Bài học quản trị, tức nước thì vỡ bờ:
Năm Mẹo sắp tàn, một năm Mẹo thật đặc biệt: nhiều thời sự, từ trục trặc kỹ thuật khoa học, Fukushima và điện nguyên tử, đến chánh trị với cách mạng bông lài, kinh tế tài chánh với khủng hoảng đồng euro. Thật vậy, về mặt chánh trị, năm Mẹo đã mang thay đổi ngay từ đầu năm với cơn bão cách mạng bông lài thổi đến Bắc Phi rồi Trung Đông: Tunisie, Ai Cập, Lybie, Yémen, Syrie.. . kể theo thứ tự thời gian khởi điểm, kể theo mức độ tranh chấp từ ôn hòa đến nội chiến. Nhưng mặc dù ngày nay vẫn còn chưa hẳn kết thúc, Yémen vẫn còn chưa hẳn dân chủ. Tổng Thống Saleh tuy đã chấp nhận từ chức nhưng vẫn tạm thời xử bám trụ lý thường vụ chức lãnh đạo quốc gia, Tổng Thổng Syrie vẫn còn tiếp tục cho quân đội bắn giết đàn áp trong máu nhơn dân mình mặc dù đã bị toàn thế giới và bạn bè láng giềng lên án.
Bài học dân chủ: Ý dân là ý trời (Vox populi, vox Dei)?
Tháng 11/2011 vửa qua, những cuộc bầu cử đầu tiên cũng bắt đầu được tổ chức. Đối với những quốc gia không bao giờ được biết bầu cử là gì, đây là một cuộc cách mạng rất lớn. Kể cả Maroc, dù Maroc không có Cách mạng Bông Lài nhưng cơn gió Mùa Xuân Dân chủ của đầu năm con Mèo cũng đã thổi tới và Nhà Vua Mohammed VI cũng đã tự làm cách mạng, tuyên bố thay đổi Hiến Pháp, từ nay cho các đảng phái được thành lập, và được bầu cử tự do và chấp nhận cử lãnh tụ đảng thắng cử đa số làm Thủ tướng, chấp nhận một nền Quân chủ lập hiến như những Vương quốc tân tiến u châu vậy. Và lần lượt Tunisie, Ai cập, Lybie những cuộc bầu cử tự do dân chủ bắt đầu được thực hiện. Đây là lần đầu tiên các công dân của các quốc gia Bắc Phi nầy mới được thực sự đi bầu, có lẽ lần đầu từ những ngày các quốc gia nầy hoàn toàn được các đế quốc thuộc địa trả lại độc lập !
Và thế giới cùng các thầy dùi chánh trị đâm ra lo lắng. Cũng chỉ vì các đảng có khuynh hướng Hồi giáo toàn thắng. Lần đầu tiên từ Maroc qua Tunisie, đến Ai cập và Lybie đều do các đảng Hồi giáo cầm đầu và lập chánh phủ và tất cả đều nói sẽ áp dụng những luật lệ «charia» chiếu theo luật Đạo Hồi. Và vì vậy cả thế giới đều lo lắng! Lại càng lo lắng hơn, khi Iran bắt đầu hung hăng tẩy chay đả đảo Tây phương sau khi Tây phương biết được Iran vẫn tiếp tục chương trình đào tạo một vũ khí Nguyên tử.
Vìệc gì phải lo, 30 năm, 40 năm độc tài, gia đình trị, đảng trị dân chúng vẫn nổi lên lật đổ được huống chi! Phải biết tin tưởng vào dân chúng! Ngày nay, sau khi làm cách mạng, lật đổ bạo quyền, dân chúng các quốc gia Bắc Phi và Trung Đông đã quyết định, đa số dân chúng đã quyết định giao vận mệnh đất nườc mình cho Hồi giáo dẫn dắt. Chúng ta phải biết chấp nhận. Khi chúng ta đã kêu gọi dân chủ ta phải biết kính trọng quyết định của người dân.
Những cái mẫu dân chủ của các quốc gia tiên tiến Tây phương, trước đây thường được đem ra đề nghị với các quốc gia chậm tiến, hay mới lấy lại độc lập, rất ít được thành công. Vi nhiều lý do, tập tục, tập quán, văn hóa, phong thổ. Vérité au-delà des Pyennées, erreur en deçà (Sự thật bên nầy rặng núi Pyrennées, sự sai bên kia!) Ngày nay thử xem các quốc gia Hồi giáo tạo được một cái mẫu dân chủ Hồi giáo không? và có làm được thành công không? Chớ có chưa gì đã vội la hoảng. Những mẫu dân chủ tây phương, với những tranh chấp từ ngữ, rất xa vời với đòi sống hằng ngày của người dân, trái lại tôn giáo cùng tập tục điạ phương tạo cho những người dân một cuộc sống nội tâm an toàn, một xã hội trật tự, một gia đình yên ổn. Vì kinh thánh Qram, trong phần Sunna dẫn dắt người giáo hữu trong đời sống xã hội hằng ngày: đọc kinh và quỳ lạy năm lần, không uống rượu, và ăn chay một tháng trong năm. Những người dân của thế giới hồi giáo quen với những tập quán sanh hoạt tập thể ấy, quen với những suy nghĩ tập quán ấy, lễ nghĩa gia đình, nhà thờ, nên những quan niệm tự do cá nhơn thường bị xem là những xáo trộn làm mầt trật tự, lề lối tập tục gia đình và xã hôi…
Xã hội Việt Nam kém đạo đức: kết quả của 60 năm đàn áp tôn giáo, phá vỡ nền văn hóa và giáo dục truyền thống lễ nghĩa tam giáo:
Chúng ta cũng nên mở một dấu ngoặc nho nhỏ để nói đến tình trạng của Việt Nam:
Cũng như các quốc gia Bắc Phi vừa nói trên, độc tài Việt Cộng đã cầm quyền suốt 60 năm, đã phá vỡ hoàn toàn những sanh hoạt xã hội theo tập tục và nền nếp gia đình. Đảng Cộng sản buộc con người phải sanh hoạt thoát ly khỏi cái nôi gia đình, khỏi cái tập tục gia đình và tôn giáo. Từ thuở nhỏ những con trẻ đã phải nhập vào đoàn, và nhóm, gia đình cha mẹ cũng vậy cũng phải sanh hoạt tập thể. Gia đình chỉ còn là một cuộc gặp gở qua loa với nhau. Thời gian họp, thời gian ăn nhậu với nhau nhiều hơn thời gian cha mẹ con cái nói chuyện với nhau. Chúng ta đừng ngạc nhiên khi nhận xét những thái độ kém đạo đức, kém văn hoá của người Việt Nam hiện nay. Cái tổ ấm gia đình không còn nữa, cái giáo dục gia đình không còn nữa, thi cái văn hoá cái đạo đức gia đình cũng không còn. Những con người Việt Nam mới do giáo dục của những đoàn, những đội, những khăn đỏ, khăn xanh… và sau đó của đảng thì làm sao biết có tình tha nhơn. Người không nói đạo đức, lễ nghĩa , đàng hoàng, tử tế nữa, mà chỉ nói đạo đức cách mạng? Còn lại những từ ngữ rỗng tuếch như: phấn đấu, tranh thủ, nào là tranh giành, nào là cạnh tranh, nào là mánh mung, là đội, là đạp… để sống còn vươn lên, vượt lên để tìm chút tiền, chút ánh sáng, chút ơn trên, chút ban, chút phát, chút thưởng…tí mề đay, tí tiền bạc, tí danh vọng! Nhà xinh phải trị giá, việc làm tốt phải lương cao, bộc tốt. Học nghề thì phải học nghề gì, làm bao nhiêu tiền … Không nghe ai nói thích nghề ấy vì yêu nghề ấy!
Ngày mai muốn trở về một Việt Nam tử tế, làm sao hãy cố gắng tìm lại những khung sườn đạo đức? Vì vậy chúng ta sẽ không nên ngạc nhiên khi những tôn giáo sẽ giữ những chức năng chánh trị đầu tiên sau một cuộc cách mạng lật đổ độc tài. Tại Nga, Ba lan, Đông Đức, những hoạt động đầu tiên hậu cộng sản là những hoạt động tôn giáo.
Nhưng chúng ta:
Trái lại, hãy cảnh giác, hãy thận trọng với những thuyết quốc gia dân tộc, ngày nay vì khủng hoảng kinh tế các quốc gia Âu châu đang sửa soạn co mình lại, bế môn tỏa cảng, không dám mở cửa để có một chánh sách cởi mở, một chánh sách nhơn bản xã hôi. Những đảng phái cực hữu dùng những bài hát dân tộc, huyết thống đang bắt đầu đưa những tư tưởng bảo vệ làng mạc, máu huyết, đất đai để chận những di chuyển hội nhập từ bên ngoài.
Đừng để những tư tưởng kỳ thị, nghi kỵ, mặc cảm bóp méo những tự hào lý lịch. Đừng nhầm tưởng lẫn lộn văn hóa dân tộc và huyết thống, giang sơn đất nước và quê hương làng mạc.
Iran cũng đang sử dụng cả Hồi giáo và tư tưởng dân tộc với tham vọng sẽ là cường quốc số một của Trung Đông thay thế lỗ trống Irak và Syrie. Nhưng vì muốn là cường quốc số hai địa phương có vũ khí hạt nhơn nên và sẽ là một điểm nóng mới cho Trung Đông vào năm 2012.
Năm 2012, Nhâm Thìn, năm mới, người mới, quản trị mới:
Năm 2012 cũng sẽ là năm của những cuộc bầu cử mới. Huê Kỳ, Pháp, với những chánh phủ mới, những lãnh đạo mới, nhưng dù các vị cũ được bầu lại chăng đi nữa, cũng sẽ đưa ra những đường hướng lãnh đạo chánh trị mới, vì với cuộc khủng hoảng tài chánh kinh tế năm 2011, từ nay bắt buộc phải có một đường hướng quản trị mới, hạn chế hoang phí, hạ bớt công nợ, ..Thế nhưng, phải làm thế nào chưa ai nắm rõ: một Ngân hàng trung ương thế giới ? World Bank. IMF, có rồi để làm sở chữa lửa cho những quốc gia chẳng may bị cháy nhà, nhưng nguồn nước, nghĩa là nguồn tiền từ đâu? Ai lãnh đạo? Mỹ, Âu châu như hiện nay? Hay người bỏ tiền nhiều nhứt? Một Liên bang Âu châu để cùng ngoại giao hiệp thương với Liên bang Mỹ, với Liên bang Đông Nam Á, Liên bang Đông Á? …
Năm 2011 cũng là năm của sự lớn mạnh của vai trò bốn quốc gia đang lên: Ba tây, Ấn độ, Trung Quốc, Nga (BRIC). Nếu vài năm trước, 4 quốc gia BRIC nầy đã tương đối mạnh, năm 2011 với khủng hoảng đồng Euro, vai trò các quốc gia BRIC càng rõ ràng hơn. Năm 2012 Nga sẽ thay đổi lãnh đạo, Vladimir Poutine sẽ trở lại quyền Tổng Thống, từ lâu nay Poutine khuyến khích tinh thần quốc gia dân tộc Slave của Nga. Khác với đương kim Tổng thống Medvedev, Vladimir Poutine sẽ củng cố Nga trong hướng phát dân tộc ấy. Ba Tây với nữ Tổng thống đầu tiên Dilma Rousseff, đệ tử của cựu Tổng thống Lula đang đưa Ba Tây bước lên hàng số một của Nam Mỹ. Ba Tây với tham vọng đứng hàng số tám của thế giới* Ấn độ với dân số ngày nay đứng hàng số một của thế giới, vượt qua mặt anh Trung Quốc vĩ đại đầy tham vọng, Ấn độ cũng sẽ là một cường quốc ngày nay đã đứng hàng số tám về tổng sản lượng với tham vọng sẽ lên hàng thứ ba vào năm 2050*, Ấn độ vế mặt chiến lược kiểm soát Ấn độ Dương con đường huyết mạch tiếp liệu nguốn sống Đông Tây của Trung Quốc, dầu hỏa, nguyên liệu từ Trung Đông sang Tàu, hay hàng hóa từ Tàu chở đi Âu châu… Không phải là không có lý do khi Mỹ vẫn tăng cường đảo chiến lược Diégo Garcia (thuộc Anh). Giữ Diégo Garcia, lập Hiệp ước Đồng minh với Ấn độ, Huê kỳ và Nato sẽ kiểm soát đường tiếp vận của Trung Quốc. Cường quốc đang lên số một của BRIC là Trung Quốc. Khỏi cần giới thiệu, chúng ta ai ai cũng biết Trung Quốc hiện nay là số một về mặt kinh tế tài chánh rồi. Trung Quốc là ông chủ nợ của Huê kỳ và Liên Âu. Trung Quốc vì vậy, phải bảo vệ thị trường tiêu thụ hàng hóa của mình. Trung Quốc giàu thật đấy nhưng người dân Trung Quốc vẫn còn nghẻo lằm! Tổng sản lượng hằng năm đầu người vẫn chỉ 2.396$ (để so sánh Mỹ là 36.354$, Pháp là 23.881$ hay Đức là 25.083$).
Và Đông Nam Á?
2011, Đông Nam Á chúng ta cũng có nhiều biến chuyển. Vai trò ASEAN củng cố hơn và cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, càng cứng rắn hơn khi Miến Điện với sự lãnh đạo dân sự đã đổi hướng chánh trị, đổi mới, cởi mở hơn, ôn hòa hơn, dân chủ hơn, chấp nhận trả lại tự do của bà Aung San Sưu Kyi và nhìn nhận sự có mặt và vai trò đối lập trong sanh hoạt chánh trị của mình. Lần lượt Phi, Luật Tân và cả Việt Nam cũng từ từ ra mặt phản kháng Trung Quốc, và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á gồm 18 quốc gia tại Bali ngày 18/11/2011 cũng đã đồng ý phải quốc tế hoá vấn đề Biển Đông và bác bỏ lập luận của Trung Quốc. Như vậy cuối năm 2011 cũng đánh dấu một sự đồng thuận của các quốc gia có quyền lợi ở Đông Á từ phía bờ cực Đông xa xôi là Huê kỳ, với lời tuyên bố của Tông thống Obama là vấn đề Biển Đông nên được giải quyết một cách đa phương, và còn nhắn nhủ thêm là các phe tranh chấp phải cố gắng giải quyết tranh chấp một cách hòa bình phù hợp với luật lệ quốc tế, áp dụng đúng công ước LHQ về Luật biển, cho đến phía bờ Tây với một nước xa lạ với Biển Đông là Ấn độ cũng tỏ thái độ bất đồng tình với đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đồng. Trong một cuộc gặp gở song phương với đồng nhiệm Wen Jia Bao – Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Ấn độ Manmohan Singh đã thông báo là New Delhi vẫn xúc tiến công việc tìm kiếm dầu khí ngoài Biển Đông, tại khu vực được Việt Nam giao quyền khai thác. Theo, ông Singh, đó là một vấn đề thuần túy thương mại! Tuyên bố nầy đã mặc nhiên bác bỏ lời phản đối chính thức của Beijing cho rằng tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn độ đã xâm phạm lãnh hải Trung Quốc. Ông Singh còn lên mặt khuyên nhẹ ông đồng nhiệm Tàu Wen rằng các vấn đề chủ quyền trên Biển Đông từ nay phải được giải quyết trên tinh thần tôn trọng luật lệ quốc tế. Và cái lạ lùng hơn nữa là thái độ của Thủ tướng Wen và phái đoàn Trung Quốc là vẫn giữ thái độ ôn hoà.
2012 Biển Đông sẽ trầm lặng, vì Huê kỳ trở lại Tây Thái Bình Dương?
Như vậy 2012 chúng ta có hy vọng một Biển Đông tương đối ôn hòa hơn. Thái độ Phi Luật Tân cứng rắn đã đành, thái độ Việt Nam cũng có tí ngon lành, thay đổi. Vừa qua Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong một bài nói cũng nhắc khéo với Trung Quốc là Hoàng sa là của Việt Nam. Và cũng trong bài nói chuyện ấy Thủ tướng Dũng để chứng minh cái chánh thống của chủ quyền Việt Nam trên các quẩn đảo đã nhắc tới cuộc hải chiến anh hùng năm 1974 của Hải quân Việt Nam Cộng hòa. Sở dĩ Thủ tướng Dũng nhắc đến là để chứng minh cái tuổi lịch sử của Hoàng sa, và cũng để xóa bỏ cái hiểu lầm của Trung Cộng đối với công hàm Phạm Văn Đồng. Khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhìn nhận cái lãnh hải của Trung Quốc trên vùng Biển ông Phạm Văn Đồng chỉ nhìn nhận những vùng biển thuộc chủ quyền trên miền Bắc vỉ tuyến thứ 17 mà thôi!
Hoàng sa và Trường sa nằm phía Nam vĩ tuyến thứ 17, thuộc quản trị hành chánh của Quốc gia Việt Nam và sau Hiệp định Genève của Việt Nam Cộng Hòa. Trung Cộng dùng Hải quân cưỡng chiếm Hoàng sa năm 1974 là một cuộc gây hấn đối với Việt Nam Cộng Hòa.
Công hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày nay là người thừa kế của Việt Nam Cộng Hòa phải có bổn phận tiếp tục đòi lại cho được phần đất đã bị Trung Cộng cưỡng chiếm vào năm 1974.
Cuối năm 2011, Tông thống Obama trong cuộc đi công du 9 ngày qua thăm Canberra (Úc châu) và Indonésia đã công bố một chánh sách mới tại Thái bình Dương. Trong một cuộc họp báo với thủ tướng Úc, bà Julia Gillard, và một ngày sau đó với Quốc hội Úc, Tổng thống Obama công bố kế hoạch "Huê kỳ trở lại Tây Thái bình Dương". Kế hoạch là trong nhiều năm tới, Hoa kỳ sẽ chuyển quân (2, 500 quân) đến đồn trú tại Darwin, một cảng lớn của Bắc Úc Châu.
Nhìn vào bàn đồ, chúng ta có ngay những tên kỷ niệm của bản đồ quân sử trong Thế chiến thứ 2 giữa Nhựt và Mỹ : nào Papua New Guinea với các trận đánh Port Moresby, rồi những vùng chiến lược Singapore, Indonésia (với eo biển chiến lược Malacca), Việt Nam (với cảng chiến lược Cam Ranh), nào là Đài Loan, Phi luật Tân, Guam … Biển Đông của Đông Nam Á, và Biển Cao Ly của Vùng Đông Á với Nam Hàn và Nhựt Bổn.
Mỹ trở lại với Tây Thái Bình Dương. Mỹ trở lại với nhóm Liên Minh ANZUS (New Zeland – Australia – USA) – Liên Minh ANZUS ký năm 1951, một liên minh đề củng cố Hiệp Ước SEATO – Liên Phòng Đông Nam Á. Mặc dù vào năm 1984, Tân Tây Lan đã từ chối không cho một tàu nguyên tử Mỹ cập bến, ANZUS có vẽ bị bỏ quên, vì thời điểm ấy không cần thiết. Nhưng, ngày nay, tuyên bố của Huê kỳ vừa qua, trong tình hình mới cũng có nghĩa là một ANZUS mới đang tái sanh (rồi Tân Tây Lan cũng phải trở lại thôi – cũng như Pháp cũng đã trở lại NATO bốn năm trước đây, vì cần thiết!).
Một SEATO mới?
ANZUS và SEATO cũng như NATO phía Ấu châu là những con để của thời chiến tranh lạnh. Sau chiến tranh Việt Nam, SEATO và ANZUS không được nói tới, vì lúc ấy, nếu Huê kỳ có ra khổi Tây Thái Bình Dương đi nữa, sự hiện diện của Hạm đội 7 cũng đủ duy trì thế lực và bảo vệ quyền lợi của Huê Kỳ trong cả Thái binh Dương. Trung Quốc chưa đủ mạnh để có một lực lượng quân sự đáng kể. Nhưng ngày nay, một Trung Quốc đang lớn mạnh về mặt kinh tế đang xây dựng một lực lượng quân sự với một tham vọng làm bá quyền trong vùng, và ra biển lớn để vẫy vùng trên Thái binh Dương. Đến lúc, Huề kỳ cần phải củng cố lại sức mạnh của mình ở Tây Thái bình Dương.
Mặc dù trong nhiều năm qua đã có một sự sửa soạn rồi, do nhửng chuyến đi lại của ông bộ trưởng bộ quốc phòng Robert Gates, vừa đi thăm để nhắc chừng các quốc gia Đông Nam Á rằng Huê kỳ vẫn quan tâm đến Đông Nam Á. Thế nhưng, Huê Kỳ những năm tháng ấy vẫn còn bận tâm với Irak, với Afghanistan nên các quốc gia Đông Nam Á vẫn còn chưa «dám» ngã hẳn về phía Huê kỳ. Nhưng nay, vì sự «lên gân» quá sức của Trung Quôc. Nào công bố chủ quyền trên Biển Đông, nào thiết lập căn cứ tàu ngầm trên đảo Hải Nam, nào đàn áp và tạo khó khăn cho các công ty nào ký giao kèo khai thác dầu khí với Việt Nam, với Phi luật Tân, rồi chận bắt ngư dân Viêt Nam, cắt cáp các tàu thăm dò của Việt Nam và ngang nhiên «dám»… chận cả tàu chiến Huê kỳ đang hoạt động thăm dò đáy biển trong hải phận quốc tế.
Ngang ngược của Trung Quốc đã đưa Huê Kỳ nhập cuộc Tây Thái bình Duông là một bài toán sai? Chưa chắc hẳn vậy. Huê kỳ vẫn chưa hẳn rảnh tay để đóng vai trò đàn anh dầu đàn ở Tây Thái bình Dương. Việc Irak vẫn chưa xong, Việc Afghanistan vẫn chưa ổn, nhưng vì cái thế chẳng đặng đừng thôi. Liên minh ANZUS là khóa cái chốt đường tiếp tế của Tàu từ Ấn độ Dương qua. Nếu đi đường ngắn thì phài qua eo Malacca, đường trung qua eo Sunda, đường dài qua eo Lombok nằm trước mặt Darwin. Từ Darwin Mỹ có thể kiểm soát Trường Sa – quần đảo Spratley cũng không xa lắm.
Huế kỳ nay đã có mặt ở Tây Thái bình dương. Tại sao không lập lại Liên Phòng Đông Nam Á – SEATO ? Đừng quên thời SEATO cũ trước (thành lập năm 1954 với Úc, Tân Tây Lan, Pháp, Anh, Pakistan, Phi luật Tân, Thái Lan và Huê kỳ) đã có mặt của Pakistan. Ngày nay một SEATO trải dài từ Pakistan, chư hầu tự nhiên của Mỹ qua Ấn độ đến các nước ASEAN là một hàng rào cản đối với sự bành trướng của Trung Quốc về phía Nam. Phần Đông Á với 28.500 quân đồn trú ở Nam Hàn, và hơn 40.000 quân đồn trú tại Nhựt bổn Mỹ có thể khoá miệng Trung quốc mạn Bắc Thái Bình Dương dễ dàng.
SEATO mới sẽ là hàng rào cản quân sự của ASEAN, đối lực với Trung Quốc, giữ độc lập cho Việt Nam:
Tạo lại một SEATO mới cho Đông Nam Á có phải là một ảo tưởng không? Ngay từ những năm cuối thế kỷ 20, chúng tôi trong những bài viết vẫn nghĩ rằng muốn tránh nạn Hán hóa và bành trướng của Tàu, bảo vệ giang sơn cơ đồ, Việt Nam phải biết dựa vào những Liên Minh vùng với các láng giềng: ASEAN về phát triển kinh tế, Ủy ban Mêkong bảo vệ giòng sông nuôi dưởng vựa lúa miền Nam, và phải cùng các nước cố gắng thành lập lại cái SEATO mới, cũng như SEATO cũ be bờ chống cộng sản Trung Hoa đỏ và nay sẽ giúp đở Đông Nam Á be bờ chống nạn Hán hóa.
SEATO mới có thể gồm 10 quốc gia ASEAN (Brunei, Cam Bốt, Indônésia, Lào, Malaisya, Myanmar, Phi luật Tân, Singapore, Thái lan, Việt Nam Cộng Hòa thành lập năm 1967 cũng trong chánh sách be bờ chống cộng) nhưng cũng có thể cộng thêm hai quốc gia phía Tây là Pakistan và Ấn độ, và phía Bắc là Nam hàn và Nhựt bổn. Chúng tôi không dám nghĩ đến Đài loan, vi hiện nay nếu Đài loan tuy lúc nào cũng ngoài mặt chống Lục địa nhưng trong lòng vẫn Hán tộc. Ấn độ và Pakistan là những kẻ thù không đội trời chung tranh chấp đất đai biên giới : Cachemir là một cái điển hình, Hồi giáo và Ấn giáo là hai. Sự tranh chấp về đất đai là một di tích của thời thuộc địa Anh để lại với đường Mac Mahon vẽ không không chú ý đến những cái đặc tính chủng tộc và sanh hoạt cùng lịch sử. Còn nói tranh chấp vì Hồi giáo và Ấn Giáo? Nếu Pakistan là hoàn toàn Hồi giáo, nhưng với nhiều hệ phái khác nhau, Ấn độ gồm nhiều đạo giáo khác nhau đa số là Ấn giáo, nhưng cũng có của người đạo Sik, cũng có kẻ đạo B'Hai, Phật giáo, Thiên chúa giáo…. Bên Âu châu người Hy lạp và người Thổ nhỉ Kỳ tuy không đội trời chung với nhau , nhưng cả hai đều ở chung Liên Phòng Đại Tây Dương – NATO với nhau.
NATO ngày nay là hàng rào cản quân sự phía Tây và phía Bắc của Mỹ chống Trung Quốc:
Xin mở một dấu ngoặc để nói về NATO hay The North Atlantic Treaty Organization – Tổ chức Hiệp Uớc Bắc Đại Tây Dương được Việt ngữ hóa rõ ràng hơn là Liên Phòng Bắc Đại Tây Dương là một tổ chức liên minh quân sự của các quốc gia đồng minh Âu châu và Bắc Mỹ để chống khối quân sự Công sản do Liên Xô đứng đầu (Khối quân sự Warsaw). Hiệp Ước ra đời năm ngày 4 tháng 4 năm 1949. Trụ sở được đặt tại Brussels, thủ đô Vương quốc Bỉ, hiện nay gồm 28 thành viên (hai quốc gia thành viên cuối cùng: Albania và Croatia nhập cuộc tháng 4 /2009), vị Tổng thư ký đương nhiệm là Ông Anders F Rasmussen, người Đan Mạch. NATO ngày nay không còn có nhiệm vụ phòng thủ chống khối Cộng sản nữa, nhiệm vụ chánh là giữ hòa bình, can thiệp, đứng giữ những ký kết tôn trọng đình chiến ở những vùng tranh chấp, …giữa hai quốc gia, giữa hai cộng đồng (thí dụ ở Kosovo, giữ đường ranh giới giữa cộng đồng người Serbes thiên chúa giáo chánh thống và cộng đồng người Kosovars Hồi giáo), nhiệm vụ giữ hoà bình nhưng cũng có thể nổ súng, như vừa qua, giúp đở phe dân chúng nổi dậy Lybie để chống việc quân đội của nhà độc tài Khadaffi tàn sát dân mình …
NATO cũng trong nhiệm vụ bảo vệ hoà bình thế giới đã ký kết với 22 quốc gia, trong đó có Liên bang Nga, cựu thù của mình, và bốn quốc gia Trung lập : Thụy sĩ, Thụy điển, Áo và Phần lan lập thành một Liên minh cho Hòa bình (Parnership for Peace). Tất cả 22 thành viên Liên Minh nầy đều tham dự Hội đồng Hữu nghị Âu châu – Bắc Đại Tây Dương (Euro – Atlantic Partnership Council) để cùng với 28 quốc gia thành viên NATO (tổng cộng là 50 thành viên) để bàn bạc, tổ chức bảo vệ hoà bình cho tất cả các thành viên. Mặc dù chỉ có 28 thành viên của NATO có đóng góp phương tiện kỹ thuật tài chánh và quân đội (Huê kỳ đóng góp 46% của tổng số chi tiêu, Anh Pháp Đức Ý 15% còn lại..) và nhưng các Partnership for Peace cũng phải tùy lúc, tùy vùng lúc cần thiết, giúp đở phương tiện, tiếp viện, tài chánh, kỹ thuật … . Ngoài ra NATO cũng ký trong những chương trình phòng thủ ngoài Âu châu với 8 quốc gia Địa trung Hải gọi là chương trình Đối thoại Điạ trung Hải (1994): năm nước Bắc Phi Mauritanie, Maroc, Algérie, Tunisie, Egypte và hai quốc gia Trung đông: Jordan và Israël. Năm 2004 NATO cũng được nhóm Istanbul Cooperation Iniative mời vào tham dự Hội đồng hợp tác của vùng Vịnh Ả Râp (Gulf Cooperation Council) gồm có Bahrein, Qatar, Kuwait và Liên Hiệp ẢRập.
Sở dĩ chúng tôi dài dòng về NATO, để đánh tan với quý độc giả vài quan niệm sai lầm về NATO:
Sai lầm số 1: NATO chỉ là một Hiệp Ước quân sự của Bắc Mỹ và Âu Châu và chỉ hoạt động trên vùng địa lý và chỉ có ảnh hưởng Âu châu thôi là một quan niệm sai lầm. Liên bang Nga thí dụ ngày nay tuy chỉ là một NATO partner thôi, nghĩa là không đóng góp người và vật, tài chánh hay quân sự. Nhưng theo hiệp ước PfP – Partnership for Peace, lúc nào vì nhu cầu hoà bình Nga, cũng có thể cho mượn đường, cho mượn đất đai, địa hình để quân đội NATO sử dụng. Nước Nga không phải chỉ là một quốc gia Âu châu, Nga cũng là một quốc gia Á châu, hải cảng lớn phía Đông của Nga là Vladivostok nằm cạnh biên giới Trung Quốc và Bắc Hàn. Nói tóm lại với Nga, NATO ngày nay nằm cạnh Trung Quốc và kiểm soát, bao vây và chận toàn mạn Bắc Trung Quốc. Với Hiệp Ước PfP (Partnership for Peace), NATO có 5 quốc gia Hồi giáo nói tiếng Thổ nhỉ Kỳ, cựu Sô Viết, cựu Đé quốc Tamerlan, nằm dọc theo Con đường chiến lược lụa cạnh sát phía Tây Trung Quốc. NATO, tức là Mỹ (40% tổng chi phí là do Mỹ tài trợ), với các đồng minh Nga và 5 quốc gia cuối tên Stan (Ouzbékistan, Kazakhstan, Kirghizistan, Tadjikistan, Turkménistan) giữ mạn Bắc và mạn Tây của Trung Quốc.
Ngày nay với ANZUS mới, và nếu với SEATO mới, NATO nghĩa là Huê kỳ có thể bao vây Trung Quốc. Thế giới ngày nay đa cực, nhưng những hiệp ước quân sự phòng thủ do Huê Kỳ tổ chức thế giới tiên tiến vẫn có thể giữ được một quân bình quân sự. Có thể có những cuộc bùng nổ chiến tranh cục bộ , nhưng một cuộc Đại chiến thế giới khó có hy vọng bùng nổ.
Sai lầm số 2: Ngày nay không còn quốc gia trung lập nữa. Những quốc gia có thể chế Trung lập truyền thống như Thụy sĩ, Thụy Điển, Đảo Malte, hay thể chế mới như Áo hay Phần Lan hay Ireland cũng không còn nữa vì tất cả đều nằm trong chương trình PfP. Thụy sĩ vừa qua đã chấp nhận ra lệnh cho các Ngân hàng Thụy sĩ mình sẳn sàng trả lời những câu hỏi về những tài mục do các thân chủ mình cất gởi, nếu có trát Tòa án. Như vậy thái độ Trung lập của Thụy sĩ không còn nữa.
Các nhà trí thức và học giả Việt Nam không theo dõi thời sự vẫn còn mơ các thời Thế giới lưởng cực của chiến tranh lạnh ý thức hệ. Mơ rằng khi có hai bên chiến tranh, Việt Nam ta ở giữa, ta nên trung lập. Thế giới ngày nay là thế giới đa cực. Huê Kỳ, Âu Châu, Trung Quốc, Nga, Nhựt … đều là những thế lực lớn để lôi kéo tranh giành ảnh hưởng. Nhưng đó là những ảnh hưởng kinh tế. Nhưng về mặt quân sự, sức mạnh quân sự hiện vẫn còn trong bàn tay của Mỹ? Âu Châu và Nga tuy kém hơn, nhưng về mặt kỹ thuật vẫn còn hiệu lực cao.
Trước nguy cơ ngày nay của khủng bố Al Quaida, người ta có cảm tưởng về mặt quân sự là Mỹ và NATO thất bại. Người ta chỉ nhìn vào con số tổn thất người chết, của cải, tiền bạc… , người ta không nghĩ rằng từ ngày 11/9/2001 đến nay trên 10 năm, thế giới sanh sống bình thường, giao thông yên ổn, làm ăn đàng hoàng….
Sau một vòng du lịch quanh thế giới, lời kết xin dành riêng cho Việt Nam:
Việt Nam năm 2012: phải thay đổi, chỉ thay đổi và thay đổi để tồn tại:
Năm 2012, Việt Nam đang bước vào một vận hội mới. Kinh tế bi quan, hết ngoại tệ, lạm phát, bong bóng nhà đất thế nào cũng nổ, nếu không nổ rồi. … Nhưng trái lại ngày nay dám nói với Trung Quốc rằng Hoàng sa Trường sa là của Việt Nam (chiếu lời nói của Thủ tướng Dũng vừa qua).
Vì vậy, đây là lần đầu tiên, Quan và dân đều nói được tiếng nói Chống Tàu. Nói được tiếng nói Dân tộc, Độc lập. Việt Nam còn nhiều tiền. Tiền ở tài sản của Đảng Cộng sản, tiền nơi tài sản riêng của các đảng viên, tiền ở giới tài phiệt Việt Nam, ở các các đại gia Việt Nam, Dân Việt Nam nghèo, đất nước Việt Nam nghèo, nhưng đảng Cộng sản Việt Nam, các đảng viên, giới tài phiệt Việt Nam rất giàu.
Hãy tạo Một quỹ cứu nước để kêu gọi các tài sản ấy đóng góp. Đây là cái dịp để Cứu Đất Nước. Đảng Công sản có cái dịp ngàn năm một thuở trở về với dân Việt Nam. Nếu thực sự Đảng Cộng sản là đảng của dân, dẫn dắt dân, thì ngảy hôm nay, Đảng, đảng viên, và gia đình và các người sống nhờ Đảng hãy mở hầu bao để cứu dân Việt Nam.
Đó là về mặt kinh tế tài chánh.
Về mặt quân sự hãy cùng ASEAN thành lập một SEATO mới để tạo một đối lực quân sự với Trung Quốc.
Muốn có Hòa Bình phải biết sửa soạn chiến tranh. Qui veut la Paix prépare la Guerre!
Cũng vì lẽ ấy mà Huê Kỳ đổ bộ vào Darwin (Úc Châu).
© Phan Văn Song
—————————————————-
*Bảng sắp hạng 10 cường quốc năm 2050
(theo Tổng sản lượng quốc gia hằng năm) :
1/ Trung Quốc 24. 617 tỷ US$ ( thứ tự 2010: 3 TSL đầu người 2010 /2050: 2.396 /17.372 )
2/ Huê Kỳ 22. 270 tỷ US$ ( 1 : 36. 354 / 55. 134 ) Số 2 năm 2050 về TSL/đầu người
3/ Ấn độ 8. 151 tỷ ( 8 : 790/ 5. 060 )
4/ Nhựt Bổn 6. 429 tỷ (2 : 39. 435/ 63. 244 ) số 1 năm 2050 về TSL/đầu người.
5/ Đức 3. 714 tỷ (4 : 25. 083/ 52. 683 ) số 3
6/ Anh Quốc 3. 576 tỷ (5 : 27.646/ 49. 412 ) số 5
7/ Ba Tây 2. 960 tỷ (9 : 4. 711/ 13.547 )
8/ Mể Tây Cơ 2. 810 tỷ (13 : 6.217/ 21. 793)
9/ Pháp 2.750 tỷ (6 : 23. 881/ 40. 643 ) số 6
10/ Canada 2.287 tỷ (10 : 26. 335/ 51.485 ) số 4
Năm 2050 Trung Quốc sẽ là quốc gia giàu nhứt thế giới.
Nhưng người Nhựt sẽ là người có bình quân Tổng sản lượng nhứt thế giới (người giàu nhứt)
Và theo thứ tự các quốc gia tiên tiến Huê kỳ, Đức, Canada, Anh, Pháp vẫn có những công dân giàu. Nhóm nầy G6 vẫn ngon lành như thường .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét