Thứ Năm, 28 tháng 4, 2011

Huỳnh Thục Vy : Bầu cử Quốc hội và lựa chọn của thanh niên – TCPT số 45

Post lại từ phiatruoc
 
 

Posted on Tháng Tư 27, 2011 by phiatruoc


-Huỳnh Thục Vy-

Như một điều hiển nhiên, con người luôn hướng tới những điều có thể thực sự mang lại lợi ích cho họ, và sẽ chối bỏ những thứ đối ngược với các mục tiêu ấy. Nếu họ bị buộc phải đối diện, sống chung thì những điều ấy không khác gì các bóng ma lạnh lẽo chỉ thỉnh thoảng làm người ta rùng mình, mà trong thực tế thì những bóng ma ấy không có một chút ảnh hưởng gì đến cuộc sống đang ngày càng nhiều biến đổi. Những cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội ở Việt Nam được tổ chức mỗi năm năm cũng rơi vào trường hợp tượng tự.

Hiến pháp đã trao cho Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam quyền lực tối thượng để rồi sau đó lại đặt Quốc hội vào một cơ chế có khả năng vô hiệu hóa các chức năng và quyền hạn của định chế chính trị quan trọng này. Thật khôi hài khi tưởng tượng một anh khổng lồ được sinh ra vốn to lớn, khỏe mạnh và quyền uy hơn người, được trao cho một thanh kiếm báu, áng ngữ tòa lâu đài chế độ, để rồi sau đó lại bị đặt vào chiếc ghế với xích sắt khóa cả tay chân. Mỗi khi đọc lại giáo trình luật Hiến pháp với dòng chữ "Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất" thì tôi không khỏi tự đặt dấu hỏi về sự chính danh của Quốc hội hiện nay.

Ở các nước dân chủ tự do, nếu cử tri không quan tâm thì họ có quyền không đi bầu. Nhưng ngược lại, một khi họ đã quan tâm thì sẽ tìm hiểu rất kỹ và tỏ ra rất có trách nhiệm với lá phiếu mình cầm trong tay. Vì họ hiểu rõ rằng quyết định của mình sẽ góp phần thay đổi diện mạo của quốc gia và cũng ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến cuộc sống thường nhật của họ.

Việt Nam là một trong những xứ sở của điều nghịch lý. Đây là cái xã hội mà những kẻ kém tài lại thăng tiến nhanh nhất và đạt được địa vị cao nhất. Tương tự như thế, ở đây bất cứ cái gì "có tiếng" thì không "có miếng".

Quốc hội là minh chứng sống động nhất. Được trao cho quyền lực tối cao theo Hiến định, Quốc hội được thành lập từ những cuộc bầu cử đại biểu rầm rộ với số lượng cử tri đi bầu gây choáng ngợp: luôn là trên 90%. So với số lượng cử tri đi bầu trong các cuộc bầu cử giữa kỳ ở Hoa Kỳ (bầu toàn bộ Hạ viện và một phần ba Thượng viện), con số 90% là quá sức tưởng tượng. Thế nhưng, Quốc hội 90% số phiếu bầy ấy là chỗ hội họp của những ông nghị chỉ biết gật gù, ngủ gật, và…vâng dạ. Thỉnh thoảng, như các vụ Viniashin hay dự án bauxite, vẫn có một cá nhân dũng cảm đứng lên cất tiếng nói bênh vực lẽ phải thì cuối cùng sự việc cũng "chìm xuồng".

Lựa chọn cho sự thay đổi

Trong bất cứ quốc gia nào, việc chỉ có một phần dân số quan tâm đến chính trị, đến hiện tình quốc gia luôn là một thực tế không cần bàn cãi. Vấn đề ở đây không phải là những con số – sự hào nhoáng ngoại biểu của những cuộc bầu cử, mà là chất lượng của nó. Chất lượng ở đây chính là mức độ quan tâm đến các chính sách phát triển quốc gia, mức độ hiểu biết về các quyền chính trị của cử tri và cuối cùng là sự hiệu quả của các hoạt động dân cử.

Ở Việt Nam, đi bầu cử là một chuyện không thể không làm – dù có muốn hay không. Đơn giản vì chuyện bầu bán ở đây không có gì quan trọng bởi nó hoàn toàn không thay đổi hay ảnh hưởng gì đến bất cứ vấn đề lớn nhỏ nào liên quan đến quốc gia ở tầm vĩ mô, nó cũng chẳng liên quan gì đến đời sống của từng cộng đồng dân cư cụ thể nào.

Thế nhưng khi một cử tri không đi bầu thì một việc chẳng ý nghĩa gì như thế lại có thể trở thành cả một vấn đề. Không đi bỏ phiếu bầu cử đôi lúc lại phải đối mặt với sự khó khăn của chính quyền địa phương: Ai sẽ chứng giấy tờ khai sinh, hộ khẩu, giấy tờ nhà đất, giấy tờ để đi học, đi làm? Mọi công việc thiết thực và quan trọng trong cuộc sống của người dân vì thế sẽ bị gây trở ngại. Vì một chuyện bầu cử không mang lại lợi ích gì mà để bị ảnh hưởng xấu đến đời sống cá nhân và gia đình thì chẳng cử tri nào muốn.

Vì thế, dù biết chính mình như một con bù nhìn đi bầu cho những con bù nhìn khác trở thành đại biểu cho một cái Quốc hội cực kỳ bù nhìn thì các cử tri vẫn đi bỏ phiếu đầy đủ. Song, mọi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội ở Việt Nam đều kết thúc "thành công tốt đẹp" và báo chí trong nước vẫn tiếp tục tuyên truyền rằng thế giới đánh giá cao các cuộc bầu cử ở Việt Nam.

Sự an phận do sợ hãi và thiếu hiểu biết khiến người ta im lặng chấp nhận nghịch lý trong bất cứ lĩnh vực nào cũng là biểu hiện bệnh hoạn, huống chi là trong những vấn đề quốc gia.

Những con đường dẫn đến thành công và tiến bộ thường lắm gập ghềnh, gai góc. Người ta đã thay đổi cuộc đời họ hoặc thay đổi thế giới bằng chính sự lựa chọn mạo hiểm, chấp nhận rủi ro một cách tương đối.

Là những thanh niên mang trong mình lý tưởng vượt qua trở ngại để chinh phục, để đạt đến sự canh tân trong cuộc sống cá nhân và cho đất nước, chúng ta phải làm gì đó để tỏ thái độ rõ ràng đối với những sự việc bất công, phí lý.

Im lặng trước nghịch lý chính là đồng ý với sự nghịch lý đang diễn ra và điều ấy là thiếu trách nhiệm với bản thân mình, cũng như thiếu tinh thần xã hội với đất nước. Chúng ta phải lựa chọn cho chính mình một xã hội tiến bộ, trong đó quyền bầu cử, ứng cử phải được diễn ra trong công bằng, dân chủ và tự do đúng nghĩa.

H.T.V.

© 2011 Tạp chí Thanh niên PHÍA TRƯỚC số 45


TCPT45 – Bầu cử Quốc hội Việt Nam 2011
Download 
TCPT45 – Bản HD (8.2MB)

Download TCPT45 – Bản Standard (4.3MB)
Download TCPT45 – Bản Mini (2.9MB)
Đọc thêm …

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét