Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Đào Tuấn : Luật công chức, luật bóng chuyền và luật rừng

Nguồn daotuanddk

Cái thiếu nhất trong việc tuyển dụng ở ta từ trước đến nay không phải là thiếu luật. Mà vấn đề là người ta áp dụng luật như thế nào. Và đến cuối tuần trước, còn có thêm một khía cạnh khác: Người ta áp dụng luật gì.

Thành phố Hồ Chí Minh vừa đưa ra một quy định…cũ rích. Đại ý công chức, dù được tuyển dụng vào bất kỳ sở, ban, ngành, quận huyện, phường xã nào đều phải thực hiện thông qua thi tuyển. Nói văn bản, vừa ký chưa ráo mực, nó cũ rích là bởi cả Luật Cán bộ, công chức- hiệu lực từ 2010, và Luật Viên chức, hiệu lực từ 2012, đều có quy định rất rõ việc thi tuyển là bắt buộc.
Cái không mới là bởi vẫn chỉ là chuyện "phải thi tuyển". Cái cũ rích là ở chỗ việc thi tuyển cũng vẫn mờ mịt, chung chung, dù quy định của Thành phố thoạt nhìn có vẻ rõ ràng và cụ thể là phải "thông báo công khai".
Cái thiếu nhất trong việc tuyển dụng ở ta từ trước đến nay không phải là thiếu luật. Mà vấn đề là người ta áp dụng luật như thế nào. Và đến cuối tuần trước, còn có thêm một khía cạnh khác: Người ta áp dụng luật gì.
Cuối tuần trước, dư luận có dịp cười ra nước mắt khi Sở Y tế Quảng Bình tổ chức thi tuyển nữ hộ sinh bằng "luật bóng chuyền". Đề bài lý thuyết 10 câu hỏi về bóng chuyền, từ chiều cao của lưới, cách đập bóng, nêu bóng, tâng bóng, đội hình, chức năng vị trí cầu thủ. Và khi thực hành, các nữ hộ sinh được dịp trổ tài đập trên sân bóng chuyền.
Trả lời báo chí sau đó, Phó Giám đốc Sở y tế Quảng Bình trổ tài trào lộng và sự hồn nhiên, ngây thơ của một người yêu thể thao chân dài bằng lời tâm sự chân thật: "Đó là xây dựng phong trào, nên cho nó lấy một vài đứa về để xây dựng phong trào thể dục thể thao thôi. Đó là hỏi thêm năng khiếu thể thao để xây dựng phong trào mà".
Nữ hộ sinh chân dài giỏi đập bóng có tốt hơn nữ hộ sinh mù tịt về chiều cao lưới còn là chuyện hài dài tập. Tuy nhiên, rõ ràng, luật bóng chuyền không liên quan đến luật viên chức. Kỹ năng đánh bóng, cũng không thể thay thế cho kiến thức hộ sinh.
Còn nhớ trong phiên Ủy ban thường vụ Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ ngày 26-3, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Lê Như Tiến đã dẫn lại con số "khoảng 30% cán bộ làm được việc, 30% cán bộ công chức phải cầm tay, chỉ việc và hơn 30% còn lại là cầm tay chỉ việc cũng không biết việc mà làm" để đặt vấn đề: "Có phải do khâu tuyển dụng của ta có vấn đề?"Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đã trả lời dõng dạc:  Tuyển dụng có môn là kiến thức chung, môn chuyên môn nghiệp vụ, môn ngoại ngữ, tin học, trong này ngoại ngữ, tin học là môn điều kiện. Chuyên môn nghiệp vụ là môn chính, là hệ số 3 là nội dung hết sức quan trọng để trên cơ sở đó tính toán để đảm bảo tuyển dụng đầu vào đạt chất lượng về mặt chuyên môn nghiệp vụ".
Những nữ hộ sinh chân dài sẽ thuộc vào 30% nào đây? Với môn thi bóng chuyền?
Xét ra, cái thiếu của việc tuyển dụng không phải là thiếu luật, thiếu quy định. Cái thiếu là sự công tâm, và việc công khai, minh bạch. Tất nhiên, thiếu trách nhiệm nữa- mà câu chuyện Quảng Binh chỉ là một trong vô số những lời ca thán được gọi chung và đơn giản hóa vấn đề là "bất cập". Bởi khi đưa "luật bóng chuyền" vào việc tuyển dụng, ngành y tế Quảng Bình, gần như đã ném các quy định về tuyển dụng vào sọt rác. Bởi câu chuyện "luật bóng chuyền" ở Quảng Bình rõ ràng mang đặc điểm của "luật rừng", khi kẻ mạnh, trong trường hợp này là người có quyền tuyển dụng, được đề ra luật và tự mình thực thi bằng quyền của người tuyển dụng. Luật do kẻ mạnh sinh ra để bảo vệ hoặc thỏa mãn kẻ mạnh. Đó chính là luật rừng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét