Thư gửi anh Hạ Đình Nguyên *
Vẫn đọc anh với lòng quí mến như xưa nay. Những dòng này vẫn trên tinh thần ấy. Chỉ có vài ý kiến riêng.
Thưa anh,
Tôi không thuộc thế hệ đấu tranh của các anh. Tôi kính trọng sự dấn thân của một tầng lớp trí thức (xã hội nào thì sinh viên cũng là trí thức, chả cần phải có học vị hay bằng cấp). Trong một giai đoạn của đất nước. Lịch sử đã qua. Đúng sai, phán xét nó giờ đây cũng thuộc về lịch sử. Tôi cũng không thích đem những " ân oán cũ ", nếu có, thay cho lịch sử để châm biếm bôi nhọ nhau của những ai còn nặng " ân oán " cũ. Những dòng này chỉ có vài ý trao đổi sau.
Các anh và thế hệ tôi, những người Thanh niên xung phong (TNXP) sau 1975, giờ đây cũng nên bỏ vào quá khứ dù nó vàng son hay không vàng son. Một sự thật không thể chối cãi nó đã là "đồ cũ ". Sẽ có người lên tiếng rằng "thế còn truyền thống" để đâu mà gọi là " đồ cũ " ? Nó đây! Nó đúng như anh đã viết.
Thật tài tình cho Ban Tổ Chức về sự điều khiển chương trình.
"Không khí nồng nàn đầy hưng phấn của Phong Trào trong quá khứ đã chấm dứt 'ngay trong quá khứ', như một nhát dao chém thật bén, cắt lìa hiện tại để chuyển sang tiệc ăn với những món ăn cũng chỉnh chu và ngon miệng" (Về một vị đắng- Hạ Đình Nguyên).
Nó đã chấm dứt từ lâu, và đỉnh điểm là bằng sự "hứa cuội " của những người nhân danh thanh niên trong Hội trường Nhà Văn Hóa Thanh Niên năm 2007 và sau ngày 5- 6 – 2011 . Những gì diễn ra cho các cuộc xuống đường sau đó tại Sài Gòn, xảy ra cho anh và cho tôi cùng một số anh em khác … Nó càng minh chứng cho sự kết thúc quá khứ ấy. Đừng " ăn mày dĩ vàng " nữa, cho dù như tôi nói nó vàng son hay máu lệ. Nó đã hết!
Nếu tôi là anh, tôi sẽ không đến tham dự bởi lẽ dù không quơ đũa cả nắm, nhưng nhiều nhân vật của phong trào hay "tiếp nối phong trào" hôm nay không còn đủ tư cách mời và ngồi chung với anh. Nếu đến chỉ để "tự sướng" với nhau thời oanh liệt đã qua của mình thì tôi tôn trọng quyền cá nhân ấy – tùy các anh vậy. Tôi chỉ thấy nó " hài hước" như anh đã chỉ ra.
Anh viết: "Những bài hát và giọng ca đầy khí thế chống ngoại xâm, bộc lộ lòng yêu nước nồng nàn cùng với khát vọng thiết tha về Độc lập, Tự do và Dân chủ đã được cất lên, đã sống dậy, làm xao động một bầu không khí hào hùng và trong sáng của một thời quá khứ, một thời trẻ trung của các thế hệ Thanh niên và Thiếu niên lúc bấy giờ, mà nay đã là lứa tuổi ngoài 50, 60, và 70. Những bài ca lay động lòng người khó ai quên được.
Bài Người Mẹ Bàn Cờ (nhạc Trần Long Ẩn, lời thơ Nguyễn Kim Ngân) nói lên sức mạnh của lòng dân, tay không chiến đấu. Bài Đồng Lúa Reo ( Tôn Thất Lập) nói lên hình ảnh mong ước của một tương lai phát triển từ nông thôn đến thành thị. Bài Hát Từ Đồng Hoang (Miên Đức Thắng ) vẽ nên cảnh người dân nghèo bị áp bức bóc lột bởi những chính sách hà khắc bất công, quyết giành lại mảnh đất sống cho mình. Bài Không Ai Ngăn Nổi Lời Ca (La Hữu Vang) lại là tiếng kêu đòi cương quyết về Tự do, Dân chủ…và kết thúc bằng Dậy Mà Đi (Nguyễn Xuân Tân)."
Những bài hát ấy , nếu thật sự là lửa, là đáng để tự hào thì nó phải được hát trên mặt đường hôm nay chứ không phải chỉ để hát trên sân khấu, trong phòng nho nhỏ của một đám người nho nhỏ chả còn có thể đại diện thật sự cho cái gì, chỉ để "gặm nhấm quá khứ", mà quá khứ ấy cũng đã mang lại quyền lợi, quyền lực cho nhiều người trong số họ hôm nay.
Sao nó không dám hát, không thể hát dưới những mặt đường hôm nay khi cần thiết ? Hỏi tức là trả lời rồi. Từ nay tôi hứa sẽ không hỏi ngớ ngẩn như thế nữa.
Anh Nguyên thân mến !
Nhân tiện xin tâm tình với anh một chút. Chỉ là tâm tình mà thôi. Chuyện cá nhân tôi .
Từ lâu rồi tôi từ chối xuất hiện trong những chương trình kỷ niệm ngày của Lực lượng TNXP thành phố để kể lại hay đọc thơ về một thời ngon lành trong đó có cá nhân mình góp phần. Để làm gì ? Để được thêm gì ? Nó cũng đã thuộc về lịch sử. Nó hào hùng ư ? Nhất trí ! Chả ai tranh cãi điều ấy. Nhưng nó có mông muội ấu trĩ không ? Có ! Hãy nhìn thẳng vào sự thật khi ta đã đi qua mông muội, ấu trĩ. Chỉ một vấn đề cần được đặt ra thôi. Những năm ấy ai tàn phá rừng cho bằng … TNXP của tôi ? Cái thảm họa môi trường hôm nay có khởi thủy, nguyên nhân cả đấy. Dù nó không chỉ có TNXP là thủ phạm. Nói để mà hiểu tại sao tôi chọn đứng về phái những anh em TNXP hôm nay sau gần 30 năm vẫn còn nhiều người thân sơ thất sở, thất nghiệp, bịnh hoạn, nghèo khó … "Truyền thống " với tôi chính là họ. Tiếc thay ! Tôi cũng chỉ là nhà thơ nghèo, kẻ may mắn trở về nguyên vẹn từ chiến trường. Tôi chỉ có cây bút, cái bàn phím quèn.
Từ lâu rồi tôi từ chối "lãnh địa" từng có mặt mình: Truyền hình. Đơn giản lắm ! Tôi đã ở cái tuổi được quyền chọn nói điều mình muốn nói, không nói điều người khác muốn mình nói thay cho họ nữa. Muốn được thế thì tôi " đi chỗ khác chơi", nên ở nhà. Và nay sự từ chối ấy còn có thêm một lý do nữa. Tôi không ngồi vào cái chỗ từng làm phóng sự vu cáo bôi nhọ và không bao giờ xin lỗi những người xuống đường vì vận mệnh của đất nước. Họ là những người luôn "kiên trì lắng nghe – kiên trì … không giải quyết" .
Bài viết "Vị đắng …" của anh tôi đọc không thấy đắng, chỉ thấy tiếc. Nếu anh không đến dự, anh sẽ không " đắng".
Dù gì vẫn chỉ là quan điểm cá nhân của tôi. Anh có thể đồng ý, có thể không. Riêng tôi, vẫn giữ vững sự quí mến nơi anh và một số anh em tôi đã từng được biết trước đó và sau ngày 5 tháng 6 trên mặt đường Sài Gòn.
Thân mến
Đỗ Trung Quân
2 – 1- 2012
* Mời đọc 609. VỀ MỘT VỊ ĐẮNG.
Cùng tác giả, trên Ba Sàm: – 94. Viết sau ngày 5-6; - 107. Trò chuyện với người (hoặc là) anh em (hoặc không); – 114. Thư gửi những bạn trẻ xuống đường phản đối xâm lược; - 125. Đỗ Trung Quân: YÊU NƯỚC KHÔNG CHỈ RIÊNG AI. - 150. Thư gửi các anh chị lãnh đạo Thành Đoàn nhiều thế hệ ; – 159. Dừng cuộc thi nói không với chữ U; – 183. Nếu trên đầu mình đã mọc đuôi sam; – 264. Thư Sài Gòn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét