Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

ADB: Lạm phát của Việt Nam có thể lên tới 16% trong quý ba 2011

Post lại từ RFI
 
 
Lạm phát làm cho đời sống người nghèo tại Việt Nam càng thêm khó khăn.
Lạm phát làm cho đời sống người nghèo tại Việt Nam càng thêm khó khăn.
Reuters
Đức Tâm

Hôm nay 6/4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố bản báo cáo về triển vọng các nền kinh tế châu Á năm 2011 và nhận định, kiểm soát lạm phát phải là ưu tiên hàng đầu đối với châu Á năm nay. Theo các chuyên gia của Ngân hàng này, năm 2010 kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng cao nhờ xuất khẩu hồi phục, chính sách tiền tệ phù hợp. Tuy nhiên cuối năm nay, lạm phát tại Việt Nam sẽ ở mức hai con số, thậm chí có lúc đến 16%.

Trong tháng 12 năm ngoái, lạm phát đã lên tới 11,8% và tính trung bình cả năm, tỷ lệ này là 9,2%, mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Đến tháng 3 năm nay, lạm phát tại Việt Nam là 13,9% tính theo mức cả năm. Đây là tỷ lệ cao nhất trong 10 năm qua. Nguyên nhân là giá lương thực, thực phẩm tăng 17%, tiền học phí cũng tăng theo. Bên cạnh đó, trong tháng hai vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại phá giá 9,3% đồng tiền quốc gia, lần thứ tư trong vòng 14 tháng qua.

Theo ADB, chính sách tiền tệ thiếu rõ ràng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã làm xói mòn lòng tin. Mối lo ngại đồng tiền mất giá, giảm sức mua, đã làm dấy lên làn sóng người dân đổ xô đi mua vàng và đô la.

Tháng 11 năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nâng lãi suất chỉ đạo. Tuy nhiên biện pháp này không đủ để ngăn chặn lạm phát lên tới hai con số, trong khi đó, thị trường thì vẫn nghi ngại là tiền đồng sẽ còn tiếp tục mất giá. Các chuyên gia ADB thẩm định là khả năng can thiệp để hỗ trợ đồng tiền quốc gia của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bị hạn chế bởi vì mức dự trữ ngoại tệ xuống rất thấp, vào cuối năm 2010 chỉ là 12,4 tỷ đô la.

Nhận định về triển vọng năm 2011, Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng lạm phát tại Việt Nam sẽ rất cao. Đỉnh điểm là 16% trong quý ba năm nay và nếu tính theo cả năm thì tỷ lệ này sẽ là 13,3%. Trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 năm nay, lạm phát khó giảm do đồng tiền bị mất giá, đi kèm với việc tăng giá điện 15,3% và giá xăng dầu khoảng 30% trong tháng 3. Theo tính toán của ADB, để có được lạm phát dưới 10%, tức một con số, thì từ nay đến cuối năm, lạm phát tăng mỗi tháng phải ở dưới mức 0,4%.

Xin nhắc lại là chính phủ Việt Nam vẫn đề mục tiêu là kìm hãm lạm phát ở mức 7% trong năm nay.

Sau nhiều năm trời chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá, vào cuối tháng hai vừa qua, chính phủ Việt Nam đã ra nghị quyết 11, đề ra những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Có nghĩa là giờ đây, chống lạm phát được đặt lên ưu tiên hàng đầu, còn tăng trưởng xuống hàng thứ hai. Giới lãnh đạo Việt Nam lo ngại tái diễn tình hình như năm 2008. Vào thời điểm đó, lạm phát lên tới 23%.

Các chuyên gia của ADB nhấn mạnh, lạm phát cao, đặc biệt là giá lương thực, thực phẩm có nguy cơ càng làm tăng sự chênh lệch giàu nghèo. Thách thức hiện nay đối với Việt Nam là tái lập ổn định kinh tế thông qua việc thực thi các biện pháp nêu trong nghị quyết 11, như quản lý chặt chẽ chính sách tiền tệ, chính sách thuế khóa, ngăn chặn đà thâm hụt cán cân thương mại, điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn với hỗ trợ các hộ nghèo, tăng cường bảo đảm an sinh xã hội và đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về tình hình kinh tế.

Thế nhưng, các biện phán này đòi hỏi một thời gian mới mang lại kết quả, trong khoảng thời gian từ một đến hai năm. Nếu buông lỏng hoặc sớm thay đổi chính sách thì lạm phát cao sẽ tiếp tục tồn tại.

Nhìn rộng ra toàn khu vực châu Á, ADB dự báo lạm phát trung bình năm nay vào khoảng 5,3%, do những biến động tại Trung Đông, khủng hoảng điện hạt nhân tại Nhật Bản làm cho giá dầu tăng. Ngân hàng Phát triển châu Á nhận định: « Áp lực lạm phát gia tăng và các biện pháp phòng ngừa sẽ là cần thiết để trách tình trạng nóng quá tải » của các nền kinh tế. Việc tăng giá dầu lửa và thực phẩm có thể làm lay chuyển sự ổn định vĩ mô kinh tế của các nước đang phát triển tại châu Á, làm tăng chênh lệnh thu nhập và dẫn đến những căng thẳng xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét