Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

Nguyễn Trọng Vĩnh : Thực trạng đất nước và những vấn đề nổi cộm trước mắt

Post lại từ BVN

Đăng bởi bauxitevn on 23/04/2011

Nguyễn Trọng Vĩnh

imageHòa bình được lập lại trên đất nước ta đã hơn 30 năm. Trong thời gian ấy các nước xung quanh ta phát triển rất mạnh và phồn vinh, từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan, v.v.

Nước ta, trong thời gian qua cũng đạt được một số thành tựu, như: xây dựng được hệ thống đường sá, cầu cống trên toàn quốc (tuy chất lượng chưa cao, nơi này nơi khác có hư hỏng lún sụt); mở rộng và nâng cấp một số sân bay, bến cảng; xây thêm được một số công trình thủy điện trọng yếu; phát triển được ngành dầu khí; có một số khu công nghiệp hoạt động tương đối có hiệu quả; xuất khẩu được khối lượng gạo lớn và số lượng nông, thủy sản quan trọng; bộ mặt các thành thị được nâng cấp, chỉnh trang phong quang, khởi sắc hơn; xóa đói giảm nghèo có kết quả nhất định; hoạt động ngoại giao năng động, vị thế quốc tế của nước ta được nâng cao; GDP hàng năm tăng với tỷ lệ có vẻ đáng kể, nhưng xét về nhân tố cấu thành và đi lên từ cơ sở xuất phát thấp nên giá trị thực không mấy.

Cùng trong bối cảnh quốc tế ấy, nước ta vẫn tụt hậu xa so với các nước xung quanh. Không những thế, tình hình nước ta còn rất nhiều điều đáng lo ngại và bức xúc:

1. Ngoài việc lấy đất để phát triển giao thông, mở các khu công nghiệp là cần thiết, còn thì do thu hút đầu tư địa ốc quá nhiều, xung quanh nhiều khu đô thị mới quá nóng, mở hàng trăm sân gôn, nên mất rất nhiều ruộng đất. Do người ta xây nhiều đập trên thượng nguồn sông Mêkông, có thể sẽ xây đập thủy điện Sayaburi (đang bàn thảo), và cũng do biến đổi khí hậu, tương lai đồng bằng sông Cửu Long Nam Bộ sẽ thiếu nước ngọt, nhiễm mặn, không có lượng phù sa, "vựa lúa" của chúng ta không còn dồi dào như hiện nay, chúng ta sẽ đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực nếu còn phung phí ruộng đất canh tác của mình.

2. Lâm tặc và đầu nậu gỗ phá rừng vô tội vạ không kiểm soát và ngăn chặn được, lại do phá rừng trồng cà phê, làm rẫy, cho thuê hàng ngàn hecta rừng ven biên giới hàng 50 năm, người thuê cố nhiên cũng tự do phá, nên rừng mất quá nhiều, lũ lụt nghiêm trọng, khô hạn thất thường, hàng triệu dân khốn khổ, nên nếu không có biện pháp kiên quyết giữ rừng, và nếu lại khăng khăng làm đường sắt cao tốc vốn chưa có nhu cầu thực tế (và không chịu nghe biểu quyết bác bỏ của Quốc hội), thì sẽ phải phá bao nhiêu rừng nữa, tai họa sẽ còn thảm khốc đến thế nào?

3. Về quan hệ với Trung Quốc:

Trước sau ta luôn chủ trương "hữu nghị với Trung Quốc trên tinh thần tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau, không can thiệp vào nội bộ nhau, hợp tác cùng có lợi". Thực tâm Trung Quốc lại không chấp nhận như thế. Họ xảo quyệt đưa ra "16 chữ" và "4 tốt" cốt để ru ngủ và hạn chế ta. Về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ta có đầy đủ cứ liệu lịch sử và pháp lý là thuộc chủ quyền của ta, nhưng ta quá ngây thơ và thật thà tuân thủ "16 chữ" và "4 tốt" (hoặc là quá mềm yếu, đánh mất bản lĩnh của người lãnh đạo biết tiếp nối tư tưởng độc lập tự chủ Hồ Chí Minh), nên không công bố công khai những cứ liệu lịch sử đầy sức thuyết phục ấy cho thế giới thấy chính nghĩa thuộc về ta, rằng Hoàng Sa, Trường Sa đích thực là của Việt Nam không thể tranh cãi. Ta đấu tranh thì họ thất lý. Ta không đối đầu quân sự với họ, ta đấu tranh chính trị ngoại giao đồng thời vẫn giữ quan hệ hữu nghị (hữu nghị cũng có đấu tranh). Không nên sợ hão rằng vì công khai tư liệu đấu tranh chính trị, ngoại giao mà Trung Quốc có thể vô cớ phát động chiến tranh toàn diện đánh ta. Họ đương tuyên bố "không xưng bá", đương phô trương "bộ mặt đẹp, yêu chuộng hòa bình" với thế giới. Hơn nữa nội bộ họ hiện nay cũng đầy dẫy mâu thuẫn đe dọa mất ổn định. Giả sử chiến tranh có xảy ra đi nữa, dù giữa bên mạnh và bên yếu, không có bên nào không tổn thất. Tuy nhiên xét tình hình thực tế hiện nay thì Trung Quốc không và chưa vội bành trướng bằng thủ đoạn gây chiến, họ có cách khác: "chinh phục mềm và gặm dần".

Tại sao ta không dám công khai giới thiệu cho toàn dân ta những cứ liệu lịch sử vững chắc của ta và của thế giới khẳng định hùng hồn Hoàng Sa, Trường Sa là của ta, trong khi Trung Quốc hễ có cơ hội là bày đặt ra nhan nhản đủ loại tư liệu và "chính thống hóa" chúng để giáo dục cho dân họ, từ trong giáo án các trường học, từ trên sách vở, báo chí, phát thanh truyền hình, nhằm nhồi nhét cho dân họ tin nhầm "Tây Sa", "Nam Sa" là của Trung Quốc từ thuở xa xưa bị Việt Nam và Philipin "xâm chiếm" cần phải "thu hồi"? Chỉ về phương diện này thôi, phải nói, thật là khó hiểu và khó khăn khi muốn xác quyết với chính mình cũng như với người khác rằng người lãnh đạo của chúng ta hôm nay vẫn nối tiếp được truyền thống của cha ông, kiên cường lo lắng giữ vẹn toàn lãnh thổ của Tổ quốc!

Trung Quốc luôn nhắc "16 chữ" và "4 tốt" giả dối, nói trăm lời "hữu hảo", nhưng không ngừng lấn át, đe dọa và triển khai nhiều hoạt động thâm hiểm đối với ta. Chiếm quần đảo của ta, bao chiếm hải phận trong Biển Đông của ta với cái "lưỡi bò" phi pháp; dùng tàu lớn (tàu "lạ") đâm chìm tàu cá của ngư dân ta; bắn, bắt ngư dân ta, tịch thu tàu, thuyền ngư cụ của họ đòi chuộc và bắt nộp phạt… Gần đây họ tập trận gần Trường Sa nhằm uy hiếp ta. Trong đất liền, Trung Quốc đã đứng chân được trên vị trí chiến lược Tây Nguyên xung yếu của ta, đã thuê dài hạn (50 năm) được hàng ngàn hécta rừng ven biên giới và đầu nguồn của nước ta, thuê dài hạn một đoạn bờ biển ở Đà Nẵng nói là để làm "khu vui chơi giải trí", xây bao kín, người Việt Nam không được đến, họ làm gì trong đó ai biết. Họ dùng thủ đoạn bỏ thầu "thấp", trúng thầu nhiều công trình trong Nam, trúng thầu xây dựng một loạt nhà máy nhiệt điện; họ dễ dàng đưa ồ ạt lao động của họ vào mà chúng ta không kiểm soát được. Đã có hàng vạn người Trung Quốc rải khắp nước ta từ núi rừng đền đồng bằng, ven biển cũng không ai kiểm soát. Hàng hóa Trung Quốc còn tràn ngập, chiếm lĩnh thị trường chúng ta. Hiện nay tỉnh Quảng Tây đương đàm phán với bên ta "lập khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới" giữa Bằng Tường và Đồng Đăng rộng 8,5km gọi là "1 khu vực 2 Quốc gia" và 1 "khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới" nữa giữa Đông Hưng và Móng Cái khoảng 10km2. Chúng ta rất cần tỉnh táo cân nhắc và cảnh giác trước những điều này, nói như người xưa, chỉ ngủ một mắt còn một mắt vẫn phải ngóng nhìn động tĩnh của anh láng giềng xấu chơi nơi biên giới! Người cầm chịch đất nước có làm được vậy hay không? Dân chúng đang mong họ trả lời câu hỏi ấy bằng những hành vi, động thái cụ thể – dù là tượng trưng – giúp mình có chút yên lòng. Thế mà, những tín hiệu qua lại ngoại giao con thoi trong những ngày gần đây lại có vẻ như là câu trả lời ngược với điều dân chúng mong đợi – những hoạt động ấy chưa làm "yên dân" chút nào cả, và xin đừng tưởng rằng người dân không biết gì. Người ta dễ dàng so sánh với Philippines, với Malaysia… với nhiều nước ASEAN khác, và bất kỳ một sự "quanh co" nào mà nhìn cho thật sâu là trái với các nguyên tắc ứng xử về Biển Đông đã được ASEAN đề xuất trong Hội nghị thượng đỉnh nhiều năm về trước đều gây lo ngại, nếu không nói là làm giảm sút niềm tin nghiêm trọng.

Ở Lào, Chính phủ Lào mở đặc khu kinh tế Bò Ten với Trung Quốc. Đến nay toàn bộ nhà ở, khách sạn, cửa hàng… đều là của Trung Quốc; 90% dân số là người Trung Quốc, 10% người Lào chỉ làm thuê lặt vặt, vô hình trung và nghiễm nhiên huyện Bò Ten trở thành thành phố của Trung Quốc rồi. Nhớ lại "điểm nối ray" năm xưa sâu vào đất ta khoảng trên 100m cách "Mục Nam quan", nay đã thành đất của Trung Quốc mà khôn xiết lo lắng! Các vị lãnh đạo có biết, có quan tâm và thao thức cùng dân chúng hay không?

Tất cả tình hình trên đây cho thấy nước ta đang đứng trước nguy cơ trở thành một chư hầu hoặc thuộc địa kiểu mới của Trung Quốc, không chóng thì chầy. Độc lập tự do phải đổi bằng xương máu của hàng triệu người Việt Nam ta, của nhiều thế hệ con em tinh hoa của dân tộc trong bao nhiêu năm trời rồi sẽ ra sao đây?!

4. Giàu nghèo phân hóa càng xa, bất công đầy dẫy. Một tầng lớp người chỉ độ 1,2% dân số giàu nứt đố đổ vách do tham nhũng, do buôn bán đất và chiếm đất, do đầu cơ, buôn lậu, do nhận hối lộ từ trong nước và nước ngoài, do ăn từ các dự án. Có những người có 5, 7 biệt thự. Họ ăn chơi phè phỡn, sống như đế vương. Trong khi đó thì đa số nông dân còn quá nghèo, đa số công nhân lương thấp, không có nhà ở, đời sống chật vật; có những người nghèo phải bới từng đống rác, túi rác để kiếm sống. Ốm đau thì người nghèo, người thu nhập thấp khó có đủ tiền chữa bệnh, có được nằm viện thì 2, 3 thậm chí 4 người 1 giường, thuốc men có hạn. Người giàu đi chữa bệnh nước ngoài không là gì, ở trong nước, sẵn tiền "dịch vụ" thì được săn đón, một mình một giường hoặc một phòng, được chăm sóc chu đáo.

Về học hành thì con nhà giàu nếu học trong nước thì ô tô đưa đón, muốn học trường nào tha hồ chọn; đi Tây, đi Mỹ học cũng dễ dàng thoải mái. Con nhà nghèo thì học hết T.H.P.T cũng khó, bỏ học giữa chừng cũng rất nhiều do học phí cao và nhiều khoản đóng góp khác, hoặc do phải nghỉ để giúp gia đình kiếm sống. Trong xã hội còn nhiều bất công nữa, ví như nông dân bị thu hồi đất thì được đền bù với giá rẻ mạt, nhà đầu tư địa ốc (thuộc các "nhóm lợi ích") giành được đất ngon, xây nhà thì bán giá cao gấp hàng nghìn lần, thu lãi kếch xù; người vô tội thì có tội, kẻ có tội lại được thưởng; thiếu nữ bị dỗ bán dâm thì bị tù, nhiều kẻ mua dâm các em lại vô tội, v.v.

5. Công nghiệp của ta phần lớn là lắp ráp, gia công, phải nhập nguyên liệu nên xuất khẩu thu lợi về không nhiều, góp cho ngân sách không mấy; các tập đoàn kinh tế Nhà nước ngày càng bị Thanh tra Kiểm toán phát hiện cái thì lỗ vốn, cái thì thất thoát lớn và ngày càng lộ ra thêm những món nợ khổng lồ khó lòng trả được, nên tài chính quốc gia đã eo hẹp càng thêm eo hẹp, hàng năm liên tiếp nhập siêu lớn, tuy xuất khẩu nông, thủy sản khá nhưng dự trữ ngoại tệ mỏng, trong khi đó nợ nước ngoài quá nhiều, rất đáng lo ngại.

6Lạm phát phi mã, đồng tiền mất giá, mọi thứ đều tăng vọt và tăng nhanh chưa có điểm dừng. Giá điện, giá xăng tăng càng đội giá thức ăn vật dùng hàng ngày tăng ngất ngưởng, không chỉ 20%, 30%, mà có thứ 50%, 100%, ảnh hưởng gay gắt đến bữa ăn, đến việc chữa bệnh, học hành của con cháu dân nghèo và người lương thấp. Từ khoảng 10 năm lại đây chưa bao giờ đời sống khó khăn bức xúc như hiện nay. Thêm vào đó, tham nhũng vẫn diễn biến, tội phạm, tệ nạn xã hội tăng, bất công xã hội tràn ngập khắp nơi… gây nên khủng hoảng lòng tin, tâm lý bất mãn, rất dễ dẫn đến mất ổn định.

Các mặt tình hình trên đây, nói thẳng ra, là hậu quả của 10 năm lãnh đạo của nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và 5 năm điều hành của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Trước tình hình bức bối như đã sơ bộ vạch ra ở trên, chúng ta phải làm gì? Thật là một câu hỏi khó. Đứng ở phía người dân mà nhìn, có những trách nhiệm không thể thoái thác, do ý thức chung lưng đấu cật để vực dậy đất nước là một nhân tố hàng đầu, chưa được đề cao. Nhưng đây đang nói về phía Nhà nước, người điều hành chính bộ máy hoạt động của toàn thể xã hội, nên chỉ xin nêu một biện pháp khẩn cấp:

Nhà nước cần phát huy dân chủ, nói thật mọi khó khăn với dân, lấy lại ít ra một phần lòng tin (đã mất) của dân đối với mình. Chính đây là khởi điểm để động viên toàn dân chung sức chung lòng nhằm tháo gỡ, vượt qua khó khăn trước mắt. Để làm được điều đó, trước mắt cần mở một cuộc hội thảo rộng rãi, không phân biệt, nghi ngờ, thành kiến, và tổ chức lấy lệ cốt đối phó hơn là thực lòng – như một Hội nghị Diên Hồng hiện đại, gồm các tri thức có chân tài thực học, các chuyên gia chính trị, kinh tế giỏi, và các tầng lớp thức giả khác, lắng nghe và tiếp thu ý kiến hay của họ để có kế sách hữu hiệu cứu nguy cho những bất cập từ lâu về kinh tế và xã hội, đồng thời phát huy tinh thần tự lực tự cường, độc lập tự chủ của cả dân tộc, trước hết là từ lãnh đạo cấp cao, thì mới dần dần cải thiện được tình hình để đưa đất nước tiến lên.

Thiết tưởng điều cấp bách cần làm ngay cho dân tộc ta không có gì hơn thế, và nếu không làm được thế e sẽ ngày càng nan giải.

N.T.V.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét