn em cắn răng chịu đựng, lại còn bảo đó là đàn anh dạy bảo, biết ơn anh cưu mang, em hứa không trái lời... số má của đàn anh vì thế mà cũng được nể nang nhờ việc đánh đập đàn em mình. Đó là bọn tù văn vở mới dùng chiêu thế, còn bọn đại bàng có số má giang hồ thật sự thì chả bao giờ làm trò lặt vặt ấy.

 Hồi trước mình có mở cửa hàng in te net, khách đông, nhiều bọn đến chơi thường xuyên. Một hôm có thằng cũng tầm 36, 37 tuổi dẫn theo một thằng trẻ hơn khoảng hơn 20 vào chơi. Thằng đàn anh động tí chửi thằng đàn em, lại còn bớp tai, chửi bới rất hung hăng. Thằng ôn con nhịn nhục răm rắp nghe lời. Bọn chơi khác cũng phải nể, lúc ấy đang rộ chơi trò Chinh Đồ. Mình thấy khó chịu vì những tốp khách khác cứ phải len lén khi thấy hai thằng đó vào. Chả hiểu nó làm oai thế để làm gì, nhưng mình cũng lo bọn khách khác nó sợ không dám vào chơi.

Đến hôm thằng lớn hung hăng chửi bới khách chơi ai cũng có vẻ khiếp nản, mình bèn gọi ra ngoài bảo tôi nhờ tí, giữ hộ tôi cái xe tôi buộc thùng vỏ chai nước ngọt đi đổi. Nó ra ngoài giữ, mình ghé tai nói.

- Đm mày, mày mà cứ thể này, tao mà mất khách thì tao cho mày cả đống chai này vào đầu, bố mày đây vừa hết án về vay lãi để mở cái này kiếm mấy đồng còm đấy.

Lúc đi mang nước ngọt về thì không thấy hai thằng đâu, hôm sau nữa thì quay lại chơi thái độ hoà nhã, vui vẻ lại còn thân thiện mời thuốc lá mình, hỏi han. Từ đó không thấy ầm ĩ gì.

Chuyện ngụ ngôn gà khỉ, chuyện tù tội, chuyện đầu đường đáng lẽ chả có gì đáng phải kể ra cho các bạn nghe ở đây, một nơi đầy học thuật, tri thức, những chuyện lớn lao.  Nhưng tự nhiên thấy chuyện tranh chấp biển đảo, bọn Trung Quốc tranh giành khắp nơi, nhưng với Phi, Nhật thì Trung Quốc chỉ lớn tiếng còn đâu chưa thấy làm gì thật sự. Riêng với ông em Việt Nam một lòng một dạ phục tòng thì chốc nó lại lôi dân của ông em ra giết hại, bắn phá rồi tuần tiễu, xây dựng.....

Ngồi ngẫm một lúc, buộc phải thốt lên, đm cái quan hệ anh em giữa các nước cộng sản, chả khác đéo gì chuyện bọn văn vở trong tù và bọn lưu manh vớ vẩn ngoài xã hội. Không bằng bọn giang hồ thật sự có số má như Thành Xăm, Dũng Gỗ, Phi Ngọ... bao giờ cũng đương đầu trước nguy hiểm, cưu mang đàn em hết lòng.

Suy ra thấy chính trị là lưu manh, nhưng trong lưu manh cũng muôn vàn cách cư xử. Học cái đáng học nhất của lưu manh không học, đi học cái mưu hèn bẩn nhất của bọn lưu manh ''văn vở'' thì chả còn gì để nói.



BLOG ĐÀO TUẤN

Những người tiêu dùng khó tính nhất đã quên bẵng câu chuyện với một cái búng ngón tay "Một chai Coca nhé!"

4 tháng trước, "nghi án" trốn thuế của Coca cola bùng nổ tài Việt Nam khi người ta vô tình phát hiện từ lúc vào Việt Nam 10 năm trước, Coca cola liên tục lỗ. 100 tỷ mỗi năm. Có năm lỗ thậm chí bằng 1/3 doanh thu. Bấy giờ, trên truyền thông, dày đặc những cái tít "Uống coca cola là làm nghèo đất nước", "Nghi án các doanh nghiệp FDI trốn thuế". Thậm chí "chuông reo với chuyện nộp thuế"…Xã luận một tờ báo viết "phần nhiều trong 80 triệu người dân Việt Nam hẳn ai cũng đã có lần móc hầu bao để trở thành khách hàng của thương hiệu này. Nhưng có ai biết đâu, dòng tiền cứ thế đổ về công ty mẹ ở một nước tư bản khác mà không để lại cho đất nước ta một chút lợi nhuận nào". PCT Đà Nẵng Nguyễn Duy Khương bấy giờ tuyên bố trên Tuổi trẻ: DN làm ăn kiểu "chuyển giá, chuyển vốn", rồi sau đó báo lỗ… khiến TP bị thất thu thuế nên TP sẽ không đồng ý để doanh nghiệp mở rộng dây chuyền, nhà máy sản xuất. Quan điểm này không chỉ dành riêng cho Coca Cola mà cho tất cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khác trên địa bàn TP. Người tiêu dùng Việt Nam thậm chí đã tính đến chuyện "tẩy chay" đối với loại nước ngọt có lịch sử từ 1893 này.

Và không phải chỉ Coca cola, Pepsi cola cũng tương tự, Adidas cũng thế, và Metro cũng y chang.

Trong một hội thảo về hoạt động chuyển giá vào tháng 12 năm ngoái, một quan chức Tổng cục Thuế tuyên bố chắc nịch: "Sẽ thanh tra Coca cola, Pepsi cola".

Nhưng sau khi "chuông reo", đến giờ, vụ việc xịt ngóm, và những người tiêu dùng khó tính nhất đã quên bẵng câu chuyện với một cái búng ngón tay "Một chai Coca nhé!".

Hôm qua, hội nghị toàn quốc về "25 năm FDI", những con số được đưa ra thật đáng tự hào: 14.550 dự án còn hiệu lực. Tổng vốn đăng ký gần 211 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu chiếm trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước năm 2012; đóng góp vào ngân sách đạt 14,2 tỷ USD trong giai đoạn 2001-2010 và khoảng 3,7 tỷ USD năm 2012; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo nhiều việc làm, với trên 2 triệu lao động trực tiếp và từ 3-4 triệu lao động gián tiếp…

Nguyên Thứ trưởng Bộ KH và ĐT, TS Nguyễn Mại đánh giá: 22 năm thu hút được gần 100 tỷ, bình quân một năm 4,5 tỷ USD và chiếm khoảng 25% tổng đầu tư xã hội. Tôi đánh giá đây là con số ấn tượng. Nếu không có vốn FDI, kinh tế khó đạt mức tăng trưởng 7-8% như những năm trước.

Không ai phủ nhận vai trò quan trọng của nguồn vốn này. Thế nhưng, còn những "khoản lỗ thập kỷ", còn Coca cola?

Có người nói đó là "chuyện con sâu", hoặc "không phổ biến". Nhưng sự thật đó là con sâu bự, con sâu đại gia. Và sự "không phổ biến", nếu việc kiểm tra xử lý vẫn xịt ngóm, có lẽ, sẽ rất nhanh chóng trở thành phổ biến.


BLOG ĐÀO TUẤN

Đổng lý văn phòng thì trát quân đi xem "cuộc thi đá bóng". "Sổ đỏ" vườn quốc gia Phong nha kẻ bàng được mang đi "cắm" để chạy dự án. TGĐ Vinalines thì "đi công tác nước ngoài", vắng mặt trong cuộc họp sống còn. Và ở ngay chân tháp rùa, quan chức thủ đô được "bôi cũng không trơn".

Quả là một tuần có lắm chuyện khôi hài.

Thưa các bạn, các bạn có nhận thấy điểm gì chung giữa những câu chuyện không ít thú vị trong tuần?

Chẳng cần phải suy nghĩ nhiều đâu. Chỉ cần hiểu giản dị là quan chức của chúng ta thật là vui tính.

Câu chuyện cái "trát khẩn" ở Kon Tum, về chuyện huy động "các bộ ban ngành, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp, trường học trên địa bàn" đi xem đá bóng khiến người ta nhớ lại "tinh thần thể dục" từ thế kỷ trước của cụ Nguyễn Công Hoan.

"Vậy sức các thầy phải thông báo cho dân làng biết và phải thân dẫn đủ một trăm người, đúng 12 giờ trưa đến xem, không được khiếm diện.Những người đã cắt đi dự cuộc khánh thành sân thể dục tháng trước, thì lần này được miễn. Ai có mặt tại sân vận động cũng phải ăn mặc tử tế, đi đứng nghiêm chỉnh, và phải vỗ tay luôn luôn, vì hôm ấy có nhiều quan khách. Làng Ngũ Vọng lại phải có năm lá cờ, sẵn sàng từ 10 giờ sáng. Việc này tuy là việc thể dục, nhưng các thầy không được coi thường, nếu không tuân lệnh sẽ bị cữu".

Nhưng điều đáng nói là câu chuyện này, rút cục, đã có một cái kết "như phim hài": Do "sơ suất" và đương nhiên "sơ suất" này là "của anh em". Chắc là một cô cậu đánh máy nào đó.

Ở vườn quốc gia Kẻ Bàng, khu "di sản thế giới", không có cô cậu đánh máy nào để đổ lỗi, GĐ Vườn gãi đầu gãi tai thú nhận đã đưa sổ đỏ cho một doanh nghiệp để "xin" được chạy dự án từ nguồn vốn của nước ngoài. Trên Tiền phong, ông Giám đốc vui tính này cho biết DN đã cầm sổ đỏ từ 2 năm này ở Hà Nội, nhưng địa chỉ ở đâu thì ông "không nhớ".

Một sự đãng trí hài hước. Nó chỉ không hài hước ở chỗ "sổ đỏ di sản thế giới" không phải là cái sổ đỏ tư gia. Bởi nếu là sổ đỏ tư gia, có lẽ, ít nhất vợ ông Giám đốc chẳng bao giờ đưa không cho ai đó, ở đâu đó, từ suốt 2 năm nay mà lại chẳng nhớ.

Chuyện cần phí "bôi trơn", nói đi nói lại mãi rồi, nhưng trường hợp Kẻ Bàng đang cho thấy là cái lệ "bôi trơn" đã ngấm vào máu và khi ngay cả cơ quan quản lý cũng phải "chạy", phải "xin", phải "bôi trơn" thì cái tệ này nên coi là quốc nạn.

Ở Thủ đô, cũng là phí bôi trơn, đã có một phát ngôn vô cùng thẳng thắn: "Doanh nghiệp nói họ đi làm dự án ở đâu cũng có chi phí tiêu cực nhiều hay ít, những nơi khác có bôi thì trơn còn Hà Nội bôi cũng không trơn".
Người phát ngôn là Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị.

Chuyện phí bôi trơn ở Hà Nội dường như cũng được phản ánh chính xác trong  khảo sát của Ban Tuyên giáo Thành ủy. Ở hàng loạt các sở trực tiếp giải quyết các công việc hành chính, với dân, các chỉ số như tính quyết liệt giải quyết công việc chỉ đạt 28%; mức độ hài lòng đối với đội ngũ công chức tại các sở này đạt 26%.

Bôi mà cũng không trơn thì rõ ràng, tỷ lệ 26-28% vẫn còn là rất đáng mừng.

Cũng là chuyện "nói thẳng", Bộ trưởng Thăng đã chất vấn chuyện TGĐ Vinalines Nguyễn Cảnh Việt đi công tác nước ngoài, rằng: "Đi Campuchia thì có cứu được Vinalines không?".

Ông Việt quả là vui tính, ông đi công tác nước ngoài để vắng mặt trong một hội nghị họp bàn về tái cơ cấu doanh nghiệp.

Trong khi đó, cũng là chuyện vui, một "cái ghế to" cho chức "Chủ tịch LĐBĐ VN" thì lại không ai chịu ngồi.
Có lẽ không có gì khó giải thích lắm: Từ lâu, tòa trụ sở này đã biến thành sàn nhảy. Mới những cái "trát khẩn" xem "cuộc thi đá bóng" đã một lần nữa tái khẳng định "cò bóng đá" đã tiệt chủng.



BLOG CẦU NHẬT TÂN

Tư duy chung của pháp lý và pháp luật xây dựng trên nền hệ thống của Liên Xô đặt mục tiêu cao nhất là trấn áp "đối tượng" và bảo vệ pháp chế XHCN (không coi trọng bảo vệ con người và lẽ phải). Điều này có thể thấy rõ trong quy định và cách hiểu về tội danh "Chống người thi hành công vụ" xung quanh vụ anh Đoàn Văn Vươn. Với tư duy  nhà nước luôn đúng, các cơ quan bảo vệ pháp luật cả trung ương và Hải Phòng đã ép anh Vươn vào tội "Chống người thi hành công vụ" được quy định tại Điều 257 Bộ luật HS. Trong bối cảnh việc cưỡng chế của UBND huyện Tiên Lãng là hoàn toàn trái pháp luật, hành động gọi một việc làm trái pháp luật là "công vụ" để các cơ quan nhà nước rầm rộ vào cuộc, bảo vệ sự vi phạm pháp luật bằng mọigiá đã cho mọi người thấy bản chất của hệ thống pháp luật Việt Nam.

Tư duy cũ kỹ, lạc hậu này được thừa kế từ pháp luật Liên Xô còn in rõ trong từng hành vi, việc làm của các cơ quan quyền lực nhà nước Việt Nam. Mối quan hệ Nhà nước – Công dân được nhấn mạnh là mối quan hệ không bình đẳng. Nhiều khi tư duy này đẩy người ta vào những tình huống bi hài, lố bịch. Có đồng chí Công an tranh thủ đi "giải trí" rồi quỵt tiền, bị xã hội đen đánh thương tích. Điều tra làm hồ sơ thế nào mà "xã hội đen" bị đưa ra tòa vì chống người thi hành công vụ. Đồng chí Công an kia còn được làm hồ sơ thương binh để hưởng các chế độ đãi ngộ.

Ngày 7/7/2009, một thanh tra giao thông của Sở GTVT Hà Nội chặn ngay trước đầu xe tải đang lưu thông trên cầu Tó (Thanh Trì – HN), bị xe cán chết. Nguyễn Duy Ngọc (lúc đó là Trưởng CA huyện Thanh Trì, nay là Phó Giám đốc CA Hà Nội) cùng Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh rầm rộ định biến vụ này thành vụ chống người thi hành công vụ điển hình. Đồng chí Phạm Quang Nghị (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy HN) thân xuống viếng tang, hô hào phải phong cho liệt sỹ cho đồng chí Thanh tra GTVT bị chẹt chết. Về sau, luật sư của bị cáo mới chỉ ra Thanh tra GTVT không có thẩm quyền chặn xe đang lưu thông (chỉ CS giao thông mới có thẩm quyền này). Như vậy, việc đồng chí Thanh tra GT nhảy ra chặn xe là trái pháp luật và không thể gọi là "công vụ". Từ đó, không ai thấy đồng chí Phạm Quang Nghị nhắc tới vụ phong liệt sỹ nữa.

Vừa rồi, Bộ Công an lại đề xuất cho phép dùng súng bắn thẳng vào đối tượng chống người thi hành công vụ cho thấy tư duy lạc hậu pháp luật Liên Xô trong các hệ thống của Việt Nam đã di căn lên độ ác tính.

Trở lại vụ anh Vươn, quan điểm của các cơ quan pháp luật Việt Nam coi vụ cưỡng chế trái pháp luật nhà anh Vươn là thi hành công vụ. Vậy, mấy tay Công an bị thương có được dựng dậy để phong thương binh không? Nếu có thì vô cùng lố bịch. Nếu không phong thương binh, các cơ quan nhà nước đã tự tỏ ra mâu thuẫn và bất nhất.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét