Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012

Gặp gỡ đầu xuân Nhâm Thìn 2012: phát biểu của PGS-TS Trần Ngọc Vương

Nguồn anhbasam


" … một ông hàm Thứ trưởng làm Phó Chủ tịch thành phố Hải Phòng mà dám đổ tội cho dân rằng dân phá nhà dân. Đấy là một cái tội vừa tội danh về luật pháp, vừa về mặt đạo đức. Mà một người như thế mà lại lên đến một vị trí như thế. Đấy là một điều kỳ lạ mà chưa bao giờ  người ta trắng trợn như thế, và thậm chí người ta ngỗ ngược, láo xược với dân như thế. Thế mà người ta dám làm đấy, mà chưa chắc ông này đã việc gì đâu."

(Mời xem lời giới thiệu cuộc Gặp gỡ đầu xuân Nhâm Thìn 2012 , do Tia sáng và Trung nguyên tổ chức và phát biểu của ông Dương Trung Quốc).

Kính thưa các bậc trưởng thượng, thưa tất cả các anh các chị.

Tôi nhớ cách đây khoảng hơn một năm cũng ở cái chốn này đây, thì tôi có ra mắt cái cuốn sách của tôi, "Thực thể Việt nhìn từ các tọa độ chữ". Hôm đấy cũng rất may mắn và vinh dự được chị Nguyễn Thị Bình và nhiều người ở đây cũng có mặt để cổ vũ.

Và ở cuốn sách của tôi thì có tự đặt ra cho mình một cái yêu cầu là nghiên cứu thực thể hiện từ nhiều góc nhìn khác nhau và chủ yếu trên bình diện văn hóa theo nghĩa rộng. Nhưng trong cuốn sách đó thì có một ý tưởng nó ám ảnh tôi từ lúc bắt đầu cầm bút cho đến bây giờ mà tôi vẫn chưa nói được. Mà đến giờ tôi vẫn chưa viết ra thành văn bản về chuyện đó.

Nhưng mà trước khi viết nó ra thì tôi xin nói trước và hôm nay lần đầu tiên tôi nói cái chuyện này. Và tôi xin nói một cách nghiêm túc suy nghĩ của mình chứ không phải là đùa rằng:

Tôi nhận thấy trong những nước mà có lịch sử hàng nghìn năm. (Ta không có 4000 năm, anh sử gia Dương Trung Quốc nhỉ, ta không có 4000 năm đâu, nhưng cũng khoảng 2800 năm thì có thể có lịch sử để cho học sinh học). Và có rất nhiều cái thành tựu ở các triều đại, thời kỳ khác nhau và ta đã từng tổng kết được những cái phương diện nhất định của từng bình diện một đều có thể đáng tự hào cả, đều có cái để mà tự hào với thế giới. Quả là như vậy!

.

Nhưng có một đặc điểm hàng đầu mà Việt Nam có mà tất cả các nước có truyền thống văn hóa mấy nghìn năm không có. Đó là truyền  thống dựng lên rồi phá đi tất cả và lại làm lại từ đầu. Cái truyền thống này của Việt Nam có nên gọi là truyền thống không thì tôi không rõ. Nhưng đó là một đặc điểm của văn hóa Việt Nam. Tất cả các triều đại mà thịnh trị nhất, đạt tới những giá trị cao nhất rồi đến những triều đại kế thừa sau đó chả thèm kế thừa gì hết. Và tự xây dựng lên một cái gì đấy của mình và nếu như trong những cái hoạt động của các triều đại tiếp theo mà có một số thành tựu nào đó thì là do sáng tạo của chính triều đại đó hơn là sự tích hợp văn hóa của các triều đại trước.

Cái đặc điểm này của văn hóa Việt Nam ý, khiến cho người Việt bây giờ vẫn cứ phải đọc mãi câu mà Tản Đà nói vào những năm 20 của Thế kỷ 20:

"Dân 25 triệu, ai người lớn,  nước 4000 năm vẫn trẻ con".

Cái đặc điểm này của văn hóa Việt Nam tôi không hiểu là tất cả các vị ở đây có ai chia sẻ với tôi những cái day dứt này không. Nhưng mà những tổng kết về danh nhân mà cá nhân tôi đã thực sự tự tiến hành giúp tôi nói rằng các danh nhân của ta cũng không buồn kế thừa nhau.

Trong khi đó nếu nhìn sang bên cạnh, một số quốc gia bên cạnh, thì tôi thấy chẳng hạn Trung Quốc, họ không làm thế. Trung Quốc, một nhà chính trị Trung Quốc kế thừa đời trước, nó khảo về đời trước và nó bàn luận rất là kỹ, ông này được cái này mất cái này và nên chọn cái này rồi nên tiếp tục theo cái kia. Trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc là luôn luôn thế, cho nên nó có một cái ngành làm nên việc đó từ đầu đến cuối lịch sử văn hóa Trung Quốc là cái ngành "Huấn hỗ học". Huấn hỗ học là nó kiểm điểm từng giai đoạn một, lấy lại cái gì.

Thế nhưng mà ta, ta chả chịu lấy cái gì. Cho nên các triều đại trước cứ việc trôi đi, lịch sử cứ việc nối dài ra, nhưng mà người bây giờ vẫn không học được cái gì của triều đại trước cả. Và chỉ nhắc đến cha ông để tự hào vỗ ngực với nhau thôi chứ còn không thừa kế được.

Vì vậy cho đến ngày hôm nay, chúng ta thấy cái văn hóa cầm quyền là cái điển hình nhất, là không có sự thừa kế nào hết. Và nghĩ ra được cái gì là cầm quyền theo cách đó. Ngay cái người mà cần thừa kế gần nhất là cụ Hồ, người ta có thừa kế đâu. Có phải không anh Nguyễn Sĩ Dũng nhỉ, chính anh cũng chia sẻ cái điều ấy mà tôi thấy cái điều đó cũng là … Cho nên chính cái đó làm cho ta cứ trì trệ mãi, cứ trẻ con mãi, cứ vị thành niên mãi. Đấy là một cái điều rất là chua chát và đau đớn.

Và cái ý thứ hai là trong thời điểm hiện nay, từ những dấu hiệu văn hóa, tôi nhận ra rằng hiện nay đang bộc lộ khá đầy đủ tất cả những thuộc tính của một xã hội mà rơi vào khủng hoảng mà nó rất giống với mấy cái chặng này này: Trần mạt. Cái đận Mạc mạt. Cái đận Lê mạt, mấy cái đận mà gọi là mạt ấy về mặt văn hóa có rất nhiều biểu hiện là giống như ngày hôm nay. Tôi xin nói điều này có anh Dương Trung Quốc làm chứng bởi vì rất nhiều dấu hiệu như vậy.

Quan chức của ta, đặc biệt là hệ thống quan chức được ghi trong chính sử, tất cả những tệ nạn của quan chức là lên đến cùng cực thì đều là dấu hiệu của thời mạt cả. Tôi không nói thời loạn , tôi nói thời mạt. Tất cả các thời mạt.

Và tôi xin nói thẳng thắn, một ông hàm Thứ trưởng làm Phó Chủ tịch thành phố Hải Phòng mà dám đổ tội cho dân rằng dân phá nhà dân. Đấy là một cái tội vừa tội danh về luật pháp, vừa về mặt đạo đức. Mà một người như thế mà lại lên đến một vị trí như thế. Đấy là một điều kỳ lạ mà chưa bao giờ  người ta trắng trợn như thế, và thậm chí người ta ngỗ ngược, láo xược với dân như thế. Thế mà người ta dám làm đấy, mà chưa chắc ông này đã việc gì đâu.

Tôi chỉ nói về bình diện văn hóa thôi, còn những bình diện khác thì tôi không can thiệp. Nhưng về mặt văn hóa trong lịch sử những người kiểu như vậy chỉ xuất hiện vào cái thời điểm của tuần huyện Trang thôi ạ. Tuần huyện Trang thôi. Tuy nhiên nó có phương diện thứ hai, trong tất cả các giai đoạn mạt ấy thì những cái anh có thiện trí thức ý là khổ sở nhất. Và những người khổ sở nhất phần lớn đang ngồi đây. Một bộ phận khổ nhất, rồi day dứt nhất là ngồi đây. Và kể cả anh Nguyễn Minh Thuyết cũng rất mạnh mẽ trước Quốc hội nhưng cũng đầy tâm sự, đầy day dứt, đầy đau khổ chưa thể nói hết được đâu. Tôi biết là như thế. Cho nên tôi nghĩ rằng đó là một chuyện mà ta phải tìm cách để thay đổi, tìm cách để mà kế thừa, tìm cách để nhân lên những gì tử tế chứ không thể để mãi thế này được.

Và với tư cách là cái tờ tạp chí của lĩnh vực Khoa học Công nghệ của tạp chí "Tia sáng" được tiếng hàng chục năm nay, mười mấy năm nay là một tờ tạp chí có phương diện tốt. Tôi chỉ không nói thành tựu gì khác. Tôi chỉ nói cái phương diện được coi là thiện trí thức tức là có cái lương tri nói được phần nào đấy, lương tri của cộng đồng khoa học và cộng đồng trí thức nói chung. Tôi chúc tạp chí Tia sáng, chúc tất cả cộng tác viên "Tia sáng" giữ gìn và nuôi dưỡng cái ấy mà đẩy lên được chỗ nào hay chỗ nấy cái lương thiện tri thức ấy.

Lương thiện trí thức, cái mà chúng ta hiện nay cũng đang khủng hoảng nốt. Khủng hoảng ở cái tầng cuối cùng là khủng hoảng của tầng lớp trí thức. Bởi vì trí thức bao giờ cũng là tinh hoa dân tộc. Thế mà nếu mà trí thức khủng hoảng, trí thức hỏng thì có nghĩa là cả cái dân tộc này hỏng, hỏng không phương cứu chữa. Chứ còn bộ máy quản lý có thể thay đổi. Nhưng nếu như cả tầng lớp trí thức mà hỏng là dân tộc đấy hỏng rồi. Và tôi cho rằng chúng ta cố giữ lấy cái lương thiện và cái tử tế trí thức ấy.

Và tôi xin cảnh báo rằng không phải là không có những dấu hiệu hỏng trong sâu xa đâu. Anh Thành và một số người khác yêu cầu tôi tham gia cách đây mấy năm về làm cái điều lệ cho quỹ NAFOSTED. Và tôi là một trong những người nói to nhất về cái chuyện phải tách riêng khoa học xã hội ra khỏi khoa học tự nhiên, làm điều lệ thêm cho nó và cuối cùng họ ấn cho tôi là tham gia biên soạn điều lệ.

Nhưng rồi quan sát hai, ba vụ, triển khai xét chọn đề tài  của quỹ NAFOSTED cho (các khoa học) xã hội nhân văn, thì tôi xin cảnh báo rằng cái việc thẩm định và đưa đề tài đến tay người làm đã mang đầy đủ dấu hiệu của một cơ chế quan liêu. Và cái cách giao đề tài và kiểm soát đề tài như chúng tôi muốn ban đầu đã hoàn toàn biến dạng, đã có những dấu hiệu là không như thế nữa rồi. Cho nên … Và đấy cái chỗ mà ta tưởng là cơ chế mới để mong là nó khác đi thì những dấu hiệu đã bắt đầu thấy là … Cái quỹ NAFOSTED không làm tôi …, không phải bây giờ, mà cách đây vài năm tôi đã bắt đầu thấy khó tin rồi. Cho nên cũng xin nói … và đấy là lĩnh vực của chúng ta, lĩnh vực của khoa học thuần túy mà chúng ta thầm hy (không nghe rõ) vọng.

Cho nên tôi xin nói với tất cả những người ngồi trong hội trường này rằng những dấu hiệu ấy là những dấu hiệu rất đáng buồn. Một lần nữa tôi xin nói rằng tất cả những điều tôi nói ở đây đúng sai là tùy các vị phán xử nhưng đấy là điều tôi tin cậy. Tôi tin rằng là tôi nghĩ như thế thành thực, "thành thực" và "đúng" là hai chữ khác nhau. Xin cám ơn!

Tham khảo:  + Về PGS.TS TRẦN NGỌC VƯƠNG (Đại học KHXHNV);   + Phép hành chỉ của Ngô Ðức Kế giữa một thời mưa Âu gió Á (talawas, 26/7/2008); + Chủ nghĩa duy tâm của một quan niệm về lãnh thổ (talawas, 21/12/2007);  + PGS, NGƯT Trần Ngọc Vương: Đạo thầy trò đã có những thay đổi căn bản (PLTP);  + PGS-TS Trần Ngọc Vương: Thượng phải chính! (ANTG); + PGS.TS Trần Ngọc Vương: Làm quan rồi là không "thèm" học (Bee).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét