Thứ Tư, 20 tháng 4, 2011

Những điều vừa cấm kị vừa khó nói (của LS Trần Lâm, người chuẩn bị bào chữa phúc thẩm cho nhà yêu nước Vi Đức Hồi)

Post lại từ danlambao
 

Tễu (bạn đọc Danlambao)

Kính thưa luật sư Trần Lâm!

Tôi đã hân hạnh được đọc trên mạng một số bài viết, cũng như được nghe trả lời phỏng vấn của luật sư. Luật sư cũng chính là người đã bào chữa cho ông Vi Đức Hồi tại phiên sơ thẩm tại tòa án tỉnh Lạng Sơn. Tôi vô cùng kính trọng luật sư.

Tuy không phải là một người am hiểu nhiều về luật, nhưng là người yêu công lý và sự thật, lại cũng đã hân hạnh được đọc hồi ký "ĐỐI MẶT" của ông Vi Đức Hồi, tôi hoàn toàn cảm nhận được sự thật và logic trong các luận cứ mà luật sư đưa ra. 

Tuy nhiên, như trong bài viết, luật sư đã nêu là "có điều vừa cấm kị vừa khó nói", xin trích: [

"Có điều vừa cấm kị vừa khó nói, tôi xin mạnh dạn trình bày:

- Thế giới hòa nhập, phải có luật lệ thế là bao nhiêu công ước, quy chế…ra đời. Có các quy chế  về dân chủ, nhân quyền… Trong xu thế hòa nhập ấy, Việt Nam phải phê chuẩn, cam kết thực hiện .Nhưng các quy chế ấy  lại thuộc thể chế dân chủ,đa nguyên, trái với thể chế Việt Nam .Thực hiện cũng không được, gạt bỏ cũng không xong, mội thế "tùy cơ ứng biến".

" ] hết trích.

nên xin cho phép kẻ thường dân là Tễu, góp vào một chút thiển ý về điều "khó nói" này. 

Vâng, trong thời đại thế giới hòa nhập, nhà nước Việt Nam cũng đã(không biết là háo hức hay miễn cưỡng bởi xu thế?) ra nhập tổ chức WTO, đã phê chuẩn các quy chế  về dân chủ, nhân quyền. Nhà nước Việt Nam cần hiểu, đã hòa mình vào xu thế ấy thì phải chấp nhận luật chơi.

Nó là một đại lộ giao thông lưu hành xe theo một chiều, kẻ tự ý hành vi giao thông theo chiều ngược lại sẽ bị trừng phạt. Sự trừng phạt từ các nước khác sẽ không giống như cách "làm luật" phổ biến của cảnh sát giao thông Việt Nam. Nhà cầm quyền Việt Nam lẽ nào lại chưa biết đến bài phát biểu mới đây (07/03/2011) của bà Bộ trưởng Bộ Hợp tác Phát triển Quốc tế của Thụy Điển tại Trường Kinh tế London? Đó không hẳn chỉ là quan điểm riêng của Nhà nước Thụy Điển, một Nhà nước đã từng "một mình đi ngược lại chính sách phong tỏa, cấm vận của cả khối tư bản để thiết lập quan hệ và trợ giúp cho Việt nam Dân chủ Cộng hòa – một quốc gia tận tụy trong khối cộng sản." , mà còn là "Chính sách Đồng thuận của Liên hiệp Châu Âu về Phát triển" đấy!

Xin trích lời bà Bộ trưởng: 

[    "Khi người dân sống trong nghèo đói mà lại bị từ chối quyền lên tiếng một cách tự do, bị tước bỏ quyền gây ảnh hưởng hay quyền thay đổi điều kiện sống của mình hoặc không được quyết định đối với các vấn đề của cộng đồng, và đất nước mình, đó chính là dấu hiệu của nghèo đói. Vì vậy, có nhiều tự do hơn và dân chủ hơn, đó chính là sự giảm nghèo. Đối với chúng tôi, điều đó có nghĩa rằng chống đói nghèo buộc phải tiến hành đồng thời hai vấn đề: đưa đến các nguồn lực vật chất và mang lại các giá trị nhân phẩm, tinh thần cho người dân.

    Cách hiểu đa phương diện về đói nghèo này đã được toàn thể Liên hiệp Châu Âu chia sẻ và được ghi rõ trong Chính sách Đồng thuận của Liên hiệp Châu Âu về Phát triển từ năm 2005. Nhưng điều quan trọng nhất là cần phải đảm bảo chắc chắn cho chính sách đó cũng được thể hiện rõ trong các chính sách trợ giúp phát triển của Liên hiệp Châu Âu, hiện nay cũng như tương lai."

] hết trích.

*****

(bạn đọc quan tâm có thể đọc bài nói của bà Bộ trưởng tại:http://www.danchimviet.info/archives/32427 - bài do bác sĩ Phạm Hồng Sơn dịch)

*****

Rõ ràng quan điểm của thế giới về sự phát triển và sự nghèo đói đã thêm sắc thái/giá trị mới, ngày càng hoàn thiện, chặt chẽ và nhân bản. Thế giới định nghĩa nghèo đói không chỉ là thiếu ăn thiếu mặc.. mà còn là thiếu dân chủ, nhân quyền, thiếu tự do ngôn luận. Sự nghèo đói còn là sự bị tước bỏ quyền gây ảnh hưởng hay quyền thay đổi điều kiện sống của bản thân mình, hoặc không được quyết định đối với các vấn đề của cộng đồng, và đất nước mình! 

Như vậy, Nhà nước Việt Nam cần phải hiểu cái thời "tùy cơ ứng biến" đã khép lại rồi. Bây giờ không không thể nào "Thực hiện cũng không được, gạt bỏ cũng không xong" , mà phải là: "Không thực hiện là không được, gạt bỏ chắc chắn là không xong!" rồi.

Quan điểm mới này của thế giới rõ ràng là sự hội tụ của trí tuệ và lương tri thời đại. Lẽ nào đảng CSVN, một "Đỉnh Cao Trí Tuệ", là "Lương Tri Thời Đại", là "người tổ chức mọi thắng lợi của CM Việt Nam", và cũng là người đang theo đuổi "Công Cuộc Xóa Đói, Giảm Nghèo", lại tiếp tục "tùy cơ ứng biến"? Quyết định đóng cửa Đại sứ quán tại Hà Nội của Nhà nước Thụy Điển có phải vì Nhà nước này đã "cạn dự trữ ngoại tệ" hay chăng?

Không!

Nước Thụy Điển nhỏ bé lại một lần nữa dũng cảm đi đầu!

Cũng theo lời của chính luật sư trước đây, tại phiên tòa ở Lạng Sơn, sau khi nghe tuyên án, ông Hồi tỏ ra "rất bình thản, chịu đựng" và đã quyết định sẽ kháng án.

Trong phiên tòa xử lại tới đây, luật sư sẽ đề nghị tòa "Tha miễn trách nhiệm hình sự", vì  "Nhân thân đáng được chiếu cố, hành vi chưa đủ những yếu tố cấu thành tội phạm, thái độ ôn hòa, có nhiều dấu hiệu của khiêm nhường và thức thời".

Vâng, thưa luật sư, nếu ai đã đọc "ĐỐI MẶT" của ông Vi Đức Hồi đều dễ nhận ra một con người ôn hòa, có nhiều dấu hiệu của khiêm nhường và thức thời. Người đọc  còn nhìn thấy ở ông một tấm lòng nặng tình với Tổ quốc, nói chung, và Quê hương Lạng Sơn nói riêng. Ông rất bình thản và chịu đựng. 

Ông chịu đựng vì Vi Đức Hồi là một đứa con của Tổ quốc. 

Ông bình thản vì Vi Đức Hồi đã cảm nhận rõ xu thế tất yếu và lương tri của thời đại! 

Ông thức thời bởi chính ông là một Chiến Sĩ Chống Đói Nghèo đúng nghĩa nhất! 

"Như tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ thành Thăng Long, như tiến sĩ Nguyễn Xuân Tụ - Hà Sĩ Phu thành Đà Lạt, như bà Bộ trưởng Gunilla Carlsson người Thụy Điển.

Những nhân vật huyền thoại này đã làm mọi thứ để được ĐỐI MẶT với số phận, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này"!

Nhà nước Việt Nam hãy cẩn thận, đừng cố biến vợ con ông thành một nàng Tô Thị bồng con ngóng chồng nữa trên đỉnh núi Mẫu Sơn!

Nhân dân cả nước ngưỡng mộ nàng!

Kính chúc luật sư Trần Lâm mạnh khỏe!

Kính chúc Người Chiến Sĩ Chống Đói Nghèo Vi Đức Hồi và gia đình ông mạnh khỏe!

*****

Hà Nội, 02:11 AM 20-04-11

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét