Một màn kịch vụng về từ nhà cầm quyền dựng lên, nhưng đã có một cách giải quyết khá có hậu.
Để có điều này chính nhờ sự hiệp thông mạnh mẽ đồng sức, đồng lòng của giáo dân khắp nơi cũng như từ thái độ kiên quyết của ĐGM Phaolo Nguyễn Thái Hợp, TGM Nguyễn Văn Nhơn.
Điều chính yếu là từ quy luật: Chính nghĩa sẽ thắng gian tà.
Việc bắt giữ Ls Lê Quốc Quân và Bs Phạm Hồng Sơn khi đứng trên vỉa hè trước phiên tòa xử án Ts luật Cù Huy Hà Vũ được thực hiện cùng với việc bắt hàng loạt người dân khác bằng những biện pháp bạo lực lên xe bus đưa đến vùng xa xôi đổ xuống.
Nhưng, Ls Lê Quốc Quân và Bs Phạm Hồng Sơn đã được ưu tiên đưa ngay về Công an Quận Hoàn Kiếm, đồng thời một lệnh khám nhà ngay lập tức được thực hiện trong đêm.
Những người khác lần lượt được thả ra giữa đêm khuya sau khi công an đã vi phạm pháp luật trong việc bắt giữ họ bằng biện pháp đánh đập thô bạo, thu giữ, cướp tài sản công khai. Ngoài ra, khi bị bắt vào đồn công an, còn bắt họ lăn tay, chụp hình ảnh… những công đoạn chỉ được làm sau khi khởi tố vụ án.
Riêng việc giam giữ Ls Quân và Bs Sơn, khám nhà, chuyển lên trại tạm giam Hà Nội… đã cho thấy một kế hoạch khá tỉ mỉ nhưng vụng về chẳng khác gì vụ án "Hai bao cao su đã qua sử dụng".
Ngay lập tức Nữ Vương Công Lý và dư luận đã vạch rõ thủ đoạn đê hèn này. Nhưng vở kịch bất chấp lẽ phải và dư luận này vẫn được dùng như đã dùng trong những biện pháp tương tự để bắt bớ những người chỉ theo lòng dân, đi ngược ý đảng.
Tưởng rằng, vụ việc bắt giữ này cũng như bao vụ việc khác trước đây như khi bắt Trần Khải Thanh Thủy, Cù Huy Hà Vũ… nhà cầm quyền mặc sức thi thố nhũng ngón đòn của bạo lực và súng đạn, nhà tù nhằm trấn áp nhân dân bằng nỗi sợ hãi để họ lặng im.
Nhưng, họ đã lầm.
Nguyên nhân sâu xa của vở kịch này được đem ra sử dụng là từ việc Bộ Chính trị ra lệnh phải dẹp yên được những mối lo trước khi bầu cử, nhằm đảm bảo cho vở kịch "bầu cử" được diễn đúng chương trình, các nhân vật xuất hiện như thật.
Đặc biệt, việc gia tăng bắt bớ và trấn áp nhằm tạo một sự cố dọa nạt, chấm dứt cảm hứng nhân dân vốn có âm hưởng từ những cuộc cách mạng hoa nhài, cách mạng internet từ Bắc Phi thời gian qua.
Nhưng, khi biết kế hoạch này liên quan đến giáo dân Ban Tôn giáo chính phủ đã khuyến cáo: Hết sức cẩn thận, nhiều khi gậy ông lại đập lưng ông.
Vì thế, một nhiệm vụ đặt ra cho Bộ Công an: Nếu xử lý được việc tập trung cầu nguyện của giáo dân, dập tắt sự hiệp thông trong giáo hội bằng bất cứ cách nào, thì tiến hành bắt bớ và trấn áp thẳng tay. Chỉ trừ trường hợp không thể có biện pháp hữu hiệu, không thể xử lý được, thì mới tạm thời dừng lại chờ thời cơ.
Với cơ quan công an, việc dập tắt sự hiệp thông, cầu nguyện không gì đơn giản bằng dùng bàn tay của chính các Đức Giám mục. Đặc biệt việc này như mũi tên trúng hai đích: Nắm chặt các Giám mục đồng thời khoét sâu mâu thuẫn trong nội bộ Giáo hội, tạo sự mất đoàn kết và tin tưởng giữa chủ chăn và giáo dân.
Và việc bắt giữ được thực hiện ngay trước phiên tòa bằng một cái cớ hết sức thiếu thuyết phục.
Ngay sau khi việc bắt bớ được thực hiện, một thái độ kiên quyết, không chấp nhận bạo quyền, không chấp nhận những hành vi vi phạm pháp luật ngang nhiên trong cái gọi là "Nhà nước pháp quyền" này đã được thể hiện rất rõ ràng.
Cộng đoàn tín hữu Công giáo lập tức lên tiếng.
Nhiều Thánh lễ lập tức được cử hành cầu bình yên cho Ls Lê Quốc Quân cùng với Bs Phạm Hồng Sơn cũng như Ts Cù Huy Hà Vũ. Nhiều cuộc cầu nguyện, thắp nến với hàng ngàn người được tổ chức rộng khắp, từ GP Vinh quê hương đến các GP khác như Thái Bình, Hà Nội đã tự phát diễn ra.
Những cuộc thắp nến, cầu nguyện với lòng sốt sắng và tập trung đông đảo giáo dân đã thể hiện tinh thần hiệp nhất trong Giáo hội, điều mà nhà cầm quyền đã ra sức tìm cách chia rẽ và phá bỏ. Nhưng, họ đã thất bại trước tình yêu thương, hợp nhất của các tín hữu Kito.
Trong các Thánh lễ, thực chất của việc bắt bớ, bạo lực đối với Ls Lê Quốc Quân, Bs Phạm Hồng Sơn và tính chất vô pháp luật trong phiên tòa dối trá xử Ts Cù Huy Hà Vũ đã được thông tin đầy đủ.
Những điều này, vốn là những vấn đề nhà cầm quyền Việt Nam sợ hãi và coi như húy kị vì để lộ rõ sự dối trá, vốn là một phương thuốc bí truyền duy trì chế độ độc tài.
Nhưng, như Nữ Vương Công Lý đã có nhận định ngay sau khi Ls Lê Quốc Quân bị bắt, đây là một phép thử của nhà cầm quyền Hà Nội đối với sự hiệp nhất, thông công trong Giáo hội Công giáo Việt Nam sau khi có những đổi thay vốn đã làm lòng dân không yên, thậm chí nổi giận. Nhà cầm quyền cho rằng, đây là cơ hội bằng vàng để khoét sâu thêm mâu thuẫn trong lòng Giáo hội, giữa chủ chăn và giáo dân nhằm làm giảm sức mạnh của khối giáo dân nổi tiếng đoàn kết.
Chính vì thế, đã có những suy nghĩ từ phía giáo dân và linh mục về sự kiện này cũng như sự xem xét để có những hành động nào là cần thiết phù hợp.
Điều mà nhiều người trông chờ, hi vọng và tính đến, đó là thái độ từ những chức sắc trong Giáo hội Công giáo. Đây là một vấn đề được giáo dân, linh mục suy nghĩ nhiều nhất và là một áp lực nặng nề lên ĐGM Phaolo Nguyễn Thái Hợp cũng như HĐGMVN.
Nếu như, Ls Lê Quốc Quân chỉ là một giáo dân, một người hi sinh, cống hiến cho Giáo hội, thì sự hiệp thông, cầu nguyện sẽ đơn giản hơn rất nhiều.
Và như một linh mục cho biết, nếu Ls Lê Quốc Quân chỉ là một giáo dân không có trong Ban Công lý – Hòa bình của Giáo phận Vinh, thì phong trào cầu nguyện đã không chỉ mở đầu như thế mà đã là cuộc ra quân đồng loạt, rầm rộ khắp nơi với quy mô rộng rãi hơn nhiều.
Việc cầu nguyện hiệp thông trong Giáo hội là một sứ vụ hết sức cần thiết mà không nhất thiết phải có sự kêu gọi hoặc thông báo từ các Đức GM, song trong trường hợp này, khá đặc biệt, Ls Lê Quốc Quân đã được chọn vào làm một thành viên của Ủy Ban Công Lý – Hòa Bình của giáo phận. Vì thế, việc trông chờ phản ứng của ĐGM Phaolo Nguyễn Thái Hợp và HĐGMVN là điều cần tính đến.
Không chỉ các linh mục, giáo dân mà chính nhà cầm quyền đã tính đến chuyện này trước và sau khi bắt giữ Ls Lê Quốc Quân.
Một mặt, họ cho cán bộ an ninh, công an từ Bộ Công an đến các Tòa Giám mục trấn an, dụ dỗ, dọa nạt và ra thông điệp: "Hãy ra lệnh cho giáo dân bình tĩnh" nhằm kéo dài thời gian và làm giảm cơn giận dữ của dân chúng. Nhà nước đã cho công an vào tận Tòa Giám mục Xã Đoài gặp gỡ ĐGM, nội dung tiếp xúc đương nhiên được bí mật, song nhiều người cho rằng đó sẽ là những cuộc mặc cả, hứa hẹn nhằm đưa ngài vào tròng.
ĐGM Phaolo Nguyễn Thái Hợp đứng trước sức ép của nhiều phía mà áp lực nào cũng nặng nề. Phía nhà nước muốn ngài kêu gọi giáo dân "bình tĩnh" để dẹp những buổi cầu nguyện tập trung đông người. Phía giáo dân, linh mục đang trong cơn phẫn nộ và đặt ra một nhu cầu hiệp thông rộng lớn. Nhưng, nếu phong trào cầu nguyện được khởi động rộng khắp, ai có thể kiểm soát được tình hình và đảm bảo không có những sự cố khác xảy ra khi lòng dân đã chứa đầy uất hận?
Một số nơi đã thể hiện tinh thần hiệp thông cầu nguyện rất sôi nổi và mạnh mẽ. Có thông tin cho rằng khi các sinh viên Thành phố Vinh đến báo cáo ĐGM về việc tổ chức cầu nguyện, ngài đã động viên và khuyến khích việc này.
Mặt khác, ngài đã tìm cách tháo ngòi nổ của việc bắt giữ bằng lập trường khá kiên quyết.
Một ngày trước khi lệnh tạm giữ và gia hạn tạm giữ kết thúc, ngài đã thân chinh ra Tòa Tổng Giám mục Hà Nội. Tại đây, ngài đã động viên gia đình Ls Lê Quốc Quân cũng như tìm cách xử lý êm đẹp vụ việc.
Như Nữ Vương Công Lý đã loan tải, ngày 13/4/2011, Bộ Công an Có cuộc họp kéo dài hết buổi sáng và sang buổi chiều, đến 16 giờ vẫn không có được quyết định cụ thể.
Những phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng giáo dân khắp nơi đã được báo cáo từ các nguồn tin công an cung cấp lên. Những Tuyên cáo mạnh mẽ, dứt khoát, kêu gọi và phát động một phong trào cầu nguyện cho Sự thật – Công lý trong toàn quốc của Cộng đoàn Doanh nhân – Trí thức công giáo, của Cộng đoàn Vinh tại Hà Nội không còn là sự xa xôi mà là một hiện thực sẽ xảy đến rất gần.
Phía nhà nước, đã phải tính đến những phản ứng của giáo dân và đặc biệt là phong trào cầu nguyện được chú ý đã bắt đầu kéo theo các dân oan, các thành phần các trong xã hội tìm đến mong có được sự ủi an và chia sẻ trong tình yêu thương.
Ngày 13/4, một đoàn của Bộ Công an đến Tòa TGM Hà Nội gặp TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn có mặt ĐGM Phaolo Nguyễn Thái Hợp với yêu cầu Giáo hội phải kiểm soát, dẹp bỏ các cuộc cầu nguyện của giáo dân đang có nguy cơ lan rộng, đặc biệt trong mùa Chay và tuần Phục sinh sắp tới và nhất là trước cuộc "bầu cử Quốc hội".
Đức GM Phaolo Nguyễn Thái Hợp đã ra yêu cầu kiên quyết: Nhà nước phải thả người, chấm dứt bắt giữ. Nếu điều này không được thực hiện, thì ngay cả chúng tôi cũng không thể kiểm soát hoặc ngăn chặn việc cầu nguyện của giáo dân, đúng Giáo lý, Giáo luật và Pháp luật. Ngài cũng khẳng định chẳng ai có quyền ngăn cấm giáo dân Cầu nguyện.
Trước thái độ cứng rắn, dứt khoát của ĐGM, đoàn cán bộ của Bộ Công an đã ra về.
Và ngay tối qua (13/4), lúc 20 giờ, lệnh đình chỉ tạm giữ, trả tự do được đưa vào Trại tạm giam số 1 Hà Nội để thả Ls Lê Quốc Quân và Bs Phạm Hồng Sơn. Một đoàn giáo dân đã chờ sẵn đề đón những người anh em của mình ra về với cộng đoàn.
Một màn kịch vụng về từ nhà cầm quyền dựng lên, nhưng đã có một cách giải quyết khá có hậu.
Để có điều này chính nhờ sự hiệp thông mạnh mẽ đồng sức, đồng lòng của giáo dân khắp nơi cũng như từ thái độ kiên quyết của ĐGM Phaolo Nguyễn Thái Hợp, TGM Nguyễn Văn Nhơn.
Điều chính yếu là từ quy luật: Chính nghĩa sẽ thắng gian tà.
14/4/2011
Song Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét