Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

Đào Tuấn : “Đóng kín” và Hoạt đầu cải lương

Nguồn daotuanddk

"Hoạt đầu", theo từ điển tiếng Việt, có nghĩa là "Theo chiều nào cũng được, miễn là có lợi".

"…nếu đóng kín cửa bảo nhau, giữ  cái vỏ thống nhất mà bề trong thì hổ lốn một cục, đầy rẫy bọn hoạt đầu, đó mới chính là để cho quân thù chửi rủa, hơn nữa, đó tỏ ra không phải là một đảng tiền phong cách mạng, mà là một đảng hoạt đầu cải lương".
Đây là một câu trong cuốn "Tự chỉ trích" được TBT Nguyễn Văn Cừ viết từ năm 1939 để nói về sự công khai trong ĐảngNguyên Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Vũ Quốc Hùng trao đổi trước ngày các vị Ủy viên Bộ Chính trị sẽ thực hiện việc phê và tự phê bình, bắt đầu cuộc sinh hoạt chính trị theo tinh thần nghị quyết TƯ 4.
Người dân đang rất trông chờ vào kết quả kiểm điểm của Đảng ta mà mở đầu là việc tự kiểm điểm của các vị ủy viên Bộ Chính trị bởi kết quả này sẽ quyết định sự thành bại của việc thực hiện nghị quyết. Ông trông chờ gì vào việc kiểm điểm lần này trong bối cảnh vừa xảy ra vụ việc vi phạm tại Vinalines, và trước đó là Vinashin?
Tôi xin nhấn mạnh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang mong chờ kết quả kiểm điểm của các cấp theo NQ TƯ 4. Các đảng viên rất mong đợi kết quả. Các đồng chí lãnh đạo của Đảng sẽ kiểm điểm về tư tưởng chính trị. Đây là kim chỉ nam giúp các đồng chí ở cơ quan đầu não hoạch định chủ trương, đường lối chính sách, phương án để lãnh đạo đất nước. Vấn đề này tuy trừu tượng nhưng theo tôi rất quan trọng. Vấn đề tiếp theo cần các đồng chí tự xem xét là về đạo đức lối sống, nhất là về trách nhiệm trong công tác lãnh đạo nói chung và công tác cán bộ nói riêng. Bởi vì như chúng ta đều biết cán bộ quyết định hết thảy. Những vấn nạn hiện nay xảy ra trong và ngoài Đảng như NQ đã chỉ ra như chạy chức chạy quyền, nhóm lợi ích, vụ lợi cá nhân…đều là do hiệu quả lãnh đạo điều hành của cấp trên. Và trách nhiệm của cán bộ các cấp là vô cùng quan trọng.
Việc mẫu mực nêu gương trong lối sống, sinh hoạt của các đồng chí lãnh đạo cũng vô cùng quan trọng; Bác Hồ đã nhiều lần nhắc đến yêu cầu đối với mỗi cán bộ là phải thực hiện cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, mong sao các đồng chí làm rõ vấn đề này của bản thân và người thân trong gia đình. Nếu những thông tin này được làm rõ ràng, minh bạch sẽ chỉ càng tạo dựng niềm tin trong nhân dân và xóa tan những lời đồn thổi.
Vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng khi tiếp xúc với cử tri đã nói "…tự mỗi người phải thấy khuyết điểm của mình để mà điều chỉnh, mà tự sửa, nếu mà không sửa thì sẽ có tổ chức, có luật pháp trị". Dư luận cho rằng, đây là một thông điệp thể hiện quyết tâm của Bộ Chính trị. Cho nên việc kiểm điểm trách nhiệm của Bộ Chính trị, và điều hành nhà nước không đơn thuần chỉ là trách nhiệm với Vinashin, Vinalines mà còn với các DNNN nói chung.
Nghị quyết TƯ nêu rõ "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống". Liệu việc chỉ ra những ai là "bộ phận không nhỏ" đó có phải là rất khó khăn, thưa ông?
Theo tôi, điều này không khó, cứ hỏi dân là biết hết. Chỉ có điều cán bộ, đảng viên có thành tâm muốn biết sai lầm khuyết điểm của mình hay không thôi. Nói thế là do phẩm chất quan trọng nhất của một con người chân chính trong đó có cán bộ, đảng viên là lòng yêu nước, thương dân. Mà mỗi cán bộ đảng viên, kể cả khi đã về hưu thì cuộc sống hàng ngày, công việc của mình cũng không thể tách rời dân được. Bệnh vô cảm, vô trách nhiệm, vô lương tâm, sự mẫu mực của mỗi đảng viên, giữa lời nói đi đôi với việc làm, gia đình, người thân của đảng viên hàng ngày sống thế nào, dân cũng biết. Dân đây phải kể cả những cán bộ cấp dưới của mình
 Thưa ông, phê bình và tự phê bình cần phải làm thế nào để tránh hình thức?
Theo tôi, muốn tiến hành phê và tự phê cho tốt thì mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt mình trong một tâm thế thanh thản mà tâm thế đó được xây dựng nên trên nền tảng là hết lòng vì nước vì dân. Nếu như vậy, sẽ tạo ra một sự phê bình thẳng thắn, chân thành, không nể nang, không né tránh. Đối với các đồng chí Bộ Chính trị, bộ phận đầu não, tinh hoa của Đảng- tôi tin tưởng và mong đợi các đồng chí sẽ nêu gương sáng trong việc thực hiện phê và tự phê, nhất là tự phê bình.
Bác Hồ đã nói: "Phải thật thà tự phê bình, phê bình".  Tôi nghĩ tự phê bình và phê bình là thuốc tẩy độc, nếu làm tốt thì đó là giải pháp hữu hiệu nhất để chỉnh đốn Đảng. Tự phê cũng cần sự chân thành, trong sáng. Hồi còn làm việc, tôi được biết có đồng chí phụ trách đã nhờ người viết giúp bản kiểm điểm. Kiểm điểm mà cứ như báo cáo, liệt kê công việc, thành tích. Rồi vào cuộc họp đồng chí ấy cứ thế đọc. Nếu tự phê như vậy, cùng với việc phê bình một cách chiếu lệ tự chúng ta vô hiệu hóa vũ khí làm trong sạch Đảng và việc kiểm điểm chỉ là hình thức.
Chỉ trong 3 năm thực hiện NQ TƯ 6 lần 2, số cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật đã lên tới hơn 19.000 người, liệu sẽ lại có một con số 19-20 ngàn trong đợt này?

Sai phạm đâu, đến bao nhiêu thì cũng phải xử lý. Tuy nhiên, chúng ta không đặt "mục tiêu", trong đợt  chỉnh đốn Đảng lần này phải xử lý kỷ luật bao nhiêu tổ chức đảng, bao nhiêu đảng viên. Điều quan trọng hơn cả là xem xét, xử lý đúng người, đúng việc, có lý, có tình, không có "vùng cấm", không có "ngoại lệ". Kiểm điểm không phải là biểu dương. Kiểm điểm để tìm ra được những sai lầm, thiếu sót , rồi phải quy trách nhiệm và có xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật nhà nước. Phải xử lý đồng chí mình là một việc đau đớn, nhưng đây cũng là một việc để cứu đồng chí mình, cũng để chứng minh Đảng ta là đạo đức là văn minh. Nếu kiểm điểm lần này đạt kết quả tốt thì sẽ khôi phục lại niềm tin trong nhân dân.
Thưa ông, kết quả kiểm điểm có cần được công khai để nhân dân cùng biết?
"Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng mà làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ. Làm như thế không sợ nhân định lợi dụng, vu cáo cho Đảng, không sợ nối giáo cho giặc. Trái lại, nếu đóng kín cửa bảo nhau, giữ  cái vỏ thống nhất mà bề trong thì hổ lốn một cục, đầy rẫy bọn hoạt đầu, đó mới chính là để cho quân thù chửi rủa, hơn nữa, đó tỏ ra không phải là một đảng tiền phong cách mạng, mà là một đảng hoạt đầu cải lương.
Đây là những gì mà nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết trong cuốn "Tự chỉ trích". Theo tôi, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã trả lời vấn đề này khi Đảng còn đang trong thời kỳ trứng nước.
Xin trân trọng cảm ơn ông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét