Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012

Vụ nổ súng vì bị cưỡng chế đất ở Hải Phòng - Anh là ai ?

Nguồn xuongduong

Vụ nổ súng vì bị cưỡng chế đất ở Hải Phòng ly kì hơn phim hành động.

Bọn cường hào ác bá chuyên đi hà hiếp, cưỡng bức, cướp đất của dân lành sẽ bắt đầu biết run sợ trước sự phản kháng của người dân khi bị dồn ép đến đường cùng .

'Vụ nổ súng ở Hải Phòng ly kì hơn phim hành động'

Một ngày sau vụ cưỡng chế khiến 4 cảnh sát cùng 2 quân nhân bị thương, những người dân tụ tập gần hiện trường cho biết: Khi sự việc đang diễn ra, có người mang mìn đứng lẫn trong đám đông hiếu kỳ.


Chiều 6/1, trên con đê khu cống Rộc xã Quang Vinh, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), nhiều người dân vẫn tụ tập để bàn tán về sự cố xảy ra trong khi cưỡng chế giải tỏa khu đất của gia đình ông Vươn.

"Chứng kiến cảnh hôm qua mới thấy kịch tính hơn cả phim hành động của Mỹ", nam thanh niên chừng 30 tuổi nói.


Những người dân thuần nông này cho biết, sáng 5/1, lần đầu tiên họ thấy nhiều cảnh sát về xã đông đến thế, ước chừng vài trăm người. Chó nghiệp vụ cũng được mang đến. Khi lực lượng chức năng tổ chức cưỡng chế, nhiều tiếng súng vang lên khiến không khí bình yên nơi đây trở nên xáo động.
Ngôi nhà 2 tầng sau vụ nổ súng đã bị phá dỡ toàn bộ. Ảnh: Hà Anh.
Ngôi nhà 2 tầng sau vụ nổ súng đã bị phá dỡ toàn bộ. Ảnh: Hà Anh.


"Tiếng mìn lẫn tiếng súng cứ bụp bụp vang bên tai. Nhưng cả vài nghìn người dân ở quanh khu vực xã Quang Vinh chúng tôi vẫn ùn ùn kéo nhau đến xem. Triền đê dài chừng 2km đông đặc người", một phụ nữ kể.


Theo lời chị này, lẫn trong đám người đông hôm đó có cả vợ, con trai và em dâu của ông Vươn. Sau ít phút sự việc xảy ra, những người này đã bị cảnh sát khống chế.


Thời điểm nổ súng có 3 thanh niên đem theo mìn, lựu đạn đứng lẫn trong những người dân hiếu kỳ. Lực lượng chức năng sử dụng thiết bì dò mìn đã phát hiện, khống chế họ tức thì.


Một ngày sau khi sự việc xảy ra, theo ghi nhận của phóng viên VnExpress.net, ngôi nhà 2 tầng là nơi cố thủ của ông Vươn cùng một số người thân đã bị phá. "Nhà 2 tầng này là của Quý (em trai Vươn) vừa mới xây dựng cách đây chưa lâu. Còn vợ chồng Vươn sống trong túp lều cách đó không xa...", một người dân nói.


Nhà của anh em Vươn bao quanh là đầm nước và cây cối, chỉ có một lối vào. Một cảnh sát nhận định, nhiều khả năng ông Vươn và những người bắn súng chống cảnh sát đã lẩn ra cửa sau để tháo chạy ra phía rừng phòng hộ đê.


Người dân bàn tán chuyện hàng trăm cảnh sát với nhiều vũ khí nhưng vẫn để những người cố thủ trong căn nhà trốn thoát. Ảnh: Hà Anh.
Người dân bàn tán chuyện hàng trăm cảnh sát với nhiều vũ khí nhưng vẫn để những người cố thủ trong căn nhà trốn thoát. Ảnh: Hà Anh.
Theo một số người dân sống ở gần khu vực xảy ra vụ cưỡng chế, sau khi tốt nghiệp đại học, ông Vươn về vùng này lập nghiệp. Đây được xem là người đầu tiên đấu thầu nuôi trồng thủy hải sản ở khu vực này từ nhiều năm nay cùng với vợ con.


Trong cuộc sống hàng ngày, vợ chồng Vươn sống khá hòa đồng và tình cảm với người dân xung quanh. Khi sự việc diễn ra, tất cả mọi người đều bất ngờ trước sự phản kháng của người đàn ông 52 tuổi này.
"Ông ta khá hiền lành, chẳng để mất lòng ai cả. Dù ông đã đấu thầu khu đất rồi nhưng chúng tôi vẫn đi lại vào khu vực này khá thoải mái...", một người dân xã Vinh Quang nói.


Hiện 6 người liên quan vụ việc đã bị tạm giữ, trong số này có ông Vươn. Riêng Đoàn Văn Quý (em trai Vươn) bỏ trốn và bị cảnh sát truy lùng gắt gao. Vụ án giết người và chống người thi hành công vụ này đã được khởi tố.


Sáng 7/1, một lãnh đạo Công an Hải Phòng cho VnExpress.net biết, mâu thuẫn giữa ông Vươn và chính quyền địa phương về thời hạn giao đất, tiền đền bù xảy ra đã từ lâu. Chính quyền 8 lần yêu cầu trả đất nhưng người này không chấp hành. Sự việc được đưa ra tòa giải quyết... song mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ. Ngày 5/1, việc cưỡng chế với quy mô lớn đã được tổ chức; ông Vươn và một số người thân chống đối quyết liệt.


Ngày 5/1, hơn 100 cảnh sát, quân đội cùng nhiều lực lượng chức năng tổ chức cưỡng chế thu hồi hơn 50ha đầm nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả tại vùng bãi bồi ven của gia đình ông Vươn tại xã Vinh Quang. Nhà chức trách cho rằng, ông Vươn đấu thầu khu vực này nhiều năm hiện đã hết hạn và không chịu đóng thuế trong thời gian dài.


Không đồng tình với quan điểm của nhà chức trách, ông Vươn đã phản kháng. Đỉnh điểm của sự việc là hàng loạt mìn và tiếng súng vang lên khiến 6 cảnh sát và quân nhân của huyện Tiên Lãng phải nhập viện.

Hà Anh




+++++++++++++++++++++



Hải Phòng: Kỹ sư nông nghiệp chủ mưu vụ bắn sáu chiến sĩ


Chiều nay (6-1) Kỹ sư nông nghiệp Đoàn Văn Vươn - chủ đầm lầy, nơi diễn ra vụ đấu súng chống trả lực lượng cưỡng chế huyện Tiên Lãng, khiến sáu chiến sĩ bị thương, cùng em trai bị bắt.

 
Ngôi nhà trông coi đầm, nơi ẩn nấp của các đối tượng đã bị kéo sập (chụp chiều 6-1). Ảnh: Phạm Duẩn.

Theo thông tin ban đầu, Vươn (49 tuổi, ở thôn Thúy Nẻo, xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) là chủ mưu, cùng đồng bọn dùng súng, mìn... chống trả lực lượng cưỡng chế huyện Tiên Lãng sáng 5-1, làm sáu chiến sĩ công an và quân đội bị trọng thương, phải nhập viện cấp cứu.

Em trai Vươn là Đoàn Văn Vệ cũng đã bị bắt. Vệ đã góp sức trong việc chống trả lực lượng chức năng. Vợ Vươn là Nguyễn Thị Thương bị cơ quan công an tạm giữ để làm rõ.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra, công an Hải Phòng đã khởi tố vụ án hình sự về tội giết người và ra lệnh truy bắt các đối tượng tham gia.

 
Ngôi nhà của gia đình Vươn. Ảnh: Phạm Duẩn. 


Chiều 6-1, PV Tiền Phong về thôn Thúy Nẻo, nơi chủ đầm Vươn cùng gia đình sinh sống. Bà con xóm làng cho biết, gia đình Vươn khá nghèo. Cái nhà sập sệ đang ở là tài sản duy nhất mà ông bố Đoàn Văn Thiển (đã mất 6 năm nay) để lại cho Vươn.

Khi còn sống, ông Thiển là đảng viên gương mẫu, từng hơn 20 năm làm bí thư chi bộ thôn và luôn đi đầu các phong trào làng xã. Ông nuôi bảy con (năm trai, hai gái).

Bảy anh chị em nhà Vươn đều hiền lành, không có tiền án, tiền sự. Học hết cấp ba, Vươn học tiếp Đại học Nông nghiệp (hệ tại chức) dù nhà nghèo. Đoàn Văn Vươn hiện là kĩ sư nông nghiệp...

 
Ông Mễ, trưởng thôn Thúy Nẻo. Ảnh: Phạm Duẩn. 


Ông trưởng thôn Thúy Nẻo Đoàn Văn Mễ (54 tuổi) nói, Vươn sống hiền lành, rất cần cù, được làng xóm quí mến. Gia đình còn nghèo nhưng Vươn vay tiền tỉ quyết đầu tư hết vào đầm nuôi trồng thủy sản cùng em trai là Đoàn Văn Quý.

Năm 1993, vợ chồng Vươn kéo nhau ra bãi bồi hoang ven biển đầu tư tiền của, công sức cải tạo thành đầm nuôi trồng thủy sản.

Con gái đầu của vợ chồng Vươn bị chết đuối tại đầm từ nhỏ khi theo bố mẹ đi khai hoang... Hiện, vợ chồng Vươn có hai con trai. Đứa lớn học cấp ba, bé nhỏ học cấp một.

Lam Khê 




+++++++++++++++++++++



 Dân "nổ súng" chống chính quyền !





Khi các dự án ùn ùn mọc lên át dần màu xanh đồng lúa, người nông dân ngơ ngác nhìn thời buổi xoay vần. Đền bù với giá chưa đủ mua vài cân thịt cho mỗi mét vuông, tấc đất tấc vàng thuở nào nay đã rơi vào tay các ông chủ mới. Công lý không được xác lập thì kiện tụng gia tăng, đền bù thoả đáng cho nông dân mất đất đang trở thành nỗi nhức nhối thời nay.

Đăng đàn trước Quốc hội, ông Bộ trưởng Bộ TN-MT loan báo Chính phủ đang tìm cách sửa Luật đất đai và sửa cả 6 Nghị định xác định mức đền bù cho dân khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp. Ông bộ trưởng hứa sẽ tìm cách sửa luật để đền bù cho nông dân giá đất sát dần với giá thị trường, ngoài ra Nhà nước sẽ đền bù những thiệt thòi vô hình khác như mất việc, mất quê và đủ loại bối rối khi dân phải di dời.


Làm luật cũng như bốc thuốc, bắt bệnh trúng thì mới mong thuốc có công hiệu. Vì sao đất ruộng chỉ được đền bù với giá 80-160 ngàn đồng cho mỗi mét vuông, để sau khi trở thành đất dự án, chúng được sang tay với giá cao gấp bội. Lãi ấy Nhà nước và nông dân đều không được hưởng, chúng róc rách chảy vào túi những ông chủ dự án và người có quyền biến hoá ruộng thành dự án. Nguyên căn của bệnh  ấy là nông dân không có quyền làm chủ trên thủa đất mình đang canh tác. Ông chủ thật chính là những người có quyền lập, phê duyệt dự án, quyết định thu hồi đất, di dời và nếu cần thiết thì giải toả nông dân.

Vụ xả xúng chống lệnh cưỡng chế tại Hải Phòng (Ảnh Pháp luật TPHCM)


Ở xứ nào cũng vậy, vì mục đích công, Nhà nước đều dự liệu quyền trưng mua, trưng dụng đất tư, song phải mua hoặc đền bù thoả đáng theo thời giá thị trường. Điều ấy cũng đúng  với nước ta, đất đai thuộc sở hữu toàn dân không có nghĩa là chỉ riêng cơ quan nhà nước mới có quyền định giá đất theo tiêu chí chủ quan của mình. Đất đai khi đã giao cho các hộ nông nghiệp thì quyền dùng đất ấy cũng là của nông dân, muốn lấy lại vì những mục đích công, Nhà nước phải trưng mua quyền ấy theo thời giá thị trường.


Khác với trưng dụng vì mục đích công như xây dựng đường xã, trường học, nếu các ông chủ muốn biến ruộng thành đất công nghiệp hoặc đất ở, thì thủ tục mua lại quyền sử dụng đất của nông dân càng phải tuân theo nguyên tắc thị trường hơn nữa. Muốn giúp nông dân mặc cả với giới chủ, phải giúp nông dân có nhiều thông tin chi tiết hơn về dự án, tạo cơ hội cho họ so sánh thiệt hơn, giúp họ liên kết và có năng lực đại diện tập thể trong các cuộc thương thảo với những ông chủ vượt xa họ về năng lực tài chính và sức mạnh quan hệ với quan chức chính quyền.


Cách tính giá đất hàng năm của UBND các tỉnh có những nét quan liêu tựa như Bộ Y tế ấn định người thấp dưới 145 cm không được lái xe máy. Công khai quy hoạch, bắt buộc đấu giá đất cạnh tranh, ông chủ nào trả giá cao và thân thiện hỗ trợ nông dân chuyển nghề hoặc di dời nơi ở sẽ có nhiều cơ may nhận được dự án. Những bảng giá đất, dù được thiết kế phức tạp với đủ loại hệ số, dù được cập nhật hàng năm, vẫn chỉ là những ấn định quan liêu của cơ quan nhà nước. Trên thực tế, do nông dân mất đất quá thiệt thòi, để thực hiện được dự án, các địa phương đều phải hỗ trợ thêm kinh phí với đủ loại tên gọi như bồi thường hoa màu, hỗ trợ chuyển nghề, hỗ trợ di dời, cấp đất dịch vụ. Cũng như thế, cá biệt nếu có hộ không chịu di dời, nhiều nhà đầu tư phải lặng lẽ "đi đêm" với họ.


Vì lẽ ấy, ai nhận ra nỗi khổ của người nông dân mất đất và tìm cách làm họ bớt ngôi ngoai nỗi buồn mất nghiệp, mất quê? Song dường như chính sách đền bù chưa thỏa đáng để nâng cao vị thế của nông dân thành người chủ trên mảnh đất của mình. Họ xứng đáng được hưởng như vậy, bởi một nhà nước của dân trước hết phải là một nhà nước của hơn 50 triệu nông dân. Nếu không làm được như vậy, người nông dân mất đất, mất nghiệp ấy sẽ sẵn sàng chống trả những bất công của chính quyền đang hành động vì lợi ích của những ông chủ dự án.

Long Viet Nguyen

*****************************************

Xin mời xem thêm một bài viết cũ năm 2010 trên doisongphapluat viết về anh Đoàn Văn Vươn

Kỳ tài đất Tiên Lãng và cuộc chinh phục lời nguyền của biển
Anh Vươn (bên trái) và tác giả bên cống Rộc

Đã biết về anh cách đây mấy năm, biết về cuộc đời đầy sóng gió và bão táp, biết cả những nỗi đau và day dứt hằn sâu tâm can con người anh, nhưng tôi chưa có dịp tìm hiểu sâu về cuộc đời nhiều bi hùng ấy. Trung tuần tháng 7 vừa qua, tôi lại có dịp về Tiên Lãng, đúng vào ngày có dự báo cơn bão Conson chuẩn bị đổ bộ vào nước ta, để ngồi với anh, nghe anh kể về cuộc chinh phục lời nguyền của biển...

Chinh phục "thần" biển

Câu tôi nói vui với anh, ngay khi biết về những việc anh đã làm, là cái tên anh nó vận vào đời anh nhiều quá. Anh tên là Đoàn Văn Vươn, sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng, T.P Hải Phòng. Dường như, khi cha mẹ sinh ra anh đã có dự cảm về cuộc đời đứa con mình nên đã đặt cho anh cái tên lạ lạ: Vươn. Cái tên như gửi gắm một hi vọng: anh sẽ vươn ra biển khơi, chinh phục cuộc đời, chinh phục biển cả để thoả lòng mong mỏi của người cha già với nguyện ước "con hơn cha, nhà có phúc".

Đối với người dân vùng biển, biển luôn là người mẹ nuôi dưỡng những khát khao. Biển cũng là nguồn tài nguyên thuỷ hải sản vô giá và cũng là nỗi lo sợ, ám ảnh trước những cơn bão tố. Một trận cuồng phong có thể san bằng tất cả! Hơn ai hết, Đoàn Văn Vươn, người con của một vùng biển nghèo hiểu rõ điều đó. ở tuổi hừng hực chí trai, sức trẻ, anh đã đầu quân đi bộ đội. Môi trường quân đội đã thêm một lần nữa rèn giũa ý chí, nghị lực cho anh. Rời quân ngũ năm 1986, trở về địa phương, anh chỉ có một khát khao duy nhất, chinh phục chính miền đất quê mình để làm kinh tế. Để có cái ăn, để có cái mặc. Mặc dù đã nhanh chóng trang bị kiến thức bằng một tấm bằng đại học Nông lâm, nhưng anh lại từ chối làm cán bộ Nhà nước. Từ bỏ mộng quan trường ở thời điểm đó là một quyết định "lạ đời", nhất là khi có bằng cấp trong tay. Đoàn Văn Vươn đã quyết làm một người nông dân thực thụ. Quyết làm một điều mà trước anh không ai dám nghĩ đến, chứ đừng nói là bắt tay làm.

Bỏ bằng đại học đi làm nông dân

Tiên Lãng có một địa danh gắn với sự dữ dội của biển và nghèo khó của con người: cống Rộc. Mỗi mùa mưa bão đến, sóng biển, gió biển ào ạt ngập lụt, đói kém thì sự cùng cực mà người dân nơi đây phải gánh chịu, phải chống đỡ trong kiệt quệ tinh thần, vật chất không gì diễn tả nổi. Trên một con đê trải dài ngút ngát, cống Rộc như một hiệp sỹ dũng cảm đối đầu với biển cả để bao bọc, chở che cho những người dân trót gắn đời mình vào phận biển. Nhưng sức mạnh khủng khiếp của thiên tai đã không biết bao lần bắt cống Rộc phải đầu hàng và cũng vì thế nó thành nỗi khiếp sợ mỗi khi bão biển, nước biển vượt qua phòng tuyến này. Lúc đó chỉ là mênh mông trời nước. Lòng người cũng dậy sóng theo từng con nước lớn.

Hiểu rõ điều đó, Đoàn Văn Vươn đã quyết làm một điều gần như không tưởng: chinh phục "thần" biển. Chinh phục cả nỗi khát khao không chịu đầu hàng số phận. Thế là từ cuối những năm 80, những viên đá đầu tiên được chàng trai Đoàn Văn Vươn mang đến trong cuộc trường chinh lấn biển, tạo hành lang bảo vệ để lấy diện tích khai thác nuôi trồng thuỷ sản. Chuyện đời, đâu dễ như nói.

Bằng cách nào để khuất phục biển? Đó là câu hỏi ngày đêm Đoàn Văn Vươn trăn trở. Anh đã bỏ hàng tháng trời để ăn biển, nằm biển, lắng nghe từng cơn sóng thuỷ triều lên, xuống, mải miết tìm đáp án. Không có sách vở nào dạy, không có kinh nghiệm tiền lệ nào để học theo. Chỉ có một điều đang dần lớn lên - Đó là ý chí. Bão lòng người đang dần lớn hơn bão biển. Nó dường như muốn phá tung khao khát đang bùng cháy trong anh. Đoàn Văn Vươn đối diện với hàng ngàn thách thức, suy tư. Khi đã hiểu rõ quy luật con nước, hiểu rõ thời điểm nào cần "ra tay" để bắt đầu, thì anh vấp phải không ít sự dèm pha.

Cái sự dám khuất phục "thần" biển của Đoàn Văn Vươn chả hiểu thế nào lại lan ra khắp vùng, lan ra cả các địa phương khác, trong đó có vùng đất Tiền Hải của tỉnh Thái Bình.  Anh kể: "Lúc đó có một người chuyên khai thác các vùng đất ven biển của huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình, để làm ăn. Khi biết tôi có ý định chinh phục vùng biển quê Tiên Lãng này, người ấy đã thông qua nhiều người thách thức tôi, rằng nếu tôi làm được, sẽ sẵn sàng mất cho tôi một chiếc xe máy đẹp. Người ấy mỉa mai, diễu cợt việc làm của tôi. Người vùng biển, nói là làm, người kia thách thức tôi chắc vì nghĩ tôi không làm nổi. Mặt khác, tôi hiểu đây còn là một sự thách đấu. Lúc đó, một chiếc xe máy đẹp có thể ví như con xe Camry bây giờ. Người thách đấu tôi không sợ, chỉ sợ Trời thách đố tôi thôi", anh nói, mắt nhìn xa xăm. "Đã thế tôi càng quyết tâm làm".

Đã có người bảo Vươn dại như con vích. Một con vật kỳ lạ của biển, là hay lôi ngược lại người ta. Nếu muốn bắt nó vào bờ, thì thay vì lôi nó vào bờ, người ta lôi nó ra... biển để nó đi theo chiều ngược lại. Cũng có người bạo mồm nói, thằng Vươn dám đi khuất phục "thần" biển là việc làm mạo hiểm.

"Vui sao nước mắt lại trào"

Nhiều năm trờiN, người dân nơi đây chứng kiến Đoàn Văn Vươn cùng anh em họ hàng quần quật lao vào cuộc trường chinh lấn biển. Có khi hôm trước làm, hôm sau sóng biển san thành bình địa. Hôm sau nữa  lại làm, sóng biển lại biến sức người thành bong bóng. Có khi nhìn thấy ít đất, đá còn bám trụ sau con sóng mà rơi nước mắt, Vươn đã tự đặt câu hỏi, thế này thì đến bao giờ? Hay là mình thất bại? Cứ thế, cứ thế, từng hạt đất bám trụ, từng viên đá trơ gan bám trụ là lại thêm một tia hi vọng. Một ngày trôi qua là khắc khoải chờ đợi một ngày mới, công sức bỏ ra không biết bao nhiêu mà kể hết.

Nói với chúng tôi, anh bồi hồi nhớ lại: "Nếu tính sơ sơ, đã có trên 20.000 m3 đất, đá được đưa đến đây, trên vùng đất ven biển Tiên Lãng mà các anh đang đứng trong cuộc chinh phục biển cả của tôi. Nói ra chính tôi cũng ngỡ ngàng,  tôi làm như mê, như say. Bởi  chỉ còn phía trước để tiến, chỉ còn biển để vươn ra. Tôi không có đường lùi, bởi thành công chỉ có cách duy nhất với tôi, đó là vươn ra biển".

Anh Đoàn Văn Vươn

Ngoài hàng chục ngàn m3 đất, đá đó, là biết bao sức người, sức của. Vừa lấn biển, chỉnh trị dòng nước triều dâng, vừa trồng cây bám đất, đã biết bao lần cây trồng lên lại bị biển nuốt trôi. Mất sạch. Tiếp tục trồng lại từ đầu, hàng ngàn cây bần, cây vẹt đã theo con sóng lẫn vào trùng khơi. Tiếp đó, không chỉ đất đá, hàng trăm tấn xi măng được đưa vào để tiếp thêm sức gắn kết thô mộc của đất và đá... Cuối cùng Trời không phụ lòng người, dòng chảy của biển ngoài đê biển cống Rộc đã bị khuất phục mà chuyển hướng. Phía chân đê có chỗ sâu gần 2 m, cốt âm, đã được nâng lên cốt dương. Từ đó hàng chục héc ta đất bãi bồi ven biển hình thành. Cũng theo đó, gần 70 ha rừng vẹt ngăn sóng biển đã bám trụ thành công. Không có tiếng vỗ tay.

Ngày nhìn thấy thành công trong mắtN, trong lòng, thoả khát khao của ước mơ ngàn đời "xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều",  lại là ngày nước mắt ầng ậc tuôn trào. Một nỗi đau câm nín, ngày đón nhận sự thành công mà có người đã nói là không tưởng đó, Đoàn Văn Vươn đã một mình đi lang thang ven biển. Đi trên chính phần đất bồi ven biển mà công sức anh đã tạo nên. Một mình vừa đi vừa lẩm nhẩm gọi tên đứa con gái xinh xắn dễ thương của mình, để tưởng nhớ đến nỗi đau và mất mát của riêng anh. Con gái anh, đứa con gái 8 tuổi ngây thơ và thân thương, nó cũng mang trong mình dòng máu chinh phục biển cả của bố đã vĩnh viễn ra đi. Và lý do cũng chính vì con nước biển trào dâng dẫn đến việc cháu chết đuối ở cống Rộc, trong chính những ngày bão tố ầm ầm, khi đó cũng là lúc anh đang chinh phục biển. Nỗi khiếp đảm khi nhắc lại chữ cống Rộc với người dân xứ này giờ trở nên thanh bình kỳ lạ. Anh đã thành công, cống Rộc trở nên yên ả trước phong ba, bão tố. Còn anh, một mình hứng nỗi đau câm lặng.

Anh không nói, nhưng vị đồng nghiệp đi cùng bảo, sự thành công trong việc trồng rừng chắn sóng, lấn biển của anh đã khiến người Nhật quan tâm. Một số chuyên gia nguời Nhật cũng đã tìm đến anh để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Ngẫm ra, anh cũng là bậc kỳ tài  rồi. Vậy mà 3 năm gặp lại, kể từ ngày biết anh, anh vẫn thế, mộc mạc và thuần hậu. Những việc anh làm có trời biết, đất biết. Còn việc đời và mất mát của anh, tôi cũng chỉ chia sẻ được phần nào. Bởi có những lúc, lòng người còn dậy sóng hơn biển cả. Đứng với anh trên con đê nơi có cống Rộc, phóng tầm mắt nhìn ra, ngút ngát một mầu xanh,  mầu xanh tươi từng thấm đẫm cả máu, mồ hôi và công sức. Phía xa hình như đang có một cơn giông...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét