Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2012

Tôi Có Một Giấc Mơ… Và Đã Thấy Vùng Đất Hứa

Nguồn danluan

Một lần nữa xin được gởi đến các em của tôi, thế hệ 7x-8x-9x, một đoạn ngắn tôi đã cóp từ trong cuốn sách Lãnh Đạo: Khoa Học & Nghệ Thuật của TS Hà Hưng Quốc (nguồn: tainanglanhdao.blogspot.com) để post lên diễn đàn này. Hy vọng là bài viết có thể mang đến cho các em một nguồn cảm hứng và hữu ích cho công cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc và kiến tạo dân chủ.

Iris Vinh Hayes.

Mark Luther King Jr. (1929-1968) là con trai trưởng của ông Mark Luther King Sr., một Mục Sư đồng thời là một nhà lãnh đạo đấu tranh cho dân quyền, và bà Alberta William King, con gái của một Mục Sư đồng thời là người sáng lập phân bộ Atlanta của NAACP (National Association for the Advance of Colored People).

Tiến Sĩ King ra đời tại Atlanta, bang Georgia của Hoa Kỳ, vào Đại Học Morehouse College lúc 15 tuổi, tốt nghiệp Cử Nhân Xã Hội Học năm 1948, bắt đầu theo đuổi chương trình thần học cùng năm đó, nhận bằng Cử Nhân Thần Học năm 1951, và cuối cùng nhận bằng Tiến Sĩ năm 1955 lúc được 26 tuổi.

Trong suốt đoạn đường bút nghiên này, ông nghiên cứu sở học của Reinhold Neibuhr và triết lý bất bạo động của Mohandas Karamchand Gandhi. Năm 1954 Tiến Sĩ King trở thành là Mục Sư (pastor) của Dexter Avenue Baptist Church tại Montgomery của tiểu bang Alabama.

Thông minh, tận tụy với sứ mạng và có sức lôi cuốn mạnh, Tiến Sĩ King có đủ chất liệu để trở thành một nhà lãnh đạo tầm cỡ. Rồi thời cơ đưa đến. Tháng 12 năm 1955, Rosa Lee Parks, một người phụ nữ da đen, bị chính quyền địa phương bắt giam vì từ chối đứng lên nhường ghế cho một người đàn ông da trắng trên một chuyến xe buýt. Cộng đồng người da đen chọn Tiến Sĩ King đứng ra tổ chức một cuộc biểu tình tẩy chay đòi chấm dứt tình trạng kỳ thị màu da trong hệ thống vận chuyển công cộng.

Dầu là đã có những toan tính và bạo hành nhằm cố gắng đè bẹp cuộc đấu tranh của người da đen, cuối cùng thì Tối Cao Pháp Viện của Hoa Kỳ vẫn ban hành lệnh cấm phân chia chỗ ngồi theo màu da trong hệ thống chuyển vận công cộng của thành phố.

Cuộc đấu tranh dài 381 ngày với phương cách bất bạo động dẫn đến chiến thắng vinh quang đã đưa tên tuổi của Tiến Sĩ King lên tới đỉnh. Cả nước đều biết đến ông. Và ngay sau đó ông được mời làm Chủ Tịch của tổ chức SCLC (Southern Christian Leadership Conference), một tổ chức mới được hình thành để đấu tranh đòi bình đẳng cho người da đen trên đất Mỹ.

Tháng 3 năm 1959 Tiến Sĩ King và vợ, Coretta Scott King, qua viếng thăm Ấn Độ. Trong suốt một tháng dài tại đây Tiến Sĩ King đã gặp Thủ Tướng đương nhiệm là Jawaharlal Nehru, nhà cải cách Vinoba Bhave và những nhân vật có nhiều ảnh hưởng để bàn về những vấn đề đói nghèo, chủng tộc và chính sách kinh tế.

Tiến Sĩ King rời Ấn Độ trở về Hoa Kỳ mang theo trong tim một niềm tin sâu dầy đối với sức mạnh của bất bạo động (ahimsa/ total non-violence) trong đấu tranh chính trị và xã hội bằng cách vận động công dân đông đảo tham gia kháng lệnh của nhà cầm quyền để chống lại chế độ độc tài (satyagraha/ resistance to tyranny through mass civil disobedience).

Ảnh hưởng của Mahatma Gandhi đối với đường lối đấu tranh của Tiến Sĩ King phản ảnh rất rõ trong lần nói chuyện của ông trên đài phát thanh trong năm 1959 với nguyên văn "The spirit of Gandhi is so much stronger today than some people believe."

Và dưới sự lãnh đạo của Tiến Sĩ King, thành viên của SCLC đã tuyên hứa sẽ tránh bạo động. Họ đã giữ đúng lời hứa trên con đường đấu tranh theo mục tiêu đã vạch dù rằng trên mỗi chặng đường đấu tranh họ đã đối diện với rất nhiều đe dọa, tù đày và bạo hành.

Nhưng nguyên tắc dùng thuần sức mạnh bất bạo động để thắp sáng lương tâm và công lý theo lời dạy của Chúa Jesus và theo triết thuyết của Gandhi mà Tiến Sĩ King đã áp dụng để dẫn dắt quần chúng đấu tranh đòi quyền bình đẳng không phải là không có những chống đối.

Vì vẫn chưa nhìn thấy những thay đổi rộng nền và hiệu quả, các nhà tranh đấu cho dân quyền của người da đen đã trở nên thiếu kiên nhẫn với phương cách ôn hòa. Trong khi SCLC chủ trương đòi sự thay đổi bằng con đường kiện tụng và hòa giải thì có những nhóm khác, thí dụ như nhóm Malcom-X, chủ trương đòi thay đổi bằng mọi phương tiện khả dĩ. Cụm từ "mọi phương tiện khả dĩ" bao hàm ý nghĩa sử dụng ngay cả bạo lực.

Sự khác biệt trong chủ trương gây ra rạn nứt giữa những cộng đồng da đen và đưa đến sự phân tán phần nào ảnh hưởng và hiệu quả của Tiến Sĩ King. Trong bối cảnh đầy chao đảo đó, sự chọn lựa của Tiến Sĩ King vẫn là "Cho tất cả những ai chống đối nỗ lực của SCLC, chúng tôi sẽ đáp lại khả năng gây đau khổ của các bạn bằng khả năng kham nhẫn… Chúng tôi không ghét bạn, nhưng chúng tôi không thể chiều theo luật lệ bất công… Chúng tôi sẽ đánh động con tim và lương tri của bạn và những điều này sẽ thắng bạn trong tiến trình."

Nhờ vào sự lãnh đạo của Tiến Sĩ King nên nói chung phương cách chính thức của phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng của công dân da đen Hoa Kỳ vẫn là phương cách KHÁNG LỆNH và BẤT BẠO ĐỘNG. Năm 1963 Tiến Sĩ King đã dẫn đầu quần chúng tuần hành trong một cuộc biểu tình khổng lồ tại Birmingham của tiểu bang Alabama và vận động cho những vấn đề người da đen quan tâm như là đăng ký bầu cử, phân cách màu da, cải thiện giáo dục và chung cư.

Sau cuộc biểu tình đó ông bị bắt giam, tháng 4 năm 1963. Đến tháng 8 cùng năm ông lại tham dự một cuộc biểu tình khác, the March on Washington for Job and Freedom. Trước tượng đài tưởng niệm cố Tổng Thống Abraham Lincohn Tiến Sĩ King đã để lại một giấc mơ tuyệt vời trong trái tim nhân loại với bài diễn văn "I Have a Dream."

Năm 1965 ông tham dự cuộc biểu tình đòi những quyền bầu cử, di hành từ Selma tới Montgomery. Tháng 7 năm 1966, sau khi James Meredith bị bắn trọng thương, Tiến Sĩ King cùng với Floyd McKissick và Stokely Carmichael tiếp tục cuộc biểu tình March Against Fear, di hành từ Memphis tới Jackson thuộc tiểu bang Mississippi.

Tháng 3 năm 1968 ông lãnh đạo công nhân vệ sinh biểu tình tẩy chay tại Memphis thuộc tiểu bang Tennessee. Cuộc biểu tình bất chợt nổ ra bạo động. Ngày 3 tháng 4, Tiến Sĩ King trở lại Memphis để tham dự một cuộc biểu tình khác cũng của công nhân vệ sinh. Trước đám đông tại Mason Temple Tiến Sĩ King đã để lại bài diễn văn cuối cùng trong cuộc đời ông, "I've Been to the Mountaintop and Seen the Promiseland."

Ngày hôm sau, ngày 4 tháng 4 năm 1968, vừa bước ra đứng ở ban công của phòng 306 của nhà ngủ Lorraine một viên đạn bắn từ xa của một tên tội phạm da trắng đậm máu kỳ thị, James Earl Ray, đã kết liễu tính mạng của Tiến Sĩ King.

Cái chết đến với ông đột ngột nhưng có lẽ không gây kinh ngạc. Vì vào những năm sau cùng, ngoài hoạt động đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho người da màu, ông còn tham gia vào những hoạt động chống chiến tranh Việt Nam. Và Tiến Sĩ King là một người lãnh đạo nặng ký cho nên có người muốn giết ông là điều không kinh ngạc.

Cuối cùng thì sự chọn lựa của Mark Luther King Jr. cũng đã phải trả giá bằng chính sinh mệnh của mình. Sự chọn lựa để "có một giấc mơ." Sự chọn lựa để "lên đến đỉnh đồi và thấy miền đất hứa."Sự chọn lựa đưa vai gánh vác sứ mạng lãnh đạo công cuộc đấu tranh cho quyền sống bình đẳng của con người. Sự chọn lựa đứng lên thắp sáng tình thương, công lý và hòa bình. Và, sự chọn lựa của ông chạm đến trái tim nhân loại.

Đám tang của Tiến Sĩ King có hơn 100 ngàn người tham dự. Có 730 thành phố trên nước Mỹ, tính vào năm 2006, và một số quốc gia trên thế giới đặt tên đường Mark Luther King Jr. để vinh danh ông. Tổ quốc dành một ngày trọng lễ để vinh danh ông. Nhà thờ tôn xưng ông là tướng lãnh và là thánh tử đạo của "thập tự đạo đức chinh vĩ đại nhất" trên mặt trận chống kỳ thị trong đất nước Hoa Kỳ. Thế giới coi ông là bậc thầy của nhân quyền.

Trong suốt 39 năm ngắn ngủi của một đời người, Mark Luther King Jr. đã tỏa sáng hào quang trong mỗi bối cảnh vận hành, đã thực sự biết vận dụng bản thân, đã thực sự là một thực thể thích hợp để lãnh đạo.

Ông cũng là một thực thể thích hợp để sinh tồn. Ông là thực thể thích hợp để sinh tồn vì tiếng nói cũng như cái chết của ông vượt xa không gian, bất tử với thời gian, xoắn vào trái tim của bá tánh, thắp sáng lương tâm của nhân loại. Ông là thực thể thích hợp để sinh tồn vì khát vọng nơi ông chính là lương tâm của nhân loại, là nỗ lực vươn lên của nhân loại, là khuôn mặt nhân bản của nhân loại. Ông là một thực thể thích hợp để sinh tồn vì chính ông là một bồ tát nhập thế hành đạo, một sứ giả của Thiên Chúa gởi xuống thế gian để thực hiện đoạn cuối của cuộc cách mạng giải phóng người dân da đen trên đất Mỹ mở ra từ 100 năm về trước.

(Trích: trang 79-83).

… Mark Luther King Jr. trước khi bước lên vũ đài lãnh đạo đã miệt mài kinh sử không ít. Nhưng ông không dừng lại ở đó. Ông không những vun bồi kho tàng bản thân một cách tổng quát mà ông còn đặc biệt đào luyện cho mình một bản lãnh để lãnh đạo sau này bằng cách tìm kiếm những học thuyết và phương cách đấu tranh cải tổ xã hội.

Trước khi trở thành người lãnh đạo của phong trào dân quyền, tiến sĩ King đã ngồi trong những khoá hội thảo ngắn hạn do nhà thờ tổ chức trong năm 1948 và tại nơi đó ông đã tập trung vào việc tìm kiếm giải pháp để "chữa bệnh" cho xã hội.

Ông đi tới kết luận rằng tình thương đúng là một sức mạnh hữu hiệu để hóa giải sự xung đột giữa cá nhân với cá nhân, nhưng không đủ để giải quyết những vấn nạn xã hội. Ông cũng tin rằng giáo thuyết "đưa má còn lại cho người ta tát tiếp" hoặc "hãy thương yêu kẻ thù" cũng chỉ có giá trị giữa hai cá nhân chứ không thể áp dụng giữa những nhóm cực đoan hoặc giữa những quốc gia cực đoan.

Cũng trong thời gian này ông có cơ hội tìm hiểu về Gandhi cũng như giáo thuyết của Gandhi. Tiến sĩ King bị cuốn hút bởi khái niệm satyagraha (mãnh lực của tình thương). Và ông cũng khám phá ra là giáo lý yêu thương của Thiên Chúa phối hợp với phương pháp bất bạo động của Gandhi là một vũ khí có nhiều hứa hẹn nhất và luôn luôn có sẵn trong tay của những người bị áp bức đang đấu tranh đòi tự do.

Tuy nhiên, tiến sĩ King vẫn còn hoài nghi về hiệu quả của vũ khi này trong xã hội Hoa Kỳ. Về sau, khi cơ hội lãnh đạo phong trào đòi dân quyền mở ra cho ông, tiến sĩ King đã có dịp áp dụng những gì mình khám phá. Ông trở nên tin tưởng hơn vào học thuyết, cảm nhận sâu sắc hơn về sức mạnh của nó và nhuần nhuyễn hơn trong áp dụng. Nhờ vào nó ông trở thành một người lãnh đạo lớn của đất nước Hoa Kỳ.

(Trích: trang 129-130).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét