Những ngày cuối cùng của năm Canh Dần, Đảng cộng sản VN kêu gọi chỉnh đảng. Lời kêu gọi này đã vang lên từ rất lâu, được lặp lại với cường độ ngày càng thống thiết tương xứng với mức độ trầm trọng của tình trạng biến chất của các đảng viên.
Nhưng tác động của việc chỉnh đảng chắc chắn là hạn chế vì không có đối lập để thách thức công khai hóa những sai phạm thì đảng viên vẫn tiếp tục cuộn trong tổ kén của mình và tha hóa. Càng giáo huấn thì càng mâu thuẫn vì lý thuyết cộng sản mỹ miều đã hoàn toàn khác xa so với thực tiễn cay nghiệt hằng ngày. Nếu chủ nghĩa Mác là một công trình bỏ trên giá sách hoặc là một tôn giáo hướng đến đời sau thì không đến nỗi tệ. Nhưng khi đưa cả một nửa nhân loại ra làm thí nghiệm, trả giá bằng hàng trăm triệu mạng người, cộng với sự thất bại rõ ràng trên thực tế thì việc tiếp tục ép xác, rao giảng về nó là một sai lầm cả tư duy và đạo đức.
Việt Nam gần đây giống như cây lúa được bón quá nhiều duy nhất một loại "phân vô cơ cộng sản" nên đã ngăn cản sự hấp thu của những nguồn dinh dưỡng khác, dẫn đến việc rụng lá dần và suy thoái mặc dù hiện nay tất cả việc tổ chức quyền lực từ trung ương đến từng bản làng xa xôi hẻo lánh vẫn thuộc về Đảng cộng sản Việt Nam.
"Khi những nhóm lợi ích càng càng tư lợi cho mình bao nhiêu thì cơ hội chung cho đất nước càng trở nên ít đi và khó khăn hơn"
Lê Quốc Quân
Đảng cũng đã tiến hành đổi mới nhưng càng chắp vá thì những tổn thương trên cơ thể Mẹ Việt Nam càng trở nên trầm trọng. Khi những nhóm lợi ích càng càng tư lợi cho mình bao nhiêu thì cơ hội chung cho đất nước càng trở nên ít đi và khó khăn hơn.
Nhưng năm 2011 là năm đầy ấn tượng cho mùa cách mạng mới !
Bắt đầu bằng sự tự thiêu của Mohamed Bouazizi, một thanh niên trẻ làm nghề bán rau tại Tunisia, thế giới chỉ cần 12 tháng để chứng kiến sự ra đi của hàng loạt quốc gia độc tài ở Bắc Phi. Mùa xuân Ả rập đã gây cảm hứng lên rất nhiều quốc gia và những cánh én báo hiệu càng nhiều ở những nước độc tài còn sót lại trên thế gian. Có thể mất thời gian nhưng Việt Nam không thể là một ngoại lệ. Con tàu Việt Nam thực sự đang nằm trên đường ray dân chủ do chủ quan con người cũng như khách quan của quy luật tiến hóa.
Cách mạng ở Bắc Phi không phải là một sự tình cờ. Những mâu thuẫn trong các chế độ độc tài ở Bắc Phi đã nuôi cấy ung nhọt ngay trong chính lòng xã hội từ rất lâu. Và để có được một mùa xuân Ảrập thì Hoa Kỳ và Phương Tây đã có chiến lược đối với vùng này từ một thập niên trước. Cái chết đầy uẫn ức của thanh niên đó đáp ứng được tiếng thì thầm của công lý trong lương tâm mỗi người, nó châm ngòi cho đốm lửa cháy lan ra và đống cỏ khô Bắc Phi đã bắt được mồi lửa, cộng hưởng với cơn gió thổi từ Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương -NATO. Mọi điều cần thiết đó có vẻ như cũng đang có ở xã hội Việt Nam.
Trung – Mỹ đụng nhau?
"Một chiến lược gia Trung Quốc đã dự báo rằng chiến tranh Trung –Mỹ là không xa. Hai con dê này sẽ đi qua một chiếc cầu Biển Đông và đây có thể là một trong những ngòi nổ cho những xung đột"
Lê Quốc Quân
Trên thực tế, chuyện xảy ra ở Bắc Phi và Trung Đông thực ra là một cú đánh vào Trung Quốc vì nơi đó là nguồn cung dầu mỏ chủ yếu của cường quốc đông dân nhất thế giới với sự tăng trưởng kinh tế liên tục nhiều năm ở mức 2 con số.
Saddam Hussen bị treo cổ, Trung Quốc đã mất một nguồn cung dầu mỏ lớn. Nếu câu chuyện tương tự xảy ra với Iran, Trung Quốc thực sự sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng vì mất đi đến 20% nguồn cung năng lượng. Đất nước đang phát triển này cần rất nhiều dầu mỏ trong khi nguồn cung từ những quốc gia độc tài ở Bắc Phi đang cạn dần.
Những ngày cuối năm 2011 còn chứng kiến sự chuyển đổi đầy ngoạn mục của Miến Điện. Đó cũng là một cú đấm bồi vào Trung Quốc khi con đường ngắn nhất từ Trung Quốc đến vịnh Bengal coi như không còn là độc quyền của Trung Quốc.
Mất nguồn cung năng lượng ở Bắc Phi; mất con đường xuống Ấn Độ Dương qua Miến Điện; bị bọc lót kỹ ở vùng biển Hoàng Hải và Đông Hải, Trung Quốc chỉ còn một cách duy nhất nữa là "quẫy đạp" về phía Đông Nam để vươn ra Thái Bình Dương.
Nhưng Hoa Kỳ đã coi thế kỷ 21 là thế kỷ Thái Bình Dương của họ và đang chuẩn bị một lá chắn liên kết giữa Ấn Độ - Asean – Nam Hàn và Nhật Bản, tạo thành bức tường bao quanh Trung Quốc. Hoa Kỳ còn dự kiến triển khai lính tại Úc Châu và tổng thống cam kết cam kết định hình tương lai cho khu vực này.
Khi người Mỹ đặt các nhiệm vụ ở Châu Á Thái Bình Dương lên làm ưu tiên hàng đầu thì sự trỗi dậy trong hòa bình của Trung Quốc là không thể trong một thế giới đầy "quần ngư tranh thực". Một chiến lược gia Trung Quốc đã dự báo rằng chiến tranh Trung –Mỹ là không xa. Hai con dê này sẽ đi qua một chiếc cầu Biển Đông và đây có thể là một trong những ngòi nổ cho những xung đột.
Việt Nam vì vậy chắc chắn, cách này hay cách khác, bị cuốn vào vòng xoáy này. Tôi dự đoán, câu chuyện "Xé Trung Quốc ra nhiều mảnh" và hình thành "liên bang cộng hòa Trung Hoa" chỉ tính bằng thập kỷ.
Việt Nam khi nào?
"Có hai con đường dân chủ hóa Việt Nam. Một là đi trước Trung Quốc, hai là ngay hôm sau của một cuộc đổi thay từ Trung Quốc"
Lê Quốc Quân
Cỗ máy độc tài, tiêu tốn nhiều nguyên liệu và đẫy rẫy lỗi hệ thống ở Việt Nam chắc chắn sẽ có ngày phải dừng lại. Nhưng vấn đề là khi nào và như thế nào?
Trước khi có vụ cắt cáp thăm dò, không ai có thể nghĩ là ngay giữa Hà Nội, có 11 cuộc biểu tình. Những gì xảy ra vào mùa hè năm 2011 là dấu hiệu thách thức đảng cầm quyền trong những năm tới vì nó mở màn cho sự đòi hỏi những quyền khác như: tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do báo chí…
Thậm chí cuộc biểu tình để ủng hộ luật biểu tình cũng là một cuộc biểu tình nổi đình đám. Vậy trong bối cảnh mà giá cả tăng cao, đời sống khó khăn, tham nhũng lan tràn, hàng loạt vi phạm của chính quyền đã làm cho nhân dân phẫn nộ, có người đã trực tiếp bắn vào lực lượng công an và quân đội thì việc đòi hỏi những quyền được ghi trên hiến pháp dễ dàng lặp lại với một cường độ cao hơn, rộng hơn vì nó đáp ứng được khát vọng của nhân dân cùng khổ.
Đó là điều phải đến và chắc chắn ít hơn một thập niên. Nhưng bằng cách nào?
Hai con đường
"Kịch bản thứ hai có vẻ nhận được sự đồng thuận lớn hơn của bộ phận dân chúng Việt Nam. Họ chờ đợi Trung Quốc thay đổi trước và cho rằng Việt Nam sẽ là một bản copy"
Lê Quốc Quân
Có hai con đường dân chủ hóa Việt Nam. Một là đi trước Trung Quốc, hai là ngay hôm sau của một cuộc đổi thay từ Trung Quốc.
Kịch bản một xảy ra khi những người lãnh đạo nhìn thấy những lực lượng quần chúng hiện hữu đủ hình hài và sức mạnh đòi dân chủ và họ sẽ đứng về đại bộ phận dân chúng, tiến hành cải tổ và dân chủ hóa đất nước.
Kịch bản này phụ thuộc rất lớn vào tầng lớp mới thân phương tây đã và đang được đào tạo ở nước ngoài. Sẽ có một cuộc "dàn quân" giữa một bên là những người trẻ, có tư tưởng cải cách và thân Mỹ và một bên là những người lớn tuổi hơn, có tư tưởng bảo thủ và thân Trung Quốc. Đây sẽ là một cuộc đấu tranh chính trị cam go vì hai bên điều hiểu một cách đầy trách nhiệm rằng Việt Nam có thể chỉ là một quân cờ trong bàn cờ lớn hơn của chính trị thế giới.
Kịch bản thứ hai có vẻ nhận được sự đồng thuận lớn hơn của bộ phận dân chúng Việt Nam. Họ chờ đợi Trung Quốc thay đổi trước và cho rằng Việt Nam sẽ là một bản copy. Kịch bản này cũng là điều mà các cường quốc ủng hộ dân chủ đang theo đuổi một cách quyết liệt vì nếu như dân chủ hóa được Trung Quốc thì những nước cộng sản còn sót lại như Việt Nam & Bắc Triều Tiên gần như đương nhiên xong". Cuba có thể để tồn tại như một bảo tàng sống động cho người dân xem về XHCN mà xa lánh.
Tất nhiên, dự đoán chỉ là dự đoán, lịch sử vốn đầy bất ngờ, giống như những người Cộng sản khi xưa đã bất ngờ "bước vào một ngôi nhà trống vào năm 1945" làm tròn trách nhiệm trong công cuộc giải phóng dân tộc. Còn bây giờ lẽ ra là lúc họ phải dũng cảm chấp nhận những thách thức mới với các lực lượng tiến bộ khác. Nếu vẫn đủ sức mạnh và sự tinh anh, họ tiếp tục cầm quyền trong sự quy phục của những người thất cử, còn nếu thất bại, họ đi vào lịch sử dân tộc như một chính đảng đã đặt sự phát triển của dân tộc lên trên phe nhóm của mình. Khi như vậy, dù có phải phiêu du theo dòng lịch sử thế giới, những người con có trách nhiệm của Mẹ Việt Nam, vẫn có thể tự hào rằng mình đã làm hết trách nhiệm với tổ tiên trước đây và con cháu sau này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét