Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

BBC. VN giải quyết nợ xấu thế nào?

Nguồn BBC

Cập nhật: 11:24 GMT - thứ hai, 16 tháng 7, 2012

Ngân hàng Việt Nam

Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam đang trấn an dư luận rằng nợ xấu đang không ở mức đáng lo

Trong khi Chính phủ và Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam ra sức trấn an dư luận rằng nợ xấu đang không ở mức đáng lo và đổ lỗi nợ xấu cho khủng hoảng kinh tế, giới quan sát đang hoài nghi trước khả năng giải quyết vấn đề qua kế hoạch mua lại nợ xấu của chính phủ nước này.

Theo thông báo của Chính phủ Việt Nam, Bộ tài chính sẽ mua những món nợ xấu được đảm bảo từ các ngân hàng thương mại để giúp cải thiện tình hình tại các ngân hàng này, trong kế hoạch cải cách ngành Ngân hàng từ nay đến năm 2015 được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt.

"Có vẻ như họ đang chuẩn bị một kế hoạch cứu trợ, hoặc ít ra là đưa mọi thứ vào đúng chỗ để một kế hoạch cứu trợ có thể được tiến hành." – Marc Djandji, trưởng nhóm nghiên cứu tại tập đoàn Viet Capital cho hay.

Hoài nghi

"Việt Nam vẫn không rõ phải định giá nợ xấu như thế nào. Đồng thời Chính phủ Việt Nam không đủ tiền để hấp thụ quá nhiều"

Giới quan sát có vẻ không mấy lạc quan với giải pháp hiện tại của Chính phủ Việt Nam trước nợ xấu.

Tờ Foreign Policy viết: "Thay vì cải cách nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam đang đưa ra những cách giải quyết không có gì mới: kế hoạch xây dựng một Công ty mua bán nợ với số vốn 4,8 tỷ đôla để đối phó với các khoản nợ."

"Tuy nhiên điều này chỉ có nghĩa là lại có thêm một bộ máy quan liêu đặt trong một hệ thống bảo trợ giữa những lãnh đạo cấp cao, các ngân hàng và các công ty"

Số vốn 4,8 tỷ đôla được rót vào công ty mua bán nợ chỉ bằng chưa đến một nửa tổng số nợ xấu 9,96 tỷ đôla được Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng công bố ngày 12/7.

Ông Alain Cany, Chủ tịch phòng thương mại Châu Âu tại Việt Nam bình luận :"Việt Nam vẫn không rõ phải định giá nợ xấu như thế nào. Đồng thời Chính phủ Việt Nam không đủ tiền để hấp thụ quá nhiều."

"Có lẽ chính phủ sẽ không thể mua nợ xấu với 100% giá trị nợ mà dựa vào giá trị khối tài sản đảm bảo," – Ông Cany nói thêm.

Ngay cả trong tháng Năm, các nghiên cứu của giới quan sát trên thế giới đã tỏ vẻ hoài nghi về mức độ trung thực của con số thống kê nợ xấu mà Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam đưa ra.

"Các khoản nợ xấu thực tế của Việt Nam phải cao hơn mức được đưa ra đến ba, bốn lần và chắc chắn nợ xấu sẽ tiếp tục tăng" – Tờ Capital Economics viết.

Cũng có những ý kiến khác so sánh tình hình kinh tế Việt Nam với Nhật vào thời điểm năm 2000 để thể hiện quan ngại việc mua và bán nợ không thể giải quyết vấn đề nợ xấu.

Vào năm 2000, đứng trước những khoản nợ xấu chồng chất lên đến hàng triệu yên khi bong bong bất động sản Nhật bị vỡ, chính phủ nước này đã cố gắng bơm hàng triệu yên vào các ngân hàng lớn để tạo ra các quĩ đầu tư nhằm mua lại nợ xấu.

Tuy nhiên giải pháp này đã hoàn toàn thất bại và cuối cùng, chính phủ Nhật đã phải giải quyết vấn đề bằng việc ép tất cả những ngân hàng yếu kém phải đóng cửa.

Lựa chọn giải pháp

"Để giải quyết nợ xấu, ngân hàng cho vay cần phải có biện pháp giám sát đảm bảo bên được vay sử dụng nguồn vốn theo đúng qui ước," Giám đốc điều hành chi nhánh Ngân hàng phát triển Châu Á tại Việt Nam ông Tomyuki Kimura cho biết.

Một giải pháp nữa mà ông này đề nghị, đó là biến các khoản nợ thành các khoản vốn gắn liền với tái cơ cấu doanh nghiệp, vốn là một giải pháp mà ông cho rằng sẽ là khá phổ biến trong tương lai đối với ngành ngân hàng.

"Đây là giải pháp nhằm tái cơ cấu doanh nghiệp qua các biện pháp như xóa bỏ một số khoảng lãi suất, tái định thời hạn nợ, thay đổi giao ước cho vay và hỗ trợ các nguồn tài chính cần thiết để giúp các khách hàng của họ phục hồi". Ông Kimura nói

Một số ý kiến khác đề xuất việc tái huy động vốn vay nợ. Điều này có nghĩa là huy động thêm vốn vay để hỗ trợ việc trả nợ cũ. Tuy nhiên điều này là khá nguy hiểm vì khó phân biệt được giữa việc tái huy động để giấu nợ xấu và tái huy động để tăng cường hoạt động kinh doanh.

Các chuyên gia trong nước lại có ý kiến rằng, Ngân hàng Nhà Nước cần xem xét giảm lãi suất tái cấp vốn xuống để hỗ trợ các Ngân hàng. Các ngân hàng đồng thời cũng nên giảm lãi cho doanh nghiệp để cùng tồn tại.

Giới đánh giá cho rằng, dù là lựa chọn bất kì giải pháp nào, Việt Nam cần cực kì thận trọng và đảm bảo rằng qui trình tiến hành được thực hiện một cách rõ ràng, minh bạch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét