Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

Đào Tuấn : Khi “Thượng phương bảo kiếm” rỉ sét

Nguồn daotuanddk

"Thượng phương bảo kiếm" đã được trao từ cách đây 10 năm. Thủ phạm của khiếu tố cũng đã được chỉ tên. Nhưng chỉ thế thôi. Bảo kiếm chưa bao giờ được rút khỏi vỏ.

Năm 2002, sau khi 11 đoàn công tác đặc biệt của Chính phủ xuống địa phương- với kỳ vọng mà báo chí bấy giờ gọi là "thượng phương bảo kiếm"- để đôn đốc việc giải quyết khiếu tố, Tổng Thanh tra Nhà nước bấy giờ là Tạ Hữu Thanh đã nói tới 2 vấn đề cốt tử trong việc giải quyết khiếu tố đất đai. Đó là vấn đề quản lý "lỏng lẻo", gây ra tình trạng lộn xộn. Và "Người dân cứ đòi theo giá thị trường. Còn chính quyền theo giá quy định". Năm 2002, có 284.638 lượt công dân thực hiện khiếu tố với 60% là liên quan đến đất đai. Tổng Thanh tra đã nhắc đến việc "phải đền bù theo giá thị trường có định hướng" như là một giải pháp căn cơ để gỡ nóng.
Tới kỳ họp Quốc hội vừa rồi, báo cáo giải quyết kiến nghị cử tri đã đưa ra một con số "trời biển" giữa "giá nhà nước" và "giá nhân dân". Chẳng hạn trong khi giá đền bù thấp nhất chỉ 4 ngàn đồng/m2 thì nhà đầu tư sau đó có thể bán ra thị trường với giá 50 triệu đồng/m2.
Trong suốt 10 năm qua, cái "giá thị trường có định hướng" mà ông Tạ Hữu Thanh nhắc tới hầu như chưa tiến được bước nào. Có chăng chỉ là một cách nói khác "sát với giá thị trường"- như lời Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu, cũng trong kỳ họp vừa rồi. Và sự "sát" này cũng mới chỉ là dự định, nằm trong dự kiến bỏ khung giá đất của Chính phủ.
Thanh "Thượng phương bảo kiếm" đã được trao từ cách đây 10 năm. "Chênh lệch đến phi lý giữa giá đền bù và giá bán ngoài thị trường"- một trong những thủ phạm của khiếu tố, cũng đã được chỉ tên. Nhưng thế thôi.
Thế nên sau 10 năm, tình hình còn "tình hình" hơn với 1,6 triệu lượt người khiếu tố trong các năm 2008-2011. 70% liên quan đến đất đai. Và đặc biệt, xuất hiện những điểm nóng như Tiên Lãng, Dương Nội, Văn Giang- mà những báo cáo, những ý kiến chính thức khẳng định: "Bắt đầu có sự đối lập hoàn toàn giữa nhân dân với chính quyền, thậm chí chính quyền sử dụng vũ lực để đàn áp, cưỡng chế thu hồi đất của dân".
Sự đối lập cho thấy chênh lệch, dù là "trời biển" giữa "giá nhà nước" và "giá nhân dân" chỉ là một mặt của vấn đề. Năm 2008, báo cáo của Hội Nông dân chỉ rõ 5 nguyên nhân của tình trạng khiếu tố gay gắt liên quan đến lĩnh vực đất đai: Chưa thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, không công khai minh bạch quy hoạch, đầu tư dự án, thu hồi đất đai, giải toả đền bù. Chính sách đền bù chưa đồng bộ, thống nhất, công bằng. Chưa có chính sách cụ thể để đảm bảo đời sống cho người dân có đất bị thu hồi. Một số cán bộ cán bộ có thái độ quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, tiêu cực. Trong quá trình thực hiện dự án, chưa coi trọng công tác tuyên truyền, vận động mà chủ yếu sử dụng biện pháp hành chính. Khi xảy ra khiếu kiện mới yêu cầu các đoàn thể tham gia giải quyết, làm cho công tác tuyên truyền bị động, lúng túng.
Tất cả những điểm này- đúng bản chất vấn đề- nhưng không mới hơn so với tình hình năm 2002. Và cũng chẳng khác gì tình hình hiện tại, tình hình mà Tổng Thanh tra Chính phủ đương nhiệm Huỳnh Phong Tranh nói một cách "văn hoa" hơn là "Có cả chủ quan và khách quan".
Có người nói nguyên nhân của "10 năm không đổi" là do những thanh "Thượng phương bảo kiếm" bị rỉ sét, không chém được ai, không thay đổi được gì. Nhưng chính xác nguyên nhân phải thuộc về "lá gan" của người cầm kiếm, thuộc về "trái tim" của người trao kiếm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét