Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

Đại Tá Bùi Văn Bồng : Trao đổi cuối năm Con Mèo với TS Tô Văn Trường !

Nguồn nguoilotgach

                                      [về bài viết "BẪY CHẾT NGƯỜI "]


Kính gửi anh Tô Văn Trường, 

 Kính gửi anh Tô Văn Trường. Chuyện đầu năm Con Rồng chưa nói đến, vì hơn 1 ngày nữa mới đến năm Con Rồng. Nay tôi có tâm sự cuối năm cùng trao đổi với anh. Đây vừa là tâm sự riêng, vừa là nỗi lo về một thực tế, một hiện trạng chính trị-xã hội, nỗi lo về Nhà nước pháp quyền mà ta đang phấn đấu để đúng nghĩa như thế. 

Tôi đã đọc bài "Bẫy chết người" của anh. Tôi suy nghĩ nhiều về đoạn cuối bài viết: "Phát biểu của Phó chủ tịch Đỗ Trung Thoại, có thể thấy là cơ quan lãnh đạo thành phố Hải Phòng đang tìm cách xóa tội cho cấp dưới và quy kết những người không tuân phục lệnh cưỡng chế. Vì vậy nếu chỉ giao cho chính quyền thành phố kiểm tra, xử lý việc này như chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì không thể có kết quả đúng thực tế, đáp ứng mong đợi của dân. Vì vậy, Trung ương phải vào cuộc và đình chỉ ngay chức vụ của những cán bộ trực tiếp sai phạm, có thể là tạm đình chỉ, chờ điều tra, kết luận thì người dân mới dám nói thẳng, nói thật. Đó chính là mệnh lệnh của cuộc sống để tránh được cái bẫy chết người!"
Tôi chưa được đọc Chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc giao cho chính quyền thành phố Hải Phòng giải quyết hậu sự  vụ việc tày trời ở xã Vinh Quang (Tiên Lãng). Thú thực, đọc những dòng thông tin đó tôi bị bất ngờ, và có trạng thái như suýt bị choáng. 
Tôi nhớ vụ Nông trường Sông Hậu, trong khi báo chí nêu rần rần về sự chậm trễ chưa vào cuộc của cấp Trung ương, thì tại cuộc họp báo ở Hà Nội, các Ban biên tập được thông báo là các báo phải dừng việc đưa tin NT Sông Hậu, việc địa phương đang làm thì để cho người ta làm. Rồi sau đó, TTg NT-Dũng phát biểu là "án tại hồ sơ". Về chức vụ trong xã hội thì tôi chẳng là gì đáng nói. Còn chức vụ của TTg NT-Dũng rất lớn, đứng trên cả hơn 85 triệu người. Có lẽ vì thế chăng? Nên tôi nghĩ đi, nghĩ lại mãi mà không thể nào hiểu được câu: "Án tại hồ sơ" nghĩa là thế nào! Khi học môn pháp luật ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, và sau đó học chuyên đề về "Bốn yếu tố cấu thành tội phạm" ở trường Sĩ quan công an, rồi nghiên cứu pháp luật để cho việc làm báo, biên tập báo không bị kiện cáo là viết sai, tôi chưa bao giờ nghe câu nói ấy. "Án tại hồ sơ" là thế nào?  Người ta thường nói: Hồ sơ là cơ sở để xét xử, giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo và giải quyết tố tụng. Nhưng chưa ai nói "Án tại hồ sơ". Nếu hồ sơ làm sai bản chất vụ việc, bỏ qua nhiều tình tiết quan trọng, có hại cho nguyên đơn (hoặc ngược lại - bị đơn) thì cứ xử oan sai, thiếu khách quan, không trực thực cho người ta à? Nếu vụ việc cần đưa ra tòa, nhưng hồ sơ lại vì một lý do khách quan, chủ quan nào đó, động cơ nào đó làm sai thực tế xảy ra vụ việc, thì án cứ theo hồ sơ đó mà xử, không cần tranh tụng, không cần luận giải, bỏ qua chứng cứ xác đáng nhưng trái ngược hồ sơ , hoặc không có trong hồ sơ hay sao? 
Cho nên, nếu giao việc ông Vươn cho Tp Hải Phòng, cũng giống như đã từng giao vụ NT Sông Hậu cho Tp Cần Thơ, có khi chưa chắc đã có hiệu quả tốt, chưa chắc được trung thực, khách quan, công minh, không khéo luật pháp bị bẻ cong, cán cân công lý bị lệch ngược. Thế thì nguy quá. Kẻ có tội có khi chạy được tội. Người bị oan sai, có khi không được kịp thời minh oan. Lẽ ra xử nhẹ, nhưng lại xử quá nặng. Rồi cuối cùng khi tỉnh, thành làm không đến nơi đến chốn, đơn thưa kiện thể nào chẳng tới tấp lên TW, rồi lại TW phải giải quyết hậu họa như vụ NT Sông Hậu hay sao? Thực tế công luận mới nêu nóng hổi: Vụ việc chưa được thanh tra, điều tra, giám sát đến đâu cả, thế mà trong cuộc họp báo, ông PCT Tp Đỗ Trung Thoại đã phát biểu bừa để bênh che cho lãnh đạo huyện Tiên Lãng. Vậy, cứ cái đà này, giao cho họ sẽ ra sao, sẽ đi đến đâu? Vụ NT Sông Hậu vì giao cho Tp Cần Thơ mà bị kéo dài, bà Ba Sương bị oan ức 6 năm, căng thẳng, tiều tụy, đổ bệnh, muốn chết, nay mới được minh oan. Mà cũng phải trần thân báo chí, công luận, dư luận và cả thảo luận nhiều cấp, nhiều ngành từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư trở xuống đến Bộ, Viện, Tòa mới đi đến kết quả bà Ba Sương được đình chỉ mọi tố tụng, coi như được giải oan. Nhưng đó là bà Ba Sương. Còn như công dân Đoàn Văn Vươn và anh em nhà họ Đoàn ở xã Vinh Quang thì có gì? Nếu như lại cái bài cũ "việc địa phương đang làm, để cho người ta làm" thì làm cách nào, kiểu gì, đến bao giờ, và có đúng pháp luật không? Và có chắc chắn là không có sự bênh che?...
Cái đáng sợ nhất là vô cảm và vô trách nhiệm. Việc có biểu hiện là Tp (hoặc tỉnh) có thể giải quyết không được khách quan, thậm chí bao che, tránh tội, giấu nhẹm những cán bộ liên quan, xóa vết "đường dây", hoặc thậm chí đã là nhóm lợi ích, hay ít nhất cũng cánh hẩu với nhau, làm hồ sơ vụ việc cố tình lợi cho bên này hoặc bên kia, nay lại giao cho họ "tự xử", liệu có nên hay không? Vụ việc cần phải có lãnh đạo cấp TW và Bộ, cơ quan chủ quản, ngành chức năng Trung  ương phải đứng ra giải quyết, nay lại cứ phải trình tự từ dưới lên trên, sẽ sinh ra đủ thứ hệ lụy, sẽ càng thêm rối và kéo rê đến mức quá chậm trễ. Cái kiểu "làm từ dưới lên, tuần tự  các bước" tưởng như là tôn trọng dân chủ, nhưng thực chất là rất tai hại, tạo kẽ hở cho cấp dưới lộng quyền, che chắn, tránh né cái sai, báo cáo thiếu trung thực, lại mở đường thoát cho những cán bộ vi phạm nguyên tắc điều lệ đảng và vi phạm pháp luật, vi phạm dân chủ. Không biết những vụ việc cần TW trực tiếp chỉ đạo, cần cơ quan chức năng TW, Bộ phải trực tiếp vào cuộc, nhưng cứ giao cho "địa phương làm đi cái đã" thì có gọi là "khoán trắng" được không? Mà các kiểu làm việc "khoán trắng" nhiều khi là vô cảm và cũng vô trách nhiệm, cốt rảnh rang, khỏi mang tiếng cho mình, vụ việc rối, chậm cỡ nào, ai oan ức mặc ai, thật đáng lo ngại. Nếu như vụ NT Sông Hậu, khi báo chí nêu là Tp Cần Thơ giải quyết quá nhiều sai luật  từ thanh tra đến điều tra thụ lý vụ án rồi xét xử, Trung ương phải vào cuộc ngay, thì không đến nỗi để cho Tp Cần Thơ làm oan sai như vậy.
              Vậy, đã cuối năm, mấy lời tâm sự cùng anh. Anh và các anh ở ngoài đó gần Trung ương, Bộ, ngành chức năng cấp TW. Tôi tâm sự như vậy, nếu các anh đồng quan điểm thì cũng nên có cách nào đó tác động làm cho TW nên rút kinh nghiệm từ bài học vụ NT Sông Hậu dầm dề, tai tiếng (và nhiều vụ khác nữa) để giải quyết cho nhanh. Nếu sau Hội nghị TW 4 nêu những mặt yếu, những tồn tại cấp bách, mà nay lại để vụ việc kéo dài, cán bộ làm sai không bị xử lý, để tụ dồn nhiều vụ việc dở đang kéo dài, không khéo nói như dân xứ Nghệ: Nghị quyết Trung ương "Bộn" (Nam bộ gọi bộn là nhiều), tức là tồn đọng quá nhiều vụ việc. Việc cần làm ngay, không làm ngay thì mỗi ngày tích tụ thêm phức tạp. 
Kính chúc anh và gia đình sức khỏe, hạnh phúc!
                                      Bùi Văn Bồng


21/1/2012(đêm 28 tết Nhâm Thìn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét