Thứ Ba, 24 tháng 1, 2012

Hai câu chuyện khai bút năm Nhâm Thìn (Tiến Hồng)

Nguồn ethongluan

"…du khách người Pháp cuối cùng đã đưa ra một lời thách đố nghiêm chỉnh: 'Tôi "cá" (cá tiền) với anh là chế độ cộng sản này sẽ bị thay thế trong vòng ba năm nữa. Anh có dám cá không? '…"


Đã khá lâu tôi bỏ mất thói quen khai bút đầu năm. Năm nay, năm con rồng nước Nhâm Thìn 2012, có hai câu chuyện vui và hay khiến tôi nổi hứng muốn viết đôi dòng chia xẻ với bạn đọc.

Cả hai câu chuyện đều có liên quan đến hai người thân quen trong nước mà vì lý do "an toàn", tôi không thể tiết lộ danh tính.

Lịch sử thời Nguyễn… Tấn Dũng

Người bạn thân của tôi ở Sàigòn có cô em đang dạy tiếng Việt cho người ngoại quốc. Năm nay cô đem hai nữ sinh viên người Mỹ và Úc về ăn Tết chung với gia đình để hiểu thêm phong tục của Việt Nam. Cả hai cô đều là nghiên cứu sinh tiến sĩ sử học, một cô về thời Nguyễn, một cô về thời Pháp thuộc. Cũng may không mấy ai sang Việt Nam để học "lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam" hay nghiên cứu về thời đại nhà Hồ (Hồ Chí Minh)!

 Cả hai cô nữ sinh viên đều còn trẻ và nói tiếng Việt khá lưu loát. Anh bạn tôi hỏi đùa cô nghiên cứu lịch sử thời Nguyễn : " Cô nghiên cứu thời Nguyễn nào?" Cô ngớ người ra bảo: "Tôi chỉ biết có thời Tiền Lê và Hậu Lê, còn làm gì có mấy thời Nguyễn?" Anh bạn tôi hỏi lại:"Có thời Nguyễn Hoàng, Nguyễn Ánh, còn hiện nay là thời Nguyễn gì?" Cô e dè đáp: "Thời…Nguyễn Tấn Dũng!". Nói xong, thấm ý, cô cười khanh khách. Có thể cô cũng biết cậu ấm Nguyễn Thanh Nghị đã được phụ hoàng "cơ cấu" vào ngôi vị Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI và Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Điều đáng chú ý ở đây là cô nghiên cứu sinh không nhắc đến tên một ông Nguyễn khác: Nguyễn… Phú Trọng!

 Anh bạn tôi không ngờ một người ngoại quốc mà thông hiểu lịch sử nước ta như vậy. Chẳng bù cho học sinh thời Nguyễn Tấn Dũng, ngay cả cái "công thức " Ngô, Đinh, (Tiền) Lê, Lý Trần, (Hậu) Lê, Nguyễn cũng không biết. Tôi muốn nói đến thời mà các học sinh miền Nam trước 1975 cắp sách đến trường đều thông thuộc. Giờ đây, trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2011, theo báo lề phải An ninh thủ đô, với câu hỏi "Trong lịch sử Việt Nam nói tới "Vua cờ lau" người ta muốn nói tới ai?", có thí sinh trả lời "Đó là Quang Trung Nguyễn Huệ", "Trần Quốc Tuấn", "Trần Quốc Toản", "Ngô Quyền", "Phùng Hưng"; thậm chí có em cho rằng "Đó là Hoàng Hoa Thám", " Nguyễn Trãi"!… Đau lòng thay (chứ không phải "phì cười" như nhan đề bài viết) cho ông Đinh Bộ Lĩnh, đau lòng thay cho đất nước Việt Nam trước hiểm họa Hoa xâm đang đến gần! Bởi một lẽ dễ hiểu: một học sinh không hiểu biết lịch sử nước mình thì làm sao có tinh thần yêu nước đúng nghĩa.

Nhưng trách nhiệm ở đây thuộc về ai khi mà Lịch sử Đảng đã chiếm chỗ lịch sử nước nhà? Bạn đọc đã có câu trả lời.

Một trò "cá cược" của du khách người Pháp
 
Tôi có một người thân trong gia đình hiện là hướng dẫn viên du lịch người Pháp ở Sàigòn. Mặc dù đã lục tuần nhưng cậu em vẫn được lưu dụng vì khả năng nghiệp vụ cao, lại luôn được lòng du khách vì sự hướng dẫn tận tình. Cậu em có căn bản Pháp ngữ vững chắc (học trung học Yersin) và tốt nghiệp đại học. Cậu cho biết mỗi năm đều phải học tập chính trị và rất cẩn trọng trong phát ngôn vì luôn luôn bị theo dõi. Tuy nhiên, trong một chuyến đi gần đây, với một nhóm nhỏ du khách (chỉ có hai người Pháp sinh trưởng ở Corse và là chủ doanh nghiệp, có học), không khí có phần thoải mái. Trong một đêm tâm sự và trao đổi khá thân mật, du khách người Pháp cuối cùng đã đưa ra một lời thách đố nghiêm chỉnh: "Tôi "cá" (cá tiền) với anh là chế độ cộng sản này sẽ bị thay thế trong vòng ba năm nữa. Anh có dám cá không? ". Theo cách phân tích của người du khách Pháp thì sự thay đổi chủ yếu do tình trạng kinh tế ngày càng suy sụp như hiện nay. Đến một lúc nào đó, sự bùng nổ tất yếu sẽ xảy ra khi  những mâu thuẫn nội tại không có lời giải đáp.

Cậu em tôi không dám nhận lời cá cược mặc dù thừa nhận tính cách tất yếu của "kinh tế quyết định chính trị".

Các bạn đọc nghĩ sao về lời "cá cược" này!   

Rennes , mùng một Tết Nhâm Thìn (23/01/2012)
Tiến Hồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét