Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

RFA. Những vần thơ chống Trung Quốc

Nguồn RFA

Tất cả những bài thơ này đều đăng tải trên các trang facebook cá nhân hay trên các trang blog lề trái, chúng đều có chung một nội dung: đau cái đau bị xâm lược và giận dữ trước các chính sách ngăn chặn của nhà cầm quyền đối với các hoạt động biểu tỏ thái độ của người dân đối với phương Bắc.

Văn học sử Việt Nam không bao giờ hết hãnh diện với bài "Hịch tướng sĩ" của Hưng Đạo Đại Vương, một tuyệt phẩm cổ động tinh thần binh sĩ trước giặc phương Bắc của Trần Hưng Đạo. Từ năm 1284 tới nay cứ mỗi lần có giặc lấn chiếm bờ cõi là cả nước lại được dịp suy gẫm từng câu từng chữ trong tác phẩm chống giặc bất hủ này.

Tuy nhiên Việt Nam không phải lúc nào cũng bị động trước giặc phương Bắc, gần 150 năm sau, trận chiến lịch sử Chi Lăng khiến 10 vạn quân của nhà Minh bị nghĩa quân Lam Sơn đánh cho thất điên bát đảo buộc quân Minh phải lâm vào thế cầu hòa để dược yên thân rút quân về nước, vào ngày 29 tháng 4 năm 1428 Bình Định Vương Lê Lợi giao cho Nguyễn Trãi viết "Bình Ngô Đại Cáo" tác phẩm thứ hai trong lịch sử trở thành bất tử trong văn học yêu nước. Tác phẩm này được sáng tác theo thể loại 'Cáo" một trong vài thể loại văn học Trung Hoa cổ khó sáng tác nhưng rất được xem trọng.

Theo TS Phạm Tuấn Vũ, Khoa Ngữ Văn - Đại học Vinh thì Cáo là một thể trong loại văn chiếu lệnh, loại văn được người xưa coi trọng nhất. Theo TS Phạm Tuấn Vũ thì giá trị của "Bình Ngô đại cáo" trước hết là ở phương diện một trước tác chính luận, loại văn bản được đánh giá cao khi có hệ thống lập luận chặt chẽ, thể hiện sâu sắc và sinh động những vấn đề có ý nghĩa trọng đại của quốc gia dân tộc.

Trong thời đại thơ chữ Hán gần như tuyệt chủng tại Việt Nam thể loại hịch, phú và đặc biệt là cáo trở nên khó khăn hơn lúc nào hết cho người còn chút lòng với văn chương cổ thi, tuy nhiên đối với thi sĩ Kha Tiệm Ly, nói về giặc phương Bắc hiện nay thì không gì thích hợp hơn thể loại mà Nguyễn Trãi đã dùng trong "Bình Ngô Đại Cáo".

Hoàng Sa nộ khí phú

000_Hkg4999757-250.jpg
Giới trẻ xuống đường biểu tình chống Trung Quốc hôm 12/6/2011 tại Hà Nội. AFP Photo.
Theo nhà báo Phạm Viết Đào cho biết trên trang blog của ông thì thi sĩ Kha Tiệm Ly tên thật là Thái Quốc Tế sinh năm 1946 tại Bến Tre. Hiện ông đang sống ở Mỹ Tho. Trước ngày 30/4/1975 thi sĩ Kha Tiệm Ly đã có nhiều bài thơ hay đăng trên các báo và được ngâm trên chương trình Thơ của Hồng Vân Đài phát thanh Sài Gòn.

Tác phẩm "Hoàng Sa nộ khí phú" của Kha Tiệm Ly được sáng tác trong lúc Internet làm bá chủ trong mọi sinh hoạt học thuật nhưng cái hồn của bài thơ vẫn có khả năng nhắc nhở những ai còn chút lòng với dân tộc, nhất là trước họa diệt vong là có thật trước mắt.

Ngựa cũ quen đường,
Đĩ già lậm nết.
Việc phế hưng mỗi thuở khác nhau,
Mộng bá chủ bao đời y hệt!

Ta thấy ngươi,
Từ Đông Chu bị họa Thất Hùng,
Đến Hậu Hán bị xiềng Tam Quốc.
Đất Trường An thây chất chập chùng,
Bờ Vô Định xương phơi chất ngất!

Đã biết,
Hễ gieo chinh chiến là kín đất đau thương,
Nếu động can qua thì mịt trời tang tóc.
Vậy mà sao,
Chẳng lo điều yên nước no dân,
Lại quen thói xua quân chiếm đất?
Như nước ta,
Một dải non sông, nam bắc chung giềng,
Trăm triệu anh em, trước sau như nhất.
Hoàng Liên, Tam Đảo, Hồng Hà, Cửu Long, là máu là xương,
Phú Quốc, Côn Sơn, Trường Sa, Hoàng Sa là da là thịt.
Máu xương đâu lẽ tách rời,
Thịt da dễ gì chia cắt?
Mà là liền tổ quốc phồn vinh,
Mà là khối giang sơn gấm vóc.
Người trăm triệu nhưng vốn một lòng,
Tim một trái dẫu nhiều sắc tộc!
Nữ nhi chẳng thiếu bậc anh hùng,
Niên thiếu cũng thừa người kiệt xuất.
Mười năm phục quốc, gươm Lê Lợi thép vẫn sáng ngời,
Ba lượt phá Nguyên, sông Bạch Đằng cọc còn nhọn hoắt.
Thùng! Thùng! Thùng! Liên hồi giục, trống Ngọc Hồi hực bước tiến quân.
Đánh! Đánh! Đánh! Luôn miệng thét, điện Diên Hồng, vang lời sát thát.
Ải Chi Lăng, Liễu Thăng chết còn lạc phách kinh hồn,
Sông Nhị Hà, Sĩ Nghị chạy còn đứng tim vỡ mật.
Thoáng thấy vó câu Thường Kiệt, Khâm Châu ngàn dặm, không còn bóng quỉ bóng ma(1),
Chợt nghe tiếng sét Đống Đa, Quảng Đông toàn tỉnh chẳng tiếng con gà con vịt (1).
Hùng khí dù dậy trời Nam,
Nghĩa nhân lại tràn đất Bắc:
Thương ngươi binh bại, tàn quân về còn cấp xe ngựa rình rang (2)
Trọng kẻ trung can, hổ tướng chết vẫn được khói hương chăm chút (3).
Mạc Cửu đem quân lánh nạn, chúa ta vẫn mở dạ đón người,
Hoa Kiều mượn đất ở nhờ, dân ta vẫn chia cơm xẻ thóc.
Phúc cùng hưởng khi mưa thuận gió hòa,
Họa cùng chia lúc sóng vùi gió dập.
Giúp các ngươi như kẻ một nhà,
Thương các ngươi như người chung bọc!
Thế mà nay,
Ngươi lại lấy oán trả ơn,
Ngươi lại lấy thù báo đức!
Ăn đàng sóng, nói đàng gió, y như đĩ thúi già mồm.
Lộn bề ngược, tráo bề xuôi, khác chi điếm già bịp bạc.
Kéo neo tuần hạm, ào ào đổ bộ Hoàng Sa,
Quay súng thần công, ầm ỉ tấn công Đá Bắc.
Chẳng chấp hải qui,
Chẳng theo công ước.
Quen nết xưa xấc láo, giở giọng hung tàn,
Lậm thói cũ nghênh ngang, chơi trò bạo ngược.
Nói cho ngươi biết; dân tộc ta:
Từng đánh bọn ngươi chỉ với ngọn giáo dài,
Từng đuổi bọn ngươi chỉ bằng thanh kiếm bạc.
Từng đánh Tây bằng ngọn tầm vông,
Từng đuổi Nhật với thanh mác vót!
Vì khát tự do mà uống nước đìa,
Vì đói độc lập mà ăn cơm vắt.
Sá chi tóc gội sa trường,
Đâu quản thây phơi trận mạc.
Hãy liệu bảo nhau,
Nhìn thây Gò Đống mà liệu thắng liệu thua,
Thấy cọc Bạch Đằng mà nghĩ sau nghĩ trước!
Đừng để Biển Đông như Đằng Giang máu nhuộm đỏ lòm,
Đừng để Hoàng Sa là Đống Đa xương phơi trắng xác!
Nếu ngươi dựa vào hỏa tiển, phi cơ,
Thì ta cũng có tuần dương, đại bác.
So vũ khí, thì kẻ nhược người cường,
Đọ trái tim, coi ai gang ai sắt?
Thư hãy xem tường,
Hoàng Sa hạ bút.

Tạm rời những câu chữ hào hùng cổ thi trên mực tàu giấy bản, quay lại với thế kỷ 21, khi mà văn học thường được sử dụng như một phương tiện chuyển tải những ẩn ức thời đại cũng như những phản ứng mang tính thời sự được không gian Internet hỗ trợ triệt để. Chúng ta may mắn có được những bài thơ mà hồn phách của chúng sừng sững tuyên chiến với những đồng minh phương Bắc mà trước đây vài mươi năm cho tới thời cổ đại chưa bao giờ xuất hiện trên đất nước Việt Nam.

Thế lực này đã thúc đẩy cho những vần thơ chống Trung Quốc hào sảng hơn, khí phách hơn và nhất là căm hờn hơn trước những hậu duệ của Lê Chiêu Thống.

Biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam không là cái mode như tại các nước phương Tây. Nó có đổ máu. Nó có tù đày, tra tấn. Nó cũng có bách hại âm thầm trong bóng tối và kể cả xóa tên trong danh sách cộng đồng. Vậy mà người ta vẫn đi biểu tình, đi trong ý thức của một cuộc lên đường đầy bất trắc.

Nhà văn Nguyễn Tường Thụy đi trong tâm thức ấy. Ông nhắn lại với vợ mình qua bài thơ "Hãy để anh đi" trước khi đi biểu tình như là ra trận. Bài thơ được sáng tác vào ngày 1 tháng 7, ngày Chúa Nhật đầu tiên của năm 2012 khi người Hà Nội đi biểu tình chống Trung Quốc.

Hãy để anh đi

china-protest-july1-2012-250.jpg
Người Việt Nam tập trung biểu tình trước Tòa đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội hôm 1/7/2012. Photo AFP/Hoang Đình Nam.
Nay anh không về, đừng lo nhé nghe em 
Hãy cứ coi như anh đi làm trả nợ 
Nợ của Vua Hùng, nợ từ tiên tổ 
Cho chúng mình non nước Việt hôm nay.
Có gì đâu, anh đi vắng một ngày 
Hay thêm nữa, làm sao mà sợ hãi
Anh tắm gội, cạo râu, thay quần áo mới 
Nhỡ có bề gì, đỡ vất vả cho em.
Tiền đừng lo, còn đồng đội thân quen 
Anh ở nơi đâu, bạn cũng tìm ra được 
Có kết tội, tội anh là yêu nước 
Chẳng bạo tàn nào ngăn cản được em ơi.
Đừng cho anh nói gở, ngắt ngang lời 
Thời buổi nhiễu nhương, điều gì mà không thể 
Anh "về muộn" mấy lần, dẫu em lo đến thế 
Thêm một lần thì cũng có sao đâu.
Cả một thời tuổi trẻ đã qua mau 
Lo trấn ải, quên rằng mình bạc tóc
Giờ lại lũ giặc quen từ phương Bắc 
Hãy để anh đi, còn chút sức cuối cùng.

Trong khi đó cùng lúc tại Sài Gòn, nhiều người đi biểu tình bị đánh, bị bắt giữ như những kẻ phạm pháp. Không ai có thể giải thích vì sao công an Việt Nam lại đánh đập những người chống Trung Quốc. Nếu họ lãnh lương do Bắc Kinh chi trả thì dễ hiểu, đàng này áo quần, giày dép nhà cửa của họ đều lấy từ tiền thuế của nhân dân Việt Nam. Nhà thơ Đỗ Trung Quân tả lại niềm đau khi thấy đồng bào anh đi biểu tình bị đánh qua bài thơ "Không đau và rất đau"

Không đau và rất đau

Cô Huỳnh Thục Vy bị bắt một cách thô bạo ngày 1 tháng 7, 2012. TTCCT/danlambao
Cô Huỳnh Thục Vy bị bắt một cách thô bạo ngày 1 tháng 7, 2012. TTCCT/danlambao
Các anh bẻ quặt tay tôi
Dẫu gì
Cũng không đau lắm
Các anh thúc cùi chỏ vào hàm tôi
Thú thật
Cũng không đau lắm
Các anh đạp vào mặt tôi

Dẫu gì
Cũng không ê ẩm lắm
Các anh dúi chúng tôi vào xe
Thú thật
Cũng chỉ ngồi chật một tí
Các anh kẹp cổ lên gối tôi
Dẫu gì cũng chỉ bầm dập chút
Cái chúng tôi đau
rất đau...
Cái chúng tôi bầm dập
Cái chúng tôi ê ẩm
Chính là
Các anh thay mặt kẻ cướp nước
Bọn cướp biển
Bẻ tay, đánh đập, bắt bớ, đàn áp
Chính - đồng- bào - mình

Có thể những người công an thi hành bạo lực giữa đám đông không bao giờ lên Internet để đọc những bài thơ nói về họ, tuy nhiên người ta không tin rằng con em của những kẻ dã tâm ấy lại mù tịt vể Internet. Khi chúng thấy hình ảnh cha anh của mình xuất hiện bên cạnh các bài thơ miêu tả sự trân tráo, lạnh lùng đánh đập đồng bào thì không biết cái gia đình ấy có còn cảm thấy ngon miệng trong bữa cơm vừa được chan bằng máu của người bị đánh hay không?

Nhắc đến Hoàng Sa thì hình ảnh ngư dân sẽ là những tiếng kêu tang thương đầu tiên nhắc nhở cả dân tộc một sự thật vẫn diễn ra hàng ngày: họ bị xua đuổi, tấn công, bắt giữ trên chính vùng biển của ông cha mình để lại. Tác giả Bùi Công Tự với bài thơ "Những ngư phủ anh hùng" lột tả những đau đớn mà lẽ ra họ không phải chịu. Những ngư dân ấy bám biển kiếm sống nhưng đồng thời đã trở thành chiến sĩ tự khi nào.

Những ngư phủ anh hùng

Ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt hồi năm 2009.Source lysonforum.
Ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt hồi năm 2009.Source lysonforum.
Khi các ngư dân ra Hoàng Sa đánh cá 
trong bão bùng và giặc lạ tấn công 
các anh đã trở thành người chiến sĩ 
bảo vệ chủ quyền biển đảo non sông 

Vùng biển ấy ta đời đời đánh bắt 
ông truyền cha, cha truyền lại cho con 
Hoàng Sa ơi, thân quen từng luồng lạch 
những đoàn tàu đi từ đảo Lý Sơn

Chúng đã cướp của ta quần đảo ấy 
biển của ta mà chúng cấm dân ta 
các ngư phủ vẫn kiên cường bám biển 
không một ngày vắng mặt ở Hoàng Sa

Chúng cướp bắt bao lần dân ta đó 
đã giam cầm, đã đánh đập dã man 
giờ lại bắt chín công dân ta nữa 
mối thù này muôn thuở không tan 

Chín ngư phủ, chín anh hùng nước Việt 
giờ phút này đang chưa biết nơi đâu 
Mai Phụng Lưu ơi, các anh còn sống sót 
có ai chìm nơi đáy biển sâu 

Hơn một tháng chúng giam cầm đàn áp 
lũ cướp ngày kia tội ác không ghê 
biển giông tố, các anh thì đói khát 
có ai chăng ra rước các anh về? 

Về đi các anh, vợ con trông đỏ mắt 
mấy chục đêm rồi vắng bặt tin nhau 
các anh không về ai người gánh vác 
những vành tang không thể trắng trên đầu.

Blogger Gió Lang Thang với bài thơ "Viết cho một ngày tháng Bảy" khiến người đọc không khỏi ngậm ngùi cho số phận Việt Nam. Tháng Bảy mưa ngâu theo truyền thuyết và Tháng Bảy biểu tình trong nước mắt có khác gì nhau?

Viết cho một ngày tháng bảy

bieu-tinh-22-07-pic-11-250.jpg
Đoàn biểu tình bị công an ngăn chặn tại góc đường Điện Biên Phủ, Trần Phú - Hà Nội hôm 22-07-2012. Courtesy Basam Blog.
Hình hài Tổ quốc tôi
Bốn ngàn năm chân đất
Từ thủa cha ông dựng cờ mở nước
Đến bây giờ chân vẫn lấm lem.
Đất nước này có phải sinh từ truyền thuyết nàng Ngâu
Nước mắt cứ rơi mỗi ngày chứ không riêng gì tháng bảy
Hận thù căm phẫn trong lòng người vẫn từng giờ bùng cháy
Tiếng khóc mẹ già vẫn day dứt từng đêm.
Ai vẽ hình hài Tổ quốc tôi
Những chiến công trong sử sách vẫn được đem ra đếm
Nhưng không đếm được
Có bao nhiêu giọt máu đào rớt xuống quê hương.
Lịch sử đất nước đâu chỉ được viết bằng máu xương
Mà bằng cả tiếng nói thân thương mà khi lọt lòng mẹ gọi
Bằng cả ca dao chầu văn hát nói
Tiếng hát mong chờ khi mẹ tiễn con đi…
Ai vẽ hình hài Tổ quốc tôi
Vẽ nên hình Nam Bắc phân li
Để mấy triệu người dân đất Việt
Ôm súng đạn ngoại bang mà trút thẳng vào nhau
Rồi biết bao người nằm dưới những thân tàu
Chìm dưới biển Đông khi trên đường bỏ xứ
Gạt nước mắt khi nhìn quê hương từ mặt biển
Lần cuối cùng nhìn về chữ S Việt Nam?
Để hôm nay
Những những người nông dân lầm lũi
Khóc không thành lời trên mảnh đất mình
Rơi vào tay kẻ lạ
Những người vợ khóc chồng những đứa nhỏ khóc cha
Đi biệt không về
Có biết chăng?
Những người con xót xa vì mẹ Việt
Bước xuống đường hô vang tên đất nước
Nhìn thấy trước mặt mình là những tai ương.
Việt Nam ơi! Con xin gọi tên Người là Tổ quốc
Non nước này chưa một phút bình yên
Đứng cạnh con, người hô "Muôn năm!" khản tiếng
Con cay mắt mình rồi, ơi hỡi Việt Nam! 

Bài thơ cuối cùng chúng tôi giới thiệu hôm nay xin dành cho tác giả Đỗ Trọng Khơi với bài Buồn Thiêng.

Nỗi buồn mang tên thiêng liêng mà tác giả gợi mở mặc dù không một chữ nào nhắc tới Trường Sa, Hoàng Sa nhưng người đọc man mác cảm nhận rằng cái nỗi buồn ấy nếu không vì đất nước, vì dân tộc thì yếu tố nào làm cho nó trở thành thiêng khiến Đỗ Trọng Khơi phải quỳ xuống như quỳ trước mẹ hiền?

Buồn thiêng

china-protest-250.jpg
Thanh niên, sinh viên xuống đường phản đối TQ lấn chiếm lãnh hải Việt Nam. AFP photo.
Tôi quỳ trước Nỗi Buồn như quỳ trước Mẹ
Mẹ thiêng liêng và Nỗi Buồn cũng thế
trước Mẹ - con được còn thơ bé!
trước Nỗi Buồn – con sẽ lớn khôn lên!

Sống nghĩa là mang Nỗi Buồn thiêng
gì cao quý hơn. Gì lớn lao hơn vậy?
Tôi - người lớn tuổi cô đơn. Tôi - trẻ thơ khờ dại
tôi sợ Nỗi Buồn rời bỏ tôi!

Niềm vui dù không đến trong đời
không niềm vui con vẫn là con mẹ
không Nỗi Buồn trái tim con sẽ
tro lạnh dưới mặt trời.

Tầm vóc Nỗi Buồn mang tầm vóc Con Người
cái tầm vóc - cội nguồn nhân tính

con người mang sứ mệnh thực hiện niềm vui sướng
và Nỗi Buồn - vị bảo mẫu niềm vui.

Ẩn sâu nơi hồn cốt mỗi con người
trong tiếng thở than, tiếng thét vang căm giận
thanh gươm tuốt trên tay người lính trận
có Nỗi Buồn gươm sẽ hoá gươm thiêng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét