Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

Giải trừ lạm phát tại Việt Nam

Post lại từ RFA

2011-04-20

Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và đạt tốc độ tăng trưởng ngoạn mục đến 8,5% vào năm 2007, Việt Nam cũng bị suy trầm cùng toàn cầu trong hai năm 2008-2009 mà vẫn giữ tốc độ tăng trưởng cao là 6,3% rồi 5,3% vào hai năm đó.

AFP photo

Người lao động nhập cư lựa kim loại phế thải cạnh một poster công bố một dự án phát triển ở trung tâm TPHCM hôm 12/4/2011.

Khi kinh tế thế giới hồi phục từ năm 2010, Việt Nam đạt mức tăng trưởng là 6,8%, tức là còn lớn hơn dự báo là 6,5%. Nhưng cũng từ đấy, nhiều dấu hiệu bất ổn đã xuất hiện và đưa đến hỗn loạn, thậm chí khủng hoảng từ đầu năm nay, với lạm phát đang là mối quan tâm của mọi người. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về các biện pháp giảm trừ lạm phát được áp dụng từ đầu năm nay. Xin quý thính giả theo dõi phần trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa do Vũ Hoàng thực hiện.

Chưa đủ sức ra biển lớn

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, trong chương trình phát thanh ngày sáu tháng Tư cách đây hai tuần, ông có giải thích nguyên ủy của vụ khủng hoảng ngày nay tại Việt Nam là sự lạc quan thiếu cơ sở sau khi gia nhập Tổ thức Thương mại Thế giới từ năm 2007.

Chương trình kỳ này xin đề nghị ông phân tích về bối cảnh của vấn đề, về các biện pháp ứng phó của chính quyền, đặc biệt với đà vật giá gia tăng, trong đó có cả quyết định cấm kinh doanh vàng miếng và trao đổi bằng đồng đô la. Ông nghĩ sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Như mọi khi, tôi sẽ xin trình bày về bối cảnh trước và sau đó sẽ phân tích vấn đề trước khi có thể nói đến những giải pháp hay đề nghị.

Trên diễn đàn này, qua các năm 2004 đến 2006, bản thân tôi là thiểu số đã liên tục dự báo rằng Việt Nam chưa thể gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO năm đó. Và còn nói thêm rằng đấy là điều may vì cho Việt Nam thêm cơ hội tìm hiểu về các thách đố mới và để chuẩn bị những biện pháp cải cách. Sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO và đạt quy chế mậu dịch bình thường và vĩnh viễn với Hoa Kỳ từ năm 2007, cũng diễn đàn này đã nói đến một nhu cầu mà khi đó tôi gọi là "Cách mạng về Thông tin", để cả chính quyền lẫn quốc dân cùng hiểu thấu về những quy luật sinh hoạt kinh tế quá mới cho Việt Nam. 

Chuyện thông tin ấy không xảy ra vì mọi người đều hồ hởi với tương lai trước mặt. Chính quyền còn coi đó là công lao thành tích của mình. Nghĩ lại thì không ai dụ dỗ hay lường gạt mình bơi ra biển lớn để bắt cá to, đấy là yêu cầu tự nhiên của quốc gia mà thôi. Nhưng khi đã ra tới biển xanh để tranh hùng với thiên hạ thì cũng phải biết rằng mình sẽ gặp sóng lớn và phải thay đổi cách suy nghĩ và hành xử. Hậu quả của hiện tượng hồ hởi lạc quan mà thiếu chuẩn bị là đánh giá sai chuyện "được- mất" trong tiến trình hội nhập ban đầu.

Không may là lãnh đạo chẳng hiểu như vậy nên lại càng bơm tiền kích thích kinh tế để đạt mức tăng trưởng cao, như cố gắng kéo một cỗ xe nát tiến lên cho nhanh hơn, với hậu quả là gây ra khủng hoảng ngày nay.

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa

Cụ thể là đòi vươn vai phóng ra biển lớn với lượng tín dụng dồi dào, lại có thêm tư bản ào ạt tràn tới như gió thuận buồm thổi từ sau lưng. Chính là lượng tư bản quá lớn lao đó đã đẩy một con thuyền thật ra còn mong manh vào cơn bão tố khi kinh tế thế giới bị suy trầm toàn cầu vào các năm 2008-2009. Vì vậy, từ năm 2010, Việt Nam bắt đầu gặp khó khăn mà lãnh đạo xứ này lại chưa ý thức được.

Một cách thực tiễn thì sau giai đoạn tư bản dư dôi tràn ngập, Việt Nam phải qua thời kỳ sút giảm thanh khoản, tiền mặt, và có tốc độ tăng trưởng thấp hơn, nhưng cũng nhân đó mà rà soát lại kinh nghiệm và kiện toàn lại những yếu kém ngay trong cơ cấu của mình. Không may là lãnh đạo chẳng hiểu như vậy nên lại càng bơm tiền kích thích kinh tế để đạt mức tăng trưởng cao, như cố gắng kéo một cỗ xe nát tiến lên cho nhanh hơn, với hậu quả là gây ra khủng hoảng ngày nay. Một biểu hiện của khủng hoảng là lạm phát, nhưng không là vấn đề duy nhất, khó khăn duy nhất. Không những thế, chính nỗ lực giải trừ lạm phát một cách lụp chụp còn gây thêm vấn đề.

Không chỉ lạm phát

Vũ Hoàng: Ông đặt lại bối cảnh của cả hồ sơ kinh tế này trong một viễn ảnh dài và cho rằng lạm phát không là vấn đề duy nhất. Như vậy, kinh tế Việt Nam còn có nhiều vấn đề khác nữa. Thưa ông, đó là những vấn đề gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Chuyện đầu tiên là mối nguy từ nhận thức sai lạc của chính lãnh đạo. 

Họ chỉ nhìn thấy một yêu cầu là tăng trưởng cao với cái giá phải trả, hoặc rủi ro có thể gặp, là nạn lạm phát. Bài toán kinh tế không đơn giản chỉ có hai vế là sản xuất và vật giá. Vì sai lầm đó, họ cứ tìm cách giải trừ lạm phát mà vẫn đạt tăng trưởng cao với hậu quả là càng gây hốt hoảng. Và vì chính quyền hốt hoảng nên mới dẫn có loại biện pháp kỳ lạ như ta đang thấy. Nhưng song song, ta còn thấy ra nhiều vấn đề khác trong trung hạn và dài hạn. Ở đây tôi chỉ nói về ngắn hạn:

000_Hkg4794220-200.jpg
Một người nhập cư nằm nghỉ bên cạnh một poster công bố dự án phát triển ở trung tâm TP HCM hôm 12/4/2011. AFP photo
Thứ nhất là trong quan hệ trao đổi với bên ngoài, kinh tế Việt Nam bị nhập siêu nặng vì nhập nhiều hơn xuất khẩu do yếu kém trong cơ cấu sản xuất và vì chiến lược phát triển là chỉ biết làm gia công cho thiên hạ. Chuyện khó tin là nhiều người còn nhập nông sản từ xứ khác, như từ châu Phi, đem về bao gói và bán ra ngoài như "Sản phẩm của Việt Nam" mà chính quyền thì cứ coi đó là thành tích xuất khẩu, cho đến khi giá cả đảo chiều là ngày nay, làm nhiều cơ sở bị đọng vốn và không thể thanh toán món nợ bằng đô la. Vấn đề ấy gây sức ép trên tỷ giá đồng bạc và kéo dài quá lâu nên bào mỏng dự trữ ngoại tệ của quốc gia, nay chỉ còn đủ cho gần hai tháng nhập cảng và gây khan hiếm ngoại tệ, chủ yếu là đô la Mỹ. 

Vì vậy mà dù Mỹ kim sụt giá trên toàn cầu, nó vẫn lên giá tại Việt Nam và chính quyền phải phá giá đồng bạc, mà càng phá giá thì càng gây thêm sức ép trên vật giá. Việt Nam rơi vào con xoáy tai hại của hai động lực song hành là ngoại hối và lạm phát, kịch bản rất nguy.

Vũ Hoàng: Chúng tôi nhớ là nhiều chuyên gia cũng cảnh báo rằng việc phá giá đồng bạc có thể là cần thiết, nhưng gây hiệu ứng phụ là làm hàng nhập khẩu lên giá và nếu lạm phát kéo dài thì hai động lực ấy sẽ nuôi dưỡng lẫn nhau và đánh sụt luôn mức sản xuất, điều ấy có đúng không? 

Nguyễn Xuân Nghĩa: Đấy là giả thuyết đáng ngại nhất trong một hai năm tới. Trong khi đó, và đây là loại vấn đề thứ ba, vì cơ chế kinh tế chính trị gọi là theo "định hướng xã hội chủ nghĩa", Việt Nam vẫn nuôi dưỡng một "khu vực kinh tế chủ lực" là doanh nghiệp nhà nước. Thực tế thì đây là các trung tâm phúc lợi bất chính - hang ổ của tham nhũng - và gây phao phí tài nguyên quốc gia. Chế độ kinh tế chính trị đó dẫn tới lạm dụng tư bản, thậm chí tẩu tán tư bản và gây thêm khó khăn về ngoại hối vì nhiều đại gia đã vét đô la chạy ra ngoài mà dân chúng không biết. Và nó càng gây bội chi ngân sách quá cao vì các chương trình đầu tư đầy hoang phí của khu vực công cho doanh nghiệp nhà nước. Kết quả là công quỹ hết tiền và mất luôn khả năng can thiệp vào thị trường để trợ giá hoặc cứu giúp dân nghèo đang bị điêu đứng vì vật giá gia tăng.

Sau cùng mà không là duy nhất, khi tư bản còn dư dôi đổ vào, nó chảy từ đầu tư qua đầu cơ, chủ yếu vào hai khu vực chứng khoán và bất động sản, là nơi tung hoành của một thiểu số ở thành thị với bong bóng ảo và hình ảnh của phồn vinh giả tạo với một số đại gia vẫn mua xắm xa xỉ phẩm đắt tiền. Họ coi bất công xã hội là không có và dân chủ là không cần! Khi vật giá hoành hành thì người nghèo khổ nhất và thành phần có đồng lương cố định bắt đầu bị thiệt hại nhất, chứ thiểu số có tiền ở thành phố thì vẫn bình chân như vại và nghĩ rằng họ khôn ngoan hơn cả. 

Nhưng chuyện ấy không còn nữa vì đám người gọi là "nhà giàu" này cũng bắt đầu hốt hoảng và càng gây thêm hốt hoảng cho thị trường vì những tính toán luồn lách của họ để tìm ra các kênh đầu tư béo bở khác, kể cả tẩu tán và gọi là đầu tư ra ngoài. Hậu quả sau này là nhiều ngân hàng sẽ bị suy sụp và mất nợ, thậm chí vỡ nợ. Do đó vấn đề không chỉ là nạn lạm phát mà thôi!

Biện pháp giải trừ lạm phát

Vũ Hoàng: Chúng ta trở lại việc giải trừ lạm phát. Ông giải thích thế nào về các biện pháp này?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi phải trình bày lại bối cảnh để ta hiểu ra vì sao giải trừ lạm phát chỉ là một phần của cả một kế hoạch chung, là điều mà nhiều người chưa thấy!

Ta còn nhớ là ngay sau Tết Nguyên đán, giới chức Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu rằng sau khi dân chúng ăn một cái Tết lớn nhất lịch sử thì ngân hàng phải thu hồi lại nguồn tiền đã bơm vào kinh tế! Nếu nhớ lại thì mình hiểu ra là đầu năm dương lịch 2011, Việt Nam có Đại hội đảng của Khoá 11 và do yêu cầu chính trị, Ngân hàng Trung ương vẫn phải bơm tiền cho dân ăn Tết mà bất kể tới hậu quả lạm phát! Sau đó là các quyết định lụp chụp, không có phối hợp, thiếu đồng bộ và thậm chí mâu thuẫn nên mới gây ra hốt hoảng.

Trước hết là việc Ngân hàng Trung ương phá giá đồng bạc, lần thứ tư trong vòng 14 tháng, ban hành ngay sau Tết Nguyên đán vào ngày 11 tháng Hai mà chẳng có giải thích gì thêm về yêu cầu giảm trừ khồi tiền tệ lưu hành để ngăn ngừa lạm phát sẽ làm cho dân nghèo bị khổ nhất. Thiếu "Cách mạng Thông tin" là như vậy! Sau đó gần một tuần, ngày 17 tháng Hai mới là các biện pháp xiết chặt tín dụng ngân hàng, nhồi theo là việc nâng lãi suất vào ngày 22 tháng Hai và lời thông báo một tuần sau, mùng một tháng Ba, là các ngân hàng sẽ không được tài trợ cho loại dự án phi sản xuất, nếu không là sẽ phải nâng mức dự trữ pháp định gấp đôi. Ở giữa một loạt biện pháp dồn dập trong vòng ba tuần là 

Nghị quyết 11 được Chính phủ ban hành hôm 24 tháng Hai với sáu gói chính sách đồng loạt mà Ngân hàng Nhà nước, bộ Tài chính, bộ Công thương nghiệp, bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng bộ Thông tin phải áp dụng và giải thích! Trong đó có quyết định hợp lý mà không hợp thời là chấm dứt trợ giá xăng dầu và gây thêm đảo điên cho thị trường. Người dân và thị trường phải kết luận - mà không sai - là Chính quyền hốt hoảng đối phó chứ không suy nghĩ chín chắn về nguyên nhân và hậu quả của từng loại vấn đề mà có một chiến lược tổng thể về quản lý vĩ mô. 

Vũ Hoàng: Và thưa ông, lồng trong đó là quyết định về việc kinh doanh vàng miếng và đô la, với lý do là giải trừ lạm phát. Có phải vì vậy mà người dân mới hoang mang và ngờ vực không?

Người dân và thị trường phải kết luận - mà không sai - là Chính quyền hốt hoảng đối phó chứ không suy nghĩ chín chắn về nguyên nhân và hậu quả của từng loại vấn đề mà có một chiến lược tổng thể về quản lý vĩ mô. 

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn Xuân Nghĩa: Người dân ngờ vực là đúng. Việc dân chúng sợ đồng bạc mất giá mà tìm cách tồn trữ tài sản dưới dạng vàng và đô la chỉ là hậu quả chính đáng chứ không là nguyên nhân của lạm phát. Khi ra lệnh cấm đoán như vậy, chính quyền chỉ chữa bệnh ở ngọn, ở triệu chứng, chứ không giải quyết ở gốc. Vì vậy, không ai tin là biện pháp này sẽ công hiệu để ổn định vật giá. Nhưng thực tế thì còn nguy hơn vậy vì người dân còn kết luận rằng đây chỉ là biện pháp ngầm giúp các đại gia hay doanh nghiệp nhà nước mà thôi vì thành phần này vẫn thừa khả năng luồn lách luật lệ. Tôi xin được giải thích thêm chuyện này, rằng yếu tố quan trọng trong một nền kinh tế thị trường là quyền chọn lựa. 

Trong mọi hoàn cảnh, mọi tác nhân kinh tế từ giàu có đến nghèo khổ nhất đều tự nhiên và tất yếu chọn lựa giải pháp nào có lợi nhất hoặc ít hại nhất. Trong sự chọn lựa đó có cách sản xuất cái gì thì tối ưu về doanh lợi và cách tồn trữ tài sản hay hàng hóa nào an toàn nhất. Việc kiểm soát hay cấm đoán vẫn không thể ngăn chặn được sự chọn lựa rất bình thường và phải nói là chính đáng này. Thí dụ như nếu người dân tin vào trị giá của đồng nội tệ, đồng bạc Việt Nam, thì chẳng cấm họ cũng đổi đô la là tiền Việt và tìm lãi suất cao hơn của ngân hàng tại Việt Nam! 

Khi ban hành chính sách kinh tế, thì chính quyền phải hiểu ra quy luật đó mà thi hành đồng bộ với giải thích rõ ràng và thống nhất. Chỉ như vậy thì mới giúp mọi người có cơ sở cân nhắc lợi hại của từng chọn lựa mà không gây thêm vấn đề. Vì chỉ nhìn thấy một góc của vấn đề và lại có quá nhiều quyền lực trong tay mà khỏi phải giải trình hay bị trách nhiệm, chính quyền Việt Nam áp dụng giải pháp hành chính dễ dãi mà nguy hiểm là cấm đoán. Việc cấm đoán ấy không hạn chế được khả năng xoay trở của những người có quan hệ với chế độ và gây thêm bất công. Nó còn làm cho quy luật thị trường thêm lệch lạc, mất luôn những tín hiệu cần thiết về lời lỗ và nếu nhất thời có ổn định được tỷ giá của đồng bạc thì vẫn không ngăn ngừa được lạm phát. Đó là ta chưa nói đến hiệu ứng ngoại nhập từ thị trường thế giới nay mai sẽ còn dội vào Việt Nam.

Vũ Hoàng: Xin trân trọng cảm tạ ông Nghĩa và xin hẹn ông một kỳ tới, chúng ta sẽ trao đổi về những gì có thể xảy ra sau này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét