Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

RFA : VN đối mặt nhiều thách thức

Post lại từ RFA
 
2011-04-21

Đầu tháng này, hãng thông tấn Reuters trích dẫn lời các chuyên gia cảnh báo về những nguy cơ chủ chốt đáng ngại trong nước giữa lúc VN ngày càng gặp nhiều thách thức lớn trong các lãnh vực kinh tế, xã hội, chính trị.

AFP photo

Giá cả tăng cao làm người dân càng thêm lo lắng. Ảnh minh họa

Thách thức về kinh tế 

Trước hết về mặt kinh tế, theo các chuyên gia thì những nhà hoạch định chính sách của VN quá chú trọng tới nỗ lực tăng trưởng kinh tế ở mức 6,8% hồi năm ngoái khiến ảnh hưởng tới sự ổn định kinh tế trong nước, góp phần gây nên nạn lạm phát leo thang, tiền tệ VN trên đà mất giá đáng ngại.

Tình hình khá ảm đạm khiến các công ty đánh giá tín dụng, tài chính, ngân hàng hàng đầu hàng đầu thế giới, từ Fitch, Moody's cho tới Standard &Poor's, đều đồng loạt hạ điểm tín dụng của VN trong năm qua, lưu ý về nguy cơ đến với nền kinh tế VN, cùng nhiều khó khăn khác. 

Chẳng hạn như giới điều hành công ty Moody's nhấn mạnh rằng tình trạng thiếu minh bạch của nhà nước VN về chính sách kinh tế - tài chính là một trong những nguy cơ cho nền kinh tế VN. Và các chuyên gia này cũng không quên cảnh báo về nguy cơ thâm hụt cán cân thanh toán của VN ngày càng trầm trọng, cùng sự khan hiếm đáng ngại về nguồn ngoại tệ dự trữ.

Sau khi phân tích nguyên nhân từ tâm lý đến chính sách của vụ khủng hoảng hiện tại, ta mới nhìn vào sự non yếu của cơ chế kinh tế, cũng xuất phát từ chính sách.

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa

Các phân tích gia lưu ý rằng phương cách hoạch định chính sách kinh tế không thích hợp của VN là yếu tố quan ngại chủ chốt đối với các nhà kinh tế và giới đầu tư. Nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa nhận xét:

"Sau khi phân tích nguyên nhân từ tâm lý đến chính sách của vụ khủng hoảng hiện tại, ta mới nhìn vào sự non yếu của cơ chế kinh tế, cũng xuất phát từ chính sách."

Từ Matxcơva, một người am tường, theo dõi sát hiện tình đất nước và luôn âu lo cho vận nước là nhà báo Nguyễn Minh Cần, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội, nhận xét như sau:

"Tình hình bây giờ dẫn tới việc đồng VN bị mất giá – mất giá ngày càng thậm tệ. Đời sống của nhân dân khốn khổ ở chỗ là giá hàng hoá tăng lên một cách không kìm hãm được."

Theo ông Nguyễn Minh Cần, vấn đề là ngay từ đầu, khi VN chuyển sang kinh tế thị trường nhưng lại "định hướng xã hội chủ nghĩa", thì đó là cái sai cơ bản. Cái sai từ gốc như vậy phát sinh nhiều hậu quả về kinh tế cho VN, mặc dù mức tăng trưởng kinh tế của VN có khả quan. Nhà báo Nguyễn Minh Cần phân tích:

"Khó khăn bắt nguồn từ đường lối của VN không rõ ràng, nhập nhằng kiểu nước đôi như vậy, vẫn giữ "cái đuôi" XHCN. Vì "cái đuôi" đó cho nên Hà Nội tập trung chú ý tới khu vực quốc doanh, đem vốn liếng đổ vào đấy nhưng không có hiệu quả. Tình trạng tham nhũng lan tràn cũng phát sinh từ đó mà cao điểm là vấn đề Vinashin. 

Rồi tình trạng không quản lý rõ ràng, trách nhiệm không rõ ràng. Trách nhiệm ở đây phải nói là ở ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhưng vẫn không rõ ràng. Bây giờ vừa vụ Vinashin rồi lại có một vụ khác cũng nghiêm trọng tương tự như vụ Vinashin. Do đó người ta thấy những khuyết điểm cứ lặp đi lặp lại như thế. 

Hiện nay các nhà lãnh đạo VN rất lúng túng vì lỗi cơ bản, sai lầm cơ bản mà họ không muốn sửa. Vì sửa những sai lầm đó thì họ sợ mất XHCN, mất đảng CS."
Theo các phân tích gia thì giới lãnh đạo VN phải thực hiện những cải cách chủ chốt và thiết yếu mới có thể tiếp tục thu hút giới đầu tư nước ngoài về lâu dài, mới có thể cải thiện nền kinh tế VN. Tình trạng quan liêu, thư lại tiếp diễn là một trở ngại lớn nhất, ảnh hưởng đến các dự án và hoạt động doanh thương. Các chuyên gia cũng không quên lưu ý đến vấn đề Tập đoàn gần phá sản Vinashin – như nhà báo Nguyễn Minh Cần vừa đề cập – chứng tỏ VN lại càng phải nhanh chóng cải tổ khu vực quốc doanh, mở đường cho khu vực tư doanh phát triển.

Về chính trị và xã hội

Trong khi đó, liên quan mặt xã hội, tệ nạn tham nhũng hiện là một trở ngại lớn đối với giới đầu tư nước ngoài và dĩ nhiên đối với người dân trong nước vốn là nạn nhân trực tiếp. 

000_Hkg4794220-200.jpg
Một người nhập cư nằm nghỉ bên cạnh một poster công bố dự án phát triển ở trung tâm TP HCM hôm 12/4/2011. AFP photo
Mặc dù giới cầm quyền VN thường xuyên hô hào về quyết tâm chống tham nhũng, thậm chí khuyến khích giới truyền thông lẫn dân chúng theo dõi, phanh phui quốc nạn này, nhưng trên thực tế những ai làm như vậy nhanh chóng rước họa vào thân. Chuyện 2 ký giả ra sức phanh phui vụ tham nhũng nghiêm trọng PMU18 hồi năm 2008 phải lâm cảnh lao lý là 1 thí dụ hãy còn đậm nét.

Bản phúc trình về chỉ số tham nhũng năm 2010 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế dành cho VN cho thấy tệ nạn tham nhũng ở VN tiếp diễn đáng ngại.

Tình trạng giới công nhân bị chèn ép, dân oan lâm cảnh khốn cùng vì nạn cưỡng chiếm đất đai, đền bù chiếu lệ… góp phần gây bất ổn trong một xã hội mà những người có tâm huyết với vận nước ngày càng báo động về tình trạng đạo đức suy đồi.

Liên quan lãnh vực nhân quyền, dân chủ, hồi cuối tháng rồi, tổ chức nhân quyền Human rights Watch cáo giác chính phủ VN gia tăng đàn áp tôn giáo khiến nhiều người bị tù tội vì bị gán tội danh vi phạm an ninh quốc gia. Và Human Rights Watch đề nghị Hoa Kỳ đưa VN trở lại danh sách những nước cần quan tâm đặc biệt vì đàn áp tôn giáo.

Bản phúc trình trong tháng này của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng cho thấy một bức tranh nhân quyền khá ảm đạm của VN, đề cập tới việc giới cầm quyền gia tăng đàn áp những nhà dân chủ; giam giữ, kết án tù dài hạn nhiều nhà bất đồng chính kiến, giữa lúc công an ngày càng tùy tiện ngược đãi nghi can trong những điều kiện khắc nghiệt. 

Nhiều người bị giam giữ độc đoán, kéo dài vì hoạt động chính trị và không được xét xử công bằng trong một hệ thống tư pháp kém hiệu năng, bị ảnh hưởng đáng kể vì các yếu tố chính trị, tham nhũng. 

Về tình hình này, nhà báo Nguyễn Minh Cần nhận xét:

"Điều cần phải nói là ở đây người dân sợ chính quyền mà chính quyền cũng sợ nhân dân. Nhất là sau cuộc bùng nổ ở Bắc Phi, Trung Đông thì chính quyền VN bây giờ lại sợ dân vô cùng. Cho nên họ thẳng tay đàn áp, đàn áp kịch liệt. Thậm chí chẳng có luật pháp nào kỳ lạ như trong những vụ bắt người như BS Phạm Hồng Sơn, LS Lê Quốc Quân vừa rồi. Đó là hành động rất dở. Cũng như việc giới cầm quyền bắt và bỏ tù TS Cù Huy Hà Vũ là tình trạng cho người ta thấy rằng nhà cầm quyền đi tới con đường hành động bậy bạ. Chưa bao giờ tôi thấy tình trạng công an lộng quyền như hiện nay." 

Nguyên nhân vì sao

Như vậy, câu hỏi được nêu lên là sao lại xảy ra tình trạng này ? Nhà dân chủ Nguyễn Khắc Toàn từ Hà Nội nhận xét:

000_Hkg4764737-250.jpg
Công an ngăn cản người dân đến phiên tòa xử TS Cù Huy Hà Vũ tại HN hôm 04/4/2011. AFP photo
"Sở dĩ người dân trong nước chịu đựng như vậy, khi công an tùy tiện hành xử bạo lực, nặng tay với người dân, gây những cái chết rất đau thương, tức tưởi cho dân chính là vì thể chế chính trị trong nước hiện vẫn là thể chế độc tài toàn trị. Công an là công cụ riêng của đảng. 

Họ được dung dưỡng, dung túng và thậm chí được nhiều ân sủng của nhà nước. Bộ máy công an trong nước không những là công cụ riêng bảo vệ chế độ mà họ còn tuỳ tiện sử dụng những gì mà bộ máy công quyền trao cho. Rồi khi họ phạm tội, không có những biện pháp chế tài trừng phạt nghiêm khắc. Vì thế con số nạn nhân một ngày một gia tăng."

Nhà báo Nguyễn Minh Cần phân tích về căn nguyên của rắc rối đó như sau:

"Vì nhà nước, vì những nhà lãnh đạo cho công an được quyền làm như thế thì họ mới có thể làm. Nhà nước có xử một vài vụ là vì họ quá sợ ảnh hưởng của tình trạng này sẽ gây ra bất bình, làm bùng nổ như ở Bắc Phi và Trung Đông. Nhưng chính hành động đàn áp tồi tệ của công an như vậy là do nhà nước bày ra cho họ, do những người lãnh đạo sử dụng các phần tử gọi là "quần chúng tự phát", tức những công an giấu mặt để đàn áp dân chúng. 

Họ cũng được trả lương, trả tiền thù lao cẩn thận. Do đó chính sự khuyến khích của nhà nước khiến đưa đến tình trạng công an hành hung tùy tiện. Chưa bao giờ công an giết chết dân nhiều như vậy – tới 2-3 chục người rồi. Trong điều kiện như thế thì làm sao nói đến nhân quyền hay những gì khác ở VN ? Trong bối cảnh như vậy, công luận thế giới nhìn nước VN một cách thiếu thiện cảm, có vẻ khinh khi rằng nhà nước VN không biết gì về luật pháp cả."

Bộ máy công an trong nước không những là công cụ riêng bảo vệ chế độ mà họ còn tuỳ tiện sử dụng những gì mà bộ máy công quyền trao cho. 

Ông Nguyễn Khắc Toàn

Trên đây chỉ là một vài khó khăn tiêu biểu đang đến với xã hội VN. Có lẽ người ta tìm thấy một bức tranh toàn thể và cô đọng hơn qua một Bản Kiến Nghị mới đây mà Ban Biên Tập trang mạng Bô-xít VN gởi giới lãnh đạo VN liên quan việc nhà nước đàn áp bất đồng chính kiến, đó là "Đất nước đang ở trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Kinh tế gặp nhiều thử thách nghiêm trọng, bão giá đang ập vào từng bếp ăn khốn khó của người dân, giáo dục đạo đức suy thoái, bất công và bất ổn xã hội ngày càng gia tăng, độc lập quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ bị đe dọa hàng ngày. 

Tăng cường sự đoàn kết và đảm bảo mối đồng thuận toàn dân là điều kiện tiên quyết để đưa đất nước vượt qua thử thách và tiến lên vững chắc. Đồng thời chúng ta cũng cần có sự kính trọng của bạn bè quốc tế cả hai phía nhà nước và người dân, để họ sẵn sàng hậu thuẫn Việt Nam trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Mà điều ấy chỉ có thể thực hiện khi Nhà nước tỏ thiện chí lắng nghe và đối thoại với những tiếng nói khác biệt, tôn trọng các cam kết với nhân dân và bạn bè quốc tế".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét