Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

Đặng Văn Sinh : TẾT NHÂM THÌN, LẠM BÀN VỀ HÀ SỸ PHU: MỘT NGƯỜI VIẾT CÂU ĐỐI THỜI @...

Nguồn vanchuongplusvn

Mỗi dịp xuân về, nhìn câu đối la liệt trên các số báo tết ta không thể không nhớ đến Hà Sỹ Phu, vốn là nhà khoa học, đang "ẩn cư" tại thành phố Cao Nguyên nhưng lại rất có sở trường với loại hình văn học độc đáo này tuy câu đối của ông được in báo không nhiều.
Hà Sỹ Phu

Thói quen viết câu đối là một nét đẹp văn hóa. Ngày xưa, viết câu đối hay là cả một sự khổ công tìm tòi của các nhà nho hay chữ. Nó chẳng những khái quát được diện mạo thời đại mà còn biểu hiện triết lý nhân sinh. Nhìn vào câu đối tết, người ta biết thời cuộc thịnh hay suy, văn hóa lụi tàn hay "đậm đà bản sắc".
Nhưng nay thì khác rồi. Hằng năm, cứ đến tầm tháng mưới âm lịch là các "chuyên gia" lao vào cuộc chạy sô sản xuất theo dây chuyền công nghiệp để kịp thời "rải" lên sáu bảy trăm tờ báo tết hàng loạt cái gọi là câu đối nhằm cung cấp món ăn tinh thần cho đồng bào đón xuân thêm phần vui vẻ mà tạm thời quên đi cơn lạm phát phi mã (hai con số) đang nhòm ngó vào  bữa ăn đạm bạc của người nghèo. Đó thật sự là những câu đối ...nhạt hơn nước ốc bởi tất cả đều được "chế tạo" gần như cùng một khuôn đúc, từ ngữ mòn sáo, ý tứ thô thiển, tụng ca sống sượng bất chấp liêm sỉ của kẻ cầm bút.
Đó là chưa kể đến khá nhiều câu đối sai niêm luật, kết cấu xộc xệch chứng tỏ người viết chỉ ở tầm "văn hóa lùn", thậm chí chưa "sạch nước cản", nhưng do các mối quan hệ xã hội nào đó, thông qua những cuộc trao đổi "có đi có lại", ngang nhiên xuất hiện trên mặt báo như là một sự thách đố thiên hạ.
Với Hà Sỹ Phu thì khác. Câu đối của ông dù là mừng xuân mới, phúng viếng người quá cố, tặng bạn bè, in báo hay viết thư pháp treo trang trọng ở phòng khách đều chứng tỏ một ngọn bút tài hoa, lấp lánh trí tuệ. Bút lực của Hà Sỹ Phu khá dồi dào, biến hóa khôn lường, vận dụng tài tình các đặc trưng ngôn ngữ nên dù là câu đối chữ Hán, chữ Quốc ngữ hay kết hợp cả hai phong cách đều mang đến cho người đọc yếu tố bất ngờ, gợi sự liên tưởng .

1/ Câu đối mừng năm mới

Theo lịch phương Đông, năm mới đến được biểu tượng bằng một con giáp nằm trong mười hai địa chi. Bằng vào đặc điểm của của con vật trong năm cũ sắp qua, và con vật trong năm mới sắp đến, Hà Sỹ Phu viết hàng loạt câu đối rất ấn tượng qua sự chuyển giao thời khắc :

RẮN uốn thân, mấy khúc lượn vòng vo, 
mong thoát nạn XÀ đầu long vĩ!
NGỰA che mắt, một chiều phi thẳng tuột, 
hẳn đến bài MÃ đáo thành công!

Các vế đối, ngoài việc nêu đặc điểm của rắn và ngựa "lượn vòng vo", "phi thẳng tuột", tác giả còn thể hiện khả năng chơi chữ rất hiếm thấy ở những câu đối "quốc doanh". Những từ "rắn", "xà", "ngựa", "mã" đi cùng các cụm từ "uốn thân", "che mắt" hoặc cặp thành ngữ "xà đầu long vĩ","mã đáo thành công" đã làm nội hàm trượt khỏi nghĩa gốc, hình thành một tầng nghĩa phái sinh chỉ ra bản chất của những kẻ cầm cân nảy mực, nói một đàng làm một nẻo rất giỏi sử dụng công nghệ "hèn hóa con người" thông qua hình ảnh miếng da che mắt ngựa.

Sang năm 1991, Hà Sỹ Phu có câu đối in báo Tuổi trẻ chủ nhật, cho dù phải nhập gia tùy tục, ít nhiều vẫn có mùi "quốc doanh", nhưng để bù vào chỗ khiếm khuyết này, tác giả đã khéo léo vận dụng các đặc trưng ngôn ngữ  như từ láy, từ đồng âm dị nghĩa kết hợp với tên mười hai con giáp tạo nên một món quà đón xuân mang phong vị châm biếm, hài hước :

Hết khoe MÃ một thời, 
NGỌ ngoạy lắm cũng ra vành móng NGỰA!
Còn xuất DƯƠNG mấy độ, 
MÙI mẽ chi mà vểnh sợi râu DÊ?

Mã, ngựa, ngọ, dương, dê, mùi, móng ngựa, râu dê... đều được khai thác tối đa ngữ nghĩa, chỉ với hai mươi sáu chữ mà tác giả tạo được đôi liễn vừa thâm thúy vừa hoạt kê làm cho không khí tết như ấm lên cho dù thiếu hẳn tràng pháo tép truyền thống (!?).
Trò chơi chữ nghĩa cũng lắm công phu, năm 1993, tết Quý Dậu, trong lúc la đà hơi men, chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào, nhà khoa học buột miệng xuất đôi câu khá là khiêu khích trên báo Phụ nữ :

THÂN tàn chưa hết trò con KHỈ!
DẬU nát còn che đám cỏ GÀ!

Về cấu trúc, đối nhau chan chát. Thân với dậu, khỉ với gà, không thể bẻ được. Nhưng tài tình hơn nữa là chữ đầu và chữ cuối của hai câu đều chỉ chung một đối tượng (thân - khỉ; dậu - gà) để rồi tiếp bước cụ Tam nguyên ngầm chỉ ra cái sự bẽ bàng của những kẻ làm nghề buôn son bán phấn khi nhan sắc phai tàn. Tuy nhiên nếu chỉ có thế thì chưa phải là Hà Sỹ Phu. Câu đối còn tầng nghĩa thứ ba quan trọng hơn. Đó là giềng mối xã hội đang xuống cấp với đủ thứ bệnh trọng gây ra biết bao hệ lụy, nhưng người ta không chữa phần gốc mà chỉ chờn vờn trên ngọn. Cách làm ấy có khác gì "trò con khỉ"? Bờ rào tan hoang rồi còn che sao được đám "cỏ  gà" lưa thưa.
Xuân Mậu Tuất (2006), dịch cúm H5N1 triền miên làm không ít chủ trại chăn nuôi gia cầm điêu đứng, cũng là lúc các chú gà (dậu) hết nhiệm kỳ cai quản dương gian, phải nhường "ngôi" chí tôn cho loài vằn vện (tuất), Hà Sĩ Phu cao hứng  xuất đôi liễn với khẩu khí của Trần Tế Xương thời A Còng (@):

Gặp cúm gia cầm, gà biệt xứ ! 
Ðến thời lục súc, chó lên ngôi !

Viết về loài chó qua những đặc tính phổ biến của nó sau hàng ngàn năm sống bên cạnh loài người, việc ấy hiển nhiên là của các nhà khoa học. Nhưng dùng hình tượng chó với tư cách là một địa chi nằm trong chu trình luân chuyển của  mười hai con giáp, rồi qua hiệu ứng ngữ nghĩa, người đọc chợt nhận ra  những chuyện tào lao ấy đâu phải là của riêng loài khuyển, thì hình như chỉ có Hà Sĩ Phu vận dụng thành công:

Bảy món cầy tơ, mấy chú vện vằn đang khởi "sắc" !
Một bày chó đẻ, ba quân í oẳng sắp lên "hương"

Với Hà Sỹ Phu, lúc bị đẩy vào hoàn cảnh khốn cùng lại nảy sinh những ý tưởng độc đáo. Năm 1996, khi được "mời" đón xuân trong trại giam, thấy tập đoàn chuột đủ chủng loại loăng quăng khắp các xó xỉnh, ngõ ngách như ở nhà mình, coi thiên hạ chẳng là "cái đinh" gì, tác giả tức cảnh xuất vế rồi lại tự đối :

Dăm chú NHẮT gặm đồ thờ thuở nọ,
 nay vênh vang gõ nhịp ca TRÙ !
Mấy anh LANG uốn tấc lưỡi hôm nay, 
cũng tấp tểnh đeo hàm ông CỐNG !

Ai cũng biết nhắt, chù (đồng âm với "trù" trong "ca trù"), lang, cống là thần dân của vương quốc chuột, mà chuột là loại gặm nhấm theo bản năng di truyền, không có gì gặm răng sẽ dài ra,"thử bối tất tận diệt" (*) vì thế chúng gặm bất cứ thứ gì vớ được kể cả bàn thờ tổ tiên. Nhưng cái tinh tế trong văn cảnh là người viết đã sử dụng lối ẩn dụ dân gian, ngầm chuyển hành động vô thức của loài vật thành hành động ý thức của con người để cảnh báo tình trạng văn hóa, giáo dục đang xuống cấp với học vị học hàm giả, bằng cấp giả, giải thưởng giả, vinh danh giả, đạo đức giả...
Thế sự vần xoay, tập đoàn "cống " sau mười hai năm "tập huấn" ở Thiên Đình, lại được tái bổ nhiệm xuống chăn dắt đám thảo dân Hạ Giới. Lần này chúng đã học được ở các bậc đàn anh những bí kíp thượng thặng, đủ để đối phó với họ nhà mèo mà chẳng cần phải sợ bất cứ "thế lực mướp, vàng, tam thể thù địch nào". Trước sự thay đổi rất đáng ngờ của "hệ giá trị" trong cộng đồng mèo chuột, đầu xuân Mậu Tý (2008) Hà Sĩ Phu liền tặng ngay đôi câu đối dán cửa triều đình loài...gặm nhấm:
Lớp lang mấy mẹo Cha truyền, leo tót thượng tầng, thiên hạ vẫn bầu: VUA ĐỤC KHOÉT! 
Lắt nhắt dăm điều Mẹ dạy, lách luồn hạ cấp, dân gian thường gọi: CHÚA LƯU MANH!

Một đặc điểm nữa tưởng cũng cần nói đến trong bút pháp Hà Sỹ Phu là ông rất hay dùng thành ngữ , phương ngữ, ngạn ngữ để chuyển tải nội dung thông báo trên cơ sở sự tương đồng nào đó của các đối tượng miêu tả :

Đêm ba mươi HỔ hết nhe nanh, giả bộ tu..."hành", 
"nghìn mắt nghìn tay" khoe phật đức !
Sáng mồng một MÈO còn giấu cứt, thơm mùi hỷ..."sả", 
"tam khoanh tứ đốm" vẽ thiên đường !

Những thành ngữ "hổ nhe nanh", "mèo giấu cứt", đều được dân gian đúc kết từ đặc điểm của các con vật thuộc họ mèo nhưng đồng thời cũng ngầm chỉ ra đó là bản chất của loại người "miệng nam mô bụng một bồ dao găm", sẵn sàng đổi trắng thay đen, nhưng lại lên giọng xanh rờn "khoe Phật đức", "vẽ thiên đường" lừa phỉnh thiên hạ thông qua chiêu thức "tam khoanh tứ đốm".
Đón xuân năm 2000, năm cuối cùng của thiên niên kỷ thứ hai, lần đầu tiên Hà Sỹ Phu công khai đưa quyền con người vào câu đối tết:

Tết đã khép lại hai mươi thế KỶ,
 dựng nêu cao cho quỷ kế lùi xa !
Xuân còn mong một cuộc tân CANH,
 khai bút thép mừng nhân quyền tiến tới!

Cái khác ở đây là, trước, tác giả thường dùng "địa chi" để đối thì nay chuyển sang dùng "thiên can". Có một sự trùng lặp ngẫu nhiên, năm cuối của thế kỷ XX là Kỷ Mão và năm đầu của thế kỷ XXI là Canh Thìn. Bước sang thiên niên kỷ mới đất nước canh tân (đổi mới) chẳng những là điều mong mỏi của tác giả mà còn là ước vọng của toàn dân mà vấn đề cốt lõi của nó là thật sự mở rộng dân chủ.

Với vốn kiến thức rộng, ngòi bút lại linh hoạt, Hà Sỹ Phu phản ứng rất nhanh với những biến động của thời cuộc qua nhiều cách nói khác nhau, cách thì nôm na hài hước, nhưng cũng có cách "ngầm" phải bình tĩnh suy ngẫm mới hiểu được thâm ý của ông. Khác với mọi năm, tết con Dê (2003), tác giả viết toàn câu đối ngắn nhưng rất ấn tượng bởi trò chơi chữ :

Năm Quý Mùi, chúc Mùi quý át Mùi không quý !
Lão Vô Địch, mời Địch vô, lo Địch chẳng vô !
Hay:
Hết Cam chắc cũng sang Mùa Quýt !
Còn Mướp cho nên ngán Cuộc Bầu !

Cách khai triển ý và sử dụng từ nôm na như cam, quýt, mướp, bầu, toàn là những thứ hoa quả phổ biến trong vườn chẳng thể nào bắt bẻ được. Cái hóm của nó là ở ba chữ cuối của mỗi câu: "sang Mùa Quýt","ngán Cuộc Bầu". Đọc đến đây, chắc khỏi cần nói thêm, bạn đọc cũng hình dung ra Hà Sỹ Phu ngụ ý chuyện gì.

2/ Câu đối chân dung (viếng người quá cố, tặng người còn sống ...)

Cùng với câu đối tết mỗi dịp xuân sang với số lượng lớn và đề tài đa dạng, Hà Sỹ Phu còn rất thành công ở mảng câu đối chân dung. Về loại câu đối này, xưa nay, thường là những chính nhân quân tử, am hiểu chữ nghĩa sâu sắc cùng với một tình cảm chân thành mới dám hạ bút. Với người quá cố, câu đối viếng chủ yếu là làm nổi bật hành trạng sau khi đương sự qua đời bằng những từ ngữ sao cho "y phục xứng kỳ đức" mà vẫn đảm bảo tính nghiêm ngặt của luật biền ngẫu. Chỉ cần đọc câu đối gửi viếng một ông lớn hai lần làm quan đầu triều vừa thành người thiên cổ qua mấy chi tiết đắt giá sau đây là ta thấy ngay được khả năng vận dụng tuyệt vời của Hà Sỹ Phu :

                    Một đời Cách mệnh vần Thơ Đỏ !
                    Hai cuộc Trường Chinh lớp Sóng Hồng !

Câu đối cũng có thể đọc ngược là mà vẫn đảm bảo đầy đủ các tiêu chí về nội dung cũng như nghệ thuật :

                    Vần Thơ Đỏ, một đời cách mệnh
                    Lớp Sóng Hồng, hai cuộc Trường Chinh

Cũng với nguồn cảm hứng trên, trước đó hai năm, Hà Sỹ Phu viếng vọng một ông quan đầu triều khác :

                    Thêm một tuổi cho xuân tròn tám chục !
                    Bớt mười năm hẳn tiếng vẹn ngàn thu !

"Tròn tám chục", "vẹn ngàn thu", thật là kính cẩn, trang nghiêm đúng với không khí đám tang người quá cố. Nhưng mà, cái cặp từ "thêm","bớt" tưởng như chỉ để đưa đẩy câu văn kia mới thật sự là hồn cốt của trò chơi ngữ nghĩa. Người xưa nói "cái quan định luận" thật chẳng sai. Lịch sử vốn công bằng, chẳng cần đợi đến "tam bách dư niên hậu" mà chỉ chưa đầy mười năm sau, nhân dân đã thấy được những gì ẩn tàng trong hai từ "thêm", "bớt" lấp lửng kia.

Năm 1990, tác giả khóc mẹ khi đấng sinh thành ra ông "nhàn du tiên cảnh" ở tuổi xấp xỉ bách niên:

Dâu bể ba sinh, sinh thị ký, tử vi quy, 
nay mẹ theo cha tròn ước nguyện !
Cù lao chín chữ, phong bất đình, thụ dục tĩnh,
 chúng con tìm mẹ buốt tâm can !

Câu đối kết hợp một cách tài tình giữa chữ Hán với chữ Quốc ngữ, giữa thành ngữ Hán với thành ngữ Việt, được sắp đặt theo quy luật thanh điệu, tạo nên hiệu ứng tâm lý với  thân tộc và bằng hữu trong tang lễ, đồng thời cũng thể hiện lòng hiếu thảo hiếm có của bậc làm con với cha mẹ.
Đối với tướng quân Trần Độ, một người suốt đời vì nước vì dân, đấu tranh đến hơi thở cuối cùng cho sự nghiệp dân chủ, Hà Sỹ Phu tỏ lòng đặc biệt kính trọng.
Khi vị tướng qua đời, tác giả viếng ông bằng đôi câu đối chữ Hán nổi tiếng :

   ,   (),      
   ,   (),      

Phiên âm :
Văn vũ tung hoành, trung tướng PHONG TRẦN, 
thế sự song kiên song trọng đảm !
Bắc Nam xuất nhập, đại quân TẾ ĐỘ, 
hùng binh nhất trượng nhất đan tâm !

Dịch nghĩa :
Văn võ dọc ngang, thân trung tướng đã quen gió bụi, 
 nên việc đời cứ đặt lên hai vai hai gánh nặng!
Vào Nam ra Bắc, đoàn đại binh đi cứu khổ chúng sinh,
nhưng binh hùng chỉ còn một chiếc gậy chống với một tấm lòng son thôi!

Sự  độc đáo của câu đối trên là ở chỗ, Hà Sỹ Phu chẳng những đã nêu được quá trình hoạt động gian khổ nhưng vinh quang của vị tướng mà còn khéo léo đưa được họ tên cùng cấp  bậc quân hàm cũng như hoàn cảnh và niềm tâm sự của ông (nhất trượng nhất đan tâm) những ngày cuối đời. Đọc câu đối ai cũng vừa ngậm ngùi  thương cảm vừa kính phục phẩm cách cao cả của một con người dám xả thân vì nghĩa lớn, không màng danh lợi cho dù trước đó ông đã từng đảm nhiệm trọng trách Quốc gia. 

Thương tiếc nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, một nghệ sỹ tài hoa, kẻ hát rong trên cuộc thế đầy cát bụi, đã để lại hàng nghìn ca khúc cho đời, bỗng một chiều "vân tiêu lạc phượng" ở tuổi lục tuần, Hà Sỹ Phu âm thầm khóc :

"Ngàn cây thắp nến" hai hàng, 
tiễn "Cánh vạc bay" rời "quán trọ" !
"Nước mắt hoen mi" một thuở,
 đưa "sầu nhân thế" đến "Mênh mang" !

Các câu chữ trong hai vế đối toàn là tên nhạc phẩm của Trịnh được ghép lại mà đọc lên nghe sao mà da diết, thương cảm, ấy là cái tình "tương phùng hà tất tằng tương thức" (**) của người viết.
Có những câu đối hợp cảnh hợp tình đến mức, sau khi phúng viếng, gia đình người quá cố cho khắc ngay vào mộ chí. Đấy là trường hợp câu đối viếng nhà thơ Phùng Quán :

                    
    
                    
    

Phiên âm :
                    Nhất QUÁN tận can trường !
                    Trùng PHÙNG lưu cốt cách !

Ngoài câu đối viếng, Hà Sỹ Phu cũng đã làm khá nhiều câu đối tặng bạn bè văn nghệ sỹ hoặc các bậc cao niên vốn là chiến sỹ hoạt động xã hội được nhân dân kính trọng . Câu đối chữ Hán tặng cụ Hoàng là một ví dụ điển hình :

          
          

Phiên âm :

MINH tâm như MINH nguyệt, hà cầu Bắc đẩu bội tinh !
CHÍNH khí hựu CHÍNH danh, đích thị Nam thiên hào kiệt !

Dịch nghĩa :
                    Lòng sáng như ánh trăng, cần gì đến huân huy chương ?
                    Tính ngay thẳng , lại chính danh, đúng là hào kiệt dưới trời Nam !

Và đây là câu đối tặng tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang :

Đã hiên ngang một dải SUY TƯ, 
tài nguyên ấy kết tinh từ thuở trước !
Lại khắc khoải bao niềm ƯỚC VỌNG, 
tâm lực này lưu trữ để mai sau !

Tặng cử nhân luật khoa Lê Chí Quang :
                    CHÍ trẻ QUANG minh hồ dễ nhụt ?
                    Tâm thành ái quốc tất không phai !

Nhà thơ Hoàng Cầm, tác giả bài "Bên kia sông Đuống" nổi tiếng, là người cùng quê làng Lạc Thổ vùng Kinh Bắc, Hà Sỹ Phu tặng hẳn hai câu đối "thửa", một Quốc ngữ, một Hán, rất phóng túng mà lại đậm nét tình quê quan họ :
         
 Quốc ngữ :
                    Khúc nhạc trong thơ, mỗi tiếng thêm say hồn Lạc Thổ .
                    Câu thơ như vẽ, thiên thu còn đọng nét Đông Hồ.
         
Chữ Hán :
                    
        
                    
          
         
Phiên âm :
                    Hoàng Cầm thi cú liễu
                    Kinh Bắc mê hồn trường
          Dịch nghĩa :
                    Câu thơ Hoàng Cầm vừa  làm xong
                    Làm mê mẩn hồn người Kinh Bắc
"Hoàng Cầm" đối với "Kinh Bắc", chuyện ấy không có gì đáng bàn, nhưng "thi cú liễu" đối với "mê hồn trường" thì quả thật thiên hạ phải kinh ngạc vì cái tứ xuất thần chỉ trong khoảnh khắc mà "vẽ" được chân dung nhà thơ để ghi vào lịch sử văn học Việt Nam như một nét son.
Với quê hương, tuy cách xa hàng ngàn dặm, nhưng lúc nào Hà Sỹ Phu cũng canh cánh bên lòng về nơi ông đã sinh ra, nuôi ông lớn lên thành nhà khoa học.
Cảm ơn ấy, ông viết đôi câu đối dâng làng nhân dịp đình được trùng tu :
                    
       ,         
                    
       ,         

Phiên âm:
                    Uy đình nan phá, thế thế địa linh
                    Lạc Thổ trường tồn, thời thời nhân kiệt

Dịch Nghĩa :
                    Ngôi đình có uy khó mà phá được, mọi thế đất đều thiêng.
                    Làng Lạc Thổ còn mãi, thời nào cũng có hào kiệt.

Cùng với việc viết câu đối hoàn chỉnh, không hiếm trường hợp, Hà Sỹ Phu hứng lên, xuất vế đối. Nhà khoa học rất sành chơi chữ nên có khá nhiều vế đối hiểm hóc đến nay vẫn chưa có người đối được hoặc đối chưa chuẩn bởi "xuất đối dị, đối đối nan" (***).

Dưới đây là mấy ví dụ điển hình :
1 / Trời đã sang CANH đừng vị KỶ!
2 / MINH  MINH QUỐC cầm MINH QUỐC bất MINH, MINH nhật, kê MINH, MINH QUỐC phục! (Vế đối lấy cảm hứng từ ba chữ Hán đều đọc là MINH nhưng khác nghĩa ).
3 / GIÁP TÝ thì GIÁP, chẳng GIÁP thì thôi, GIÁP TÝ lại thôi đừng có GIÁP! (Vế này ra để đùa một quý cô vốn là bạn tác giả ).
4/ Chào bác chuột Đồng kêu Chí Chí! (Mậu Tý 2008)
5/"Đón bác TRÂU chớ gảy đàn cầm, bác là bậc có sừng có sỏ!" (Kỷ Sửu, 2009)
6/ Nhai lại mãi, vẫn toàn Rơm với Cỏ?(Kỷ Sửu, 2009)
7/ Xạo quá bác MÈO, mẹo hiểm  trèo cau thăm chú CHUỘT !( Tân Mão, 2011)
8/ Ba đình tâu với Thiên đình, thú thật Triều đình không nói dối!(Tân Mão, 2011)
Xanh mắt MÈO trước CHỦ, giương vuốt HỔ với DÂN, nói DÂN CHỦ sao không biết HỔ ?(Tân Mão, 2011)

Nói về câu đối Hà Sỹ Phu là nói đến tính đa dạng của các thể loại, của sự khám phá ở cả hai lĩnh vực nội dung và hình thức nhưng lại được kết hợp nhuần nhuyễn trong một tổng thể hoàn chỉnh thông qua biện pháp ẩn dụ ở trình độ cao.
Câu đối Hà Sỹ Phu ý tại ngôn ngoại, hàm súc mà lại trữ tình bay bổng. Là  thú chơi thanh cao mang đậm phong cách văn hóa truyền thống phương Đông, cho dù ngày nay câu đối chẳng còn được mấy người thưởng thức nhưng dù sao nó cũng làm tâm hồn ta bâng khuâng nhớ về một thời tốt đẹp chưa xa./.

Đặng Văn Sinh


(*) Chữ Hán : Lũ chuột tất bị diệt hết 
(**) Gặp nhau hà tất phải biết nhau từ trước ("Tỳ bà hành" của Bạch Cư Dị)
(***) Ra câu đối thì dễ, đối câu đối mới khó

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét