PHẠM XUÂN NGUYÊN
Trước khi bàn vào vấn đề được nêu thành câu hỏi ở đề bài, tôi muốn kể lại một câu chuyện còn nóng hổi sau đây. Chuẩn bị cho báo Tết Mậu Tý 2008, báo Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT) nảy ý làm một cuộc tọa đàm về vai trò của trí thức trong không gian tư tưởng tinh thần của xã hội ta nhân nhìn lại cuộc sống đất nước cả năm 2007. Khách mời tọa đàm có nhà văn Nguyên Ngọc, nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà khoa học Phạm Duy Nghĩa, và tôi, nhà nghiên cứu văn học Phạm Xuân Nguyên. Chúng tôi đã trò chuyện chân tình, cởi mở, thẳng thắn, mỗi người từ tầm hiểu biết và góc nhìn của mình, về sứ mạng và vai trò của trí thức đối với sự tồn tại và phát triển của dân tộc từ xưa tới nay, tập trung chính vào thời hiện tại. Hai nhà báo của SGTT (Huy Đức, Mỹ Lệ) đã ghi chép, ghi âm những ý kiến của các vị khách, sau đó chuyển thành bài viết. Trên số Tết 2008 của báo SGTT bài này chỉ được đăng không đầy đủ với nhan đề "Không gian mới của trí thức", nhưng đã có tiếng vang. Và rồi trong cuộc giao ban báo chí tháng 2/2008 của Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, bài viết đó đã bị nhắc nhở, phê bình. (Bản ghi đầy đủ ý kiến trong cuộc tọa đàm với nhan đề "Để dân tộc ngẩng cao đầu" đã được đưa lên blog "Osin" của nhà báo Huy Đức, nhưng blog này sau đó đã bị tấn công).
Như thế là thế nào? Thay vì được khen ngợi và khích lệ vì đã đề cập kịp thời một vấn đề có thực trong cuộc sống mà Đảng cũng đang quan tâm và đang chuẩn bị ra nghị quyết thì báo SGTT lại bị buộc phải coi đó là một khuyết điểm, sai lầm của mình. Có lẽ do những người làm báo đã lắng nghe cuộc sống nói hơn là "nghĩ trong những điều đảng nghĩ" theo tên một bài viết của nhà thơ Chế Lan Viên thuở nào.
Tại cuộc tọa đàm đó tôi đã nói mấy ý sau. Theo tôi, ở Việt Nam có những người trí thức nhưng chưa có tầng lớp trí thức thực sự đúng nghĩa. Có những người trí thức Việt Nam có nhân cách kẻ sĩ, nhưng rất ít người có tư cách trí thức. Nhân cách kẻ sĩ là thừa hưởng truyền thống tiết tháo của nhà nho. Tôi có nhắc lại quan điểm của cố giáo sư Trần Đình Hượu (1925 – 1995), một nhà nghiên cứu tư tưởng và văn hóa nổi tiếng, ông cho rằng theo hành trình của nhà nho trong lịch sử, thì từ cuối thế kỷ XVIII đến nay, chúng ta có các loại hình: nhà nho-tài tử, nhà nho-cần vương, nhà nho-duy tân, nhà nho-tây học, nhà nho-cách mạng. Nho ở đây chỉ một tính chất, một loại hình, bất luận hoàn cảnh xuất thân và học vấn, và có thể nói nó là xuyên/liên thời đại nữa. Chất kẻ sĩ là sự khảng khái và bất chấp, bộc lộ rõ và có tác động mạnh về mặt đạo đức. Tư cách trí thức thì khác, đó là sự suy nghĩ độc lập và dám đi đến cùng trong sự suy nghĩ của mình trên cơ sở học vấn tri thức và khả năng tư duy khoa học, không chịu hệ lụy và ràng buộc nào từ ngoại cảnh dù nhân danh gì. Tôi cho để trí thức Việt Nam có thể lớn mạnh thành một tầng lớp đúng nghĩa và có vai trò tích cực đối với xã hội thì chúng ta phải vận hành một thứ văn hóa chính trị tham dự. Văn hóa chính trị (political culture) là một quan niệm chỉ sự hành xử của người dân đối với chính quyền, hay chính trị nói chung. Đó là "Sự định hướng của các công dân của một quốc gia đối với đời sống chính trị, sự nhận thức của họ về tính hợp thức chính trị và các truyền thống của thực tế chính trị" ("The orientation of the citizens of a nation toward politics, and their perceptions of political legitimacy and the traditions of political practice" –www.photius.com/countries/brazil/glossary/). Có nhiều thứ văn hóa chính trị khác nhau tùy theo cấp độ và kiểu loại tham dự chính trị cũng như tùy theo thái độ của người dân đối với đời sống chính trị. Almond và Verba, hai tác giả công trình nghiên cứu nổi tiếng về chính trị học "Văn hóa dân sự" (The Civic Culture, 1963) đã nêu lên ba kiểu văn hóa chính trị tinh (pure type) như sau:
- Kiểu giáo dân (Parochial): Nơi các công dân chỉ mơ hồ biết là có chính quyền trung ương tồn tại và họ sống gần như không quan tâm gì đến các quyết định của nhà nước.
- Kiểu thần dân (Subject): Nơi các công dân biết có chính quyền trung ương tồn tại và họ phụ thuộc nhiều vào các quyết định của nó với rất ít sự bất đồng, phản đối.
- Kiểu tham dự (Participant): Nơi các công dân có khả năng tác động đến chính quyền bằng nhiều cách khác nhau và họ bị ảnh hưởng bởi việc đó.
Ba kiểu tinh này của văn hóa chính trị có thể kết hợp với nhau, phối hợp những yếu tố đắc dụng của mỗi cái, tạo thành văn hóa dân sự.
Bây giờ, "trước khi ngồi vào bàn hãy thống nhất khái niệm", tôi xin trình bày sơ qua thế nào là "trí thức". Chữ "Intelligentsia" mà ta dịch là "trí thức" gốc từ Nga. Cách đây gần hai chục năm trên một tờ tạp chí Liên Xô có một cuộc thảo luận bàn tròn về "Trí thức xưa và nay". Tham gia thảo luận là các nhà đông phương học Liên Xô hồi đó. Tôi xin trích dịch một số ý kiến nêu ra đây tham khảo[1]. V. I. Maksimenko quan niệm trí thức: "Đó là một kiểu ý thức và đó cũng là một môi trường văn hóa xã hội, nhờ đó ý thức này được sinh ra, được duy trì, được phổ biến và được truyền lại cho thế hệ khác hay dân tộc khác. Có thể có những quá trình xã hội-lịch sử mà trong lòng chúng trí thức không những thể hiện mình ra, mà về nhiều mặt còn có khả năng quy định chiều hướng đời sống của dân tộc. […]. Trí thức bao giờ cũng có tính "quốc tế" và tính "thế giới", nhưng không phải do sự đoạn tuyệt mang tính chất hư vô chủ nghĩa với các mối quan hệ nền tảng của mình, mà do các khát vọng của nó mang tính toàn nhân loại và do nó không chấp nhận vai trò làm nhà tư tưởng cho những quyền lợi phe nhóm, hạn hẹp. Vì thế nó không thể tạo thành "giai cấp" cũng như không thể lập thành "đảng phái": mọi mưu toan trên con đường này đều sẽ biến thành sự tự bứt mình khỏi cuộc sống hiện thực làm khô cứng giới trí thức". Theo ông, tất cả mọi tấn kịch của trí thức đều xa gần liên quan đến một mâu thuẫn nảy sinh tự chính bản chất của trí thức: định hướng tự trị về tư tưởng-cuộc sống-hoạt động và nhu cầu biến sự tự trị đó thành cái được xã hội thừa nhận, điều này thể hiện rõ nhất trong quan hệ với "quyền lực" và "nhân dân". Nói chính xác hơn: "Ở đâu các quan hệ này không được ý thức, chúng ta có thể tha hồ tìm thấy các cấu trúc trí tuệ phát triển cao, nhưng không tìm được trí thức. Trong quan hệ với quyền lực, trí thức có thể đứng ở vị trí hợp tác hay đối lập, đối thoại hay bác bỏ hoàn toàn, nhưng có một điều nó không thể làm: trùng khớp với quyền lực và biến thành một trong những hiện thân của nó mà vẫn giữ được mình là trí thức". G. S. Pomerants cho rằng "trước thời Phục Hưng của châu Âu… không có các nhà trí thức theo nghĩa chặt chẽ của từ này. Chỉ có các tiền trí thức. Họ xuất hiện cùng với triết học". Ông theo quan niệm của M. Buber là "có hai kiểu người mang văn hóa trí thức thay nhau bước ra tiền đài lịch sử. Kiểu "ổn thỏa" thể hiện trong mình văn hóa như là hệ thống chức năng chuẩn mực; kiểu "đặt vấn đề", ngược lại, – đó là người mang sự khủng hoảng văn hóa, sự tả tơi, đổ nát, và sự thay thế các hình thức của nó. Nhà tư tưởng kiểu ổn thỏa, ngay dù có nghiên cứu triết học đi nữa, cũng biến nó thành một khoa học hệ thống chuyên ngành (Aristotel, Hégel). Nhà tư tưởng kiểu đặt vấn đề, giống như Hamlet, tìm cách khôi phục cái thế giới bị "lung lay", "trật khớp" (Pascal, Kierkegaard). Sự khác biệt giữa các thời đại chỉ là ở mức độ ảnh hưởng của kiểu này hay kiểu kia mà thôi".
Điều thú vị là có sự phân biệt giữa "intelligent" và "intellectual". Rất khó dịch hai từ này, gọi là "trí thức" và "trí giả" có được chăng? Tôi cứ để ngỏ cách dịch nghĩa, nhưng theo tôi, đây có lẽ là chỉ hai dạng trí thức khác nhau (hay hai dạng khác nhau nối tiếp nhau của trí thức) thuộc hai kiểu văn hóa khác nhau, có thể là dạng Đông và dạng Tây. E. A. Torchinov đặt câu hỏi: "Có phải intelligentsia hiện diện như là dấu hiệu quan trọng của một nền văn hóa này hay khác, hay tầng lớp này xuất hiện ở một giai đoạn lịch sử nhất định nào đó, rồi sau biến mất (được thay bằng, chẳng hạn, các chuyên gia hay các "intellectual")? Có phải intelligent là người quá độ từ người học giả trung đại sang người intellectual thời mới ở châu Âu?" Ông cho câu trả lời sẽ là khẳng định nếu như không có thực tế Trung Quốc với tầng lớp nhà nho ở đây. Theo ông từ nho gần với quan niệm về "intelligent" của Nga hơn với quan niệm về "intellectual" của phương Tây. Và mặc dù nhà nho chưa phải là trí thức theo đúng nghĩa của từ này, nhưng đó là nền tảng cho trí thức có thể xuất hiện khi có điều kiện thích hợp. A. I. Kobzev cho chữ nho là bao gồm cả "intelligent" và "intellectual". Ông dẫn ý kiến của nhà Trung Quốc học nổi tiếng người Anh J. Needam cho rằng quan niệm" công danh rộng mở cho người tài" mà nhiều người gắn với cuộc Đại Cách Mạng Pháp, thật ra lại không phải xuất từ Pháp hay châu Âu nói chung, mà là từ Trung Quốc. Thế kỷ XX các dân tộc châu Âu lấy thi cử để tuyển viên chức, ấy là đã có ý dựa theo kinh nghiệm của Trung Quốc. A. I. Kobzev cho rằng "intelligentsia" theo nghĩa chuẩn mực và rộng nhất là tầng lớp người lao động trí óc. Nhưng định nghĩa đó quá rộng, cần thu hẹp lại bằng cách chỉ ra: một, cấp độ học vấn; hai, kiểu lao động trí óc (sáng tạo, tự do, phi tôn giáo); ba, các quan niệm và phương châm tư tưởng hệ quan trọng nhất (niềm tin vào sứ mệnh riêng của mình, sự hướng theo những tư tưởng tiến bộ, thái độ phê phán đối với truyền thống, sự đối lập với quyền lực, lòng yêu dân); bốn, sự tự nhận diện của intelligentsia với tư cách tự nó. A. I. Mezcheryakov chỉ ra bốn sự khác biệt cơ bản giữa intelligentsia Nga và tầng lớp có học Nhật Bản: "1) mở / khép (về mặt xã hội; 2) chủ nghĩa thế giới / chủ nghĩa quốc gia; 3) phản kháng / xu thời (về mặt xã hội); 4) phá hủy / bảo tồn và phát triển (truyền thống)". Ông cho rằng sau khi hoàn thành thiên chức lịch sử của mình, kiểu "intelligent" được thay bằng kiểu "intellectual", đặc trưng cho kiểu sau này là "thuyết tùy thời, thái độ nhẫn nại và sự cân bằng khôn khéo giữa truyền thống và cách tân".
Gần đây hơn, năm 2000, V. A. Mau, một nhà nghiên cứu Nga, khi tìm hiểu giới trí thức Nga để truy tìm nguyên nhân đảo lộn của xã hội Nga thế kỷ XX, đã viết: "Giới trí thức không thể giống như những tên kẻ cắp trong vòng pháp luật với quy chế là cấm hợp tác với chính quyền, cũng không thể để chính trị bị thao túng bởi những kẻ con buôn và hám danh lợi. Thiếu sự cạnh tranh từ bên ngoài, thiếu sự liên hệ thường xuyên từ phía các trí thức, chính trị vẫn chỉ là một lĩnh vực hoạt động của con người thiếu vắng những giá trị và nguyên tắc nào đó"[2].
Trong cuốn sách Người mất hướng (L'homme dépaysé), Tzvetan Todorov, nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng gốc Bungary sống tại Pháp, đã đưa ra nhiều suy nghĩ về trí thức, nhất là người trí thức "dépaysé". Trong một đề mục "Chính trị của trí thức" ông viết: "Trí thức là gì? Cá nhân tôi dùng từ này chỉ với nghĩa sau: nhà khoa học hay nghệ sĩ (nhà văn nằm trong phạm trù này) không chỉ đơn giản làm công việc khoa học hay sáng tạo tác phẩm nghệ thuật thúc đẩy sự nhận thức chân lý hay sự nảy nở cái đẹp, mà còn không bàng quan với lợi ích xã hội, với các giá trị của xã hội họ đang sống, do đó, tham gia vào cuộc tranh luận xoay quanh các giá trị này. Trí thức theo quan niệm như thế của cái từ đó là khác xa với nghệ sĩ hay nhà khoa học không quan tâm gì đến phương diện chính trị hay đạo đức của sự nghiệp sáng tạo của mình, cũng như khác xa với nhà truyền giáo hay nhà chính trị chuyên nghiệp không có khả năng sáng tạo". Ông tán thành sự xác định của Montaigne phân biệt ba vị thế đối với chân lý và các giá trị tinh thần: "vị thế của người hư vô chủ nghĩa (như cách chúng ta nói hiện nay), những người từ chối tìm kiếm chúng; vị thế của người giáo điều, những người đã tìm thấy chúng; và vị thế của người nghiên cứu không mệt mỏi, những người tiếp tục tìm kiếm ngay cả nếu như họ biết rằng sự tìm kiếm không đi đến đâu cả. Ranh giới giữa loại người sau và người hư vô chủ nghĩa mà hiện nay đặc biệt nhiều là rất lớn, bởi nó được xác định bằng các mục đích cuối cùng. Ranh giới giữa họ và người giáo điều mỏng manh hơn, bởi đây chủ yếu liên quan đến các phương tiện để đạt mục đích: người giáo điều có được giá trị nhờ vào truyền thống (mang tính tôn giáo hay không) hoặc nhờ vào sự đốn ngộ thoáng qua (từ lời lẽ của vị thủ lĩnh có phép mầu nhiệm hay từ sáng tạo của nghệ sĩ thiên tài), còn người tìm kiếm chân lý và các giá trị tinh thần có được chúng thông qua sự nhận thức Vũ Trụ và thông qua sự đối thoại giữa mọi người. Trí thức kiểu thứ ba, không giáo điều không hư vô, làm việc cả với chân lý, cả với các giá trị tinh thần, điều đó do chính thiên chức của nó gây nên; hơn thế ở cả hai mặt nó đều đạt được sự hài hòa, bởi nó không tin vào những chân lý có sẵn, không tin vào các giá trị chỉ dựa trên hành động đức tin. Kiểu trí thức như thế, ngược lại với hai kiểu kia, không phải là lỗi thời"[3].
Karatani Kòjin, giáo sư văn học ở đại học Hosei, Tokyo (Nhật Bản), trong một cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Trung Quốc Wang Hui "Nghĩ về chủ nghĩa toàn cầu từ góc nhìn Mácxít" (Thinking about Globalism from a Marxian Perspective), có nói thế này: "Từ hồi trẻ đến nay, nhà tư tưởng tôi đọc nhiều nhất là Marx. Tuy nhiên, mãi đến tận gần đây tôi vẫn không coi mình là người mácxít. Trong "Hệ tư tưởng Đức" và các tác phẩm khác, Marx phê phán hệ tư tưởng và các nhà tư tưởng hệ, nhưng ở Nhật Bản, chữ "hệ tư tưởng" này thường được dịch là "ý thức sai". Cách dịch đó khiến tưởng như là chắc có một "ý thức đúng", đấy không phải là quan điểm của Marx. "Hệ tư tưởng" là niềm xác tín cho rằng ý thức riêng của người ta là đúng. Marx nói rằng nhà tư tưởng hệ là người không thể phân biệt được giữa cái người ta nghĩ, cái hiện có, và cái hiện người ta đang làm. Trong đời sống thường ngày, ai cũng hiểu sự khác nhau giữa cái người ta nghĩ và cái người ta hiện có, nhưng đấy không phải là trường hợp các nhà tư tưởng hệ. Họ cứ khăng khăng cái họ nghĩ là cái hiện có thực".[4]
Edgar Morin, nhà khoa học xã hội Pháp, cho thuật ngữ "trí thức" gồm có ba điều: 1) Chỉ người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, tinh thần; 2) Các hoạt động đó có tác động đến đời sống chính trị và xã hội của xã hội quanh họ; và 3) Loại người này có ý thức tuân theo các nguyên lý phổ quát thích hợp. Điểm thứ ba trong định nghĩa "trí thức" của Edgar Morin nghĩa là thế nào? Đó có nghĩa là trí thức phải có được tính bất đồng sáng tạo và tinh thần phê phán, phải duy trì được "độ căng" giữa lý tưởng và thực tế. "Bản chất tuyệt đối của các lý tưởng của trí thức ngăn họ có những thỏa hiệp nửa vời, "nửa sự thật", mà các nhà chính khách thấy khó tránh khỏi"[5].
Những cách hiểu và định nghĩa về trí thức nêu trên có thể cho thấy một quan niệm thống nhất: trí thức là người có tri thức và biết suy nghĩ khác biệt và độc lập. Trí thức, theo tôi, là người bằng cái đầu của mình giữ vị thế độc lập trong xã hội, là người độc lập bằng cái đầu của mình, và là người chỉ truy cầu một mục đích: chân lý. Có tri thức, học vấn – xét ở điều kiện cần này, chúng ta có trí thức. Biết suy nghĩ khác biệt và độc lập – xét ở điều kiện đủ này, chúng ta chưa có trí thức. Trí thức Việt Nam, cho phép tôi được nói thẳng nói thật, mang bản tính thụ động, xu thời và hèn nhát cố hữu. (Ấy vậy mà trí thức thuộc địa còn là khá hơn trí thức xã hội chủ nghĩa về tư cách trí thức của mình). Nguyên nhân ở đây là từ sự sinh thành của giới trí thức Việt Nam và từ môi trường xã hội trong đó trí thức hoạt động. Nhưng hôm nay chúng ta không nói về sự sinh thành mà nói về môi trường hoạt động của trí thức.
Cuộc hội thảo này bàn về việc xây dựng một chính sách của Đảng đối với trí thức ở thời điểm hiện nay. Thực chất đây là bàn về quan hệ giữa giới cầm quyền và giới trí thức nhìn từ góc độ quyền lực. Thiết nghĩ những điều trình bày trên đây về bản chất của trí thức đã có thể giúp xác định Đảng cần phải làm gì để có được quan hệ đúng và tốt đối với trí thức. Tôi tóm tắt cụ thể là Đảng cần:
- xóa bỏ mọi định kiến sai lầm và tác hại về giới trí thức.
- nghiên cứu giới trí thức với tư cách một tầng lớp xã hội như là đối tượng khoa học.
- tôn trọng giới trí thức với tất cả sự khác biệt bản chất của nó.
- tạo hoàn cảnh tự do và dân chủ cho giới trí thức làm công việc trí thức.
- chịu đựng sự phản biện xã hội ngày càng đóng vai trò quan trọng trong một xã hội dân sự và dân chủ của giới trí thức.
Trong thời hậu hiện đại hiện nay, mà bản chất là "hoài nghi các đại tự sự" (J-F. Lyotard), trí thức càng phải được hành xử và hành xử được như là những người nghĩ và nói chứ không phải là những người nghe, nhất lại là nghe thụ động và một chiều. Đảng phải biết lắng nghe trí thức, nghe với sự thành tâm và hiểu biết chứ không phải nghe giả vờ, nghe chỉ để nghe rồi bỏ đấy, để thực sự thay đổi mình trong sạch và vững mạnh và để biết mình cần làm gì cho sự nghiệp lớn của dân tộc mà đảng đã nhận lấy sứ mệnh đảm đương.
Hà Nội 3. 2008
(Tham luận tại cuộc hội thảo về trí thức do Ban tuyên giáo Trung ương tổ chức, tháng 3/2008).
Tác giả gửi cho Quê choa
[1] Tạp chí "Các dân tộc á Phi" (Narody Azii i Afriki), số 2/1990, tr. 39-56.
[2] V. A. Mau. Trí thức, lịch sử và cách mạng, bút ký về cuộc sống của nước Nga hiện nay, tạp chí Thế giới mới (Novy Mir) số tháng 5/2000, tr. 140 – 167.
[3] Tzvetan Todorov. L'homme dépaysé. 242 p., Seuil, Paris. 1996.
[4] Xem Website: http:// www. karataniforum.org/
[5] Dẫn theo Yue Daiyun. Comparative Literature and China, Peking University Press, 2004, tr. 211.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét