Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Nguyễn Quang Vinh : VỤ TIÊN LÃNG- KỲ 26: MỘT VỞ DIỄN TỒI

Nguồn nguyencuvinh


Đối với một vở diễn sân khấu ( tuồng- chèo- cải lương- kịch nói- kịch hát) thì yếu tố quan trọng số 1 là nhân vật. Dù ý tưởng vở diễn tốt, chủ đề sáng sủa, dàn dựng mới lạ mà nhân vật kém thì vở diễn cũng vứt đi. Ở vụ Tiên Lãng, các còm sĩ nhận định là một vở diễn, đầy kịch tính, kịch tính liên hồi kỳ trân, kịch tính kéo dài gần hai tháng rồi và nhân vật kịch cũng đã xuất hiện trên sân khấu gần hết. Các nhân vật của vở diễn này đã cố gắng làm hết sức mình để chứng tỏ mình là ai, mình thế nào, cả về số phận, cả về hành động, cả về tính cách, cả về ngôn ngữ, nhưng vở diễn vẫn là một vở diễn tồi tệ.

Đối lập kịch giữa nhóm nhân vật là gia đình anh em Đoàn Văn Vươn và nhóm lãnh đạo từ thành phố Hải Phòng, xuống huyện Tiên Lãng, xuống tận xã Vinh Quang.

Hai nhóm nhân vật đối kháng quyết liệt, có cả tiếng nổ, khói lửa, trên bối cảnh đầm hồ, mây mù u ám, những hàng chuối xác xơ bị xô quật trong gió rét.

Nhưng khi vở diễn thực sự bắt đầu mở màn, thì chỉ còn nhóm nhân vật chính quyền diễn một mình.

Và cần phải ghi nhận công sức và sự nỗ lực diễn xuất của nhóm diên viên chính quyền này.

Vì sao nói diễn? Diễn là vì bản thân các quan chức chính quyền từ Hải Phòng, Tiên Lãng, đến xã Vinh Quang đều nắm rất chắc cái việc mình làm- cưỡng chế bằng được. Cái ý chí bằng được thể hiện rõ trong công văn, quyết định, trong sự thống nhất cao từ thành phố xuống xã, "bất biết" đúng sai, tức là biết sai cũng chơi, chơi bằng mọi giá miễn là lấy cho được đầm hồ nhà anh Vươn.

Nhưng sau khi sai tóe ra, Thủ tướng kết luận, thì bắt buộc các quan chức chính quyền phải diễn để cố sống cố chết bảo vệ cái sai.

Mấy màn kịch đầu tiên, diễn viên Khánh Loa xuất hiện dày đặc, lời thoại dày đặc, âm thanh đúng đúng đúng câu nào cũng có.

Tiếp đến diễn viên Lê Văn Hiền cũng nhảy ra vài cảnh kịch, vẫn giống Khánh Loa, lại hét, đúng đúng đúng.

Người ta chờ đợi một  nhân vật diễn khác đi, khi nhìn thấy diễn viên Đỗ Trung Thoại đã lấp ló sau cánh gà. Nhưng rồi diễn viên Thoại vẫn thế, vẫn cái giọng điệu bảo vệ nhau, chỉ khác là dùng lời thoại mới hơn: dân bức xúc, bức xúc, bức xúc.

Khán giả vẫn không nản lòng, vẫn nán lại xem kịch, hy vọng có một nhân vật ở một kiểu tính cách  khác.

Nhân vật Gu gồ chấm Tiên Lãng xuất hiện. Khán giả vỗ tay. Nhân vật chính đây rồi. Vỗ tay. Chờ đợi. Chỉ cần nhân vật chính với tên gọi rất dễ thương Gu gồ chấm Tiên Lãng hạ một câu, ví dụ, thành thật xin lỗi…coi như kịch tan, nhạt phèo. Nhưng Gu gồ chấm Tiên Lãng đã làm bật ngửa khán giả với cái ý cũng là bảo vệ nhau như các nhân vật kia, khác chăng là dùng lời thoại tầm vóc hơn, vĩ mô hơn, hoành tráng hơn: bôi nhọ, bôi nhọ, bôi nhọ…thiệt hại thiệt hại thiệt hại…âm mưu âm mưu âm mưu

Kịch đang từ hồi kết vọt cái lên màn đầu.

Bây giờ thì vở diễn mới bắt đầu.

Từ hôm mồng 5/1 đến giờ, dù các diễn viên đã cố gắng, nhưng vẫn chỉ làm nên một vở diễn tồi.

Bắt đầu từ đây, vở diễn sẽ khá hơn chăng?

Khá hơn nếu tình huống kịch sẽ ngoặt sang việc khởi tố, bắt giam các bị can.

Và những lời thú tội trước nhân dân.

Được thế, các nhân vật không còn một màu, một chiều.

Khán giả lại hy vọng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét