Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

VỤ TIÊN LÃNG - KỲ 20: TRUNG TƯỚNG, THỨ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN PHẠM QUÝ NGỌ: BỘ CÔNG AN ĐẶC BIỆT QUAN TÂM VỤ TIÊN LÃNG

Nguồn nguyencuvinh


  Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ và nhà văn Nguyễn Quang Vinh

Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ, ủy viên Trung ương Đảng, người được Bộ trưởng Công an giao nhiệm vụ theo dõi, chỉ huy, xử lý vụ Tiên Lãng, chính là người năm 1997, với tư cách giám đốc Sở Công an tỉnh Thái Bình đã cùng  tổ công tác của Trung ương, xử lý thành công  những biến động tại Thái Bình..

Và lần này, với vụ Tiên Lãng, như duyên phận, Trung tướng Phạm Quý Ngọ lại thay mặt Bộ Công an chỉ huy toàn cục những xử lý pháp luật về vụ việc trái pháp luật tại địa phương này.

Trung tướng Phạm Quý Ngọ kể, ngay cái buổi chiều họp với văn phòng chính phủ, Thứ trưởng Ngọ đã thống nhất với Thanh tra việc thu hồi, cưỡng chế đất của huyện Tiên Lãng là không sai, đúng luật.

Tham mưu như vậy rồi nhưng về anh Ngọ vẫn băn khoăn. Suốt đêm, anh Ngọ xem lại toàn bộ hồ sơ, các quyết định, đối chiếu với luật luất đất đai từ năm 1987, đến năm 1993, và luật đất đai 2003. Để rồi hôm sau, lại chính anh Ngọ báo cáo lại với Thủ tướng, chính quyền Tiên Lãng làm trái luật. Để có hai chữ trái luật, là phải trằn trọc cả đêm, luôn luôn ám ảnh trong anh một câu hỏi, cái nguyên cớ gì Đoàn Văn Vươn và những người nhà lại hành động như thế. Ám ảnh như thế để lại ngồi xem lại tất cả các bộ luật, xem kỹ, hỏi thêm ý kiến các chuyên gia, để dần dần sáng rõ ra mọi việc, cùng với các bộ ngành chuyên môn, đặt trong kết luận của Thủ tướng một câu quan trọng: quá trình cấp đất, thu hồi, cưỡng chế đất tại Tiên Lãng là trái pháp luật và trái đạo lý.

Đối với Vụ Tiên Lãng, Thứ trưởng Bộ công an Phạm Quý Ngọ cho biết:

-Lúc đầu, khi nghiên cứu hồ sơ vụ Tiên Lãng, chúng tôi thấy nếu căn cứ luật đất đai năm 1987 thì đất của anh Vươn là đất bãi bồi, chưa sử dụng, không phải đất nông nghiệp. Tuy nhiên sau khi xem kỹ luật đất đai được sử đổi năm 1993 và cuối cùng là năm 2003 thì diện tích đó mặc nhiên là đất nông nghiệp. Về nguyên tắc pháp lý, luật năm 2003 phủ nhận luật năm 1993.

-Việc khởi tố anh em Đoàn Văn Vươn tội giết người, Bộ công an cho rằng, như Thủ tướng đã kết luận, cần xem xét những tình tiết giảm nhẹ cho Đoàn Văn Vươn, vì thế, Bộ Công an sẽ cùng cơ quan điều tra công an Hải Phòng có thể xem xét lại tội danh đã khởi tố.

-Trong vài ngày tới, tôi sẽ thay mặt Bộ Công an tổ chức một cuộc họp, mời Sở công an thành phố Hải Phòng, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng, cùng các cơ quan nội chính Trung ương, dưới sự chủ trì của Bộ Công an để rà soát lại toàn bộ vụ việc, cả vụ án đã khởi tố về hủy hoại tài sản, vụ án Đoàn Văn Vươn, xem xét chứng cứ để khởi tố vụ án cố ý làm trái các quy định nhà nước của các cán bộ Hải Phòng, Tiên Lãng. Cuộc họp này chúng tôi cũng đặt cả vấn đề xem xét lại tội danh cho Đoàn Văn Vươn

-Cá nhân tôi, tôi đã có kinh nghiệm xử lý vụ việc tại Thái Bình từ năm 1997. Chúng tôi đã xử lý 152 xã là điểm nóng. Từ vụ Thái Bình, tôi rút ra một kinh nghiệm công tác: Bất cứ điều gì xảy ra  liên quan đến an ninh trật tự nói chung và an ninh nông thôn nói riêng là câu hỏi: việc gì? bởi tại làm sao? Tức là đặt cho người chỉ huy phải tìm cho ra  căn nguyên, tìm cho ra lý do. Ví dụ như hành động của Đoàn Văn Vươn, khi được Bộ trưởng giao nhiệm vụ, tôi lại đặt câu hỏi: Tại sao Đoàn Văn Vươn lại dám hành động như vậy? Phải có nguyên nhân gì? Hỏi như thế để thận trọng với từng hành động, từng mệnh lệnh.

-Nguyên nhân vụ việc Tiên Lãng, theo tôi, về khách quan là do Luật đất đai của chúng ta thay đổi nhiều lần, chồng chéo, có nhiều điều khoản chưa hoàn chỉnh, rất khó chỉ đạo. Về chủ quan, cán bộ địa phương nhiều đồng chí làm việc chưa thấu tình đạt lý với dân, chưa am hiểu luật pháp, đặc biệt nếu lồng vào đó vụ lợi cá nhân nữa thì rất nguy hiểm. Đây thực sự là bài học xương máu đối với nhiều địa phương, nếu cán bộ trong khi thực thi công vụ mà động cơ không trong sáng nữa thì hậu quả khôn lường. Riêng đối với lực lượng lưỡng chế, đáng ra phải xem xem tham gia vào lực lượng cưỡng chế ấy, chỉ huy phải hiểu rõ cưỡng chế vì mục đích gì, phải thận trọng, và thấy rằng chỉ huy lực lượng cưỡng chế không thận trọng, nóng vội, khi tình huống xảy ra thì lúng túng , phải tôn trọng người dân. Công tác nắm tình hình đi trước một bước, công tác chuẩn bị nắm tình hình phải kỹ, xem đối tượng bị cưỡng chế nhân thân ra sao, việc chống chế nguy hiểm không, khi Đoàn Văn Vươn nổ mìn, bắn đạn hoa cải thì lại chỉ huy xông vào nữa là không được.

-Tóm lại, Bộ Công an đặc biệt quan tâm vụ việc ở Tiên Lãng, và nhân dân hãy yên tâm, không có chuyện vụ Tiên Lãng chìm xuồng. Một khi dấu hiệu ở Hải Phòng không khách quan, Bộ Công an vào cuộc ngay, và chỉ có cách đó mới lấy lại niềm tin của nhân dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét