Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

Tiến sĩ Phạm Ngọc Cương : Tái ...

Nguồn truongduynhat

54964291324526874IBMTại sao nền chính trị Việt luôn chỉ có cái này không có cái kia. Sao không thể cùng song hành? Thuật "cùng thắng", chủ thuyết "lách khe" và câu chuyện chủ quyền được tiến sĩ Phạm Ngọc Cương đề cặp trong bài viết mới với cái tít gọn lỏn một chữ "Tái..."

Tiến sĩ Phạm Ngọc Cương (Toronto, Canada)

          1- Cùng thắng

          Tại sao nền chính trị Việt luôn chỉ có cái này không có cái kia. Sao không thể cùng song hành? Việt Nam hôm nay đứng trước hai giải pháp: sự thay đổi (luật pháp lên, giỏi lên, bài bản lên, bản lĩnh lên, tầm vóc lên, tốt lên, tử tế lên...) hoặc là sự ra đời của một mô hình quản trị quốc gia mới. Tệ ở chỗ là cho đến giờ dân Việt chưa thấy ánh sáng ở cuối bất kỳ đường hầm nào để mà đặt trọn niềm tin.

          Dân Anh và Pháp khi cùng đến lập nghiệp ở phía Bắc của châu Mỹ cũng có qua lại tranh giành nhau quyền lợi. Giao chiến nhỏ, nhưng không có trận nào là tổng lực thừa sống thiếu chết cả. Rất nhanh sau đó họ đi đến thỏa hiệp với nhau. Nước Canada ra đời 29/06/1867 tự xác lập căn cước của mình là quốc gia đa văn hóa, nơi tiếng Anh và tiếng Pháp cùng ngang hàng và là ngôn ngữ chính thức của đất nước. Về mặt quốc gia đó là hình mẫu thành công của cái gọi là thống nhất trong dị biệt. Về mặt giải pháp thì đó là giải pháp cùng thắng (win- win solution).

          Từ thế kỷ trước, Canada đã đề xuất ra cách hành xử độc đáo và văn minh. Người Việt hôm nay có nhiều cái để suy nghĩ về chuyện này. Ví dụ chuyện cờ vàng cờ đỏ. Nhiều năm nay, khi gặp gỡ quan chức chính quyền Việt, tôi thấy họ luôn dị ứng khi thấy nhiều người Việt ở Bắc Mỹ ủng hộ lá cờ vàng của chính quyền Việt Nam cộng hòa ngày trước. Tôi đã liên tục nêu quan điểm của mình là đó là một phần của Việt Nam. Cách thực tế nhất không phải là chống hay phản đối mà là nếu không yêu quí được lá cờ đó thì cũng cần tôn trọng vì đó là lịch sử. Ít nhất dưới lá cờ đó máu của người Việt đã đổ để bảo vệ Hoàng Sa. Cũng dưới lá cờ đó một phần chủ đạo của cộng đồng người Việt ở Bắc Mỹ và Tây Âu đã giữ gìn và phát triển rất tốt bản sắc, tình tự dân tộc, lòng tự hào giống nòi.

          Năm ngoái, nhân vụ tàu Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Việt Nam, nhiều người Việt bên này tổ chức biểu tình chống Trung Quốc. Nói chuyện với một người chuyên tổ chức biểu tình, tôi đề nghị người biểu tình không chỉ mang cờ vàng mà cần mang cả cờ đỏ vì cờ đỏ hiện là đại diện cho Việt Nam.

          Cái cờ - vật vô tri vô giác- tự thân nó chả thù hằn gì nhau. Chỉ là tâm lý của những con người không thể chấp nhận có đến hai biểu tượng trên đời. Chỉ muốn chấp nhận có một, thổi hồn vào nó biến nó thành biểu tượng duy nhất.

          Chuyện giải quyết tâm lý cho những người đứng sau cái cờ mà gần 40 năm còn chưa tìm ra phương cách thấu đáo từ cả hai phía, thì đủ thấy vì sao con tàu Việt cứ tròng trành mãi không cập nổi bến bờ văn minh.

          Chuyện quyền lực của Việt Nam cả thế kỷ qua chỉ toàn chuyện có mày không tao. Cả chuỗi dài lịch sử chỉ toàn chuyện tận lực giết, tận lực giành, tận lực thua đủ. Bất hạnh thay cho một thời đại tích cực chiến đấu và chỉ tìm kiếm bàn thắng bằng độc cách ấy.

          Đến tận hôm nay, khi nhân loại đã có thêm bao bài học mới để chúng ta mở mắt mà tôi vẫn nhìn thấy người Việt nối đuối nhau trên vết hằn tư duy ù lì ấy. Có thể thông cảm cho các biểu hiện khác nhau của lòng yêu nước; nhưng cái kiểu có mày không tao thì không thể chấp nhận được.

          Trong nước thì sự quyết liệt níu giữ sự độc quyền tự nó nói lên lòng dạ "trời bể" của những người "cầm cân nẩy mực". Ở ngoài nước thì rất nhiều người hô hào cho một Việt Nam dân chủ và tuyệt đối không Cộng sản. Vậy thì hơn ba triệu đảng viên ĐCS sẽ ở vị trí nào trong cái chế độ giả sử là khoác danh dân chủ ấy trong tương lai? Tuy vậy, tôi chưa gặp một người Việt nào lại không mong đất nước thực sự độc lập, tự chủ và phát triển. Vậy vấn đề đặt ra là ý thức về cái đích chung của dân tộc là có nhưng động lực, phương án đi đến cái chung ấy là chưa khả dĩ. Vì vậy bánh xe Việt cứ gập ghềnh ở tận bên kia bờ ảo vọng chứ chứ lăn được về hướng thiên đường.

          2- Người và việc

          Trong bất kỳ thiết chế xã hội nào thì con người cũng là hạt nhân của mọi thành bại. Chính con người đẻ ra chủ thuyết, thể chế, hình thái quyền lực, tài sản, luật pháp... Và cũng chính con người tôn trọng, nâng cấp hay đạp đổ những hệ thống, qui ước xã hội... mà con người tạo dựng ra. Chỉ có điều trong mọi cuộc thư hùng thì bàn thắng cuối cùng luôn thuộc về trí tuệ.

          Lý thuyết, chủ trương chính sách nào cũng cần có những tuýp người phù hợp thì nó mới vào được cuộc sống. Có hai loại chính sách. Loại một, phát huy tác dụng nhất là chính sách đặt nền tảng trên sự thỏa mãn bản năng con người: cần gia cố tư hữu, nâng cao vai trò cá nhân. Loại còn lại kỳ vọng vào lý tưởng của con người: cần giáo dục, giác ngộ.

          Điểm sáng của chủ nghĩa Marx giúp làm thay đổi một phần diện mạo thế giới vì nó bắt đúng tần sóng của tầng lớp trí thức khuynh tả. Mà trí thức thì thường khuynh tả. Vì con người là một loài động vật, nhưng là một động vật xã hội. Khi nhìn thấy cán cân giàu nghèo quá chênh lệch, xã hội quá bất công thì rất mong có sự công bằng, sẻ chia. Yếu điểm chết người của chủ nghĩa Marx là lại dư địa cho cả bè lũ bất tài vô tướng và cơ hội chen vai thích cánh. Khi thuyết công bằng được bóp nặn méo mó thành sự cào bằng thì những người tài năng, giàu lý tưởng và tâm huyết nhất lại bị chính cơ cấu do mình góp công dựng nên bóp chết. Ở nước nào mà dòng suối Marx chảy qua thì tôi cũng chỉ thấy có lớp trí thức khuynh tả và nhóm cơ hội là thực say sưa nó.

          Trường lớp được lập ra với mục tiêu ôm đồm và tham vọng nhất là có thể đánh thức tiềm năng của mỗi học sinh. Nhưng không một nhà sư phạm, dù là lỗi lạc đến đâu có khả năng vượt khung tạo hóa chế thêm được giác quan, tố chất mới cho con người. Con lợn ỉn thì dù có vỗ béo theo cách nào cũng không thể to con như con lợn lai kinh tế được. Cây xà lách dù có chăm bón tưới tắm kiểu gì cũng không thể cao như cây lim.

          Xin khẳng định: những luật pháp, chính sách xây dựng trên cơ sở phát huy thế mạnh, bản năng của con người là bắt vào cuộc sống nhanh nhất, sống lâu và sống khỏe nhất vì nó đi thẳng vào bản chất vấn đề của con người. Chính quyền giỏi là phải đưa ra được nhiều quyết sách loại này và phải coi loại chính sách này là công cụ chính điều chỉnh xã hội trong đường dài.

          Mỹ là một quốc gia xây dựng chính sách dựa trên phát huy tối đa bản năng con người nên nhanh chóng hùng mạnh. Động cơ Mỹ, lý tưởng Mỹ là xoáy quanh bản năng thực dụng của con người, hối hả nhắc nhở về sự hữu hạn của kiếp người, thúc giục cái tôi (sự tự do), thúc giục sáng tạo, thúc giục sống, thúc giục thụ hưởng. Khai đúng nguồn nên đầy nước. Nước Mỹ cả mấy thế kỷ nay đã thành biển lớn hút nhân tài toàn cầu vì cái nhìn chuẩn đó.

          Trong khi Liên bang Xô Viết, nơi hô hào con người sống cho lý tưởng cao đẹp cũng đã tiến lên rất nhanh trong thời kỳ đầu. Có giai đoạn Liên bang Xô Viết chiếm tới 20% phát minh sáng chế của nhân loại. Tuy nhiên, giáo dục lý tưởng không thể thay thế cho bản chất con người. Giới tinh hoa Xô Viết ngày càng héo hon khi xã hội Xô Viết không thành ưu việt như chủ thuyết rao giảng. Khi giới tinh hoa hụt hơi, không tiếp sức, từ chối hoặc bị triệt tiêu sự hợp tác với quyền lực, giã từ vũ khí của mình là sự sáng tạo và giới cơ hội chiếm đoạt hầu như tất cả bộ máy công quyền thì chính quyền Xô Viết phải đổ.

          Trước và sau khi khối Đông Âu sụp đổ, qua phỏng vấn công dân của các quốc gia đó, tôi đi đến kết luận rằng: hầu như những người trí tuệ, khả năng trung bình dễ thích ứng và lưu luyến chính quyền Cộng sản Đông Âu, nơi cuộc đời họ được xếp cho từ nơi ăn, chốn ở, nơi chữa bệnh, nơi làm việc và kể cả ... chốn nghỉ ngơi. Cuộc sống lai rai hết bảy ngày rồi sẽ hết tuần, hết tuần rồi hết tháng, hết nhiều tháng rồi sẽ hết năm như bản chất của họ. Tất cả những người năng động đều thích mô hình Tư bản nơi sự cọ sát của bản năng sống và sự tự khẳng định liên tục diễn ra từng giây từng phút. Một cơ chế vận hành xã hội đặt từng con người vào thế muốn thành công phải không ngừng học hỏi quyết liệt và năng động tất sẽ ngày càng leo cao trong thang bậc tiến hóa.

          Các chính sách dựa trên nền tảng của sự giáo dục và định hướng lý tưởng chỉ nên coi là những chính sách bổ trợ trong ngắn hạn. Điều này giải thích tại sao khi càng giáo dục đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh thì càng nhiều phong bì vung vãi chốn cửa quan. Nhận phong bì là loại phản xạ tồn tại bản năng xuất hiện khi luật pháp lỏng lẻo làm cũng là mình, phê cũng là mình và tự phê cũng mình nốt; khi nhận mà không bị nỗi sợ phải nhả, phải chết nào đe dọa thì cứ nhận; trong khi học theo tư tưởng lãnh tụ nếu có vẫn chỉ là là lý tưởng nhất thời và xa vời.

          Góc nhìn nhiều khi phụ thuộc vào thế đứng của người nhìn. Nhưng dù đứng ở thế nào mà khi thấy Việt Nam nơi quan chức có danh phận là "công bộc" của dân chúng, một nước mà phần đông là bần hàn mà nhà cao cửa rộng xe lớn thì phải có gì không ổn trong quan đức của các ông bà này. Cũng lăng kính như vậy quay qua các xứ công nghiệp phát triển, nơi mà trí tuệ được trả thù lao xứng đáng bằng tiền bạc mà nếu nhà đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ nào lại có cuộc sống quá đạm bạc thì cũng không làm cho ai tin nổi vào năng lực thực của quí vị. Vì vậy quan Việt mà giàu thì dân đâu có tin, còn người nghèo xứ tư bản thì đừng ham làm chính khách.

          3- Lách khe

          Sự phát triển là bài bản và ra quân ào ạt hay là lách khe. Có thể nói tùy hoàn cảnh và điều kiện của từng nước, nhưng muốn tiến hành theo phương án nào thì yếu tố đầu tiên là đánh giá đúng mình đúng người. Xem điểm mạnh của mình và điểm yếu của người và tìm chỗ đứng cho mình.

          Đứng cạnh một nước Mỹ lẫy lừng sở hữu chính sách thoáng với con người như vậy (cách nhìn về Mỹ qua bài Cường quốc & yếu hèn) làm sao Canada có thể sinh tồn đừng mong gì sống khỏe, vượt Mỹ? Phép mầu nào sẽ mang tới điều kỳ diệu? Thật là một nan đề cho các nhà hoạch định chính sách Canada. Họ hiểu rằng nếu người tài chỉ đổ về Mỹ hết thì sớm hay muộn nền độc lập của Canada sẽ suy yếu. Một ngày "đẹp trời" nào đó, một vài tỉnh của Canada có thể tuyên bố độc lập hoặc gia nhập Mỹ quốc. Canada nếu lụn bại thì điều tất yếu trên thực tế phải đến là nó thành chư hầu cho Mỹ. Phải chào hàng cái gì độc đáo hơn cả Mỹ thì mới mong thu hút được nhân tài về Canada, và giữ chân nhân tài Canada không bỏ đi thì mới hòng biến Canada thành cường quốc chứ không phải thân phận tôi đòi.

          Trong lịch sử, Canada đề ra vô vàn chương trình nhập cư để ganh đua với Mỹ hút chất xám. Gần đây, khi bàn về cái gì mạnh nhất và đáng tự hào nhất của Canada, cái mà Canada đóng góp nhiều nhất cho nhân loại. Kênh truyền hình quốc gia CBC tổng kết và thông báo đó là bản hiến pháp của Canada. Lý do là bản hiến pháp Canada (chứ không phải hiến pháp Mỹ) đã tạo nhiều hứng khởi nhất cho các nhà lập pháp thế giới từ sau thế chiến hai.

          Khi Mỹ có chế độ nô lệ thì Canada quyết lòng dân chủ và nói không với điều tệ hại này. Khi người Mỹ làm cách mạng giành độc lập thì Canada mở rộng cửa đón những người bảo hoàng từ Mỹ chạy sang lập quê hương mới. Khi thanh niên Mỹ trốn lính không muốn sang chiến đấu ở Việt Nam thì Canada lập tức cho họ nơi trú ẩn an toàn- cho nhập cư với lý do tị nạn.

          Canada không tư nhân hóa y tế (có sự bảo đảm về y tế công làm nhiều người có bố mẹ già vì chữ hiếu phải trụ lại ở đây). Theo đuổi chính sách hiếu hòa, không thực hiện nghĩa vụ quân sự phổ thông cũng làm cho một phần nhân tài "bồ câu" yêu hòa bình ghét phái "diều hâu" dọn nhà đến.

          Tuy vậy, kịch bản thành công vĩ đại nhất của Canada là đã phát huy tối đa nhất chính sách đa văn hóa khởi điểm từ việc người Anh và Pháp không quyết giết mà quyết cam kết chung sống hòa bình hạnh phúc với nhau. Canada đã nhận ra là một phần nhân tài khi chào cố hương đến Bắc Mỹ lập nghiệp không hẳn đã muốn khước từ tất cả cội rễ của mình và Canada chào hàng rằng Canada không phải là American melted pot (nồi hòa đồng kiểu Mỹ), mà là mosaic (sự xắp xếp cạnh nhau mà thôi).

          Nói nôm ra là khi người di dân đặt chân đến Mỹ để mưu cầu thành công theo kiểu Mỹ thì phải biết hòa tan vào phong cách sống Mỹ, còn ở Canada thì người đó cứ giữ lấy "cái tôi" văn hóa cội rễ của họ, điều đó không có gì là dở cả mà chỉ làm Canada tốt lên. Văn hóa Canada sẽ là văn hóa cộng hưởng của cả thế giới và Canada mạnh vì điều đó. Khi tính tự ái dân tộc được bảo lưu và vuốt ve các mâu thuẫn sắc tộc lại lắng dịu và người tài từ bốn phương tám hướng đều dồn về. Khẩu hiệu nhan nhản ở khắp nơi là bạn có thể đến từ bất kỳ đâu nhưng Canada là mái ấm của bạn. Để duy trì nét đa văn hóa này là một sự tốn kém khủng khiếp cho ngân quĩ quốc gia. Bất kỳ công sở chính phủ nào cũng phải tuyển nhân viên song ngữ. Trường học, bệnh viện, cứu hỏa, tòa án... đều phải trả tiền cho đội ngũ phiên dịch đủ cả hơn 150 ngôn ngữ toàn cầu.

          Tuy vậy, chính phủ Canada rất hiểu là cái được luôn nhiều hơn cái mất. Gặp gỡ nhiều người Việt gốc Hoa ở Canada, những người Hoa sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, tôi hỏi họ coi đâu là Tổ quốc của mình? Câu trả lời thường là: (...) chỉ có Canada chân tình với chúng tôi nên chúng tôi coi Canada là Tổ quốc. Dẫu vậy, họ vẫn cho con cái đến trường học cả tiếng Việt lẫn tiếng Trung.

          4- Ru ngủ và ngụy biện

          Khi nói chuyện canh tân đất nước với nhiều quan chức chính quyền Việt, một trong những câu tôi thấy chướng nhất là vấn đề này vấn đề kia không hoặc chưa phù hợp với tình hình Việt Nam. Không hiểu từ những năm 30 của thế kỷ trước, sao một chủ thuyết hoàn toàn xa lạ với cả châu Á nói chung và người Việt nói riêng là chủ nghĩa Marx lại được tin tưởng là phù hợp và ép vào cuộc sống "tài tình" thế?

          Cách mạng XHCN đã không như Marx tiên liệu là sẽ diễn ra ở các nước có bước phát triển cao của CNTB mà lại nổ ra ở mắt xích yếu nhất và lạc hậu nhất là nước Nga tiền tư bản hóa.

          Vấn đề nữa là chúng ta cũng đã có nhiều thành tựu. Không ai có thể phủ nhận thành tích nếu nó hiện hữu. Kể về thành tựu thì Liên Xô hay bất kỳ nước XHCN "anh em" Đông Âu nào còn nhiều thành tựu gấp bội. Nhưng đổ thì vẫn cứ đổ. Thật bất hạnh cho nhiều sứ sở cứ phải làm hoài mà không đúng!

          Nhiều quan Việt còn rỉ tai tôi rằng: Việt Nam hiện là một nơi rất dễ sống, dễ kiếm tiền. Để trả lời cho câu hỏi này thì chỉ cần xem báo lề phải tổng kết có bao nhiêu doanh nghiệp đã và đang phá sản năm qua cùng chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo của chính phủ đang tiến hay lùi, miễn bàn cãi làm gì.

          Vấn đề tiếp được rao giảng là ta đã bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia. Ở Moscow có nhiều quảng trường mang tên các danh nhân thế giới. Nét đặc biệt trên quảng trường mang tên Hồ Chí Minh là khắc cả câu nói để đời của ông: "Không có gì quí hơn độc lập tự do". (...)

          Năm 1974 chính quyền Nam Việt Nam đã để mất Hoàng Sa, năm 1988 chính quyền Việt Nam thống nhất cũng để tuột một phần Trường Sa. Gót giầy quân chiếm đóng và xâm lược vẫn đang nện hàng ngày hàng giờ trên nhiều vùng đảo, vùng biển và vùng trời của Tổ quốc. Dưới cả hai chính quyền của người Việt, mảnh cơ đồ của cha ông đều trở thành nhỏ bé hơn ngay cả so với thời bị thực dân Pháp đô hộ.

          Bất hạnh thay là thời đại nào ta cũng có Lê Chiêu Thống và Trần Ích Tắc. Chính quyền Nam Việt Nam phải dựa vào viện trợ Mỹ tất lụy Mỹ. Chính quyền Bắc Việt Nam được sự bao bọc của Tàu tất ăn ảnh hưởng của Tàu.

          Tuy nhiên, tôi không tin bất kỳ chính quyền nào của người Việt Nam bán nước. Tuy nhiên, đến bao giờ người Cộng sản Việt Nam mới đi trọn được câu khẩu hiệu của Hồ Chí Minh? Những người mặc áo dân chủ liệu có làm tốt hơn không? Chưa có cơ sở nào để dân chúng tin được vào bất cứ điều nào trong hai điều đó. Và điều tệ hại hơn nhân dân đều thấy là tất cả dù Cộng sản hay phi Cộng sản đều yếu, rất yếu. Nhưng không một người Việt Nam nào muốn tin ta là một dân tộc yếu.

          Bài toán của một dân tộc nhỏ mà lại nát bét như chúng ta là một bài toán không dễ giải. Nhưng trong lời giải nào thì cũng không thể có đáp án khờ khạo, nhún nhường Trung Quốc. Có nước nào chịu ảnh hưởng của anh đại Hán này mà mở mày mở mặt được đâu. Từ Việt Nam, Miến Điện, Tây Tạng, Nội Mông, Campuchia hay Bắc Hàn...

          Những diễn biến gần đây làm ta nhớ lại câu chữ của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến 19/12/1946: "...chúng ta càng nhân nhượng, (chúng) càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!... Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!(1)

          5- Tái cơ cấu

          Con đường phát triển kinh tế của ta chua thay là liên tục ngộ nhận và liên tục điều chỉnh. Đến bây giờ, bài toán tái cơ cấu lại đặt ra một lần nữa. Phải biết cả mình, biết cả người mới hòng thủ hòa chứ chưa mong gì tới trong trăm trận thắng quá bán lấy năm mốt trận. Việt Nam ơi hãy nhìn ra đúng đường và đừng mất lái!

          Cái sai thứ nhất và từng trả giá thật đắt là việc dập theo tư duy V.I. Lênin: chủ nghĩa cộng sản là điện khí hóa toàn quốc + chính quyền xô viết. Đừng thần thánh hóa vai trò của công nghiệp nặng và coi nhẹ phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ. Khi thế giới chia làm hai phe thì phe nào cũng phải lo tự cung tự cấp, dàn quân mọi mặt trận và cố có đủ cả mọi thứ. Bây giờ thế giới là toàn cầu hóa thì chỉ nên chọn những cái mình có ưu thế cạnh tranh mà đầu tư cho phát triển. Không nên ôm đồm. Việt Nam trước nhất hãy làm tốt vài việc lớn: phát triển kinh tế biển, nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, dịch vụ ngân hàng, viễn thông và chăm sóc y tế.

          Tranh giành vai trò là người đi đầu trong việc gia công sản phẩm với giá rẻ nhất là cái sai thứ hai. Trung Quốc và nhiều nước khác làm tốt hơn ta điều này. Cần vượt Trung Quốc ở điểm khác. Nhân loại hôm nay thừa mứa sản phẩm trung bình và tồi nhưng vẫn luôn khát khao các sản phẩm cao cấp. Thử xem nhiều loại điện thoại cho không cũng không đắt mà Iphone thì người ta vẫn đang xếp hàng dài để mua.

          Cũng đừng hi vọng sẽ nhanh chóng có những sản phẩm hàm lượng trí tuệ cao chào hàng thế giới. Đây là một đích cần hướng tới nhưng không thể có trong một tương lai gần, đòi hỏi đầu tư lớn và tố chất công nghệ cao. Mỹ, Tây Âu, Nhật, Nam Hàn sẽ còn án ngữ con đường này lâu.

          (...) Tỷ lệ bờ biển trên dân số của Việt Nam không cao nhưng cũng hơn nhiều nước. Biển chính là cứu cánh. Việt Nam phải thành một nước có kinh tế biển hùng mạnh.

          Con đường phát triển kinh tế của nhân loại tiến bước theo chu kỳ sau: sản xuất nhỏ --> thương mại --> công nghiệp --> dịch vụ. Việt Nam trong lịch sử cũng như hiện tại không phải là nước biết làm công nghiệp hay thương mại tốt, nhưng ta lại có thể "đi tắt, đón đầu" trong việc biến thành một dân tộc làm dịch vụ tốt. Phải lấy kinh tế dịch vụ làm mũi nhọn then chốt. Dịch vụ là khẩu vị thời thượng nhất của bữa tiệc kinh tế toàn cầu hôm nay. Từ dịch vụ tài chính, thông tin... đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, ăn uống, chơi bời, nghỉ ngơi... Dịch vụ đã thành thống soái trong tất cả các nền kinh tế lớn. Cùng với sự phát triển của công nghệ, có những công việc hàng ngày hàng giờ vượt các biên giới quốc gia. Nhiều bạn tôi thuê thư ký chọn người ở tận Philippines. Hàng ngày, những cô thư ký Philippines ngồi cách xa cả nửa vòng trái đất xếp đặt công việc và trông coi sổ sách cho người chủ ở Canada. Tất cả các hàng xóm của tôi khi sinh con đều thuê một cô bảo mẫu người Philippines sang ở Canada vài năm để đỡ đần cho họ. Tất cả các cuộc gọi của khách hàng về bảo hành hậu bán hàng đều được nối máy sang cho một ai đó ở Ấn Độ, Malaysia hay đâu đó ngoài Bắc Mỹ trả lời. Gần đây nhất, khi nhấc điện thoại lên trao đổi với ngân hàng về vay mượn, về tình hình trương mục, đầu tư... đều được một trung tâm đâu đó tại Á Châu giải quyết. Đi qua tất cả những nước có nền công nghiệp phát triển, nơi người Việt hiện diện đông đảo cả mấy chục năm qua, tôi không thấy người Việt có nhiều thành công xuất sắc trong việc làm công nghiệp và thương mại qui mô và bài bản, nhưng lại hội nhập rất nhanh qua con đường làm dịch vụ.

          Dịch vụ muôn hình vạn trạng. Dịch vụ phải có của Việt Nam ở thế kỷ XXI là kéo thế giới về Việt Nam và mang Việt Nam ra thế giới. Dịch vụ viễn thông thành công của Việt Nam là một ví dụ tốt.

          Đồng tiền là một cơ thể sống nó có mắt và hơi thở. Thấy chỗ nào có cơ hội và thoáng đãng nó sẽ mau chóng tìm đến. Chính sách thuế má rẻ và minh bạch về đường dài sẽ hút dòng tiền đầu tư quốc tế vào Việt Nam. Đồng tiền không có biên giới và tổ quốc. Nếu Việt Nam thành thiên đường thuế sẽ là đất hưởng và trú ẩn của giới nhà giàu, và theo chân họ đồng tiền đầu tư, tiêu xài sẽ ào ạt rót tới Việt Nam.

          Việt Nam có thể thành bệnh viện của khu vực và thế giới (so với các sắc dân khác thì người Việt Nam có tỷ lệ bác sỹ hành nghề cao ở Bắc Mỹ). Hãy biến Việt Nam thành thiên đường nghỉ ngơi, du lịch, khu nghỉ dưỡng của người già và người giàu thế giới. Các ngân hàng lớn thế giới đang đua nhau săn đón và chiều chuộng người già vì họ thấy người già có tích lũy và dám chi tiêu. Đừng tiếp tục phương án đổi đất (mà thực là cướp đất) lấy hạ tầng, mà hãy làm là đổi tư duy làm kinh tế đón người giàu thế giới tràn vào. Không thể phủ nhận cái giỏi của người giàu, của các đại gia chân chính (không phải là đại phỉnh và đại lừa). Đừng sợ họ đến để lũng đoạn thao túng mà hãy biết sợ sự ngoảnh mặt của họ với một đất nước đang cần vốn và trí tuệ để hiện đại hóa.

          Canada có 34,7 triệu dân, chỉ có tám ngân hàng thương mại mà trong đó có tới bốn ngân hàng đứng trong top mười mạnh nhất thế giới. CIBC(3); TD (4): National Bank of Canada(5); RBC(6). Trong khi đó Mỹ hùng mạnh là thế mà chỉ có ba ngân hàng nằm ở top 20 JPM(13); PNC(17) và BBT(20).

          Dòng tiền của cả thế giới dồn về Canada trú ẩn trong cơn đại suy thoái vừa qua, vô hình chung đã giúp cho chính phủ Canada có thật nhiều dư địa trong việc điều hành vỹ mô. Nhất cử tam tứ tiện.

          Việt Nam nếu có chính sách đúng và đáp ứng đủ nhân sự giỏi thì trong 20 năm tới có thể thành một cái ví của nhân loại.

          6- Chủ quyền

          Chủ quyền quốc gia sẽ được gia cố nhiều nếu người Việt chịu suy nghĩ và sáng tạo từ chính trị kinh tế đến văn hóa, nghệ thuật. Thử nhìn qua những vở diễn trên sân khấu chính trị quốc tế gần đây của những nước nhỏ không a dua theo đòi nước lớn mà biết đứng ra tạo lập cuộc chơi, biết dựng uy thế cho bản thân và sự hợp tác bình ổn chung cho khu vực:

          Úc sáng lập ra APEC năm 1989 và đây là một trong những tổ chức sáng giá hôm nay trên trường quốc tế.

          Singapore tạo ra cơ chế đối thoại an ninh Shangri-La mà từ năm 2002 hàng năm có tới 28 phái đoàn quân sự cao cấp các nước đến khách sạn này luận bàn.

          Hiệp định hợp tác kinh tế xuyên thái bình dương TPP khởi đầu do bốn nước nhỏ Chile, Singapore, New Zealand, Brunei ký năm 2005 giờ hàng lọat cường quốc từ Mỹ, Canada, Mexico kéo đến xin cùng tham gia.

          Việt Nam, nơi mà "xã tắc bao phen chồm ngựa đá(2) vẫn chưa đẻ nổi một sáng kiến chính trị nào tầm vóc trong vấn đề thiết thân và sống còn với mình trên Biển Đông để thế giới cùng đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.

          Dám chơi và chơi ở cung bậc nào là bản lĩnh chính trị của mỗi quốc gia. Thử xem đảo quốc Singapore nơi người gốc Hoa chiếm tới 74.2% dân số mà họ thân thiết và chơi kỹ với Mỹ nhất trong khối ASEAN. Trung Quốc dẫu bọc vẻ mặt chính trị hờn giận Mỹ mà về kinh tế là nước lót thảm dày nhất cho tất cả các đại công ty Mỹ so với toàn khu vực châu Á.

          Việt Nam từng hấp dẫn thế giới bằng tinh thần bất khuất. Mệnh lệnh của dân tộc hôm nay là cần tự cứu và hấp dẫn thế giới bằng những cải cách thông minh sáng tạo. Hãy xem nhân loại đang trầm trồ thán phục và chiêm ngưỡng Miến Điện biết chừng nào!

          Nhiều lần hỏi chuyện các bạn bè quốc tế về chuyện hình ảnh Việt Nam trên thế giới, câu trả lời tôi nhận được là cần nhiều nhà hàng Việt sạch và ngon hơn nữa. So với món ăn các nước thì bếp núc Việt được dân nhiều nước đánh giá là không sang nhưng ngon, trong lành và bổ dưỡng hơn hẳn các món chiên xào nhiều mỡ nhiều đường của Tàu.

          Văn hóa nhiều khi hấp dẫn nhân loại cao hơn cả kinh tế. Tiếp xúc với người có nhân cách và văn hóa chắc chắn sẽ làm phần đông thấy dễ chịu hơn nhiều so với khi gặp một kẻ trọc phú. Làm cho Việt Nam ngày càng hấp dẫn không hẳn là trách nhiệm riêng của chính phủ, mà phải là trách nhiệm thường trực của mỗi người tự cho mình là người Việt. Thử xem có bao nhiêu phần trăm nhân loại đọc hay xem một tác phẩm nghệ thuật nào của Việt Nam trong suốt cuộc đời họ? Không có cả một vài sản phẩm tinh thần nhỏ nhoi để cùng kết nối tim với tim óc với óc thì sao họ có thể hiểu, yêu quí và ủng hộ Việt Nam? Tây Tạng ít dân, mà hầu như khi tôi đi đâu gặp ai họ cũng biết về văn hóa Tây Tạng, về đức Đạt Lai Lạt Ma; khi ông đến đâu phát biểu cũng không có dư một chỗ trống.

          Để chấm dứt nỗi buồn mang tên Việt Nam, cần tái nhận thức, tái cấu trúc, tái bố trí, tái tổ chức, tái định hướng một lần cho đúng và thành công. Không thể để cho ngày càng thêm tê tái!

PNC

___________

(1) Hồ Chí Minh

(2) Trần Quang Khải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét