Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Thơ Thái Bá Tân : Thế sự 1 (chùm 8 bài)

Nguồn badamxoe

Bà Đầm Xòe:
Với tôi, trước nay chưa từng biết cái tên Thái Bá Tân. Bất ngờ mở blog của nhà văn Lê Xuân Quang thấy anh post một lúc cả chùm thơ tới 8 bài của Thái Bá Tân - Chùm thơ mang tựa đề: "Thế sự 1". Vội đọc ngay bài Thế sự thứ nhất:  "Vớ vấn". Đọc rồi bị cuốn hút ngay lập tức bởi vì đọc đâu hiểu đấy, đọc đâu biết đấy, đọc đâu rung cảm tràn ngột tim mình đến đấy. Vì nó đích thị là thơ, và trên hết nó là thơ chở đạo, mà là đạo đời dân sinh Việt Nam, từ kẻ có chữ cho đến người không có chữ đọc nghe đều hiểu. Mộc mạc như khoai, như lúa, chẳng viện dẫn Không, Lão hay Mac- Lenin, Mao Trạch Đông hay Hồ Chí Minh mà thơ anh vẫn toát ra những tư tưởng nhân sinh vĩ đại. Tài. Thật lâu lắm rồi trên diễn đàn thơ văn Việt Nam mới lại xuất hiện kiểu thơ này. Nó chẳng Hậu…, chăng Tân…, chẳng mù mờ, lòe loẹt về từ ngữ mà vẫn gieo vào lòng người đọc biết bao nỗi niềm về đất nước, con người Việt Nam. Đọc nó mà sung sướng như mình đói lả được Thái Bá Tân mang cho ăn món " gan rồng, tỉ phượng" vậy. Xin trân trọng giới thiệu chùm thơ 8 bài của anh trong phần thơ: " Thế sự 1": Vớ vẩn, Giả dối, Mắng con, Huỳnh Thục Vi, Nói với cháu rể, Lãnh tụ, Cái thời kỳ cục ấy, Nói với con. Ảnh: Nhà thơ Thái Bá Tân. BĐX.
       
1. VỚ VẨN    

Có một anh chàng nọ, 
Một hôm đi đâu về,
Chợt thấy có khúc gỗ
Sần sùi nằm dưới khe.

Một khúc gỗ vớ vẩn,
Thế mà được anh ta, 
Cũng thuộc loại vớ vẫn,
È lưng cõng về nhà.

Rồi anh vớ vẩn ấy,
Bỗng dưng chán cảnh lười,
Đem đẽo thành bức tượng
Na ná giống hình người.

Vì là người vớ vẩn,
Loại thiểu năng thông minh,
Anh đặt bức tượng ấy
Lên bàn thờ nhà mình.

Rồi anh ta thờ nó,
Khúc gỗ nhặt dưới khe, 
Vớ vẩn như đã nói,    
Thế mà phịa, rồi khoe

Như thể nó thiêng lắm,
Như thể nó tuyệt vời.
Hàng xóm, cũng vớ vẩn,
Đến khấn, cúi rạp người.

Sau khi anh ta chết,
Các thế hệ cháu con,
Cũng vớ vẩn không kém,
Thậm chí vớ vẩn hơn.

Họ thờ cái di sản
Của ông cha linh thiêng.
Thờ trong nhà chưa đủ,
Còn lập đền thờ riêng.

Sau lan ra cả nước,
Không sót địa phương nào.
Rồi thi đua, học tập,
Thành một dạng phong trào.

Khúc gỗ là khúc gỗ,
Nằm dưới khe yên lành.
Nay được tôn thành thánh,
Đất nước hết yên bình.

Hà Nội, 6. 7. 2012


2. GIẢ DỐI

Có một tên đồ tể
Nói một câu hùng hồn     
Thuộc vào loại triết lý,
Ngẫm đúng, thế mới buồn,

Rằng một điều giả dối    
Được nhắc lại hàng ngày,
Nhắc đi nhắc lại mãi,
Thì điều giả dối này

Sẽ trở thành sự thật,
Thành chân lý, bấy giờ
Ai cũng tôn thờ nó,     
Hoặc phải vờ tôn thờ.

Chán viết thơ bay bướm,
Uốn éo đủ lắm rồi.
Giờ xin phép nói thật
Về hiện tình nước tôi.

Có những thứ rác rưởi
Người ta rước về nhà,
Tôn lên thành lý tưởng
Rồi làm khổ dân ta.

Có những thằng lãnh đạo
Độc ác và ngu si,
Làm hàng vạn người chết,
Coi như không có gì.

Một đất nước độc đoán
Lại "dân chủ tuyệt vời",
Hơn triệu lần tư bản,
Nghe không thể không cười.    

Thế giới không ai khổ
Bằng thằng dân nước ta,
Thế mà thằng dân ấy
Lại là "chủ" nước nhà.

Hắn bị đạp vào mặt,
Cướp ruộng, cướp miếng ăn.
Yêu nước cũng bị cấm.
Thật khốn khổ thằng dân.

Trẻ con vừa nứt mắt,
Bị nhồi nhét đủ điều,
Để chúng thành người máy,
Giả dối và giáo điều.

Tóm lại, toàn giả dối,
Giả dối từ bên trên
Cho xuống tận dưới đáy
Rồi lan sang hai bên.

Quan nói dối chính phủ.
Chính phủ nói dối dân.
Dân buộc phải nói dối,
Đạo đức băng hoại dần.

Thằng Tàu đánh đến đít.
Ai cũng biết nó gian.
Thế mà vẫn "bốn tốt",
"Đất nước vẫn bình an".

Cả mấy thằng thơ thẩn,
Trong đấy có thằng tôi,
Cứ giả câm giả điếc.
Thôi, đủ rồi, đủ rồi!

Xưa, thắng quân Nam Tống
Nhờ "Nam Quốc Sơn Hà".
Nay thì sao? Không lẽ
Cứ vớ vỉn trăng hoa.    

Xin phép được nói thật,
Cảnh dầu sôi bây giờ,
Nhà thơ không phẫn nộ,
Thì éo phải nhà thơ.

Hà Nội, 6. 7. 2012    

    

3. MẮNG CON

Mày láo, dám khuyên bố
Mai không đi biểu tình.
Chuyện ấy có nhà nước,
Không liên quan đến mình.

Mày nói y như đảng.
Không liên quan thế nào?
Nước là của tất cả,
Của mày và của tao.

Biểu tình chống xâm lược,
Chứ có lật ai đâu.
Không lẽ mày không biết
Cái dã tâm thằng Tàu?

Mày bảo có nhà nước.
Nhà nước hèn thì sao?
Mà ai cho nhà nước
Quyết việc này thay tao?

Xưa đánh quân Mông Cổ,
Vua còn hỏi ý dân.
Sao không thấy nhà nước
Xấu hổ với vua Trần?

Đành rằng thế mình yếu,
Phải thế nọ, thế này.
Nhưng ở đời, con ạ,
Mềm nắn, rắn buông ngay.

Bố biết con thương bố,
Lo cho bố, cảm ơn.
Con "biết sống", có thể.
Xưa bố còn "biết" hơn.

Chính vì khôn, "biết sống",
Tức ngậm miệng, giả ngây,
Mà thế hệ của bố
Để đất nước thế này.

Ừ, bố già, lẩn thẩn,
Nhưng vẫn còn là người.
Mà người thì biết nhục,
Biết xấu hổ với đời.

Mai biểu tình, thế đấy.
Bố không bắt con đi,
Nhưng cũng đừng cản bố.
Cản cũng chẳng ích gì.

Hà Nội, 7. 7. 2012

4. HUỲNH THỤC VY

Cháu - cô gái xinh đẹp,
Đẹp cả ngoài lẫn trong.
Nhìn cháu mà cứ nghĩ
Cái đẹp của non sông.

Chúng, chính quyền, thật xấu.    
Vừa ác vừa bất minh,
Đến mức không muốn nghĩ
Đó là chính quyền mình.

Cháu như người phụ nữ
Trong tranh Delacroix,
Guidant le peuple
Mà peuple - là chúng ta.

Cháu chỉ muốn công lý,
Dân chủ và tự do.
Tự do cho cả chúng,
Mà chúng, bọn côn đồ

Lại luôn truy bức cháu,
Dùng cả cách đê hèn.
Ngẫm mà thấy phẫn nộ.
Thấy nhục cho chính quyền.

Thục Vy, bền gan nhé.
Chúc chân cứng đá mềm.
Cháu như ngọn đuốc sáng
Đang dẫn đường trong đêm.

Nói thật, bác nhìn cháu
Vừa thán phục, tự hào,
Vừa pha chút xấu hổ.
Cháu hiểu rõ vì sao.

Xin lỗi, thế hệ bác
Dựng nên chế độ này
Để bây giờ cháu khổ,
Để dân tình đắng cay.

Cái hồi bác đi Mỹ,
Thăm tượng Liberty,
Đặt hoa dưới chân tượng,
Bác chưa biết Thục Vy.

Giờ xin phép âu yếm
Đặt hoa dưới chân mày.
Mày vấp ngã, còn sức,
Nhất định bác chìa tay.

Hà Nội, 8. 7. 2012

5. NÓI VỚI CHÁU RỂ

1
Mày rót bác cốc nước,
Rồi bác nói điều này.
Năm ngoái bác phản đối,
Không cho cháu lấy mày.

Vì sao ư? Đơn giản
Vì mày là công an.
May, giờ bác vẫn thấy
Mày ngoan, hoặc còn ngoan.

Công bằng ra mà nói,
Công an cũng chẳng sao.
Hơn thế, còn cần thiết,
Nhưng chẳng hiểu thế nào

Giờ lắm đứa tệ quá,
Đạp vào mặt người ta,
Còn giở các trò bẩn,
Đánh đập cả đàn bà.

Giả sử, mai "dự án"
Nó cướp đất nhà mày,
Mày có để lặp lại
Vụ Vân Giang gần đây?

Vợ mày đang có chửa.
Bác mừng cho chúng mày.
Nếu có đứa đạp nó,
Mày sẽ nghĩ sao đây?

Lại nữa, bác bị bắt,
Mày cứ nói thật lòng,
Người ta bảo mày bắn,
Mày có bắn bác không?

Mà bác thì mày biết,
Như mấy lão nông dân,
Làm sao mà "thù địch",
Mà "phản động", vân vân.

Nói thật cho mày biết,
Bác yêu đất nước này,
Người Vân Giang cũng vậy,
Hơn gấp vạn chúng mày.

Vứt mẹ cái khẩu hiệu
Còn đảng là còn mình.
Thế mai kia đảng chết,
Không lẽ mày quyên sinh?

Bác là người ngoài đảng.
Mày vào đảng, không sao,
Miễn là mày thực sự
Vì quốc dân, đồng bào.

Mày thừa biết chúng nó,
Cái bọn "vì nhân dân"
Đang ăn cướp trắng trợn,
Pháp luật chúng đếch cần.

Sống ở đời, cháu ạ,
Có nghề mới có ăn.
Làm công an cũng được,
Nhưng phải nhớ vì dân.

Mà dân là bố mẹ,
Là bác, là vợ mày.
Chứ mày nghe bọn xấu
Làm ngược lại là gay,

Là có tội, cháu ạ.
Chưa nói chuyện ở đời
Có cái luật nhân quả,
Tức là luật của trời.

Nhân tiện đây bác kể,
Chỗ bác cháu thân tình,
Một câu chuyện của Phật,
Cháu nghe mà ngẫm mình.

2
Có nhân thì có quả.
Đó là luật của Trời.
Cũng là luật của Phật,
Ứng nghiệm với mọi người

Một lần, khi giảng pháp,
Với tôn giả, sư thầy,
Phật Thích Ca đã kể
Một câu chuyện thế này.

Có một con bò nọ,
Nhân khi vắng người chăn,
Đã xuống ăn ruộng lúa 
Của một người nông dân.

Ông này rất độc ác,
Tức giận, mắng con bò:
"Tao vất vả, nhịn đói,
Mà mày thì ăn no.

Mày phải trả giá đắt.
Tao sẽ cắt lưỡi mày,
Để mày phải ghi nhớ
Không ăn lúa từ nay."

Nói đoạn, ông cắt lưỡi 
Con bò này đáng thương.
Nó không hiểu, nghĩ lúa
Là loại cỏ bình thường.

Còn ông nông dân ấy
Sau sinh ba người con,
Tất cả đều khỏe mạnh,
Cả thể xác, tâm hồn.

Có điều cả ba đứa
Không ai hiểu vì sao
Câm, suốt ngày lặng lẽ,
Không nói được tiếng nào.

Các thầy thuốc bất lực.
Ông bố thì buồn lo.
Và rồi ông chợt nhớ
Chuyện xưa cắt lưỡi bò.

Giờ hối thì đã muộn.
Ở lành thì gặp hiền.
Sống ác thì gặp ác.
Mọi cái có nhân duyên.

"Đời là thế, - Phật nói. -
Xưa nay chưa có người
Thoát được luật nhân quả.
Bởi đó là Luật Đời."

Hà Nội, 8. 7.  2012

6. LÃNH TỤ

Thời Cách mạng Văn hóa,
Tôi đi qua Bắc Kinh
Bị kẹt tàu, ở lại.
Bây giờ nghĩ mà kinh.

Đâu cũng thấy lãnh tụ.
Mọi lúc và mọi nơi,
Cả trong lúc đâm chém,
Cả khi khóc, khi cười.

Tôi ở đúng một tháng    
Ở Triều Tiên, là nơi
Thiên đường của cộng sản,
Và lãnh tụ là trời.    

Lãnh tụ luôn có mặt
Trên ngực dân, trên tường,
Ảnh chiếm nửa trang báo,
Hay cả trang là thường.

Dân nước này, theo luật,
Thờ lãnh tụ trong nhà.
Thờ đúng nghĩa - trước một,
Rồi hai, giờ thành ba.

Mới đây thôi, năm ngoái,
Được mời thăm Iran,
Lãnh tụ làm tôi mệt
Và cứ nghĩ lan man.

Theo từ điển, lãnh tụ
Là người lãnh đạo mình
Được yêu mến, tài giỏi,
Đức độ và thông minh.

Tóm lại là người tốt,
Đáng nêu gương cho đời.
Nhưng cả khi vĩ đại,
Họ vẫn là con người.

Thử hỏi gì cao quí
Hơn danh hiệu con người?
Tôn lãnh tụ làm thánh
Thực ra chỉ buồn cười.

Tôi rất sợ lãnh tụ.
Một lần, học lớp hai,
Thầy bắt hô khẩu hiệu
Chống xâm lược nước ngoài.

Rồi hàng nghìn chiếc miệng
Hô lãnh tụ muôn năm.
Nhiều lắm, khoảng mười vị,
Cũng có thể mười lăm.

Bắt đầu từ Các Mác,
Rồi sau đến Lênin,
Một thiên tài vô sản,
Rồi đến Sittalin.

Lãnh tụ Tây kết thúc,
Chuyển sang lãnh tụ Tàu.
Mao Trạch đông vạn tuế,
Vạn, vạn tuế rất lâu.

Cuối cùng mới đến lượt
Các lãnh tụ của ta.
Hô muôn năm tất cả
Mười một hay mười ba

Ủy viên Bộ chính trị.
Muôn, muôn năm, muôn năm.
Không nhớ bao nhiêu vị.
Cũng có thế tôi nhầm.

Trong nhà tôi thời đó
Treo ảnh các vị này.
Ảnh dệt vải Trung Quốc,
Loại trắng đen, khá dày.

Hình như ảnh được phát,
Hay phải mua, tôi quên.
Chỉ nhớ phải treo chúng.
Không treo sẽ rất phiền.

Tính tôi thích du lịch.
Đến nay, U bảy mươi,
Đã đi băm chín nước,
Đi và ngẫm sự đời.

Tôi nhận thấy một việc,
Có thể là ngẫu nhiên:
Nước nào thờ lãnh tụ
Là lòng dân không yên.

Vì dân đói và khổ,
Bị o bế hàng ngày.
Có lẽ các học giả
Phải nghiên điều việc này.

Hà Nội, 9. 7. 2012

7. CÁI THỜI KỲ CỤC ẤY

 Cái thời kỳ cục ấy,    
Cả nước như lên đồng.
Suốt ngày hô chống Mỹ,    
Chán, lại hô xung phong.

Chán nữa thì học tập
Paven Coocsaghin,
Rồi Lôi Phong Trung Quốc,
Rồi chửi Diệm "bù nhìn".

Rồi tất cả sau đấy,
Tịnh không trừ một ai,
Viết đơn ra tiền tuyến,
Thống thiết và viết dài.

Khuyến khích viết bằng máu,
Nhưng cấm viết mực đen.
Chí ít phải mực đỏ.
Không viết là đồ hèn!

Tất nhiên mọi người viết.
Trong đó có cả tôi.
Tôi gian, viết mực đỏ
Rồi bảo máu, thế thôi.

Không phải tôi hèn nhát.
Đơn giản vì sợ đau.
Mà rồi mực và máu
Trông na ná một màu.

Giờ mà nói thì dễ,
Chứ thời ấy biết gì.
Bảo đánh Mỹ thì đánh,
Bảo đi thì cứ đi.

Không đi cũng không được.
Không đánh cũng không xong.    
Anh chỉ là hạt bụi,
Mà dám cưỡng cuồng phong?

Tôi có một thằng bạn,
Nhà cách lũy tre dày.
Thời Cải Cách, bố hắn,
Bị thiêu chết trên cây.

Như tôi, thằng bạn ấy    
Cũng viết đơn, nhiều lần,
Nhưng không được nhập ngũ
Vì là con "Việt gian".

Sau, chiến tranh ác liệt,
Hắn được gọi đầu quân.
Một ngày khi có giấy,
Hắn ngã, gãy hai chân.

Là do hắn sơ ý
Khi leo lên hái cau,
Trượt chân, ngã, suýt chết.
May không chết, chỉ đau.

Khi tôi đến thăm hắn,
Vì là chỗ bạn thân,
Hắn nói hắn trốn lính
Nên tự làm gãy chân.    

Sau đó khoảng năm rưỡi,
Khi chân đã bình thường,
Hắn được gọi nhập ngũ
Rồi tung vào chiến trường.

Năm sáu tám hắn chết,
Nghe nói ở Quảng Bình.
Giờ chưa tìm thấy xác,
Ngẫm mà thấy thương tình.

Vậy, mình tôi duy nhất
Biết cái bí mật này, -
Bí mật hắn trốn lính, -
Biết, buồn bao năm nay.

Còn tôi thì bất chợt
Đảng cho đi nước ngoài.
Cảm ơn đảng điều ấy,
Cảm ơn cả thần tài.

Nhân tiện, xin được nói,
Tôi là người gặp may.
Cũng chính nhờ chế độ,
Nên mới được thế này.

Mà đạo của người Việt
Không cho phép chúng ta
Được ăn còn được chửi.
Đó là điều xấu xa.

Nên các bài tôi viết
Xuất phát tự đáy lòng
Mong đảng và nhà nước
Đổi mới chóng thành công.

Còn ba cái chuyện cũ
Là những chuyện đã rồi,
Viết để chúng nó biết,
Chúng, tức cháu con tôi,

Biết rằng giờ đất nước,
Xấu tốt vẫn của ta,
Vậy gắng mà học tập
Đặng xây dựng nước nhà.

PS
Tôi xin lỗi bạn đọc
Cái kiểu thơ nôm na.
Cứ có gì nói ấy.
Dẫu sao tôi đã già.

Mà già nên nói thẳng.
Uốn éo để lòe ai?    
Tôi, một bụng đầy chữ,
Chủ trương không viết dài.

Hà Nội, 10. 7. 2012    

8. NÓI VỚI CON

1
Bố sợ con sướng quá,
Không khéo lại hóa rồ.
Lương cao, tiền rủng rỉnh,
Vô tâm và vô lo.

Một bữa các con nhậu,
Đâu đó ngoài cửa hàng
Bằng tháng lương hưu bố,
Ấy là loại xoàng xoàng.

Đồ cái gì cũng xịn,
Từ nhà đến ô tô,
Dù trong đó một nửa
Là tiền bố mẹ cho.

Không sao, thích thì diện,
Có tiền cứ ăn chơi.
Nhưng bố mẹ tiết kiệm,
Đừng chê và đừng cười.

Mỗi thời nó một khác.
Con cái hơn mẹ cha,
Là điều tốt, rất tốt,
Là đáng mừng, nhưng mà...

Nhưng mà đời, con ạ,
Không chỉ có miếng ăn,
Còn có cả cái khác,
Nôm na là tinh thần.

Nhà văn Nga Tchekhov,
Nói con người phải luôn
Làm cho mình thêm đẹp,
Cả thể chất, tâm hồn.

Con no đủ, hạnh phúc,
Bố mẹ mừng, tất nhiên,
Nhưng còn mừng hơn nữa
Nếu con biết buồn phiền

Khi thấy người khác khổ,
Còn đói ăn hàng ngày.
Người như thế nhiều lắm.
Con nên nhớ điều này.

Đã định không muốn nói,
Nhưng nói thì nói luôn -
Xưa, bố mẹ chuyên nhịn
Để mua sữa nuôi con.

Và còn chuyện này nữa.
Chuyện quá khứ nước nhà.
Nó nặng lắm, con ạ,
Nặng, buồn và xót xa.

Tất cả cái nặng ấy,
Bố chất lên vai mình,
Để con khỏi mất ngủ,
Khỏi buồn mà kém xinh.

Thì đời nào chả vậy,
Như một lẽ tự nhiên:
Cha mẹ nhận giông tố
Cho con cháu bình yên.    

Con nghe, chắc hiểu bố
Muốn ở con điều gì.
Cứ diện, cứ ăn hiệu,
Ô tô con cứ đi.    

Bố chỉ muốn thỉnh thoảng,
Thỉnh thoảng thôi, đôi lần
Con nhìn quanh để thấy
Cái khổ của người dân.

Con du học từ bé.
Rất may còn về nhà.
Một núi tiền của bố,
Cũng là tiền dân ta.

Vậy gắng mà trả nghĩa.
Bố mẹ thì không cần.
Trả người con mắc nợ,
Là đất nước, nhân dân.

Bố mẹ và đất nước
Đã cho con ra đời.
Nếu chẳng may vấp ngã,
Thì bố mẹ là người

Sẽ đỡ con đứng dậy.
Đất nước cũng sẵn lòng
Nâng đỡ con lần nữa,
Để con lại thành công.

Nhân tiện đây, bố kể,
Ừ, thời gian đang còn,
Một câu chuyện bổ ích
Bố viết riêng cho con.

2
Ngày xưa có cây táo,
Lá xum xuê và dày.
Một cậu bé rất thích
Chơi với nó hàng ngày.

Cậu thường leo lên nó,
Hái quả ăn ngon lành.
Trưa mệt, cậu nằm ngủ
Dưới tán lá cây xanh.

Cậu bé yêu cây táo
Chân thành và ngây thơ.
Cây táo cũng yêu cậu,
Ngày nào nó cũng chờ.

Thời gian trôi, cậu bé
Cứ lớn dần, lớn dần,
Cậu bận học, có vẻ
Đã quên người bạn thân.

Một hôm cậu xuất hiện,
Đôi mắt thoáng buồn rầu.
Cây táo hồ hởi nói:
"Nào, ta chơi với nhau!"

Cậu bé đáp: "Xin lỗi,
Tớ đã lớn, buồn sao,
Không thể chơi với cậu
Vui vẻ như ngày nào.

Tớ muốn đồ chơi đẹp,
Mà lại không có tiền."
Cây táo nói: "Thật tiếc,
Tớ cũng không, tất nhiên,

Nhưng cậu có thể hái    
Táo của tớ trên cây.    
Cách ấy tớ có thể
Giúp được cậu lần này."

Cậu bé nghe, sung sướng
Hái hết táo mang đi,
Rồi không thấy quay lại.
Cây buồn, không nói gì.

Bỗng một hôm, cậu bé,
Giờ là người đàn ông,
Quay lại gặp cây táo,
Nhiều phiền muộn trong lòng.

Lần nữa ông xin lỗi:
"Tớ đã có gia đình,
Mà nhà thì chưa có,
Một ngôi nhà của mình."

Cây táo đáp: "Thật tiếc,
Tớ cũng không có nhà.
Nhưng cậu có thể chặt
Cành lá tớ xùm xòa.

Hy vọng cậu đủ gỗ
Để xây nhà cho mình.
Ngôi nhà quan trọng lắm
Khi cậu có gia đình."

Người đàn ông sung sướng
Chặt hết cành mang đi,
Không một lần quay lại.
Cây buồn, không nói gì.

Rất cô đơn và lạnh
Khi gió bão, mưa sa,
Nhưng cây táo hạnh phúc
Biết bạn mình có nhà.

Người đàn ông lại đến,
Mái tóc bạc trên đầu.
Cây táo thấy, vui sướng:
"Nào, ta chơi với nhau!"

"Không, tớ già, muốn nghỉ.
Bao phiền muộn trong lòng.
Tớ cần chiếc thuyền nhỏ.
Cậu giúp tớ được không?"

"Thế thì chặt thân tớ,
Để đóng một con tàu.
Cậu tha hồ chơi biển,
Sẽ không thấy buồn rầu."

Ông già chặt cây táo,
Thuê xe đến mang đi
Rồi không hề quay lại.
Cây buồn, không nói gì.

Cuối cùng ông cũng đến,
Một ông lão yếu gầy.
"Tớ không còn gì nữa
Để cho cậu lần này, -

Cây nói. - Không còn táo
Để cậu thích thì ăn."
Ông lão đáp: "Răng rụng,
Không nhai được, không cần."

"Thân tớ không còn nữa
Để leo như ngày nào."
"Đã qua rồi thời đó.
Ừ, cái thời vui sao."

"Vậy thì tớ quả thật
Không còn gì để cho,
Ngoài gốc cây và rễ
Đang mục dần thành tro."

"Bây giờ, - ông lão nói. -
Tớ quả không cần nhiều.
Chỉ một nơi để nghỉ
Và để sưởi nắng chiều."

"Thế thì tốt, thật tốt.
Tớ giúp cậu lần này.
Để tựa và để nghỉ,
Gì tốt hơn gốc cây?"

Ông lão ngồi xuống nghỉ,
Tựa lưng ông bạn già.
Cây táo vui, muốn khóc,
Đôi mắt lệ ướt nhòa.

Hà Nội, 10. 7. 2012  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét